Sunday, May 19, 2024

Họa sĩ Misido Thùy Nga, sắc màu, đam mê và học hỏi

Đằng-Giao/Người Việt

Bà là một họa sĩ không dùng cọ, không dùng bay, không dùng cả vải bố hay giấy vẽ. Sắc màu bà dùng để chuyển tải tâm hồn sáng tạo, bà lượm lặt, tìm kiếm từ những trang tạp chí cũ. Đây chính là nét độc đáo của họa sĩ Misido Thùy Nga.

Họa sĩ Misido Thùy Nga và “Thả Diều,” bức tranh lấy từ cảm hứng khi nghe bài “Kỷ Niệm” của Phạm Duy. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Như bao nhiêu người đam mê hội họa, sự chú ý đến sắc màu đến với bà khi còn bé.

“Sắc màu đến với tôi sớm lắm. Từ khi mới lên năm, lên bảy, tôi cứ say mê nhìn ngắm chùm phượng đỏ bên bờ sông Hàn ở Đà Nẵng. Ngồi cạnh mẹ, tôi ngơ ngẩn nhìn nắng chiều vỡ  loang trên những cánh hoa lung linh sắc màu,” bà kể. “Trong màu đỏ còn có cả màu cam, màu vàng.. nhiều màu lắm. Màu xanh của lá cũng có rất nhiều âm sắc khác nhau.”

Ngay từ thuở ấy, bà biết màu sắc sẽ là một phần đời sống mình.

Bà bắt đầu học hội họa ở trung học, trong các tiết phụ đạo.

Bà hồi tưởng: “Tôi biết thêm ý nghĩa của sắc màu, như màu nâu tượng trưng cho chân thành, sự bình dị yêu thương.”

Với bà, kỷ niệm của những năm tháng đó là một bức tranh đồng quê do người thầy vẽ và tặng bà.

“Tôi sung sướng đến nghẹn lời. Bao nhiêu là học trò mà thầy chỉ tặng mình tôi,” bà chia sẻ.

Bức tranh theo bà từ 1968 cho đến 1975 thì thất lạc.

Nhưng với bà, phong cảnh đồng quê với cánh đồng lúa và những nông dân rạp mình nhổ mạ, xa xa là bụi tre thấp thoáng mái nhà tranh vàng trong nắng ấm lúc nào cũng rực rỡ và hun đúc nỗi đam mê sắc màu trong lòng bà.

Sau 1975, tốt nghiệp sư phạm, bà được phân bổ đi Thủ Thừa, Long An dạy học. Nhưng bà quay về Sài Gòn và xin học vẽ ở Sư Phạm Nhạc Họa.

“Chỉ được một năm thì họ không cho tôi học nữa vì tôi là người có bằng giáo viên rồi,” bà kể.

Không bỏ cuộc, bà học riêng với họa sĩ Cao Thị Được, giảng viên Đại Học Mỹ Thuật.

Trong thời gian này bà học về tranh sơn dầu.

Bà tiếp: “Tôi mê gam màu tươi thắm lạc quan, những đường cọ bứt phá, kỹ thuật sáng tạo. Sau đó tôi học với thầy Vũ Văn Đức về bố cục, độ sáng tối, tranh phong cảnh, chân dung…”

Đời sống khó khăn hơn, bà không có khả năng tài chính để theo đuổi hội họa nữa vì vải bố, màu dầu, khung vải bố, cọ…là  những món xa xỉ trong lúc cả nước đang thiếu ăn.

Nhưng niềm đam mê hội họa vẫn ngấm ngầm âm ỉ trong suy nghĩ hàng ngày của bà.

Nhưng sau vài lần sáng tác, bà cảm thấy không thích hợp với cách tạo hình đã học. Bà mong ngóng một “cái gì đó” mới mẻ hơn.

“Hái Sen,” họa phẩm miêu tả vẻ thanh tao của sen và nét thuần hậu của các cô gái miền Tây Nam Bộ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hiện bà và gia đình đã định cư và sinh sống tại Mỹ. Năm 2006, bà về thăm Sài Gòn, và tìm gặp nữ họa sĩ Nguyễn Phi Loan, người họa sĩ với những bức  tranh làm từ màu xé ra từ giấy báo, tạp chí.

Bà kể như reo: “Đây chính là điều tôi hằng muốn học hỏi bao nhiêu năm nay.”

Họa sĩ Phi Loan còn có những bức tranh làm từ màu của vải cắt ghép và điều này lôi cuốn bà mãnh liệt nên chỉ trong một thời gian ngắn, bà hấp thụ được ngay kỹ thuật hội họa mới mẻ này.

Bà phấn chấn kể: “Tôi như nhập vào nghệ thuật này, hoặc là nghệ thuật này là để dành cho tôi vậy.”

“Cái gì đó” mà bà mơ hồ tìm kiếm từ bấy lâu nay đây rồi.

Từ nay, bà đã có cách để diễn đạt óc sáng tạo của mình qua màu sắc.

Loại hình này, tiếng Anh là “collage.” Bà gọi là “tranh xé dán giấy.”

Tranh Misido Thùy Nga như ẩn hiện giữa nhiều trường phái khác nhau, khi thì mang dấu ấn của trường phái lập thể (cubism), lúc thì toát vẻ ấn tượng (impressionism), và lại có khi đầy tính cách biểu hiện (expressionism).

Theo giải thích của bà, loại hình này không phải là bộ môn thủ công như cắt dán giấy đơn giản. Là nghệ thuật, loại hình này cũng phải có bố cục, cũng phải dùng đến sắc màu, cũng phải có nội dung… như mọi thể loại tranh khác,

Bà tiếp: “Loại hình này mang tính sáng tạo và ngẫu hứng rất cao. Không như khi người họa sĩ muốn vẽ một bức tranh theo một chủ đề nào đó, thì họ có thể dùng màu do họ tự pha với những dụng cụ như cọ, bay…Đàng này, tôi phải tìm từ những cuốn tạp chí, sách báo nào đó. Điều này, đôi khi vô cùng khó.”

“Do đó, tính sáng tạo và ngẫu nhiên rất cao trong sáng tác như tôi vừa nói. Khi nhìn thấy một mảng giấy có màu đẹp, tôi phác họa ra một vị trí cho mảng mầu này. Tay thì xé, đầu thì hình dung ra nội dung bức tranh,  tôi tìm mảng mầu  kế tiếp cho bức tranh. Tìm thì khi có, khi không, Nhiều khi phải chờ đến khi nào tìm được mảng màu phù hợp,” bà nói. “Nhưng cũng có lúc tìm được mầu nào đó lại phù hợp cho một vị trí của một nội dung khác, Thế là ngay lập tức, như một phản xạ, tôi lại sáng tác một bức tranh mới khác hẳn nội dung dự tính lúc đầu.”

Rõ ràng, “collage” hay “tranh xé dán giấy” là cách thể hiện nỗi đam mê sắc màu trong lòng bà bấy lâu nay.

Bà hăng say nói: “‘Tranh xé dán giấy’ từ tạp chí giấy báo, theo tôi, phải có đặc điểm về chất liệu là hoàn toàn từ giấy báo tạp chí hay bất cứ sản phẩm nào từ giấy thay vì bỏ đi. Từ những phế liệu này  mà người hoạ sĩ nhìn ra những mảng mầu có thể tạo ra những bức tranh có nội dung hoàn toàn mới và hoàn toàn khác lạ.”

“Áo Trắng Sân Trường” với ba nữ sinh, hai cô lưu luyến quay nhìn sân trường trong lúc một cô, tay mang cánh hoa kỷ niệm, mạnh dạn nhìn thẳng vào tương lai. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Về tính sáng tạo, theo bà, người họa sĩ  phải giới hạn dùng hình có sẵn trên tạp chí để làm tranh với cùng nội dung.

Bà giải thích: “Thí dụ, không dùng khuôn mặt, cái hoa hay ngôi nhà in trên tạp chí để làm tranh cho mình với cũng khuôn mặt, cái hoa ngôi nhà đó, mà phải tự tạo từ màu sắc làm hình ảnh riêng cho mình, như  dùng những hình xoắn ốc làm mái tóc quăn, dùng hình quảng cáo áo quần làm thành những chú cá màu sắc …”

“Về kỹ thuật thì dùng kéo khi muốn đường sắc nét nhưng thường thì nên dùng tay để xé để có những đường diềm đẹp, tạo cho bức tranh có tính độc đáo nghệ thuật,” bà chia sẻ.

Ở một khía cạnh nào đó, sự sáng tác bằng những trang tạp chí cũ để tạo nên hình ảnh mới, bà như tạo nên một sự đầu thai, một kiếp sống mới cho những bức tranh mới của bà.

Nhớ mãi những sắc màu huyền ảo trong ánh nắng chiều ven bờ sông Hàn năm xưa, bà nói: “Tôi là một người yêu sắc màu mà sắc màu thì có sẵn trong thiên nhiên, ngay trên lá, trên hoa ở khắp mọi nơi.”

Dõi nhìn xa xăm, bà tiếp: “Khi mở mắt ra, tôi nhìn thấy sắc màu, và khi nhắm mắt lại,  tôi càng thấy sắc màu lung linh hơn nữa. Chỉ vậy thôi.”

Với 32 sáng tác của họa sĩ Misido Thùy Nga, tất cả đều toát lên một ánh nhìn lạc quan của một tâm hồn cương quyết và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Mục đích sáng tạo hình ảnh của bà là để chia sẻ cái đẹp với mọi người.

Yêu sắc màu, sự thôi thúc phải sáng tạo hình ảnh với màu sắc hài hòa luôn sống trong lòng bà.

Đó là lý do họa sĩ Misido Thùy Nga luôn muốn khuyến khích mọi người nên sáng tạo nghệ thuật.

Bà kết: “Tôi học từ các thầy cô chứ  không tốt nghiệp từ một trường mỹ thuật nào hết nên hành trang của tôi trên con đường hội họa chỉ là đam mê và học hỏi.”

Họa sĩ Misido Thùy Nga lấy nghệ danh MISIDO là tên ghép ba người con của bà.

Muốn liên lạc để thưởng thức tranh của họa sĩ Misido Thùy Nga, gọi: (310) 871-4764

Email: [email protected]

Xin để lại lời nhắn vì họa sĩ thường bận trong studio.

Những sáng tác của họa sĩ Misido Thùy Nga

Bài cậy đăng có trả tiền của thân chủ quảng cáo báo Người Việt

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT