Saturday, May 18, 2024

Tình đồng môn của cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng

Văn Lan/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Đại Hội Thế Giới Kỳ 4 Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng vừa diễn ra tưng bừng tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim, tối Chủ Nhật, 1 Tháng Bảy, khi đón đông đảo cựu học sinh từ các nước Pháp, Canada, Úc, Đức, Việt Nam, và các tiểu bang Hoa Kỳ như Texas, Indiana, Chicago, Florida, Illinois, Oregon, Georgia, Ohio, North Carolina, Washington, Bắc California, và đông nhất vẫn là Nam California, về tham dự.

Theo thông lệ cứ ba năm mới có đại hội toàn thế giới, nên trong buổi hội ngộ này mọi người xúm xít vây quanh chụp kỷ niệm trước bức hình thật lớn, với cành hoa phượng đỏ thắm trước cổng trường, và các tà áo trắng trong giờ tan học dưới mái trường mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh – một trong những ngôi trường lớn nhất miền Trung thời bấy giờ.

Trong buổi hội ngộ, ông Phan Ứng Thời, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, nói: “Chúng tôi vinh hạnh khi được là học sinh của ngôi trường mang tên nhà ái quốc Phan Châu Trinh. Chúng tôi đã và sẽ làm theo lời nhắn nhủ của cụ, dù ở hoàn cảnh nào của quê hương, lấy tinh thần nhân bản khai phóng làm kim chỉ nam để thành người hữu dụng, đóng góp cho gia đình, xã hội và quê hương.”

“Đặc biệt trong tình hình hiện tại đất nước Việt Nam, nghĩa vụ ấy lại càng nặng nề và khó khăn hơn nữa, đó là làm hết tất cả khả năng chúng ta có để đem lại tự do dân chủ và nhân quyền cho người dân Việt. Đó cũng là ước nguyện của chúng ta hiện nay ở đây cũng như của đồng bào ở quê nhà,” ông nói tiếp.

Các cựu giáo sư trong ngày đại hội Phan Châu Trinh Thế Giới kỳ 4. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trước đông đảo mọi người, cựu hiệu trưởng, Giáo Sư Thái Doãn Ngà cho biết: “Hôm nay là dịp hiếm có để gặp các đồng nghiệp và học trò từ khắp nơi trên thế giới sau 43 năm xa cách. Hiện nay đồng bào trong nước đã nổi dậy quyết liệt tranh đấu đòi hủy bỏ dự luật Đặc Khu Kinh Tế và Luật An Ninh Mạng. Tôi và quý vị hãy tin con cháu chúng ta sẽ trở lại Việt Nam, làm một cuộc cách mạng để giành lại đất nước, đem lại hạnh phúc cho dân tộc.”

“Tôi rất hãnh diện vì các học sinh của tôi rất giỏi, trong đó có anh Lê Văn Hiếu hiện giữ chức vụ thống đốc South Australia, hôm nay bận việc nên không về được, và cô Tâm Như, trưởng ban văn nghệ của trường đã giúp chúng tôi xây được một hội trường, một thư viện và 12 lớp học của trường thời bấy giờ,” ông nói thêm.

Ông Bạch Thế Thức, đại diện cựu học sinh, chào mừng các giáo sư và cựu học sinh. Trong giây phút cảm động này, các học sinh trao gởi đến thầy cô những tấm lòng nhớ ơn thầy cô đã bao năm dạy dỗ các thế hệ nên người.

Sư Tịnh Đức, cựu học sinh niên khóa 1957-1964, từ chùa Đạo Quang, Garland, Texas, về dự đại hội, cho biết: “Chủ trương ‘Khai dân trí’ do cụ Phan Châu Trinh đề ra từ mấy mươi năm trước đến bây giờ vẫn còn thích hợp. ‘Khai dân trí’ để con người mở mang, hội nhập với thế giới tự do, nếu không thì chế độ độc đảng độc quyền chỉ đưa đến đau khổ cho dân tộc mà người dân vẫn thờ ơ không nhận biết!”

Các cựu học sinh Phan Châu Trinh reo hò khi được kêu tên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà Võ Thị Minh, từ Atlanta, Georgia về, cựu học sinh khóa 1963-1970, cho biết: “Thi vào trường từ lớp đệ thất là đã khó rồi, vì đây là trường công lập lớn nhất toàn tỉnh thời bấy giờ. Đậu vào trường là một vinh dự lớn và hãnh diện vô cùng. Học trò thời ấy học hành chăm chỉ, thầy cô chăm lo cho học trò hết lòng truyền đạt kiến thức, hy vọng trò sẽ nên người có ích cho xã hội. Tôi rất hãnh diện là học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng!”

Bà Như Hảo, giám đốc đài Mẹ Việt Nam, cho biết thời trung học ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng với nhiều kỷ niệm khó quên. “Tôi nhớ như in từ đầu đường Nguyễn Hoàng đi xuống là gặp ngôi trường thân yêu với nhiều kỷ niệm, nơi bắt đầu đời học sinh từ tiểu học bước vào trường trung học lớn nhất tỉnh, thấy mình cũng lớn hơn nhiều, có nhiều bạn hơn, cùng nhau làm văn nghệ, cùng chia sẻ những thú vui. Và những con đường rợp trời màu phượng thắm cùng tiếng ve kêu vang mùa Hè, ngồi bên ghế đá ngắm nhìn hàng phượng lung linh soi bóng trên sông Hàn, cùng bạn bè đọc thơ Nguyên Sa, lãng mạn lắm! Nhớ quá thời thơ mộng ấy không sao quên được, gần 60 năm rồi chứ ít gì,” bà bồi hồi nói.

Giáo Sư Thái Doãn Ngà tâm sự: “Tôi rất hãnh diện trong nhiệm vụ hiệu trưởng thời ấy, đã lập thêm trường Hồng Đức để chuyển các nữ sinh vào một trường nữ riêng biệt, mới có chỗ cho nam sinh vào trường Phan Châu Trinh. Thời đó học sinh thi vào rất đông và học rất giỏi, khi vào Sài Gòn luôn đậu đầu vào các ngành y khoa, kỹ sư, quốc gia hành chánh.”

Cựu học sinh trao lòng tưởng nhớ đến cựu hiệu trưởng Thái Doãn Ngà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cũng trong dịp này, quyển đặc san với chủ đề “Phan Châu Trinh Đường Chúng Ta Đi” do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng phát hành để chào mừng đại hội.

Ông Võ Văn Thiệu, phụ trách đặc san, cho biết: “Cụ Phan đã vạch ra con đường yêu nước, chúng ta phải theo gương của cụ, ngoài việc học hành, tiến thân, còn phải biết yêu gia đình tổ quốc. Tuy xa nhưng vẫn luôn nhớ về quê nhà, mong một ngày nào đó sẽ có tự do dân chủ. Dù không sinh hoạt chính trị nhưng anh em cựu học sinh vẫn luôn giữ tinh thần quốc gia yêu nước, mọi cố gắng sinh hoạt đều nhắm đến mục tiêu giải thể chế độ CSVN, để cho người dân Việt Nam được ấm no hạnh phúc, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là mục đích của chúng tôi trong đại hội này.”

Đêm vui vẫn tiếp tục với những tiết mục văn nghệ sôi nổi như ngày nào còn chung dưới mái trường, với nhiều ca khúc đấu tranh, những bài ca yêu quê hương tổ quốc, cùng với những tiết mục xổ số vui nhộn. Mọi người vẫn lưu luyến mãi không rời trong tình thân hữu, chúc nhau sức khỏe để còn gặp lại kỳ đại hội lần tới. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT