Friday, April 26, 2024

Trung tâm Việt Ngữ Viện Việt Học tổ chức Lễ Tết Truyền Thống cho các em

Uyên Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Thứ Bảy, 13 Tháng Giêng, tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst, Westminster, các em học sinh của Trung Tâm Việt ngữ nơi đây đã cùng phụ huynh cử hành Lễ Tết Truyền Thống của dân tộc trong không khí thật vui và thật ý nghĩa.

Khai mạc buổi sinh hoạt, các cô giáo Kim Ngân và Tú Loan, trung tâm trưởng nói về ý nghĩa của ngày Tết Cổ Truyền của dân tộc Việt Nam. Các cô cũng cho biết mục đích của buổi sinh hoạt này nhằm giúp cho các em vừa vui chơi vừa học hỏi về nếp sống văn hóa của người Việt mà trong chương trình học Việt ngữ, các em cũng được biết qua các bài học mà các thầy cô đã giảng dạy. Nhưng để đi vào chi tiết thì Lễ Tết Truyền Thống của dân tộc còn mang nhiều ý nghĩa về tinh thần gia đình, lòng yêu thương quê hương đất nước nữa.

Sau khi ngỏ lời chúc Tết đến các em cùng các phụ huynh, hai cô đã tiến vào trước bàn thờ Gia Tiên, nơi có bày mâm ngũ quả, hương nhan đèn nến, đỉnh hương trầm… cùng làm lễ gia tiên khai mạc buổi sinh hoạt.

Tiếp đó, cô giáo Thúy Phượng điều hành một chương trình thật vui và mang nhiều ý nghĩa. Mở đầu là một bài đồng ca của các em lớp 2, có nội dung ca tụng cha mẹ, ông bà, thầy cô và chúc mừng năm mới. Rồi lần lượt, các cô giáo Nguyên Phượng, Minh Phương, Thúy Phương, Doãn Nghi… phụ trách các lớp của trung tâm từ lớp 1 cho đến lớp 6 đã hướng dẫn các em lên sân khấu để cùng cô Thúy Phượng “đố vui để học.” Tất cả các em đều được phụ huynh chăm sóc cho ăn mặc như ngày Tết với những bộ áo quần cổ truyền gấm hoa sặc sỡ.

Các em trả lời cô giáo về những bánh mứt hoa trái thường có trong Lễ Tết Truyền Thống Việt Nam. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Mục “Đố vui để học” rộn rã với các câu hỏi liên quan đến việc gọi tên các loài hoa thường được trưng bày trong ngày Tết như mai, lan, cúc, vạn thọ… Rồi gọi tên các loại mức, nào là mứt sen, mứt bí, mứt gừng, kẹo bánh… Tên gọi các loại trái cây cũng được đưa ra đố cho các em trả lời vanh vách như dưa hấu, đu đủ, bưởi, cam quýt. Ngay cả các món ăn ngày Tết, các em cũng khá rành như nem chua, củ kiệu, dưa món, dưa giá…

Quả là hay thật khi các em nhỏ xíu của các lớp 2 đã tròn miệng trả lời cô giáo. Nhiều phần chắc rằng, các em đã được thầy cô dạy trước rồi nhưng dù có như vậy, các em cũng sẽ nhớ mãi những thứ thường được thấy trong những ngày Tết trong gia đình. Và từ đó ký ức của các em sẽ ghi đậm, cho dù sau này các em có là gì trong xã hội Hoa Kỳ, các em cũng sẽ không thể quên được những món ăn, thức uống, cảnh trang trí vào những ngày lễ Tết Truyền Thống của người Việt.

Sau phần “đố vui để học,” các cô giáo của Trung Tâm Viện Việt Học đã cùng lên sân khấu đồng ca khúc nhạc “Xuân và Tuổi Trẻ” thật vui tươi hồn nhiên và nhận được những tràng pháo tay rộn rã như pháo Tết.

Ban tổ chức cũng mời các phụ huynh lên sân khấu để mừng tuổi các em bằng những phong bao có chút tiền. Những phong bao này được trang trí theo họa tiết cổ truyền Việt Nam để xóa đi những họa tiết lai Tàu mà Viện Việt Học đã thực hiện từ 5 năm nay.

Phụ huynh tham dự mừng tuổi đầu năm cho các em tại Trung Tâm Viện Việt. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Một tiệc Tất Niên cũng được bày ra bởi sự chung tay đóng góp của phụ huynh cùng thầy cô giáo của trung tâm để các em có thêm hương vị ngày Xuân.

Viện Việt Học là nơi tập trung khá nhiều những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt ly hương. Mỗi tháng, viện thường công bố những sinh hoạt sẽ được diễn ra trong tháng với sự góp sức của nhiều giới nhân sĩ, trí thức và các anh chị em yêu thích ca nhạc. Hiện Viện Việt Học, ngoài những buổi giới thiệu sách giá trị của các tác giả từ xa về ra mắt sách tại Little Saigon, còn có những buổi triển lãm văn học, những tác phẩm văn chương kim cổ. Một ban văn nghệ của Viện đã được thành lập từ mấy năm nay, quy tụ nhiều người yêu thích văn nghệ, để hàng tháng hay một vài tuần lại có một buổi ca nhạc thính phòng với những chủ đề có giá trị để nhắc nhớ đến một thời sinh hoạt văn hóa văn nghệ của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Những buổi ca nhạc này không chỉ để cho giới cao niên tìm về dĩ vãng mà để cho lớp trẻ được hiểu biết về một thời gian đất nước và con người Việt Nam đã được phát triển phong phú tốt đẹp.

“Chúng ta đi mang theo quê hương” như chúng ta vẫn thường nói, thì thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn đã chuyển tiếp được cho thế hệ thứ hai và nay thì tiếp tục đang được chuyển tiếp cho thế hệ thứ ba và những thế hệ sau nữa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT