Friday, April 26, 2024

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt gặp gỡ độc giả hâm mộ tại Little Saigon

Đoan Trang/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Hôm nay vui quá, tôi được gặp nhiều độc giả là những người yêu mến quyển sách ‘The Sympathizer’ của tôi và cả đề tài tôi muốn nói hôm nay,” giáo sư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt, người đoạt giải Pulitzer, nói với Nhật báo Người Việt tại Thư Viện Santa Ana, hôm 28 Tháng Năm.

Nhà văn Thanh Việt ký tặng sách cho độc giả sau buổi nói chuyện hôm 28 Tháng Năm tại Thư Viện Santa Ana. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Được gặp thần tượng bằng xương bằng thịt

Có hơn 100 độc giả là những người yêu mến các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thanh Việt có mặt rất sớm để được nghe ông nói chuyện.

Nhà văn 51 tuổi này dành gần một giờ đồng hồ để chia sẻ về đời sống, văn hóa, gia đình Việt Nam, những điều có liên quan đến quyển sách giúp ông đoạt giải Pulitzer, giải thưởng cao quý dành cho người cầm bút, có cách đây 105 năm do nhà báo người Mỹ gốc Hungary Joseph Pulitzer sáng lập.

Đông đảo độc giả đến tham dự buổi nói chuyện của nhà văn Thanh Việt. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Hello Santa Ana!”. Không xuất hiện như một diễn giả, nhà văn Nguyễn Thanh Việt chào mọi người, thư thái bước ra, ngồi xuống và tạo nên nhiều tiếng cười vui sảng khoái, như không khí một gia đình, tại Thư Viện Santa Ana.

“Tôi sang Mỹ lúc mới 4 tuổi, giống cậu bé kia kìa,” nhà văn chỉ cậu bé đi cùng gia đình, ngồi ở một góc, nói. “Nhưng không lai, mà là chú bé Việt Nam chính gốc. Mấy chục năm trên đất Mỹ, tôi vẫn là người Việt, người tị nạn, và rất yêu Việt Nam.”

Hầu như những người đến dự buổi nói chuyện đều có trong tay tác phẩm đoạt giải Pulitzer “The Sympathizer,” cũng như quyển “The Committed”, “The Refugees”  và cả quyển sách viết cho thiếu nhi “Chicken of the Sea”.

Chị Bùi Thị Phương Trâm gọi nhà văn Thanh Việt là thần tượng của mình. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Hầu như không có một sự xa lạ, hay khoảng cách nào giữa nhà văn nổi tiếng và những người hâm mộ, và không chỉ là cư dân California.

Chị Bùi Thị Phương Trâm, cùng cậu con trai 16 tuổi bay từ tiểu bang Arizona sang, hết sức phấn chấn, cho biết: “Tôi may mắn sang California thăm gia đình khi được nghỉ lễ Memorial Day, đúng ngay dịp ‘thầy’ Việt có buổi nói chuyện. ‘Thầy’ và tôi cũng có biết nhau trước qua một nhóm những người tị nạn, và có cuộc sống cũng khá tương đồng, nên những gì ‘thầy’ chia sẻ hôm nay, tôi hoàn toàn đồng ý.”

Chị Phương Trâm sang Mỹ khi mới 6 tuổi, cho biết chị cùng tuổi với nhà văn Thanh Việt, nhưng vì nhà văn đã là giáo sư, nên chị gọi bằng ‘thầy’ với sự ngưỡng mộ tuyệt đối.

“Nhà văn Nguyễn Thanh Việt là thần tượng của tôi đó! Tôi đọc ‘The Sympathizer’ rồi, rất muốn được gặp tác giả bằng xương bằng thịt, nhưng những lần trước do ‘thầy’ nói chuyện ở nơi xa quá, tôi không tham dự được. Hôm nay tôi vui sướng và thỏa mãn lắm. Giờ tôi đang chờ để xem bộ phim cùng tên, đang mới ở giai đoạn tuyển chọn diễn viên.”

Nhà văn Thanh Việt (bìa phải) lắng nghe câu hỏi của một độc giả. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

‘The Sympathizer’ bản tiếng Việt, bao giờ?

Trong lúc nói chuyện, nhà văn kể, khi biết ‘The Sympathizer’ đoạt giải, cha của ông rất vui, tự hào, nhưng cho đó là chuyện… bình thường, và không tỏ ra quá quan tâm. Tuy vậy, mấy ngày sau, ông hỏi người con: “Đó là sách viết bằng tiếng Anh, còn bản tiếng Việt thì sao?”

Đó cũng là câu hỏi của một số người, khi trong gia đình có ông bà, cha mẹ không đủ giỏi tiếng Anh để đọc sách và cảm nhận.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Khi nói về chiến tranh, về phân biệt chủng tộc, người ta cảm thấy không vui. Quyển sách của tôi có nhiều người thích đọc, nhiều người không thích. Cũng có người đâu thích dịch sách sang tiếng Việt, nhà xuất bản cũng vậy. Tuy chưa có bản dịch chính thức, nhưng tôi nghe nói có hai người tự dịch ‘The Sympathizer’ sang tiếng Việt và đưa lên mạng. Tất nhiên là không xin phép, nhưng tôi không có thời gian để đọc và kiểm chứng lại.”

Anh Anthony Lam cho rằng khó ra “The Sympathizer” bản tiếng Việt. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Anh Anthony Lam, nhân viên phụ trách kỹ thuật của Thư Viện Santa Ana nói: “Sách dịch và phát hành ở Việt Nam tất nhiên không được chính phủ Việt Nam cấp phép rồi, vì là đề tài nhạy cảm, dính tới cộng sản. Tôi nghĩ sẽ khó trong việc phát hành bản tiếng Việt của ‘The Sympathizer.’”

Tuy nhiên, những người yêu thích sách của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, có thể tìm mua quyển “Refugees” đã xuất bản tiếng Việt và bán trên mạng, cùng với một số tác phẩm khác của ông.

Khi nói về vấn đề kích thích tư duy trong quá trình viết sách, một người hỏi nhà văn đã mất bao nhiều thời gian để hoàn thành “The Sympathizer” và làm sao để viết được như thế.

Nhà văn Thanh Việt (thứ ba, từ phải) chụp hình cùng ban tổ chức buổi nói chuyện hôm 28 Tháng Năm. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Nhà văn gốc Buôn Mê Thuột cho biết, thời gian ông viết quyển sách là 10,000 giờ, trong vòng hai năm. “Nhưng với 10,000 giờ, bạn cũng có thể viết trong vòng 10 năm, 20 năm, vào Mùa Hè, hay Mùa Đông,… Vấn đề viết ra những điều có ý nghĩa, để người đọc suy nghĩ.”

Buổi nói chuyện kết thúc vào lúc hơn 2 giờ chiều, nhưng thời gian dòng người xếp hàng chờ nhà văn ký tặng trên sách mà họ đem đến, cũng mất gần một tiếng. Vừa ký tặng, nhà văn vừa chuyện trò với độc giả một cách thân tình, hỏi han chuyện học hành của các thanh thiếu niên ngưỡng mộ mình.

“Hôm nay tôi được mời nói chuyện. Hy vọng sẽ còn có dịp trở lại Orange County để gặp mọi người, nếu tôi lại được mời nữa,” nhà văn cười nói.

Dòng người xếp hàng chờ nhà văn ký tên lên sách mình đem tới. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt hiện là giáo sư tại University of Southern California (USC) ở Los Angeles và cộng tác viết bài trên tạp chí Time, The Guardian, The Atlantic, The Los Angeles Times và The New York Times.

Ông được bầu vào Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật (AAAS) danh giá của Mỹ.

Theo danh sách 213 cá nhân xuất sắc trở thành viện sĩ khóa 2018 của AAAS, nhà văn Nguyễn Thanh Việt được xướng tên cùng những nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng Thống Barack Obama, hoặc nam tài tử Tom Hanks.

Ông cũng là người gốc Việt và là người Mỹ gốc Á đầu tiên, duy nhất từ trước đến nay, được chọn là thành viên ủy ban chấm giải Pulitzer. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT