Wednesday, April 24, 2024

Số phận cần sa nằm trong tay cử tri California ngày 8 tháng 11

Đằng-Giao/Người Việt

ORANGE COUNTY, California (NV) – Dự Luật 64 của tiểu bang về việc có nên hợp pháp hóa việc bán cần sa hay không đang là đề tài tranh cãi của cử tri California cũng như giới dân cử cấp thành phố.

Là người đi tiên phong trong việc chống đối dự luật này, ông Clay Bock, ứng cử viên hội đồng thành phố Garden Grove nói: “Đây là một trong những lý do tôi ra tranh cử lần này.”

Ông cho việc bán cần sa một cách hợp pháp là “rất nguy hiểm, nhất là cho trẻ em.”

Ông nói: “Thống kê tại Colorado cho thấy trong năm 2009, tử vong do tai nạn giao thông gây ra có liên quan đến người lái xe bị ảnh hưởng cần sa là 10%. Năm 2012, tiểu bang này hợp pháp hóa cần sa. Đến năm 2014, con số này gần như gấp đôi, 19.27%.”

Ông cho biết, trong năm 2014, theo thống kê của cảnh sát tiểu bang, 77% vụ say rượu và say thuốc trong lúc lái xe là có liên quan đến cần sa (674 vi phạm trong tổng số 874).

Bà Thu Hà Nguyễn, cũng là ứng cử viên hội đồng thành phố Garden Grove, nói: “Hiện thời, Dự Luật 64 chưa được thông qua. Quan điểm của tôi về việc này, khi nó trở thành vấn đề của hội đồng thành phố, là phải hạn chế tối đa việc cấp giấy phép cho những nơi bán cần sa và dứt khoát không cho phép họ mở tiệm ở những nơi gần trường học hoặc nơi trẻ em thường qua lại.”

Là chuyên viên nghiên cứu và xét nghiệm bệnh ung thư và di truyền cho Quest Diagnostics, bà Thu Hà thấy những công dụng khoa học của cần sa, chẳng hạn giúp giảm đau cho những bệnh nhân ung thư. Về quan niệm cá nhân, bà không an tâm nếu để trẻ em tiếp cận với cần sa.

Ông Phát Bùi, nghị viên Garden Grove, trả lời: “Tôi hoàn toàn chống đối việc cho phép bán cần sa để giải trí. Đây là việc hết sức nguy hiểm và dễ đưa người ta vào vòng nghiện ngập, nhất là trẻ em.”

Ông cho biết “rất bực mình” vì ở Garden Grove có hơn 20 nơi bán cần sa như một dược phẩm, mặc dầu thành phố không hề cấp giấy phép.

“Hiện thời, chúng tôi chỉ có thể phối hợp với cảnh sát đến tận nơi và phạt họ vì tội không có giấy phép mà thôi,” ông Phát nói.

Mỗi lần lập biên bản, theo luật, chúng tôi chỉ được phép phạt họ tối đa là $2,000 mà thôi. Mà chả lẽ ngày nào cũng phạt?” ông tiếp.

Phần đông người gốc Việt tại Little Saigon đều muốn cấm cần sa.

Ông Trí Tạ, thị trưởng Westminster, nói: “Ngay cả việc cho phép mở tiệm bán cần sa như một dược phẩm, mặc dù vấn đề này đã được đưa ra hội đồng thị xã bàn cãi nhiều lần, nhưng chúng tôi đã dứt khoát ngăn chận ngay từ đầu.”

Bà Đoàn Quế Anh, phu nhân thị trưởng Westminster cho biết ý kiến: “Mặc dầu không có bằng chứng khoa học nào xác nhận rằng cần sa có độ gây nghiền hơn thuốc lá, tôi vẫn chống đối việc cho phép sử dụng nó để giải trí. Hiện giờ ai cũng biết rằng thuốc lá gây ra nhiều hậu quả không tốt cho sức khỏe. Mà muốn bỏ thuốc lá cũng đã khó khăn rồi, huống hồ gì là cần sa.”

Ông Bảo Nguyễn, thị trưởng Garden Grove, ngược lại, tán thành việc hợp pháp hóa cần sa như một phương tiện giải trí cho người trưởng thành.

Ông nói: “Tôi không chấp nhận việc trẻ em hút thuốc lá chứ đừng nói là cần sa. Nhưng vấn đề đang bàn là người lớn, người trên 21 tuổi.”

Ông tiếp: “Tôi ủng hộ Dự Luật 64 vì nó có lợi cho di dân. Trước hết, dự luật này không liệt kê những người buôn bán cần sa ở số lượng nhỏ là tội phạm hình sự nữa. Giả sử con em chúng ta, chỉ vừa có thẻ xanh thôi, lầm lỡ can tội buôn bán cần sa thì chính quyền không thể trục xuất họ về Việt Nam như trước nữa.”

Hơn nữa, ông cho hay, nhà tù ở California đã quá đông. Nếu dự luật này được thông qua, trung tâm cải huấn sẽ giảm bớt một số lớn tù nhân.

Ông nói: “Tôi nghĩ chính vì hợp pháp hóa cần sa mà chúng ta kiểm soát được cần sa. Ngay bây giờ, nếu các em nhỏ mua lén lút trong hang cùng, ngõ hẻm thì chúng ta làm cách nào để kiểm soát?

Ông cho rằng sự nguy hiểm đích thực của cần sa là những vụ bắn giết tranh giành quyền lợi của giới buôn lậu.

Ngoài ra, ông Bảo tin rằng với số tiền thuế thu được từ cần sa, chính quyền có thêm ngân sách để củng cố ngành công lực như giúp cảnh sát ngăn chận và đối phó thành phần bất hảo.

Cũng có người ủng hộ dự luật này, như ông Bảo.

Bà Nguyễn An Phương, cư dân Fountain Valley, nói: “Tôi thấy hợp thức hóa cần sa không có gì nguy hiểm cả mà còn có lợi cho ngân quỹ tiểu bang và có hại cho phần tử buôn lậu. Người ta phản đối việc này vì thói quen gắn liền cần sa với ma túy. Cần sa không phải là ma túy và không làm người xử dụng bị nghiện như ma túy và cũng không hủy diệt người sử dụng như ma túy.”

“Nên nhớ từ năm 1920 đến 1933, chính phủ liên bang cũng đã cấm người ta mua bán rượu. Lúc đó ai ai cũng tưởng rằng rượu có khả năng làm đồi trụy con người, làm băng hoại xã hội. Cũng như rượu, cần sa không nguy hại như người ta tưởng,” bà nói.

Bà Kim Trần, cư dân Westminster, nói: “Giáo dục. Tất cả là do giáo dục. Nếu nhà trường giáo dục cặn kẽ cho học sinh rằng cần sa không tốt, các em sẽ biết điều này. Hai đứa con tôi cứ đòi ba nó phải bỏ thuốc lá vì có hại cho sức khỏe. Đứa con lớn nhất của tôi 25 tuổi mà không hề đụng đến điếu thuốc.”

Ông Tấn Phạm, cư dân Garden Grove. Nói: “Hợp thức hóa cần sa đồng nghĩa với giành lấy thị trường này từ tay bọn buôn lậu, đồng nghĩa với cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ và làm gương con cái nên tránh xa cần sa. Hợp thức hóa cần sa cũng cũng nghĩa là cho phép người trưởng thành quyền tự do lựa chọn cho mình.”

Trong bản thăm dò ý kiến độc giả Người Việt (tại https://www.nguoi-viet.com/newarticle/nguoi-goc-viet-ung-ho-hay-chong-can-sa/), vào lúc 6 PM ngày 4 tháng 11, thì 78% độc giả bỏ phiếu chống hợp pháp hóa cần sa; gần 22% ủng hộ.

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT