Thursday, March 28, 2024

Giáo Sư Trần Văn Chi giới thiệu và ra mắt hai tác phẩm mới

Uyên Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Chủ Nhật, 13 Tháng Tám, tại nhà hàng Bleu, Westminster, Giáo Sư Trần Văn Chi, với sự bảo trợ của đài V Star và đài phát thanh Saigon Radio Hải ngoại của nghệ sĩ Quốc Thái, đã tổ chức buổi ra mắt hai tác phẩm “Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn” và “Trần Văn Chi, tuyển tập biên khảo.”

Chương trình được bắt đầu bằng những màn ca nhạc cải lương do các nghệ sĩ trong Hội Nghệ Sĩ Cổ Nhạc El Monte thực hiện, khiến không khí buổi ra mắt sách chan hòa nét văn hóa dân tộc miền Nam Việt Nam, mà nội dung của hai cuốn sách được ra mắt đề cập đến rất nhiều.

Đồng hương và thân hữu của giáo sư đến tham dự rất đông, ngồi kín cả hội trường của nhà hàng.

Đúng 3 giờ chiều, MC Quốc Thái và Thúy Anh ngỏ lời chào mừng quan khách. Riêng Thúy Anh hết sức thân ái gửi lời cám ơn tác giả hai cuốn sách đã đóng góp công trình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Việt.

Ngay sau đó, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân cho biết íit điều về tác giả Trần Văn Chi. Điều đầu tiên, tác giả chọn ngày 13 Tháng Tám để ra mắt hai tác phẩm mới vì đây là ngày sinh của tác giả, xin chúc mừng nhân ngày sinh nhật này.

Theo Giáo Sư Quân, nhà văn Trần Văn Chi là người lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam có nhiều khó khăn nên tác giả đã hoạt động tích cực trong ngành văn hóa giáo dục. Tác giả từng là người vận động góp công xây dựng nền đại học quốc gia như Đại Học Cần Thơ, Đại Học Hòa Hảo. Tác giả cũng tham gia chính trị. Sự tham gia của tác giả không là để tiến thân mà là để đáp ứng nguyện vọng của tuổi trẻ muốn tìm một lối đi cho đất nước và ông đã chọn con đường thứ ba để đất nước không bị ảnh hưởng ngoại lai. Trong phạm vi văn hóa giáo dục, ông thể hiện được sứ mạng của người cầm bút, luôn viết về văn hóa miền Nam, một nền văn hóa nhân bản, hòa ái, nêu cao những tính chất của con người miền Nam.

Đi vào nội dung hai cuốn sách, nhà văn Nguyễn Văn Sâm ghi nhận khá chi tiết khi đề cập đến cách sống, đến phong thái của người dân miền Tây, từ ngôn ngữ, phát âm đến sinh hoạt thường ngày đều có những nét đặc thù mà ngay cả người dân miền Đông khi tiếp xúc cũng phải lấy làm lạ lẫm, thích thú.

Giáo Sư Sâm nhận định: “Những thứ đó tôi gọi là những yếu tố văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long hay của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông Trần Văn Chi đã có công ghi lại những điều tôi gọi là yếu tố văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long trong hai tác phẩm của ông. Cách viết của ông không phải là cách viết theo khảo hướng nghiên cứu của quý ông Đào Duy Anh, Toan Ánh, Cửu Long Giang, hay của những học giả Tây Phương.”

Hai MC của chương trình, Quốc Thái và Thúy Anh. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Kể về những tính chất tinh thần trong văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, ông Sâm nhận định, theo tác giả, mặc dầu chỉ phớt qua, người đọc sẽ thấy người dân Lục Tỉnh có những nét đặc trưng sau:

-Dễ có tình thân hữu, tác giả gọi là ôn hòa, thực tế.

-Lòng nhân nghĩa sắt son.

-Lòng người đơn giản, tác giả gọi là tính hiếu khách.

-Lòng trung hiếu.

Nhà báo Nguyên Huy, trong phần giới thiệu sách của tác giả Trần Văn Chi, đưa ra nhận định về cuốn “Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn” như sau: “Trong phần nói đầu của sách, tác giả đã nhận định Bảo Đại là một nhân vật lịch sử trong thế kỷ 20, lúc bấy giờ đất nước Việt Nam đầy nhiễu loạn, bất an, trong một thế giới nhiều biến động. Nhận định này của tác giả đưa ông thoát khỏi những định kiến không mấy tốt đẹp về một vị vua cuối cùng của một triều đại đã có công rất lớn với dân tộc và đất nước. Đó là mở rộng đất nước về phương Nam thành một miền đất trù phú không những no đủ cho người dân sống ở đây mà còn trở thành một vùng kinh tế nuôi được cả nước. Công ấy ngày nay đã cụ thể hóa qua một miền Nam trù phú với nếp sống của những người dân hiền hòa, khả ái, đôn hậu mà tác giả đã dành ra đến 2/3 cuốn sách để mô tả qua lối hành văn dân dã, nhiệt tình thể hiện cả một tấm lòng tha thiết đến quê hương đất nước.”

Phần giới thiệu tác giả và hai cuốn sách chỉ chiếm một thời lượng nhỏ so với cả chương trình. Hai phần ba thời lượng buổi ra mắt sách là một chương trình văn nghệ tân cổ rất phong phú. Hai ban cổ nhạc là ban Huỳnh Châu và Hội Nghệ Sĩ Cổ Nhạc El Monte đã thay nhau cống hiến những màn cải lương mùi mẩn về quê hương sông nước Cửu Long. Ngoài ra còn một màn giải thích về hát bội, do nữ nghệ sĩ Ngọc Bầy, giáo sư Quốc Gia Âm Nhạc trước 1975, trình bày. Đồng thời  các ca sĩ Phi Khanh, Mỹ Hạnh, Huệ Thi, cùng nhạc sĩ Hoàng Ly, em ruột của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, làm rộn ràng sân khấu bằng những ca khúc thịnh thời, thu hút được sự say mê của khán giả tham dự mà đa số là các vị trọng tuổi.

Quý độc giả muốn có hai cuốn sách này xin liên lạc với tác giả qua số điện thoại (714) 702-4048.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT