Monday, April 29, 2024

Triển lãm “Vẽ những niềm u uẩn”: Nỗi lòng của những người ‘tâm bệnh’

Trúc Linh/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) –  Trưa 6 Tháng Năm 2018, tại Bảo tàng Bowers, ở số 2002 N. Main Street, thành phố  Santa Ana, diễn ra buổi triển lãm đặc biệt “Vẽ những niềm u uẩn” (Drawing out Stigma) với sự tham gia của bảy tổ chức cộng đồng, trong đó có Cơ Quan Dịch Vụ Southland, quen thuộc với người Việt ở Little Saigon trong nhiều năm qua.

“Drawing out Stigma” là triển lãm hội họa của những người từng trải qua vấn đề về sức khỏe tâm bệnh. Đây là dự án của MECCA (The Multi-Ethnic Collaborative of Community Agencies) nhằm giúp cộng đồng giảm sự kỳ thị liên quan đến tâm bệnh.

Có hơn 100 tranh vẽ của hơn 100 người đến từ bảy tổ chức cộng đồng, trong đó có 33 người thuộc hai nhóm, một nhóm từ 10 đến 14 tuổi và một nhóm từ 18 đến cao niên, thuộc Cơ Quan Dịch Vụ Southland. Những bức vẽ này chính là thông điệp mà những người có vết thương tinh thần muốn gửi đến mọi người “nỗi lòng” của họ. Đó có thể là sự mất mát, nỗi đau, sự chiêm nghiệm về cuộc đời của mình muốn diễn đạt chia sẻ với người khác qua nét vẽ.

Người tham dự triển lãm còn được xem những tiết mục văn nghệ của các em từ Đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng và các nhóm văn nghệ thuộc sắc dân Hispanic. Bên cạnh đó là các quầy ẩm thực miễn phí và các gian hàng tư vấn sức khỏe, được tặng các sản phẩm thủ công làm tại chỗ theo yêu cầu. Các gian hàng này là của các tổ chức cộng đồng có tranh tham dự như Abrazar, Inc., Dịch vụ Cộng đồng Hàn Quốc, Southland Integrated Services, Viện Đa văn hóa OMID, Dịch vụ ACCESS California, Nghệ thuật Điều trị Trẻ em Quận Cam và Gia đình Cambodia.

Hơn 100 bức tranh được trưng bày trong triển lãm. (Hình: Bà Tricia Nguyễn cung cấp)

Được thành lập năm 1979 như một cơ quan yểm trợ việc tái định cư cho người tị nạn tại thành phố Westminster, Southland Integrated Services, Inc. là một cơ quan bất vụ lợi, từng được biết đến với tên gọi Hội Cộng Đồng Người Việt Quận Cam, đã dần dần mở rộng hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của các cư dân ở Orange County. Cơ quan này có Trung Tâm Y Tế đạt tiêu chuẩn liên bang, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tổng hợp và cũng là một cơ quan với các dịch vụ xã hội toàn diện, được công nhận là trung tâm khám chữa bệnh bậc khá, với sự phối hợp chăm sóc hiệu quả.

Bà Tricia Nguyễn, CEO của Cơ Quan Dịch Vụ Southland cho biết, dự án MECCA đã hoạt động được hơn 5 năm. Hằng năm được Sở Y Tế Orange County tài trợ một khoản tiền để tổ chức những hoạt động cộng đồng cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhằm giúp người khác hiểu rõ hơn và không còn thành kiến với người có bệnh.

Gian hàng tư vấn của Southland Integrated Services tại triển lãm. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

“Tại sao khi chúng ta mắc các bệnh khác, ví dụ như tiểu đường, bệnh tim… chúng ta dễ dàng nói ra và người nhà cũng không ngần ngại nói với khác, nhưng khi có bệnh tâm thần, trầm cảm hay những vấn đề khác về tâm bệnh, chúng ta luôn giấu và người nhà cũng không dám nói cho người khác nghe. Tại sao lại phải giấu như vậy? Đâu phải ai bị tâm bệnh cũng đều trở thành tâm thần nặng và nguy hiểm?”, Bà Tricia Nguyễn nói.

Bà Tricia Nguyễn cho biết, với số tiền khiêm tốn được Sở Y Tế hỗ trợ hằng năm, Cơ Quan Dịch Vụ Southland chỉ tổ chức cho các bệnh nhân học vẽ được khoảng 6 tuần. Tranh trong buổi triển lãm và kết quả của 6 tuần học. Các bệnh nhân này trước đó chưa hề biết vẽ một chút nào. Khi học, họ thích lắm, nhiều người nói rằng nhờ học vẽ mà họ tự tin hẳn lên.

Bác Sĩ Tâm Lý Đông Xuyến, giám đốc dịch vụ sức khỏe tâm lý của Cơ Quan Dịch Vụ Southland, cũng bày tỏ sự cảm thông khi nói về những người có tâm bệnh. Chị nói, hội họa giúp người vẽ diễn đạt cảm xúc.  Đối với những người có tâm bệnh, hội họa nhiều khi là để nói về những vết thương lòng của họ.  Vẽ để cảm nhận, hiểu cho bản thân, và có khi tìm ý nghĩa cho trải nghiệm đó. Những điều này đều có giá trị chữa lành và tạo thêm nghị lực. Người xem tranh cũng từ đó hiểu chính mình và người khác hơn.  Điều này phần nào giúp tạo cảm thông, đánh tan sự thành kiến, kỳ thị đã từng khiến người có bệnh thu mình lại, ngại giao tiếp và không tìm giúp đỡ làm bệnh nặng hơn.

“Trong triển lãm hôm nay có một bác lớn tuổi, trước đây bị tai nạn xe. Từ lúc tai nạn, bác không dám ra ngoài, sợ đủ thứ. Nhưng khi tham gia lớp học vẽ, bác thay đổi khá nhiều và không còn sợ ra ngoài”, cô Tâm Trần, một nhân viên tiếp cận cộng đồng của Southland cho biết.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Theo bà Tricia Nguyễn cho biết, Cơ Quan Dịch Vụ Southland thường làm những cuộc khảo sát dành cho khách tham quan trước khi vào xem triển lãm để biết được khách hiểu gì về người có tâm bệnh. Sau khi xem xong triển lãm, khách cũng được mời làm khảo sát lại để ban tổ chức ghi nhận sự khác biệt tích cực, nếu có.

Bác sĩ Tâm Lý Đông Xuyến cho biết thêm. Ngày nay việc phục hồi chức năng khi có tâm bệnh đều không khó nếu được trị liệu đúng mức. Bệnh trầm cảm và hồi hộp lo sợ khá phổ biến trong các cộng đồng đã từng trải với những chấn thương tinh thần lớn qua nhiều thế hệ trong lịch sử chiến tranh, tị nạn, và di dân. Cộng đồng Việt Nam chúng ta cũng vậy, bệnh trầm cảm và bệnh sợ không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em thanh thiếu niên và người cao niên. Do vậy, khi phát hiện người thân của mình phải trải nghiệm sự mất sức, chán nản, mất hứng thú với mọi việc trong cuộc sống, tự cô lập, v.v…và có thay đổi trong việc đi làm, đi học, hay giao tiếp xã hội…, quý vị cần tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn.  Số điện thoại tại Cơ Quan Dịch Vụ Southland, số 714-592-8639 nếu muốn lấy hẹn tư vấn và khám bệnh. (Trúc Linh)

MỚI CẬP NHẬT