Friday, March 29, 2024

Tưởng niệm ông Nguyễn Minh Lân, người có công lớn với ‘Giải Khuyến Học’

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi tưởng niệm ông Nguyễn Minh Lân, tổng thư ký Viện Việt Học vừa tổ chức vào lúc 9 giờ sáng Thứ Bảy, 2 Tháng Sáu, tại Việt Việt Học, với sự tham dự đông đảo của các giáo sư, thân hữu, phụ huynh học sinh và các học trò trong chương trình Việt Ngữ Việt Học.

Dường như khán phòng Viện Việt Học không đủ sức chứa những tấm lòng đến tiễn biệt ông, khi số người đến dự ngồi chật cả ngoài hành lang của viện. Thắp nén hương, ai cũng muốn tưởng nhớ một người có tấm lòng nhiệt tình cao cả, hơn 30 năm qua gắn bó với văn hóa của cộng đồng người Việt hải ngoại, bảo vệ, nâng đỡ và âm thầm khuyến khích Giải Khuyến Học, tất cả đều dành cho thế hệ trẻ.

Tiểu sử của ông Nguyễn Minh Lân do Viện Việt Học phổ biến cho biết, ông nguyên là tổng thư ký Viện Việt Học, sinh ngày 8 Tháng Tám, năm 1946, mất ngày 30 Tháng Tư, 2018. Hưởng thọ 73 tuổi.

Ông rời Việt Nam cùng 2 con năm 1979, sang Mỹ học tại đại học Oregon sau đó dọn về Nam California và sinh hoạt với các bạn cùng khóa. Ông theo học ngành Mechanical Engineering tại Cal State University of Long Beach. Trong thời gian đó ông sinh hoạt với các sinh viên CSU Long Beach và chuẩn bị 2 dự án: 1) Mời gọi sinh viên Việt Nam tại các trường Đại học Hoa Kỳ tại miền Nam California thành lập Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California (THSV), với kết quả là THSV Việt Nam Nam California được thành lập với 15 trường đại học. 2) Vận động thành lập Giải Khuyến Học về Lịch Sử-Văn Học Việt Nam với nhiều hoạt động thành công tốt đẹp.

Tại buổi tưởng niệm, ông Bùi Tú Khanh, thay mặt các bạn cựu sinh viên Cal State Long Beach chia sẻ những tâm tình trong thời gian từ 35 năm trước.

Quang cảnh buổi tưởng niệm Ông Nguyễn Minh Lân tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với tính cách là sinh viên, ông Khanh cho biết thời đó được giao chức vụ là trưởng ban tổ chức Giải Khuyến Học. Ông kể: “Thời đó còn là một sinh viên, chưa biết gì và chính anh Lân giao cho nhiệm vụ vận động nhiều sinh viên tài ba, cùng sự hợp tác của Hội Ái Hữu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại và THSVVN để Giải Khuyến Học được tiến hành tốt đẹp. Anh Lân luôn tin tưởng và khuyến khích giới trẻ dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng, nhất là về mặt văn hóa. Không những khuyến khích, anh Lân còn đứng sau lưng hỗ trợ hết mình. Sự hy sinh dấn thân của anh vào việc bảo tồn văn hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của con em gốc Việt. Một con người thâm trầm, sâu sắc và nhiệt tâm, làm việc không mệt mỏi quên mình, một lòng với văn hóa Việt Nam, đầy hào khí của một kẻ sĩ thật đáng kính trọng!”

Giáo Sư Cao Minh Châu, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Giải Khuyến Học Olympiad cho biết, sự ra đi của ông Nguyễn Minh Lân là một đại tang của Giải Khuyến Học, một mất mát không gì bù đắp được.

Bà nói: “Anh Lân là một trong những thành viên trong hội đồng quản trị và ban tu thư của Giải Khuyến Học với mục đích làm sao cho cộng đồng nguời Việt phát triển để bảo vệ những ưu việt của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, nhất là các em nhỏ dù sinh truởng tại quê nguời vẫn không quên nguồn cội của mình, vẫn viết và nói được tiếng Việt. Trong cơn bệnh, anh vẫn nhiệt tình soạn cho xong bộ sách giáo khoa cho các em thiếu nhi học tiếng Việt tại hải ngoại!”

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh nói lời tiễn biệt ông Nguyễn Minh Lân, bên kế bên là các giáo sư Nguyễn Văn Sâm, và Đàm Trung Pháp. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, nguyên tổng trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục VNCH, nguyên viện trưởng và cố vấn Viện Việt Học, xúc động nói: “Anh Lân là người trung thành với lý tuởng đã đề ra là giữ gìn văn học và văn hóa cho tuổi trẻ Việt Nam. Viện Việt Học này được duy trì hơn 10 năm nay là do công sức lớn lao và tiền túi của các anh em thành viên trong Viện, để nó được duy trì sinh hoạt thường xuyên trong cộng đồng chúng ta. Anh Lân luôn lo lắng, trung thành với công việc đầy trở ngại khó khăn, đó là sự già nua trong cộng đồng và sự lo lắng cho con em chúng ta, liệu có bao nhiêu em còn giữ được văn hóa và văn chương Việt Nam? Các em học trường Mỹ, nhiều cháu không còn biết nói, không hiểu biết gì về văn hóa Việt, thì liệu văn hóa Việt có còn không? Mong mỏi của anh Lân và các bạn là làm về văn hóa và văn minh Việt Nam, làm sao cho cộng đồng chúng ta cùng chung sức để phụng sự cho văn hóa Việt.”

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, trưởng ban văn học của Viện Việt Học, giáo sư bộ môn chữ Nôm tại Viện Việt Học. Ông nói rằng: “Tiểu sử của anh Lân qua con số năm và dấu gạch ngang: 1946-2018, rất quan trọng, nói lên hành trang, hoài bão và những việc thực hiện được, dấu gạch nối này tượng trưng những việc anh Lân đã làm mà quý vị đã nghe, xin suy nghĩ thêm và trong tương lai sẽ chứng minh cho những việc làm của anh. Tôi xin đề nghị di ảnh của anh Lân sẽ được treo lên cùng với những vị giáo sư đã góp phần trong việc đào tạo cho các thế hệ gốc Việt, và sáng lập ra Viện Việt Học.”

Các thầy cô, học sinh, và phụ huynh trường Việt Ngữ Việt Học trong buổi tưởng niệm ông Nguyễn Minh Lân. (Hình: Văn Lan/Nguời Việt)

Trong lời tiễn biệt nguời thầy kính yêu của mình, em Thảo Mi, một học sinh trường Việt Ngữ Việt Học với những cảm xúc chân thành: “Hôm nay em viết lá thư này để kính thăm thầy. Năm học này con rất ít gặp nên con nhớ thầy, đã hết lòng dạy bảo và chăm sóc cho học sinh Truờng Việt Ngữ Việt Học, con cảm ơn thầy đã thương con và dạy dỗ trong năm học của con. Con sẽ nhớ mãi công ơn của thầy, và kính chúc thầy mau khỏe mạnh để tiếp tục dạy cho chúng con.”

Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học cho biết mọi người cứ tưởng rằng Viện Việt Học là nơi dành cho những người lớn, muốn tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, nhưng không phải vậy, chính đây là nơi dành cho các em nhỏ từ 6 tuổi trở lên, thể hiện qua 2 câu tuyên ngôn đặt trên sân khấu của Viện: “Tương lai của tuổi trẻ – Tương lai của chúng ta,” và chính 5 thành viên trong ban tổ chức Giải Khuyến Học, qua thời gian cùng làm việc gần 20 năm qua, đã vận động thành lập Viện Đại Học Việt Nam Hải Ngoại, sau đổi là Viện Việt Học, được ra mắt vào Tháng Hai, năm 2000 tại thành phố Garden Grove.

Xen lẫn trong buổi tuởng niệm, có những nhạc khúc mà sinh thời ông Nguyễn Minh Lân rất thích như: “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nguyễn Đức Quang), “Việt Nam Việt Nam” (Phạm Duy), do nhạc truởng Trần Chúc chỉ huy, và “Những Nẻo Đường Việt Nam,” “Bài Ca Tuổi Trẻ,” do ban hợp xướng thiếu nhi, ban hợp xuớng Viện Việt Học, và “Những Dòng Sông Chia Rẽ” (nhạc Phạm Duy) do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đệm dương cầm và ca sĩ Thu Vàng trình diễn. (Văn Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT