Wednesday, May 1, 2024

‘Quê Hương và Tình Yêu 3,’ chiều nhạc tưởng niệm Tháng Tư Đen

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều nhạc “Quê Hương và Tình Yêu 3” do The Golden Melody tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, tại Paradise Dance Studio, Westminster, đưa khán giả trở về với những dòng nhạc tình tự quê hương, và tình yêu muôn thuở trong lòng người xa xứ, nhân dịp tưởng niệm Tháng Tư Đen.

Điệu múa “Khúc Ca Đồng Tháp” do nhóm múa Golden Melody trình diễn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Buổi ca nhạc này nhằm phục vụ cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại, qua những ca khúc trình diễn để ca tụng nét đẹp quê hương, bảo tồn văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chương trình phong phú qua hơn 20 ca khúc bất tử được ra đời trong thời tiền chiến và trước 1975, cũng có những ca khúc được ra đời sau 1975 tại hải ngoại, qua những dòng nhạc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Hùng Lân, Hoàng Trọng, Hồ Đình Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Văn Đông, Ngân Khánh, Việt Dzũng, Trần Thiện Thanh, Nam Lộc, Văn Phụng, Anh Bằng, Linh Giang, Thu Hồ, Trọng Danh, Phú Quang, Lê Tín Hương, Trúc Phương, Nguyễn Đức Quang, và Anna Xuân Vũ.

Chương trình có sự góp mặt của những tiếng hát Thùy Châu, Mai Chi, Hồng Phúc, Ngô Bá Định, Bích Thủy, Kim Loan, Đặng Việt, Ana Xuân Vũ, Kim Huệ, An Quy, Ái Phương, Xuân Quỳ, Thu Vân, Phạm Hoàng, Kim Nhung, Tố Loan, và nhóm múa của The Golden Melody.

Nhóm hát Golden Melody hợp ca bài “Xin Đời Một Nụ Cười.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mở đầu chương trình là nhạc cảnh “Cô Gái Việt” của cố nhạc sĩ Hùng Lân, do ban tứ ca của The Golden Melody trình bày với phần múa kiếm của Mộng Ái Linh và Khánh Vân trong vai Hai Bà Trưng.

Mộng Ái Linh nói với nhật báo Người Việt: “Đất nước mình, Hai Bà Trưng là hai phụ nữ đầu tiên đứng lên chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là niềm hãnh diện cho những phụ nữ Việt Nam của chúng tôi, và bài ‘Cô Gái Việt’ cũng nói lên tinh thần yêu nước của phụ nữ Việt. Chúng tôi rất hân hạnh được múa kiếm trong nhạc cảnh này trong vai Hai Bà Trưng.”

Bích Thủy nức nở với bài “Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây,” thơ của Hoàng Phong Linh, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc. Khán giả đã xúc động và ngưỡng mộ từ tiếng hát đến những ca từ khơi lại biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thời điểm nhiều đồng bào miền Nam rời xa đất mẹ thân yêu của mình.

Đông đảo đồng hương tham dự đêm nhạc “Quê Hương và Tình Yêu 3.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bích Thủy tâm tình: “Có những lúc mình tưởng chừng như đã quên đi những niềm đau xót, nhưng cứ mỗi lần Tháng Tư về thì mình không thể nào quên được sự mất mát của đồng bào miền Nam sau cuối Tháng Tư, 1975. Vì thế tôi chọn bài ‘Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây’ hát trong chương trình này để tưởng nhớ mẹ Việt Nam, và những người con Việt xa xứ lúc nào cũng có hy vọng một ngày đẹp trời nào đó sẽ được trở về quê hương trong vòng tay yêu thương của mẹ.”

“Đêm Nhớ Về Sài Gòn,” bài hát trữ tình của người xa xứ, do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác vào năm 1983, khi tác giả được định cư tại Hoa Kỳ. Và trong ký ức của ông là Sài Gòn trong hoàn cảnh tang thương, đìu hiu trong những tháng ngày sau cuối Tháng Tư, 1975.

Kim Loan tiếp nối chương trình với bài “Đêm Nhớ Về Sài Gòn.” Tiếng hát này làm nhiều người nghẹn ngào qua những ca từ: “Đêm nhớ về Sài Gòn thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi/Những con đường thèm đôi chân vui đã bao lâu đợi chờ đường im nghe/Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau, tình lẻ loi canh thâu…”

Kim Nhung (trái) và Tố Loan song ca bài “Bóng Người Đi.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tiếng hát của Kim Huệ tiếp nối bài “Hải Ngoại Thương Ca” của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Bài nhạc này ra đời năm 1963, tại miền Nam Việt Nam, sau cuộc đảo chính của quân đội gây ra cái chết tức tưởi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và một số quan chức cũng phải lưu vong ra nước ngoài. Trong tình yêu quê hương đất nước, Nguyễn Văn Đông đã sáng tác bài này với lời kêu gọi những người Việt xa xứ hãy trở lại tiếp tục xây dựng miền Nam trong niềm mơ ước của tác giả đã ghi trong lời của bài nhạc là “Mong sao nước Việt đời đời anh dũng, oai hùng chen chân thế giới.”

Tiếp theo là những bài hát “Tháng Tư Đen” của Xuân Vũ do chính tác giả hát; “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” (Mai Chi), “Người Ở Lại Charlie” (Thúy Hằng), “Một Chút Quà Cho Quê Hương” (Ngô Bá Định), “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt” (Mỵ Hoa), “Bóng Người Đi” (Tố Loan & Kim Nhung), “Cánh Chim Viễn Xứ” (Xuân Quỳ), “Lời Kinh Đêm” (Trần Hào Hiệp), “Em Ơi Hà Nội Phố” (Kim Loan), “Con Đường Tôi Về” (Trần Đức), “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” (Ngô Bá Định), và “Khúc Ca Đồng Tháp” (Nhóm múa The Golden Melody).

Nhạc cảnh “Cô Gái Việt.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tiếng hát quen thuộc Ái Phương tại Little Saigon làm cho nhiều khán giả ngưỡng mộ tiếng hát điêu luyện này trong nhiều năm qua. Một lần nữa, Ái Phương trở lại với khán giả qua bài “Nhớ Đêm Mưa Sài Gòn” của nhạc sĩ Anh Bằng.

Ái Phương tâm tình: “Trong mùa Tháng Tư Đen, phần nhiều người Việt xa xứ mình cũng có những kỷ niệm về quê hương, về sự chia lìa với người thân, trong đó cũng có nhiều mất mát về tình yêu, tình người tại thành phố Sài Gòn xưa, mà cố nhạc sĩ Anh Bằng đã từng kể trong nhạc: Ngồi trong quán khuya, nhìn mưa Cali, lại nhớ Sài Gòn/Ngồi trong quán đêm, nhìn mưa Sài Gòn, lại nhớ Cali/Sài Gòn ơi, nhớ cánh môi em thiên thần/Nhớ ngón tay tiên ân cần, làn tóc mượt mà hương Xuân/Ngày xưa có nhau, từng đêm tung tăng, đường phố đèn vàng…”

Phần hai của chương trình là những bài cùng các tiếng hát “Bến Nước Tình Quê” (Mỵ Hoa), “Thuyền Viễn Xứ” (Bích Thủy), “Biết Bao Giờ Trở Lại” (Đặng Việt), “Mời Em Về” (Ana Xuân Vũ), “Hoa Rụng Ven Sông” (Tố Loan & Kim Nhung), “Chiều Tây Đô” (Thy Hoa), “Chiều Làng Em” (Thy Hoa & Thùy Châu), “Xin Đời Một Nụ Cười” (Nhóm hát Golden Melody). Cuối cùng là bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” do toàn ban đồng ca.

Toàn ban đồng ca bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông David Tống, một khán giả tham dự chương trình, tâm tình: “Lúc trước tôi có mở lớp thanh nhạc thì cũng một số người đến học hát với tôi, và trong đêm nay có một số họ cũng có trình diễn trong đêm ca nhạc này. Tôi rất thích chương trình ca nhạc này, vì nó chất chứa nhiều bài nhạc có nội dung hướng về tình yêu quê hương đất nước của mình, nhất là tâm tình của những người Việt ly hương sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.”

Đồng hương Bùi Đức Thi nói: “Tôi thấy cách tổ chức của nhóm The Golden Melody cũng khá đặc biệt là họ chỉ trình diễn loại nhạc quê hương và tình yêu của những người lính VNCH trước 1975, và cũng có một số tác phẩm được soạn sau đó. Tuy sân khấu này không được rộng lớn, nhưng cũng là một hình thức nhằm bảo tồn văn hóa Việt và phục vụ cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.” [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT