Thursday, April 25, 2024

Sinh ra để chia rẽ!

Huy Phương

Tôi xin mượn thành ngữ “Born to…” để nói về chuyện người ta sinh ra đã có tài năng thiên bẩm ở một điều gì đó, và sinh ra chỉ để làm điều đó như “Born to Kill,” “Born to Rap,” “Born To Die…” thì người Việt vốn sinh ra để… chia rẽ (Born to Divide) cũng không lấy gì làm lạ.

Khi lần giở lại trang sử 4,000 năm văn hiến, chưa có một dân tộc nào có cái quá khứ phân ly chia rẽ “hào hùng” như dân tộc Việt. Dù là truyền thuyết đi nữa, thì cũng có cái căn nguyên “Born to Divide…” của nó!

Đó là truyền thuyết bà Âu Cơ sinh một trăm trứng nở ra 100 người con, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên miền núi để khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, điều có một không hai của văn hóa dân gian Việt Nam. Tôi chưa nghe ai giải thích cái lý do phải phân rẽ như thế, và có người còn ca tụng đây là một biểu tượng của sự đoàn kết nữa mới lạ!

Khởi đầu như thế, định mệnh dân tộc làm sao tránh khỏi cảnh phân ly. Đây chỉ là một sự chia rẽ trong thời kỳ phôi thai, lịch sử dân tộc về sau vì quyền lợi lãnh thổ, sự tranh giành quyền lực, ngai vàng, cho nên kẻ phù Vua, người theo Chúa, gây ra cảnh nồi da xáo thịt, không phải kẻ dưới châu thổ, người ở thượng du, mà phân tranh theo phương hướng Nam Bắc trong suốt những thời gian dài.

Trong lịch sử, sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình là ranh giới phân chia Đàng Trong với Đàng Ngoài, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm (1570-1786).

Thời chiến tranh Quốc – Cộng, Hiệp Định Geneve năm 1954, đã lấy sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia đôi giữa miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam.

Trở lại thời Pháp thuộc, Việt Nam chia ra thành ba Kỳ. Nam Kỳ là thuộc địa do người Pháp trực tiếp cai trị với một hệ thống luật pháp khác hệ thống được áp dụng tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Tại Nam Kỳ không tồn tại bộ máy hành chính của Triều Đình Huế như ở Bắc và Trung Kỳ. Giao thông đang còn khó khăn, sự đi lại, cảm thông, hiểu biết ngay giữa người Việt với nhau còn hạn chế. Chế độ chia để trị đã để trong đầu óc người dân Việt những thành kiến khó gột rửa.

Bản thân tôi cũng không thể tưởng tượng nỗi, đến năm 1956 khi bản Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam đã được thành hình, mà khi vào đến Sài Gòn, tôi đã được bà bác dâu người Nam, giới thiệu với bạn bè “đây là thằng cháu của ổng, mới ở nước Huế vô đây, đi học!” Thì ra, Sài Gòn là một nước khác.

Di tích cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 chia hai miền Nam – Bắc trong chiến tranh Việt Nam. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Phải chăng vì “Sài Gòn là một nước khác,” mà cuộc di cư vĩ đại của người Bắc sau Hiệp Định Geneve, với hơn một triệu người, không phải ở đâu cũng được đón tiếp bằng đôi mắt thân thiện. Trong thời gian trường Petrus Ký chia sẻ trường ốc và ban giảng huấn cho Chu Văn An, người học sáng, kẻ học chiều, thỉnh thoảng vẫn xẩy ra những vụ đánh lộn giữ học sinh hai trường.

Một trong những chiến lược để đánh thắng kẻ thù là làm cho kẻ thù suy yếu, bằng cách gây chia rẽ trong lòng địch. Miền Nam từ vụ đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963, cuộc thảm sát Thanh Bồ – Đức Lợi, Đà Nẵng năm 1964, rồi vụ bàn thờ xuống đường năm 1966 đã chia rẽ trầm trọng miền Nam trong bao nhiêu năm. Trong khi đó ở phía Bắc, phe thân Trung Cộng và phe thân Liên Xô cũng tranh giành, thanh trừng, xâu xé nhau.

Bắc Việt thường hô hào đoàn kết dân tộc, nhưng sau Tháng Tư, 1975, hận thù, chia rẽ càng ngày càng trầm trọng, dân chúng thì có “gia đình cách mạng” rồi “kẻ nợ máu với nhân dân,” quân thì có quân “cách mạng,” và “ngụy quân-ngụy quyền.” Đồng bào ruột thịt thì xếp hạng, kỳ thị, truy sát tận cùng tới ba đời cha, ông trong tất cả các sinh hoạt xã hội, công ăn việc làm làm, thi cử, học hành.

Những người Cộng Sản thường lên án thực dân Pháp ngày trước đã chia rẽ Bắc Nam, nhưng chính Nguyễn Phú Trọng cũng đã cho dân Bắc là “thành phần thượng đẳng” khi phát ngôn: “Tổng bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận! ” Và Nguyễn Thiện Nhân năm 2018, cũng đã thuyết phục người dân mất đất tại Thủ Thiêm: “Tôi nói tiếng Bắc nhưng tôi là người Nam. Tôi không gạt bà con đâu!” Như vậy là nghĩa làm sao? Đó là những người Cộng Sản không cần che giấu sự kỳ thị địa phương kinh khủng như vậy!

Bây giờ thật sự trong hay ngoài nước đều có sự chia rẽ, phân biệt giữa một người “Bắc-54” và một người “Bắc-75,” không chỉ giọng nói thay đổi, khó nghe mà còn cách cư xử, nói chuyện, cách đi đứng, thẩm mỹ bao gồm trong chuyện trang điểm, ăn mặc, kể cả chuyện ăn uống dù trong các nhà hàng sang trọng hay trên những bàn nhậu ngoài vỉa hè…

Tất cả chuyện chia rẽ trên đây, tôi đều chấp nhận là chuyện bình thường, nhưng khi nói đến hoàn cảnh những người tị nạn, trước một kẻ thù chung là Cộng Sản, đã trăm nghìn gian khổ, hiểm nguy, liều chết đến đây mà còn chia năm xẻ bảy, đấm đá nhau thì thật không hiểu nỗi!

Bạn đọc thử nhìn đi. Ở đâu trong cái cộng đồng tị nạn này mà không thấy chia rẽ? Ai thành công mà không chịu sự chửi rủa, mạ lỵ? Chắc các bạn chưa quên chuyện ngụ ngôn “Giỏ Cua Cộng Đồng” cách đây khá lâu, không có nắp đậy, mà không sợ cua bò ra ngoài, vì trong giỏ cua này, con nào mới bò lên miệng giỏ, đã có những con cua khác kẹp càng kéo xuống! Nghe mà rớt nước mắt.

Đoàn thể, hội ái hữu, đồng hương, tổ chức cộng đồng tị nạn Việt Nam trên khắp nước Mỹ đều chia hai, chưa nói đến chuyện chia ba, chia bảy. Cứ nhìn hai nơi Nam và Bắc California là hai thủ phủ chống Cộng nhất của hải ngoại, thì đủ hiểu chuyện chia rẽ tệ hại tới mức nào!

Vui chia đã đành, tang tóc cũng chia.

Cách đây nhiều năm, nhân ngày 30 Tháng Tư, người ta đã có đến những hai, ba lễ tưởng niệm, giành giật nhau từ thời gian đến địa điểm tổ chức, ai cũng cho mình là chính thống, đầy đủ chính nghĩa.

Bây giờ vui, thì cũng “trăm hoa đua nở,” gọi là Xuân Đoàn Kết, nhưng có khi tới ba hội chợ, hai diễn hành.

Năm nay, thiên hạ nhăn mặt vì vùng Little Saigon có tới hai cuộc diễn hành, tổ chức tại hai thành phố, liên tiếp trong hai ngày, vì Mồng Một, Mồng Hai đều là ngày nghỉ cuối tuần của Dương Lịch. Tôi không biết và không có ý kiến về chuyện chính tà, phải trái, ai xứng đáng hơn ai. Không có ai có quyền lực đứng ra phân giải, – một ví dụ như là Hội Đồng Liên Tôn- mà cũng không ai muốn hòa giải, chuyện dã tràng xe cát.

Đáng lẽ ra, những người lâu nay được gọi là tổ chức cộng đồng hay những người có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức các cuộc diễn hành, sau kinh nghiệm xót xa năm nay (2029), nên ngồi lại để tìm phương hướng giải quyết cho năm sau, tránh một trường hợp chia rẽ trùng lặp trong cộng đồng người Việt tị nạn.

Nhưng không?

Vì vào Tết năm tới (2021) ngày Mồng Một Tết nhằm ngày Thứ Sáu (12 Tháng Hai, 2021) nên chỉ còn một ngày tổ chức được diễn hành là ngày Mồng Hai Tết nhằm ngày Thứ Bảy, 13 Tháng Hai, 2021, nên cả “hai phe diễn hành” năm nay đều dự liệu “lấy tài,”cho cuộc diễn hành của mình vào một ngày duy nhất sang năm.

Quả là chuyện lo xa! Không biết thiên thể nào sẽ va vào trái đất năm nay hay dịch bệnh COVID-19 sẽ đi về đâu, nhưng cứ lấy ngày đi cho nó chắc, không ai vào giành giật!

Hội Đồng Thành Phố Garden Grove chuẩn thuận tối Thứ Ba, 11 Tháng Hai, 2020, với số phiếu 7-0 cho cuộc diễn hành Tết 2021 do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, Nam California, tổ chức sẽ diễn ra lúc 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa Thứ Bảy, 13 Tháng Hai, 2021, nhằm ngày Mùng Hai Tết Tân Sửu, trên đường Westminster, Garden Grove.

Trong khi đó, sau hai ngày, Little Saigon Westminster Tet Parade, nhóm tổ chức diễn hành Tết tại Westminster năm nay, vừa gởi ra thông báo cho biết họ sẽ xin Hội Đồng Thành Phố cho tổ chức diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa Trần Hưng Đạo, từ 8 giờ sáng đến 11 giờ 15 sáng cùng ngày với cuộc diễn hành bên Garden Grove.

Như vậy là Úm Ba La hai ta cùng vui: Tết 2021 tại Little Saigon: sẽ “chắc chắn có,” chứ không phải “có thể có” hai cuộc diễn hành cùng ngày.

Năm nay 2020, chia rẽ nhưng là hai ngày, nên hôm nay ta tham dự cuộc diễn hành này, ngày mai ta đi dự cuộc diễn hành bên kia, nhưng sang năm, cả hai cuộc diễn hành đều diễn ra một thời gian, ở trên hai con đường song song, cách nhau chỉ hơn hai dặm, đồng bào khó có thể phân thân như Tôn Ngộ Không để tham dự hai bên cho đỡ mất lòng.

Thoạt đầu tôi muốn dấn thân “phục vụ cộng đồng,” đưa một đề nghị rất đoàn kết, là chúng ta liên kết hai cuộc diễn hành làm một, bắt đầu đi từ thành phố này sang thành phố nọ (tôi không nói tên thành phố nào trước, sợ bị kết án là thiên vị!) Nhưng cuối cùng tôi xin rút lui ý kiến, vì nghĩ lại chưa chắc ai đã chịu ai, ai đã hy sinh vì ai, ai cũng cho mình đàng hoàng, có chính nghĩa hơn phe kia!

Tôi chỉ xin có một đề nghị, năm nay (2020), cộng đồng tị nạn Cộng Sản Việt Nam có hai cuộc diễn hành trong hai ngày liền nhau, tạm đặt là Xuân Đoàn Kết. Sang năm (2021), có hai cuộc diễn hành chung một ngày, nghĩa là đã xích lại gần nhau, xin đặt là Xuân Đại Đoàn Kết!

Quý vị nào không vừa tai, xin cho biết ý kiến! (Huy Phương)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT