Monday, May 20, 2024

Thuận Bài, quê nghèo vẫn ấm áp tình đồng hương hải ngoại

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Mười bảy năm trôi qua, từ sự đoàn kết, tương trợ nhau trên xứ người, một lần nữa, Hội Ái Hữu Thuận Bài, Quảng Bình Hải Ngoại đã tổ chức buổi hội ngộ hằng năm kỳ 17 vào trưa Chủ Nhật, 4 Tháng Tám, tại nhà hàng Majesty, Santa Ana.

Thuận Bài, một địa danh thuộc tỉnh Quảng Bình, bên kia vĩ tuyến 17. Vì cuộc sống nơi này qua cơ cực, nên 1940, rất nhiều dân làng đã kéo nhau đến Sài Gòn để lập nghiệp mưu sinh. Sau khi đất nước bị chia đôi do Hiệp Định Geneve ký kết 1954, rất nhiều người dân Quảng Bình đã phải rời quê hương vào sinh sống tại miền Nam vì không muốn sống trong chế độ Cộng Sản.

Cô Trương Giang Thanh, thành viên trong ban tổ chức, kể: “Tôi nghe má của tôi kể lại, ngày xưa, dân làng Thuận Bài không có được bao nhiêu người, đặc biệt của người dân xứ nầy là chỉ có hai họ Trần và Ma. Sau khi bỏ quê vào miền Nam họ cưới vợ lấy chồng ngoài làng thì mới có nhiều họ khác nữa. Họ sống gần nhau, và làm những công việc chuyên về điện như sửa chữa điện xe, điện nhà và điện lạnh. Khi ra hải ngoại, các con cháu có gốc Thuận Bài đã gặp  nhau tại California và lập ra Hội Ái Hữu Thuận Bài, Quảng Bình. Mục đích là để thể hiện sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau và đặc biệt là được nghe lại những âm thanh của Quảng Bình trong giọng nói của các bạn trẻ cho dù có bị lai đi ít nhiều vì cuộc sống tha phương từ ngày còn ở trong nước.”

Nhà thờ Tổ Thuận Bài. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Bởi thế, hội của chúng tôi tuy không đông đảo như những hội đoàn khác, nhưng chúng tôi rất gắn bó với nhau, và xem nhau như người thân trong nhà. Mỗi năm, các thành viên trong hội đóng niên liễm $15 để lo việc quan hôn tang tế cho tứ thân phụ mẫu của các hội viên. Những năm hội mới thành lập, vì đồng hương thân nhân ở quê nhà còn khó khăn nên hội có gởi tiền về giúp. Nhưng những năm gần đây, tình trạng dân sinh tại quê nhà khá hơn, nên chúng tôi không gởi tiền về giúp nữa. Hiện nay, chúng tôi chỉ gởi tiền về để cúng tế và tu bổ đền tổ của hai họ Ma và Trần thôi,” cô nói thêm.

Lý do dân cố cựu Thuận Bài có họ Ma, anh Ma Dũng, trưởng ban văn nghệ, cho biết: “Tôi nghe những người lớn tuổi kể lại rằng, ngày xưa, một cô gái ở Thuận Bài đi tránh mưa trong một ngôi chùa nhỏ, nhưng sau đó thì cô bị mang bầu. Sau khi sanh xong đứa bé, vì không có cha, nên dân làng cho là cô đã bị Ma lấy, làm cho cô mang bầu. Vì thế, người dân mới đặt họ của đứa bé là họ Ma. Và cũng gì mang họ Ma nầy mà sau này khi chúng tôi đi học thì các cô thầy giáo cứ bảo rằng chúng tôi viết sai họ của mình, vì họ cho là chúng tôi là họ Mã chớ không phải là họ Ma. Cho đến bây giờ, có rất nhiều người đã ngạc nhiên khi chúng tôi mang dòng họ Ma.”

Anh Trần Eric (trái), hội trưởng, và cha là ông Trần Văn Hoan. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nói về chuyện những người dân gốc Thuận Bài khi vào trong Nam sống bằng nghề thợ điện, anh Ma Dũng cho biết thêm: “Ngày xưa, có một người dân làng vào Nam làm nhà máy đèn, ông là công nhân người Việt đầu tiên từ 1945. Rồi sau đó, ông về quê giúp cho Thuận Bài có điện sớm nhất trong vùng. Trong lúc này, ông cũng kêu gọi những người ở Thuận Bài hãy vào trong Nam để ông hướng dẫn cách thức hành nghề thợ điện. Từ đó cho đến sau này, dân gốc Thuận Bài chỉ sống bằng nghề thợ điện hay mở cửa hàng bán về những món hàng có liên quan đến điện tại Sài Gòn hay Chợ Lớn và những tỉnh lỵ khác ở Miền Nam.”

Anh Trần Eric, hội trưởng, kể: “Năm 2002, hội được thành lập và mỗi lần có hội họp thì chúng tôi quy tụ tại sân sau các nhà hội viên. Khoảng hơn mười năm nay, hằng năm hội tổ chức họp mặt ở nhà hàng vì số thành viên mỗi ngày một đông hơn, đặc biệt nhất là các giới trẻ con cháu của dân Thuận Bài cũng đến tham gia vào hội.”

Nói về sự hoạt động của hội, ông cho biết thêm: “Thế hệ thứ nhất nay đã ngoài 80 tuổi rồi, thành ra họ không còn trong ban điều hành nữa. Đến thế hệ thứ hai như ba của tôi thì cũng đã lớn tuổi, nhưng vẫn đứng ra gánh vác việc cố vấn của hội, còn thế hệ thứ ba như chúng tôi thì cũng đã chững chạc, nên lúc nào chúng tôi cũng quan tâm đến việc duy trì hội để tiếp nối gốc rễ của người dân Thuận Bài. Cũng vì mục đích duy trì truyền thống Thuận Bài, nên cho đến nay, hội có được một ban điều hành phần nhiều là giới trẻ.”

Ông Ma Bi, cư dân Las Vegas, tiểu bang Nevada về tham dự, cho biết: “Tôi là một trong những người được vào hội viên khi hội mới thành lập. Lúc đầu thì chỉ có vài chục đồng hương, phần nhiều đã đứng tuổi. Cũng vì cùng có chung một tâm trạng ly hương, nên chúng tôi rất gắn bó bên nhau, khi được gặp gỡ lại nhau trên xứ người, đó là điều rất quý. Dần dần sau đó số người đến với nhau cứ tăng lên, cho đến nay đã được cả mấy trăm người. Điều đặc biệt là các bạn trẻ cứ mỗi ngày một tham gia đông hơn.”

Ông Ma Bi (trái) và cô Trương Giang Thanh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Sau 48 năm bố mẹ tôi rời xa Thuận Bài, thì tôi cũng có về thăm Thuận Bài hồi năm ngoái. Tôi thấy cuộc sống của Thuận Bài lúc này được khá hơn, vì họ có nhiều thân nhân sống nơi hải ngoại giúp đỡ họ. Xem như cuộc sống của cư dân ở đây cũng được ổn đình phần nào,” ômg tâm tình.

Ông Trần Văn Hoan, cha của ông Trần Eric, kể: “Ba tôi có kể lại rằng, trong thời chiến tranh chống Pháp, Quảng Bình là vùng đất nằm trong kế hoạch Tiêu Thổ Kháng Chiến của chính quyền Việt Minh nên nơi này vẫn còn xơ xác lắm. Cho đến khi Thuận Bài thuộc về phần đất của Cộng Sản thì hầu hết người dân Thuận Bài nói riêng và Quảng Bình nói chung đã bỏ làng xóm mà di cư vào Nam, tản mác làm ăn tứ xứ. Sau 1975, rất nhiều con cháu của dân Thuận Bài vượt biên, nay đã định cư ở nhiều nơi trên thế giới tự do.”

“Nói đúng ra, dân làng Thuận Bài vì cuộc sống phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và đây là lần thứ hai, cũng vì hai chữ tự do, chúng tôi lại phải xa rời quê hương để rồi lưu lạc trên xứ người một lần nữa. Một số chúng tôi ra đi và được định cư tại xứ tự do này đó là điều rất mai mắn cho chúng tôi. Nhưng, vẫn còn nhiều bà con, dòng họ đang còn kẹt tại quê nhà, một số cũng sống trong cảnh lầm than cơ cực. Vì thế, năm nào chúng tôi cũng có gởi về chút đỉnh đế giúp cho những người kém may mắn hơn mình.”

Anh Trần Minh Quân cho biết: “Bố của tôi là người gốc Thuận Bài. Sau khi vào miền Nam thì bố của tôi là một quân nhân thuộc Binh Chủng Nhảy Dù trong Quân Lực VNCH. Lúc nhỏ tôi chưa biết gì về Thuận Bài, nhưng nghe bố tôi cho biết quê hương gốc của mình là Thuận Bài, vì thế, tôi có về thăm viếng nơi này vào mấy năm trước. Thì ra tôi mới biết, Thuận Bài có Động Phong Nha rất đẹp vừa mới được phát hiện cách nay khoảng hơn bảy năm. Bố tôi cho tôi biết rằng, tuy Thuận Bài là một nơi nhỏ nhất ở Việt Nam và nghèo nhất, nhưng lại có nhiều thắng cảnh đẹp.”

Một già, một trẻ cùng chung vui trong ngày họp mặt. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thuận Bài, một gốc trời quê hương nghèo, đất cày lên sỏi đá, hằng năm phải chịu cảnh thiên tai bão lụt. Nhưng, cái đặc biệt của dòng họ người dân của xứ này, cho dù họ không phải sinh ra và lớn lên ở đó, những đồng hương Thuận Bài đều có chung một lòng là hướng về quê hương gốc gác của mình. Những biến cố đau thương liên tục đổ lên đất nước trong giai đoạn lịch sử, Quảng Bình của Thuận Bài luôn phải chịu nhiều cảnh khốn khổ từ chính trị cho đến mùa màng bị thất thoát, khiến bà con phải bồng bế nhau tản lạc đi bốn phương.

Chính vì thế mà quê hương Quảng Bình đã tạo sinh được nhiều nhân tài, như cựu Ðại Tá Ðỗ Mậu, cựu dân biểu Mã Thất, thi sĩ Lưu Trọng Lư. Nổi bật nhất là cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm của VNCH cũng là người Quảng Bình. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT