Friday, April 26, 2024

Vụ lật xe lửa ở Bàu Cá năm 1982 qua lời kể của những nạn nhân còn sống

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cách đây 36 năm, vào rạng sáng ngày 17 Tháng Ba, 1982, một tai nạn thảm khốc đã xảy ra khi đoàn xe lửa mang số hiệu 183 khởi hành từ Nha Trang về Sài Gòn bị lật tại ga Bàu Cá ở xã Hưng Long, huyện Trảng Bom, khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Đây có thể xem là tai nạn kinh hoàng nhất trong lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, ngoại trừ dân địa phương và những người có qua lại trên tuyến đường sắt ấy, không mấy người biết thông tin đầy đủ về vụ lật tàu này. Đó cũng có thể là lý do khiến hơn 100 ngôi mộ vô thừa nhận đến nay vẫn còn nằm lại nơi Nghĩa Trang Đ.S – một nghĩa trang được dựng lên để chôn cất người chết trong tai nạn ngày đó.

Đúng 32 năm sau ngày xảy ra vụ lật tàu, chị Trần Thị Cẩm, một phụ nữ sống ở Phú Nhuận, Sài Gòn bắt đầu đi kiếm tung tích anh trai mình, người mà chị nghĩ đã gặp nạn trên chuyến tàu định mệnh mang số hiệu 183 đó. Hành trình tìm kiếm này đã lần hồi “khui” lại sự kiện những tưởng đã chìm vào quên lãng.

Để từ đây, nhiều người từng là nạn nhân thoát chết hay có thân nhân thiệt mạng trong tai nạn khủng khiếp này có dịp hồi tưởng, kể lại những gì mà họ từng chứng kiến.

Những nạn nhân thoát chết trong may mắn

Một trong số những người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc ngày đó là anh Nghĩa Trần, hiện đang sống ở Houston, Texas, Hoa Kỳ.

“Những gì diễn ra trong thời khắc ấy tôi còn nhớ như in trong đầu,” anh Nghĩa bắt đầu câu chuyện.

Thời điểm đó anh Nghĩa 14 tuổi, đi cùng với má và 4 chị em gái vào Sài Gòn.

“Đó là loại tàu chợ, phần lớn là người đi buôn, tàu không có ghế ngồi, rất bẩn thỉu. Trong toa chất đầy những bao hàng, cao gần đến cửa sổ. Má và mấy chị em tôi, cũng như mọi người đều ngồi chen chúc trên những bao hàng đó,” anh Nghĩa nhớ lại.

Anh Nghĩa Trần, 50 tuổi, hiện ở Houston, Texas, là một trong những người may mắn sống sót trong vụ lật tàu khiến hơn 200 người thiệt mạng vào ngày 17 Tháng Ba, 1982 tại ga Bàu Cá. (Hình: Nghĩa Trần cung cấp)

Theo lời người đàn ông giờ đã ở vào tuổi 50 thì “khi đó khoảng đâu 4-5 giờ sáng, trời còn mờ mờ, tôi đang ngủ gà ngủ gật thì giật mình vì cảm giác tàu đang chạy rất nhanh, nhanh một cách kinh khủng. Lúc đó không biết chuyện gì, chỉ cảm thấy sợ sợ.”

Rồi Nghĩa nghe những tiếng động lớn, như những tiếng va chạm. Tiếng “rầmmmm”. Ngọn đèn vàng treo trong toa tàu vụt tắt. Tất cả tối đen. Những tiếng la hét, kêu gào. Đủ mọi âm thanh hỗn loạn. Nghĩa nhận ra mình bị đè dưới những bao hàng.

“Không hiểu sao lúc đó tôi bình tĩnh kỳ lạ. Tôi bị đè dưới những bao hàng, mỗi lúc một nặng, và dường như chốc chốc lại nghe tiếng ‘bịch, bịch’ cảm giác người mình bị đè nặng thêm. Có lẽ lúc đó người dân ùa đến để cứu người, thì họ phải thảy các bao tải chứa hàng hóa qua một bên thì mới lôi được người bên dưới. Mà lôi được người này thì có thể người khác lại bị bao đè nặng hơn và chết luôn không chừng,” anh Nghĩa kể tiếp.

Cậu bé 14 tuổi khi đó dù bị đè dưới những bao tải nặng trĩu nhưng may mắn là hai cánh tay còn cục cựa được.

Anh nhớ lại, “Tôi cố đưa tay lần lần và bám được vào một thanh sắt, lấy hết sức mình trườn ra khỏi những bao hàng đang đè lên người, lết ra khỏi toa tàu.”

Những gì còn trong ký ức anh Nghĩa khi bước được ra ngoài chiếc toa bị lật là “tôi thấy người chết la liệt, toàn là những xác chết banh da xẻ thịt.”

“Khi đó tôi la lên rất lớn là ‘Ai cứu má con với!’ Tôi nhớ má tôi ngồi gần cửa sổ, nên khi tàu lật ngang, một phần người má tôi bị rớt ra ngoài. Tôi nhận ra được phần chân của má tôi qua chiếc quần mà bà mặc,” anh kể tiếp.

Rồi anh chỉ cho những người đến cứu vị trí mà anh nghĩ có thể là chị em anh đang bị vùi dưới những bao than, bao củi hay bao đậu gì đó.

“Người ta lôi được chị tôi ra, mặt mày xơ xác, quần áo rách bươm, tay chị bị gãy. Đứa em út thì khi người ta dở được hết các bao hàng ra thì nó đã chết nhưng xác còn nguyên vẹn. Đứa em kế tôi thì không biết thoát ra được bằng cách nào, tôi không nhớ, vì khi ra ngoài tôi đã thấy nó đứng đó. Riêng đứa em kế út thì tôi nhận ra nó lẫn trong đống thịt ngổn ngang bên ngoài nhờ chiếc áo đầm màu xanh,” anh Nghĩa hồi tưởng.

Anh kể tiếp, “Khi biết chắc rằng má và hai em tôi đã chết, tôi cùng người chị và đứa em còn lại đứng tụm vào nhau. Tôi nhớ không có đứa nào trong anh em tôi khóc hết. Rồi ba chị em ngồi xuống bên xác đứa em út. Người dân ở đó bu xung quanh anh em tôi rất đông và bàn tán. Có lẽ họ thấy hoàn cảnh anh em tôi thương tâm quá, vì 3 đứa còn nhỏ, mà má và 2 em thì chết tại chỗ. Họ góp tiền lại cho, nhưng mà tôi không có nhận, cũng không biết tại sao.”

Theo lời anh Nghĩa, khi nhìn thấy những chiếc xe cấp cứu chở người bị thương nặng về Sài Gòn, trong đầu anh bỗng chợt nhớ đến địa chỉ nhà một ông cậu.

“Thế là tôi chạy đến xin họ cho đi theo về Sài Gòn trên xe cấp cứu, dù chị tôi bị gãy tay nhưng không nghiêm trọng như nhiều người khác. Có lẽ họ thấy anh em tôi đáng thương nên họ đồng ý. Sau khi chở người bị thương đến các bệnh viện, họ băng bó cho chị tôi rồi đưa ba chị em tôi đến nhà ông cậu theo địa chỉ tôi đưa,” anh Nghĩa kể.

Đó là tất cả những gì anh Nghĩa còn nhớ về vụ lật tàu năm 1982. Còn chuyện má và hai em gái anh được chôn cất thế nào anh không hề nhớ. Chỉ biết rằng đến năm 1992, ba anh đưa mọi người sang Mỹ theo diện H.O. Hiện tại, anh Nghĩa đang sống ở Houston, chị gái anh sống ở Florida và người em gái sống ở California.

May mắn hơn khi gia đình cả ba người đều sống sót trong chuyến tàu oan nghiệt đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Đào, 59 tuổi, hiện đang ở huyện Bình Chánh, Sài Gòn.

Nói chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại, chị Đào cho biết, “Năm đó tôi 23 tuổi. Tôi thường nhảy tàu đi buôn trên tuyến đường từ Gia Ray về Sài Gòn và ngược lại. Lần đó, tôi mang theo cả chồng và dắt đứa con trai nhỏ vào Sài Gòn định thăm mẹ và ở chơi ít hôm.”

Cũng như anh Nghĩa, gia đình chị Đào cũng ngồi trên những bao tải chứa đậu, than, củi… chất đầy trong các toa, và toa của chị là một trong những toa sau.

Theo lời chị Đào, vì đã đi quá nhiều lần trên tuyến đường này nên chị biết rõ tàu dừng ở đâu, để làm gì. Chính vì thế khi đến ga Dầu Giây không thấy đoàn xe lửa ngừng lại là chị đã cảm thấy có chuyện chẳng lành.

Chị Đào nhớ lại, “Khi đó tàu chạy càng lúc càng nhanh, nó sàng sàng như muốn lật rồi lại lao qua khúc cua nữa và lật tại đó. Trước đó thì nhân viên trên tàu có lẽ cũng đã biết nên thông báo đề nghị bà con ngồi yên, bình tĩnh. Mình cũng hoảng nhưng mà cũng chỉ còn biết sống thì sống chết thì chết chứ đâu biết làm sao.”

Rồi chuyện gì đến đã đến.

Chị Nguyễn Thị Đào, 59 tuổi, hiện đang ngụ ở huyện Bình Chánh, Sài Gòn, một trong những nạn nhân sống sót trong vụ lật tàu 183 khiến hơn 200 người thiệt mạng. (Hình: Trần Cẩm cung cấp)

Tuy nhiên, toa tàu mà gia đình chị Đào ngồi rất may mắn khi chỉ trật ra khỏi đường ray chứ không bị lật, Dù vậy, theo chị, “cũng có nhiều người chết bên trong do khi tàu sàng qua sàng lại thì các bao hàng đổ xuống đè chết.”

Gia đình chị Đào không ai bị thương tích, chỉ bị những bao cám đổ lên người gây khó thở mà thôi.

“Khi bước ra ngoài, tôi thấy người bị thương, người chết nằm la liệt. Rồi người sống thì khóc la đi tìm thân nhân. Cảnh tượng rất hỗn loạn. Rồi chính quyền và dân địa phương đến. Ai bị thương thì họ đưa lên xe đi cấp cứu, còn người chết thì họ sắp nằm dài dài,” chị Đào kể.

Sau chuyến đó, nỗi sợ hãi đeo bám khiến chị Đào “từ giã luôn nghề nhảy tàu đi buôn, về Sài Gòn ở luôn, kiếm nghề khác làm ăn, và từ đó đến nay chưa bao giờ dám đi tàu lửa trở lại.”

Nhận được xác mẹ ngay tại hiện trường

Không có mặt trên chuyến xe lửa định mệnh, nhưng anh Lý Thoại Phương, 56 tuổi, hiện ở Gò Vấp, Sài Gòn, cũng có mặt tại hiện trường vào chiều cùng ngày để nhận và mang xác mẹ anh về chôn cất.

Theo lời anh Phương, khi đó mẹ anh đi xe lửa ra Phan Thiết mua cá, bỏ vào nồi hấp lên, rồi mang về Sài Gòn bỏ mối, mỗi lần đi là hai nồi, và cứ hôm trước đi hôm sau về.

Nói chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại, anh Phương cho biết, “Tôi may mắn là ngay hôm xảy ra tai nạn thì nhận được tờ giấy báo tin từ một người xích lô đưa tới nhà, chắc của ai đó đi trên chuyến tàu thoát chết trở về họ biết nên nhắn. Lúc đó là khoảng 12 giờ trưa.”

Anh Phương cùng ông bác chạy xe gắn máy đi tìm mẹ anh, “vừa đi vừa hỏi đường đến ga Bàu Cá, đến nơi là hơn 3 giờ chiều.”

Người đàn ông có giọng nói thật thà, kể, “Tới nơi mình chỉ thấy còn có 3 toa tàu nằm lại trên đường ray. Một toa nằm trên bờ. Rồi từ đó mình đi dọc lên theo đường ray thì thấy các toa còn lại đều bị lật hết, bao nhiêu toa tổng cộng thì không biết. Đi lên đến hướng đầu tàu thì thấy đầu tàu nằm văng trên cái gò cao khoảng 3-4 m.”

Thư chia buồn và mời đi lãnh tiền bồi thường của anh Lý Thoại Phương. (Hình: Trần Cẩm cung cấp)

“Mình cứ đi tìm như vậy trong hoang mang, cho đến lúc thấy một ông vừa đi vừa cầm một cuốn sổ. Mình nói có mẹ mất, tên Nguyễn Thị Năm. Ông đó mở sổ ra tìm và nói xác mẹ mình đang còn nằm trên xe tải và dẫn hai bác cháu tôi đến đó nhìn,” anh Phương nhớ lại.

Theo lời anh Phương, khi đó trên xe có rất nhiều xác, tất cả đều được bỏ vào bao ni-lông. Nhưng anh nhìn ngay ra được xác mẹ anh vì “bên ngoài bao đó có ghi tên mẹ tôi bằng sơn đỏ, vì khi đi mẹ có mang theo giấy tờ.”

Sau khi mở bao ra để nhìn xác nhận đúng là mẹ mình, “dù trán đã bị bể, nhưng tôi nhận ra quần áo mẹ tôi mặc,” anh Phương đã nhờ được một chiếc xe lam chở xác mẹ anh về nhà mai táng.

Anh Phương cho biết, sau đó khoảng 1 tuần thì anh nhận được thư chia buồn của Tổng Cục Đường Sắt, đồng thời mời anh đến văn phòng ở đường Hàm Nghi để nhận “tiền bồi thường theo chế độ bảo hiểm.”

Anh kể, “Tại đây có người của đường sắt giải thích cho mọi người biết nguyên nhân lật là do tàu mất thắng khi đang đổ dốc nên vận tốc tăng lên đến 200 km/h và khi đến cua Bàu Cá thì hất văng đầu tàu lên đồi, cả đoàn tàu 13 toa bị hết 10 toa lật, chỉ còn 3 toa trên đường ray.”

Cũng tại đây, anh Phương cho biết có nhìn thấy khoảng chục người đi tìm tung tích thân nhân từ những tấm hình trắng đen đặt trên một chiếc bàn.

“Nhờ vậy mà tôi mới biết là họ có chụp lại hình của những nạn nhân. Sau đó tôi được nhận 3 ngàn đồng. Tôi mang về mua một chỉ vàng hết 2 ngàn 6 cất để dành lo đám giỗ cho má tôi, vì khi đó khó khăn lắm,” anh Phương kể.

Anh nói thêm, “Những gì tôi biết chỉ vậy thôi. Sau đó có nghe ba tôi nói là có một nghĩa trang chôn những người không có thân nhân đến nhận. Nhưng mãi đến khi biết chị Trần Thị Cẩm thì mình mới biết đích xác nghĩa trang đó và có đến đó cùng mọi người cầu siêu vào năm 2015.” (Ngọc Lan)

(Đón đọc kỳ 3: Nghĩa trang mang tên Đ.S 17-3-1982 dành cho những nạn nhân vụ lật tàu 183)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, 30 tháng 4 năm 2018

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT