Thursday, April 25, 2024

Trịnh Cung triển lãm tranh, từ trừu tượng đến hiện thực đơn sắc

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Đây là một phương hướng sáng tạo hội họa mới của tôi, mở đầu một phong cách vẽ chưa họa sĩ gốc Việt nào tại Orange County hay cả nước Mỹ theo đuổi, cho đến hôm nay. Lối vẽ này là đơn sắc hiện thực.”

Họa sĩ Trịnh Cung cởi mở nói về cuộc triển lãm sắp tới của mình trong hai ngày cuối tuần, Thứ Bảy và Chủ Nhật, 15 và 16 Tháng Sáu, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Song song với cuộc triển lãm là phần ra mắt “Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ,” gồm tiểu sử, những thành tựu đáng nể của ông, cuốn sách còn là một công trình biên khảo hết lòng tận tụy về mỹ thuật Việt Nam.

Phần ra mắt sách bắt đầu lúc 2 giờ trưa cùng ngày.

Tham dự buổi ra mắt “Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ,” ngoài nhà thơ Du Tử Lê còn có các tên tuổi đáng kể như nhà văn Đặng Thơ Thơ, nhà văn Trịnh Y Thư, nhà thơ Đặng Phú Phong và nhà báo Trịnh Thanh Thủy.

Về cuộc triển lãm, những bức tranh tuyển chọn của họa sĩ Trịnh Cung là những sáng tác mới nhất.

“Những sáng tác này được hoàn tất tại Mỹ, sau khi tôi làm một quyết định vô cùng khó khăn và quan trọng cho một người lớn tuổi như tôi là phải rời Việt Nam, định cư tại Mỹ,” ông chia sẻ. “Phải bỏ lại tất cả sau lưng ở tuổi ngoài 70 là một vấn đề hết sức đau đầu của tôi.”

Trịnh Cung nói về hiện thực đơn sắc, ngôn ngữ hội họa mới của ông. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Theo dự định, tranh Trịnh Cung sẽ được treo trên hai bức tường, chia thành hai nhóm khác nhau.

“Một bên gồm những bức tranh thuộc trường phái trừu tượng, vốn là sở trường, sở thích và đam mê của tôi suốt bao nhiêu năm nay,” vị họa sĩ ở tuổi ngoài 80 cho biết.

Tranh trừu tượng là tích lũy những kinh nghiệm và cách nhìn khác người của ông, thể hiện qua những họa phẩm lão luyện, chín chắn, toát lên được cái bàng bạc, không dễ nắm bắt của trường phái hiện đại này.

“Dĩ nhiên, như những sáng tác suốt bao nhiêu năm qua, những bức tranh trừu tượng của tôi trong lần triển lãm này được vẽ bằng màu,” ông nói.

Tranh trừu tượng Trịnh Cung luôn ẩn hiện những đường nét quen thuộc. Sự quen thuộc đó có thể là những bóng dáng phụ nữ hay một ý tưởng triết lý thâm sâu.

Tranh trừu tượng Trịnh Cung luôn luôn là kết quả của một sàng lọc chi li, tinh tế, chỉ giữ lại những mảng màu tinh khiết và thanh thoát nhất.

Quay lại phần thứ hai của cuộc triển lãm, vị họa sĩ nói: “Tường bên kia là nơi trưng bày những sáng tác đơn sắc hiện thực.”

Phần này, ông đặt tên là “Câu Chuyện Của Một Di Dân Mới ở California.”

“Gặp Nhau Ở Bolsa 2,” ba mảnh đời tị nạn. (Hình: Trịnh Cung cung cấp)

Chuyện của ông như lại phản ảnh được nhiều câu chuyện của nhiều người.

Rời Việt Nam, bỏ lại tất cả để sinh sống tại Mỹ với hai bàn tay trắng, tất cả chỉ vì ông muốn đứa con trai, lúc ấy tám tuổi, có tương lai tươi sáng hơn.

Sau khi trải qua một cuộc “khủng hoảng sáng tạo,” cuối cùng, vị họa sĩ cũng tìm ra một ngôn ngữ thích hợp để lột tả được tâm tư mình trong giai đoạn mới mẻ đến với ông hơi trễ nãi trong cuộc đời.

Và ông, quyết định vẽ lại cuộc đời mình bằng lối tạo hình mới qua ngôn ngữ hiện thực đơn sắc.

Tranh hiện thực đơn sắc Trịnh Cung là những họa phẩm sơn dầu trắng đen trên nền vải bố.

“Tại sao trắng đen? Vì màu sắc là thực tế nhất. Tôi không muốn chỉ mô tả một thực tế mà ai cũng thấy cả rồi. Tôi muốn tìm một cái gì khác hơn, cao hơn là chỉ đơn thuần tả chân,” vị họa sĩ trình bày.

Ông tiếp: “Tôi muốn đưa lối vẽ hiện thực lên mức cao hơn, gần gũi hơn với văn chương. Văn chương chỉ là những dòng chữ đen trên giấy, nhưng mô tả được biết bao sắc màu của thực tế ở đời.”

Theo nhận định của người họa sĩ lão thành, mỗi bức tranh hiện thực đơn sắc của ông là một chương trong câu truyện cuộc đời của ông và gia đình.

Tất cả kể lên và nhắc lại những khó khăn khi hội nhập vào một xã hội xa lạ.

Trong bức “Gặp Nhau Ở Bolsa 1,” Trịnh Cung như đang băn khoăn suy nghĩ về thân phận mình.

“Cái Mền Mua ở Goodwill,” bức tranh của lòng chan hòa nhân ái nước Mỹ dành cho người cần giúp đỡ. (Hình: Trịnh Cung cung cấp)

Bên trái là một người từng thành công nhưng lâm vào hoàn cảnh sa sút vì cờ bạc, hút sách rồi trở thành vô gia cư. Bên phải là một ông sĩ quan H.O. đạp xe đi bán đồ phế thải để gom góp tiền bạc giúp bạn bè còn sót lại ở Việt Nam.

Ở giữa, một tay cầm ổ “baguette,” tay kia ly cà phê “to go,” Trịnh Cung, ở tuổi cuối Thu cuộc đời, ngỡ ngàng như một anh “lính mới.” Cuộc đời sẽ đưa ông đến đâu?

Qua “Gặp Nhau Ở Bolsa 2,” vị họa sĩ mô tả ba mảnh đời của ba phụ nữ trên quê hương mới.

Bên trái là phụ nữ thành đạt trong trang phục nghiêm chỉnh, với ánh mắt tự tin và bước đi đầy tự tin. Bên phải, một phụ nữ đang tô son lên môi. “Đó là một ca sĩ rất thành công khi còn trẻ đẹp, niềm mơ ước của bao nhiêu người, nay thành vô gia cư vì nghiện ngập và bệnh tâm thần,” Trịnh Cung nói.

Ông tiếp: “Ở giữa là một người đàn bà gồng gánh ve chai như bà từng làm nhiều năm ở Việt Nam.”

“Cái quang gánh là một hình ảnh hết sức Việt Nam. Hồi còn nhỏ, tôi được mẹ tôi đặt vào cái rổ rồi gánh tôi đi,” ông tâm sự.

Hai mảng tranh khác nhau trong cuộc triển lãm sẽ tạo nên một vẻ tương phản thú vị, giữa trừu tượng và hiện thực, giữa gợi ý và tả chân, giữa sắc màu và trắng đen. Nhưng rồi sự tương phản đầy nghệ thuật tính này cũng sẽ gặp nhau ở một điểm chung là cả hai cùng là những tác phẩm đắc ý mới nhất với một họa pháp độc đáo của họa sĩ lão thành Trịnh Cung.

Từ vô thức, phối hợp với thiên tư và kỹ thuật, tranh Trịnh Cung tỏa một nét riêng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Năm 1997, khi đang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học San Francisco State University, Trịnh Cung đã rất thành công với cuộc triển lãm đầu tiên mang tên “Âm Vang Của Đất,” tổ chức tại Orange County.

Năm sau, ông lại có một cuộc trưng bày tại Los Angeles.

Đây là cuộc triển lãm lần thứ ba của vị họa sĩ sung mãn năng lực sáng tạo với một họa pháp vô cùng độc đáo.

Về cuốn “Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ,” ngoài giá trị tất nhiên về những thành quả vượt bực của một họa sĩ có nhiều tác phẩm được nhiều nhà in quốc tế đề cập và vinh danh, đây còn là một nỗ lực đáng kể về bối cảnh lịch sử về mỹ thuật Việt Nam từ năm 1954 đến 1975, tác giả cho biết.

Ông nói: “Đây đúng là một hồ sơ tư liệu đầy giá trị cho những ai cần nghiên cứu hay tham khảo về nghệ thuật Việt Nam.”

Ngoài giá trị tham khảo, “Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ” còn là một bản tự bạch chân thật của họa sĩ Trịnh Cung với những điều hay và cái dở của ông.

Đây là cuốn sách kỷ niệm 56 năm hội họa của Trịnh Cung.

Đây cũng là cuốn sách nên có và đáng có cho những ai còn yêu hội họa đích thực của Việt Nam.

Họa sĩ Trịnh Cung thân mời mọi người tham dự cuộc triển lãm để thưởng thức hay phê bình tranh ông.

Phòng triển lãm mở cửa từ 11 giờ sáng đến 6 giờ chiều Thứ Bảy và Chủ Nhật, 15 và 16 Tháng Sáu. (Đằng-Giao)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT