Friday, April 26, 2024

Tu viện Hoa Nghiêm: Vu Lan qua cái nhìn của phàm và thánh

Nguyên Huy/ Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, 19 Tháng Tám, Tu viện Hoa Nghiêm trên đường First, thành phố Santa Ana đã cử hành trọng thể lễ Vu Lan P.L.2562.

Đúng 10 giờ sáng, chư tăng ni và Phật tử đã làm lễ rước kiệu cung nghinh Đức Phật vào Đại Hùng Bửu Điện. Một thời kinh ngắn “Chuyển Hóa Nghiệp Thức” đã được tụng lên trước khi các lễ dâng y cổ truyền và lễ phóng sinh được cử hành.

Trong dịp này Hòa Thượng Viện chủ Tu Viện Hoa Nghiêm Thích Pháp Tánh đã nhắc đến lời Phật dạy, rằng: “Làm người con Phật, không một ai mà không nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện thời và ông bà tổ tiên trong quá khứ để tìm cách cứu độ và chuyển hóa. Nếu chỉ cung phụng, dưỡng nuôi vật chất đầy đủ mà linh hồn đọa lạc thì quả là một điều thiếu sót lớn lao”.

Theo hòa thượng, đó là lý do Tu Viện Hoa Nghiêm tổ chức đại lễ Vu Lan để Phật tử các giới cùng tụng niệm và cầu nguyện.

Sau các nghi thức hành lễ, Hòa Thượng viện chủ đã đi ngay vào phần thuyết trình với đề tài: “Vu Lan qua cái nhìn của Phàm và Thánh”.

Hòa Thượng Thích Pháp Tánh, viện chủ Tu Viện Hoa Nghiêm đang giảng pháp.(Hình: Nguyên Huy/ Người Việt)

Trong hơn một tiếng đồng hồ giảng pháp, Hòa Thượng Thích Pháp Tánh đã phân tích cặn kẽ về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan và lễ Vu Lan qua cái nhìn của Phàm và Thánh. Phàm là chúng sinh, là bá tánh. Thánh là những bậc chân tu đã đến bờ Giác và được đức Phật chỉ dạy thêm để vào được tự tánh điển hình như Bồ Tát Thiện Tài nơi hội Hoa Nghiêm, Bồ Tát Long Nữ nơi hội Pháp Hoa, Bồ tát Diệu Tuệ trong hội Linh Sơn…

Hòa Thượng nói: “Phật thị hiện thế gian để dẫn dạy cho chúng sanh, thậm chí cả cho những người chưa có đủ nhân lành đến với Tam Bảo thì Đấng Từ Bi cũng dạy họ dứt ác làm lành, tin sâu nhân quả, tại gia thực hành Hiếu đạo, bố thí tu phước để trưởng dưỡng nhân lành khỏi đọa ba đường ác và có cơ hội trở lại làm người”.

Theo Hòa Thượng, cái nhìn Vu Lan của các vị Thánh không chỉ với lòng hiếu thuận nuôi dưỡng cha mẹ mà còn trải rộng lòng kính yêu, quí trọng và quan tâm phục vụ cho tất cả mọi loài chúng sanh bằng tâm Vô Ngã, cố tìm mọi cách để đem giáo pháp Phật Đà khuyến hóa, hướng dẫn cho Cha Mẹ, lục thân và cả muôn loài biết quay về nương tựa Phật Pháp Tăng, tu tập đúng theo lời Phật dậy.

Hòa Thượng giảng: “Bởi chúng sanh ấy có thể là ông bà tổ tiên, cha mẹ quyến thuộc nhiều đời của chúng ta trong quá khứ đã trôi dạt theo dòng luân hồi chuyển kiếp, được thay hình đổi dạng mà chúng ta không có mắt Tuệ nên không nhận biết bóng dáng của người thân”.

Hòa Thượng tiếp: “Cho nên, nền tảng của Hiếu Đạo không chỉ bao hàm nguyên lý đạo đức cơ bản nhân luân mà còn ẩn tàng diệu lý thâm sâu đưa đến mục đích thoát ly khỏi vòng sống chết luân hồi, đó mới là cứu cánh của đạo Hiếu trong Phật giáo”.

Những bạn trẻ làm công quả tại chùa trong ngày lễ Vu Lan. (Hình: Nguyên Huy/ Người Việt)

Theo Hòa Thượng, đạo Hiếu trong Phật giáo không đóng khung trong cái nhìn cục bộ phát ra từ lòng thương yêu vị kỷ, vì chúng ta nghĩ đó là người thân của mình để dòng tâm tham ái, chấp thủ, chúng ta mới quan tâm giúp đỡ qua sự trao đổi có tính toán.

Tóm lại, Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta nuôi dưỡng cha mẹ thuần bằng vật chất và tâm luyến ái thì đó không gọi là đạo Hiếu, đó là cách báo ân cục bộ quá nhiều thiếu sót. Bởi nuôi dưỡng cha mẹ như thế mà không hướng dẫn cha mẹ biết tu tập Phật pháp bằng chính cái Nhân Giải Thoát là cứu cánh trong kiếp sống này thì họ sẽ sống trong bóng tối của vô minh, ái dục và những tập khí mê lầm dẫn lối, thì họ vẫn tiếp tục tạo ra những hành nghiệp tà ác để rồi họ sẽ phải hứng chịu những khổ đau nhân quả kiếp này hay kiếp khác”.

Bài giảng pháp về “Vu Lan qua cái nhìn của Phàm và Thánh” của Hòa Thượng đã cho mọi người tham dự thấy được cái Tâm lớn rộng trong đạo Hiếu của Phật Pháp để mọi người nhìn lại đạo Hiếu của mình.

Đem điều này, nói chuyện với một số người tham dự trong đó có các bạn trẻ, chúng tôi nhận thấy Đạo và Đời vẫn có những khoảng cách chưa thể chuyển hóa được, như việc phụng dưỡng cha mẹ già ở hải ngoại.

Ông Hảo Lê, người từng bảo lãnh thân mẫu từ Việt Nam qua, nay đã quá vãng, bày tỏ: “Phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận của bất cứ một người con nào, không phân biệt giai tầng nào, trí thức hay vô học. Nhưng trên thực tế, nhất là chúng ta đang sống trong một xã hội thực dụng, công ăn việc làm, đời sống quá phúc tạp khó khăn nên nhiều khi cũng phải tùy cơ mà ứng biến. Tuy nhiên trên nguyên tắc, việc đưa cha mẹ vào các nursing home, là việc chẳng đặng đừng. Việc này thì tùy theo từng gia đình, đạo Hiếu nơi con cái có thể khác nhau nhiều ít. Nếu truyền thống của gia đình có sinh hoạt cha mẹ con cái thường quần tụ sống với nhau thì khi cha mẹ già con cái cũng cố tìm cách thay nhau mà nuôi dưỡng chứ it khi đưa cha mẹ vào các nhà dưỡng lão”.

Bạn trẻ Nhung Phạm trong Gia Đình Phật Tử Chánh Trí cho biết: “Cháu sống với cha mẹ cùng bốn anh chị em cháu. Đọc kinh Phật, kinh Vu Lan nói về Bồ Tát Mục Kiền Liên cháu mới để ý đến mẹ cháu nhiều hơn. Phật dậy cung kính với cha mẹ cũng là cung kính vối Phật. Cho dù chưa đọc kinh Phật nhưng từ nhỏ cháu đã thấy lòng thương yêu cha mẹ thật dạt dào, nhất là hình bóng mẹ thì lúc nào cũng trong tâm trí của cháu lúc học cũng như lúc chơi. Chúng cháu hay nhắc nhau ‘Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình’ mỗi khi mắc lỗi lầm”.

Một bà mẹ ngồi trong phòng ăn một mình, đăm chiêu nhìn tô bún chay mà một Phật tử vừa mang đến, chúng tôi xin được hỏi chuyện, bà cười cười hỏi: “Nhà báo phải không, tôi không thích lên báo đâu”.

Thấy chúng tôi ngập ngừng, bà nói thêm : “Cứ gọi tôi là bà Huỳnh. Ông có hỏi gì thì hỏi đi nhưng chớ có chụp hình đăng báo a. Tôi hiện thuê phòng ở một mình. Tôi có 8 đứa trai có, gái có nhưng đều đi làm ăn ở xa cả. Tôi không theo đứa nào, ở đây khí hậu hợp với tuổi già hơn. Cũng chả buồn gì vì thường ngày tôi hay đến các chùa nghe kinh kệ, giúp được gì cho nhà chùa thì giúp, cũng thấy tâm hồn thanh thản. Sống với con cháu dâu rể, chúng có đời sống của chúng nó, nhiều khi thấy không thích hợp. Ở đây mình phải hiểu cho chúng nó, cũng phải lo cho gia đình vợ chồng con cái của chúng nó chứ. Mình nuôi chúng nó nay thành thân cả là mình mừng rồi, chẳng nên bắt buộc chúng nó làm gì”.

Đó là lòng mẹ, lòng mẹ hy sinh cho con cái đến suốt đời mà mỗi mùa Vu Lan đến, những người con, dù có vô tình đến mấy cũng ít ra đã nghĩ đến một vài lần.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT