Friday, April 26, 2024

Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn nói chuyện với học sinh, sinh viên Little Saigon

Nguyễn Việt Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn từ Washington, D.C., đến Viện Bảo Tàng Lịch Sử QLVNCH ở Little Saigon để nói chuyện với các học sinh và sinh viên qua đề tài “Thất bại là mẹ thành công.”

Buổi nói chuyện diễn ra vào sáng Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Một vừa qua, thật thân mật và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các em, các cháu.

Theo ông, thất bại trong cuộc sống là một điều không thể tránh khỏi. Ông đưa ra những thí dụ về thất bại mà chính ông đã phải trải qua khi còn thiếu thời. Chẳng hạn như có lúc ông vì ham chơi đã bị điểm kém suýt bị nhà trường đuổi. Ông được một giáo sư hướng dẫn và khuyên bảo; thất bại đó sau đã khiến ông nhận thức được rằng thành công trong việc học hành sẽ là căn bản để ông tiến tới sau này.

Một số các em cũng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Những lời chia sẻ nhiệt tình, những câu hỏi, những câu trả lời làm cho bầu không khí tại viện bảo tàng thật sinh động. Ông Huấn dùng câu nói của Winston Churchill, vị thủ tướng Anh thời Đệ Nhị Thế Chiến, để dẫn chứng về vấn đề này: “Thành công không phải là chấm dứt, thất bại không phải là tiêu diệt, điều chính là sự can đảm để tiếp tục đi.”

Thất bại, theo ông, “sẽ cung cấp cho chúng ta thêm kiến thức và cho phép chúng ta tập trung vào những gì phải cần làm để thành công”  Ông nói thêm rằng “cuộc sống thực sự không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, vậy nếu chúng ta nhận thức được vấn đề đó, thì chúng ta mới có thể chuẩn bị tinh thần để vượt qua nghịch cảnh được. Sau đó, chúng ta có thể mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và sẵn sàng bước qua mọi nghịch cảnh để trở thành công dân tốt.”

Lời phát biểu của một bé trai khiến mọi người không nhịn được cười: “Mai này lớn, con muốn học làm bếp chánh!” (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

“Đừng sống một cuộc sống có nhiều hối tiếc sau này vì sợ thất bại,” ông kết luận.

Cuộc nói chuyện của ông đưa đến vấn đề bạo động đang xảy ra tại các trường học khắp nước. Ông nói, với cuộc sống ngày nay thiên nhiều về truyền tin xã hội, sống và giao thiệp nhiều trên mạng, nên một số các em, không ít thì nhiều, đã mất đi hoặc không có những quan hệ trực tiếp giữa con người với nhau. Khi các em đăng những tin nhắn lên trên mạng, những tin này nếu không vừa ý kênh mạng thì sẽ bị chỉ trích hay phán xét kịch liệt.

Những em mà tinh thần không vững chắc, sẽ cảm thấy chán ghét, cảm thấy mình đã thất bại, và kết quả là một vài em sẽ có thể làm những điều không hay.

Theo ông, để tránh những chuyện không hay này, “chúng ta phải có sự thông cảm lẫn nhau.”

“Thông cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ, hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ. Sự thông cảm hỗ tương sẽ thúc đẩy chúng ta có các hành động có thể sẽ giúp những người thấp cổ bé họng, hay những người không có chỗ đứng trong xã hội,” ông chia sẻ.

Các em hướng đạo thuộc Liên Đoàn Trường Sơn không ngần ngại đặt câu hỏi. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Ông cho rằng một trong những may mắn của các em là nhờ vào truyền thống gia đình của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. “Chúng ta luôn có sự bảo vệ của gia đình và họ hàng. Với đặc quyền đó, chúng ta nên tạo điều kiện để có cơ hội chia sẻ, giúp những người thiếu may mắn, mang lại niềm tin cho họ, dẫn dắt họ vào những sinh hoạt bổ ích,” ông nói thêm.

Ông nhấn mạnh: “Vì nếu chúng ta là những người không thông cảm được và chuyên đứng ngoài cuộc, thì cuộc sống của chúng ta sẽ cô độc lắm.”

“Các em phải cố gắng và hãy đừng là người ngoài cuộc! Trong học đường, ngoài xã hội hãy mạnh dạn lên tiếng chống lại những áp bức, bất công cho chính mình và những người chung quanh. Chúng ta cương quyết không hỗ trợ cho những người tạo ra tệ nạn xấu trong cộng đồng, trong học đường. Hãy dùng tất cả những phương tiện có được, dùng các mạng lưới điện tử, mạnh mẽ lên tiếng chống lại những kẻ bắt nạt, không nghe những lời vu khống có ác ý. Chúng ta cũng không nên ích kỷ, vì lợi riêng mà có những hành động làm tổn thương về tâm thần và sức khỏe của người khác,” ông kêu gọi.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có một đời để sống. Vì vậy, đừng lãng phí để sống một cuộc sống không mục đích. Hãy chủ động! Có can đảm và đam mê để theo đuổi lý tưởng của mình. Hãy tu luyện để mình sẽ là một người có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội.”

Phụ huynh, các quân nhân trẻ gốc Việt đang tại ngũ, và các bậc trưởng thượng tham gia, ủng hộ tinh thần giới trẻ. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Ông cũng gởi lời nhắn nhủ đến các phụ huynh, các huynh trưởng hướng đạo, các vị lãnh đạo các hội đoàn, đoàn thể rằng ai cũng nên là những người thầy, người bạn hướng dẫn các em và những người cần giúp đỡ, chứ không phải chỉ có những sĩ quan cao cấp trong quân đội như ông.

Những lời chia sẻ và trả lời những câu hỏi cho các em của Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn, trong buổi nói chuyện thân tình cùng các em học sinh sinh viên, đã đập vỡ bức tường ngăn cách. Các em tranh nhau đặt câu hỏi không phải với ông phó đề đốc mà như với một người anh, một người thầy. Các em xin ông chia sẻ thêm về những trải nghiệm của ông trong đời thường, trong quân ngũ. Các em cũng không ngần ngại chia sẻ lại với ông những vấp ngã, những cố gắng của chính các em.

Họ đã trao nhau email để ông tiếp tục là người bạn, người thầy của các em bất cứ khi nào các em cần đến. Thân thương hơn, khi ông dùng bữa trưa với khúc bánh mì gà, chai nước lạnh, cùng các em. Lẽ dĩ nhiên, thầy trò họ không quên làm thủ tục “selfie” với nhau.

Ông cũng thu nhận những địa chỉ điện thư để liên lạc, cố vấn cho các em, khi có nhu cầu; và dùng bữa trưa gồm một ổ bánh mì gà, bánh da lợn và chai nước, do một mạnh thường quân của Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt (VAUSA) cung cấp cho viện bảo tàng.

Một số phụ huynh tham dự tỏ ra ủng hộ buổi nói chuyện gây cảm hứng cho con em ở ngưỡng cửa vào đại học.

Thầy trò “selfie” chụp hình kỷ niệm. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Cô Mỹ Linh McDonald, cư dân Westminster, cùng con gái, cho biết cô ghi danh cho cả hai mẹ con hân hạnh tham dự ngay khi nhận được thông cáo của viện bảo tàng: “Ba điều tôi nhận được qua bài nói chuyện của Phó Đề Đốc Huấn là ‘thất bại là mẹ thành công; phải thật lòng đồng cảm với mọi người trong cuộc sống hằng ngày, như một cái ôm, một tin nhắn; và cố hết sức để duy trì văn hóa và di sản Việt tị nạn, hay di dân hợp pháp, cho thế hệ con cháu.’”

“Tôi hướng dẫn con tôi viết thiệp cám ơn phó đề đốc sau khi ra về. Ông bà dạy ăn quả nhớ kẻ trồng cây!” cô nói thêm.

Một người khác, ông Hòa Nguyễn, cư dân Stanton, một trưởng hướng đạo, cùng ba con trai tham dự, tâm sự: “Tôi rất hãnh diện khi thấy một vị tướng Hải Quân Mỹ gốc Việt lo đến tương lai của các con em người Việt. Tôi hằng mơ ước được vào trường võ bị từ khi còn học trung học, nhưng không thực hiện được, vì phải lo sinh sống, nuôi gia đình. Tôi cho ba đứa con tôi tham gia chương trình thiếu sinh quân JROTC ở trường Pacifica High School của Học Khu Garden Grove đã ba năm nay.”

“Tôi thấy kỷ luật quân đội rất tốt. Ba đứa con tôi, xưa để tóc dài, nay thì bắt mẹ hớt tóc ngắn cho chúng mỗi hai tuần, và tập được thói quen đúng giờ,” ông Hòa nói. (Nguyễn Việt Linh)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT