Monday, May 6, 2024

Thủy thủ tàu Gateway City ‘mong ước’ tìm gặp thuyền nhân Việt ông cứu 44 năm trước

Đằng-Giao/Người Việt

SEATTLE, Washington (NV) – Ông Georg Pedersen, một cựu thủy thủ gốc Đan Mạch ở tuổi 88, vẫn đang nóng lòng tìm kiếm những người Việt Nam vượt biển được ông cứu sống ngày 13 Tháng Bảy, 1978, rồi đưa vào Hồng Kông.

Ông Georg Pedersen (ngồi ghế) cùng vợ và những người ông cứu sống và gia đình họ trong buổi họp mặt tại Palm Spring, California. (Hình: Lan Trương cung cấp)

Một ngày để nhớ một đời

Ông Georg Pedersen lúc ấy 44 tuổi và là chỉ huy thủy thủ tàu Gateway City đang thực hiện chuyến đi biển lần cuối. Tình cờ, ông và thủy thủ đoàn tàu Gateway City gặp một chiếc ghe mong manh vượt biên gương cờ trắng, chật cứng 51 người, trong đó có 18 trẻ em.

“Cả 51 người này ngồi như cá mòi trên ghe trong tình trạng mệt lả và thiếu vệ sinh,” ông Georg nói với nhật báo Người Việt.

Giữa giờ tuyệt vọng

Những thuyền nhân trên chếc ghe nhỏ bé này dự định tiến về Malaysia nhưng bị dông bão xô dạt làm mất phương hướng, trôi lênh đênh không định hướng.

Ông kể: “Thuyền trưởng ra lệnh cho chúng tôi là cung cấp nước uống và lương thực cho họ rồi để mặc họ đi tiếp, nhưng tôi nhất định thuyết phục ông nên cứu họ. Họ mệt lắm và trên ghe có nhiều em bé. Không cứu, họ sẽ chết.”

Ông Georg từng cập bến Việt Nam nhiều lần nhưng không hề biết gì về đời sống người dân cũng như tình hình chính trị tại Việt Nam. Thế nhưng hôm ấy, một mãnh lực nào đó thôi thúc ông phải cưu mang cho sinh mạng 51 thuyền nhân ấy.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng ra đại dương, tất cả đều là anh em.”

Sau cùng, thuyền trưởng đồng ý đưa cả 51 người đến Hồng Kông.

“Chuyện xảy ra 44 năm rồi nhưng tôi nghĩ mới như hôm qua thôi. Tôi không thể quên những ánh mắt hân hoan tràn đầy hy vọng khi được chúng tôi đưa tới Hồng Kông,” ông Georg kể tiếp.

Chiếc ghe đánh cá mong manh chở 51 người Việt Nam, lênh đênh trên biển ngày 13 Tháng Bảy, 1978. (Hình: Lan Trương cung cấp)

Bà Lan Trương, một trong 51 thuyền nhân ngày ấy, kể với nhật báo Người Việt: “Lúc đó tôi mới 8 tuổi nhưng tôi nhớ rõ ngày ông Georg cứu sống gia đình tôi, gồm cha tôi, tôi, anh, và em tôi.”

Từ đó, gia đình bà Lan không bao giờ quên ơn này.

Bà nói: “Chúng tôi tìm đủ mọi cách để liên lạc với ông Georg. Cha và anh tôi gởi không biết bao nhiêu thư tìm ông nhưng đều thất bại. Nguyện vọng của cha tôi trước khi qua đời là được gặp lại ông Georg.”

Mọi người trên ghe cùng biết ơn cứu sống của ông Georg trong cơn tuyệt vọng.

Ông Georg Pedersen, người thuyết phục thuyền trưởng phải cứu mạng 51 thuyền nhân Việt Nam năm 1978. (Hình: Chụp từ màn hình NBC)

Bà Lisa Đàm, hiện là nhân viên phòng thử nghiệm đại học Johns Hopkins ở Maryland, nói: “Lúc đó ghe hết dầu, hết nước, hết lương thực và mọi người vô cùng tuyệt vọng nên tôi coi ông Georg trên tàu Gateway City như một Thiên Thần Chúa đưa xuống để cứu vớt chúng tôi.”

Thế nhưng trong một thời gian hơn 40 năm, không ai liên lạc được ai cả.

Trong thời gian này, ông Georg cũng không quên 51 người ông cứu.

Ông kể: “Tôi không có cách nào liên lạc với ai được. Hồi đó họ ở trại tị nạn Hồng Kông một thời gian rồi định cư trong lúc chúng tôi không được vô thăm họ.”

Thế rồi, do tình cờ, một số người liên lạc được với ân nhân của họ, một phần nhờ cuốn sách nhan đề “My 48 Years at Sea – From Deck Boy in Denmark to Captain in America” của ông Georg trên Amazon, mà trong đó có viết về 51 thuyền nhân này, và một phần nhờ người láng giềng của vợ chồng ông Georg tìm được tông tích ông Minh Nguyễn, một thuyền nhân khi được cứu chỉ mới 2 tuổi.

Ông Minh Nguyễn (trái) và ông Georg Pedersen. (Hình: Chụp từ màn hình NBC)

Vui, nhưng chưa trọn vẹn

Cuộc hội ngộ của ông Georg và nhóm thuyền nhân 11 người tại Palm Spring, California, hôm 23 Tháng Tư vừa qua là một ngày tưng bừng nỗi vui và chan hòa nước mắt. Vị anh hùng mắt xanh mới ngày nào 44 tuổi, to cao, rắn chắc nay đã là ông cụ 88 tuổi.

“Và những đứa bé gầy guộc ngày nào nay đã là những người chững chạc, thành công, có địa vị trong xã hôi,” ông Georg tiếp. “Minh Nguyễn hồi đó 2 tuổi, giờ đã 46 rồi.”

Ông kể: “Gặp lại họ, tôi mừng khôn xiết và hãnh diện vì họ đã tạo cho mình một cuộc sống vững chắc trên xứ sở tự do này.”

Hôm hội ngộ tại Palm Spring, ông Georg và bà Nina, vợ ông, rất mừng rỡ, nhưng trong lòng ông vẫn canh cánh ước ao được gặp tất cả 51 người trên chiếc ghe có lá cờ trắng 44 năm về trước.

Ông nói: “Hôm ấy có 55 người dự tiệc nhưng chỉ có 11 thuyền nhân thôi, còn lại là gia đình và con cháu họ.”

Ông thêm: “Tôi mong được gặp những người còn lại. Tôi coi tất cả là người nhà.”

Bà Nina nói với nhật báo Người Việt: “Chồng tôi coi việc gặp lại tất cả mọi người trên chiếc ghe ấy là quan trọng. Lời lẽ ông viết về họ trong cuốn ‘My 48 Years at Sea…’ đã làm tôi bật khóc.”

Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ước tính từ 200,000 đến 400,000 người Việt Nam chết trên đường vượt biên tìm tự do.

Bà Lan trở thành cố vấn đại học ở San Jose, California, vì muốn giúp người khác như ông Georg.

Nhiều người khác cũng trở nên hữu ích cho xã hội.

Bà Lisa nói: “Tôi biết những đứa bé cùng ghe, có một số thành công, thành dược sĩ, luật sư, kỹ sư, chủ nhà hàng…”

Một nhóm trong số 51 thuyền nhân được cứu. (Hình: Lan Trương cung cấp)

Một điểm lý thú đáng nhớ là ông Georg cứu sống 51 thuyền nhân này trong chuyến đi biển cuối cùng trước khi tàu Gateway City ngưng hoạt động vĩnh viễn.

Ông Georg Pedersen vẫn ước ao được gặp tất cả những người còn lại.

“Tôi muốn biết họ ra sao và làm gì bây giờ. Tôi 88 tuổi rồi, không còn thời gian,” ông thở dài. “Chỉ 11 người trong số 51 thì quá ít. Tôi muốn gặp hết họ.” [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT