Thursday, April 25, 2024

Trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn hội ngộ nhân 50 năm thành lập trường

 

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội ngộ lần thứ 4 đồng thời kỷ niệm 50 năm thành lập giữa các giáo sư và học sinh của Trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn diễn ra thật tưng bừng hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Tư tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden Grove.

Đặc biệt hơn những lần trước, buổi hội ngộ kỳ này còn có sự tham dự của các vị giáo sư, cùng cựu học sinh các khóa từ 1968 đến 1974, đến từ Canada và các tiểu bang xa ở Hoa Kỳ như Kansas, Arizona, Pensylvania, Washington, Chicago, Virginia, Texas.

Dường như không còn khoảng cách tuổi tác và thời gian giữa thầy và trò khi ai cũng mái đầu bạc pha sương, chỉ còn sự thân thương quý trọng, và tình đồng môn, nghĩa thầy trò vẫn nồng thắm như ngày nào bên mái trường Văn Hóa Quân Đội số 17 Thống Nhất, Sài Gòn.

Thị Trưởng Tạ Đức Trí (bìa trái) trao bằng tưởng lục cho Trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn trong kỳ hội ngộ lần 4, mừng 50 năm thành lập trường. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau nghi thức khai mạc, toàn ban văn nghệ cùng hát bài “Văn Hóa Quân Đội Hành Khúc,” sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Văn Quang, để nhớ lại thuở học trò chào cờ dưới sân trường Văn Hóa Quân Đội vào những ngày đầu tuần trước khi vào lớp học.

Một không khí thật rộn ràng, vui nhộn khi thầy và trò cùng nhau chụp một bức ảnh lưu niệm, như Giáo Sư Dương Ngọc Sum hay nói là để điểm danh quân số trong mỗi lần hội ngộ, và toàn thể ban tổ chức cùng các giáo sư được mời lên cắt bánh kỷ niệm 50 năm thành lập trường Văn Hóa Quân Đội.

Cựu học sinh Ngọc Diệp, trưởng ban tổ chức, cũng ngỏ lời cảm ơn đến tất cả thầy cô, các bạn đồng môn ở khắp nơi về tham dự, và mong rằng các bạn hãy tìm đến nhau đông vui hơn trong những lần hội ngộ tới.

Trong dịp này, Thị Trưởng Tạ Đức Trí cũng được mời tham dự, và một điều bất ngờ nhất khi mọi người được biết thân mẫu của ông là Giáo Sư Đỗ Châu Huyền từng dạy môn Anh Văn tại trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn, cũng là vị giáo sư đóng góp nhiều công sức trong quyển đặc san lần đầu tiên ra mắt để kỷ niệm lần hội ngộ này sau mấy mươi năm xa cách.

Với chủ đề “Trường Xưa,” quyển đặc san in ấn thật công phu với nhiều bài vở đóng góp bởi các cây bút học trò, để nhớ về mái trường thân yêu, với bao kỷ niệm thân thương khi còn mài ghế học sinh dùi mài kinh sử, với sự đóng góp nhiệt tình của hai vị giáo sư Đỗ Châu Huyền và Nguyễn Thị Minh Hương.

Hoạt cảnh “Phượng Hồng” do các cựu học sinh Trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn diễn trong ngày hội ngộ kỳ 4 mừng 50 năm thành lập trường. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Số tiền thu được khi phát hành đặc san là $3,800 được gởi về để ủng hộ các bạn đồng môn đang gặp khó khăn tại quê nhà, trong chương trình “Quà Tết Cho Bạn” được tổ chức hàng năm.

Cựu Giáo Sư Nguyễn Văn Dũng, sĩ quan không quân, hiệu trưởng Trường Văn Hóa Quân Đội Tân Sơn nằm trong vành đai phi trường Tân Sơn Nhất nói rằng “sai lầm hết sức thời ấy khi cho rằng các quân nhân VNCH, vì phải chiến đấu để bảo vệ đất nước nên không có thì giờ dạy bảo con em mình, do đó các học sinh Văn Hóa Quân Đội không sáng giá bằng học sinh các trường nổi tiếng.”

“Nhưng khi vào dạy tại trường, tôi mới thấy học sinh Văn Hóa Quân Đội cũng giỏi không thua kém học sinh các trường công khác, đôi khi còn giỏi hơn nữa vì các em thuộc con nhà binh, từ các giáo sư cho đến học sinh, đều tuân thủ kỷ luật thật nghiêm minh, từ tác phong bên ngoài như đi học phải chỉnh tề đồng phục, với áo trắng quần đậm màu, có phù hiệu tên trường và bên cánh tay trái có mang huy hiệu ‘Tổ Quốc Học Đường’,” thầy Dũng hào hứng kể.

Cựu Thiếu Tá Hồ Đắc Huân, khách mời danh dự trong buổi hội ngộ, là đồng tác giả biên soạn quyển “Lược sử QLVNCH” cùng với Đại Tá Trần Ngọc Thống và Trung Úy Lê Đình Thụy. Ông Huân phổ biến một tài liệu xưa nói về lịch sử trường Văn Hóa Quân Đội, được thành lập nhằm giúp đỡ con em các quân nhân tại ngũ có nơi chốn học hành, cùng con em của tử sĩ và thương phế binh VNCH.

Theo tài liệu này thì Trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn (lớp tối) được thành lập sớm nhất từ năm 1958, khởi đầu là những lớp bổ túc văn hóa theo Nghị Định của Bộ Giáo Dục số 25.108 GD/HV/TR ngày 1/10/1958, dành riêng cho quân nhân tại ngũ hiếu học để có điều kiện trao dồi thêm kiến thức, và chuẩn bị tham dự các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I, và Tú Tài II.

Với đà phát triển của Quân Đội VNCH, để thỏa mãn nhu cầu học vấn của con em quân nhân, những lớp học bổ túc văn hóa trên được biến cải thành Trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội với đầy đủ các lớp từ Đệ Thất (lớp 6) đến Đệ Nhất (lớp 12). Trường Trung Học VHQĐ Sài Gòn lúc đó là một trong những trường VHQĐ lớn nhất, hoạt động rất quy củ và hữu hiệu. Hàng năm tỉ lệ thí sinh thi đậu Tú Tài II (đặc biệt Ban C) luôn cao nhất trong số 22 trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội.

Các giáo Sư và ban tổ chức bên chiếc bánh sinh nhật 50 năm Trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đặc biệt nhất là có tới 22 trường Văn Hóa Quân Đội được thành lập trên toàn cõi miền Nam Việt Nam, bao gồm 4 Quân Khu, từ Huế cho đến Vĩnh Long, được kết hợp thành lập bởi Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục, phê chuẩn chương trình học, chứng chỉ học trình, học bạ, cùng tất cả quyền lợi và bổn phận của một trường công lập.

Cô Ngọc Diệp, trưởng ban tổ chức, cho biết: “Sau lần hội ngộ đầu tiên cách đây 4 năm, chúng tôi quy tụ được khoản vài chục người, sau đó thông tin được phổ biến nhiều, ngày càng quy tụ đông hơn hơn giữa các khóa đàn anh đàn em. Mong những lần hội ngộ tới chúng tôi sẽ càng đông hơn nữa, để cùng nhau gặp gở hàn huyên về những kỷ niệm trường cũ bạn xưa, nhất là được gặp lại các thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi nên người.”

“Ngoài ra những chuyến đi trình diễn văn nghệ ủy lạo chiến sĩ, những dịp cứu trợ bão lụt miền Trung, học sinh của trường luôn thể hiện tinh thần huynh đệ chi binh, dù sao cũng là con em của chiến sĩ VNCH, chúng tôi luôn hãnh diện là học sinh trường VHQĐ,” cô Ngọc Diệp nói.

Mọi chi tiết của Trường VHQĐ xin vào trang mạng: myvhqd.com

hoặc liên lạc qua điện thoại Ngọc Diệp (714) 837-9547; Nguyễn Michael (813) 428-0091

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT