Saturday, April 27, 2024

UCLA được $10 triệu nghiên cứu dân thiểu số trong lúc nhiều nơi khác bị cắt

Teresa Watanabe/Los Angeles Times
Đằng-Giao/Người Việt (chuyển ngữ)

LOS ANGELES, California (NV) – Đại Học UCLA vừa nhận món quà trị giá $10 triệu của ông Morgan và bà Helen Chu để đào sâu nghiên cứu về sự đóng góp và kinh nghiệm của các sắc dân thiểu số tại Hoa Kỳ, hôm 5 Tháng Hai.

Tiến Sĩ Karen Umemoto, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á tại UCLA, đứng cạnh bức tranh tường đa văn hóa. (Hình: Mel Melcon/Los Angeles Times)

Hơn năm thập niên trước, Luật Sư Morgan Chu, khi còn là học sinh, được dạy một phiên bản lịch sử Hoa Kỳ gần như phớt lờ người gốc Á như ông.

Lớn lên ở New York, ông Morgan dọn về Los Angeles để theo học UCLA. Ông chưa bao giờ biết rằng chính phủ Hoa Kỳ cấm người Trung Hoa nhập cư hồi thế kỷ 19 và đã bỏ tù hàng chục ngàn công dân Mỹ gốc Nhật mà không có lý do chính đáng trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Ông không được dạy về luật tiểu bang là trong những năm đầu 1900, cấm người Châu Á sở hữu đất đai. Và trước đó, California cấm người gốc Á kết hôn với người khác chủng tộc. Ông cũng mù tịt về sự đóng góp của người gốc Á trong việc định hình đất nước ngoài vài đề cập loáng thoáng đến những người lao công Trung Hoa góp phần xây dựng đường rầy xe lửa xuyên lục địa.

Nhưng năm 1969, ông Morgan và bà Helen là bạn học ở UCLA, cùng thúc đẩy UCLA thành lập một số nghiên cứu sắc tộc đầu tiên toàn quốc.

Giờ đây, 55 năm sau, vợ chồng ông vừa tặng món quà trị giá $10 triệu để tạo ra những vị trí cho các trung tâm nghiên cứu người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Phi, người Chicano và người Mỹ da đỏ đặt trong Viện Văn Hóa Mỹ của UCLA.

Món quà sẽ tài trợ cho các dự án nghiên cứu và chương trình trên toàn viện – củng cố vai trò của UCLA dẫn đầu quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu này.

Sự hỗ trợ cho các nghiên cứu về sắc tộc xảy ra vào thời điểm chính trị căng thẳng khi các cuộc tấn công người gốc Á tăng cao – kể cả nỗ lực của một số học khu ở California và các tiểu bang bảo thủ như Texas và Florida nhằm kiểm soát cách dạy về chủng tộc và phân biệt chủng tộc trong học đường.

Các cuộc tấn công dựa vào “lý thuyết phê phán chủng tộc” – một khuôn khổ học thuật cấp đại học, nhằm tìm cách kiểm soát xem sự bất bình đẳng chủng tộc và phân biệt chủng tộc đã được gắn kết như thế nào trong lịch sử, chính sách, và thể chế pháp lý của Hoa Kỳ.

Lý thuyết này bóp méo sự thật và nói rằng các nghiên cứu về sắc tộc là nỗ lực miêu tả người da trắng là những kẻ áp bức, phân biệt chủng tộc.

California là tiểu bang đầu tiên yêu cầu học sinh phải học một lớp nghiên cứu về dân thiểu số để tốt nghiệp trung học, theo luật năm 2021.

Hệ thống “California Community Colleges” và “California State University” cũng đòi hỏi sinh viên phải tham gia một lớp về dân tộc để lấy bằng cao đẳng và cử nhân.

Hệ thống “University of California” đã đào sâu trong một quá trình xem xét, kéo dài từ 2020, về việc có nên đòi hỏi kiến thức về dân tộc học hay không và nội dung khóa học nên gồm những gì.

Mọi sinh viên phải hoàn thành khóa học về “Lịch Sử và Thể Chế Hoa Kỳ,” có thể là nghiên cứu về dân tộc, kinh tế, lịch sử, khoa học, chính trị hoặc các chuyên ngành liên quan.

Một số nhà phê bình đã kêu gọi hệ thống “University of California” từ chối bất kỳ yêu cầu nào về nghiên cứu dân tộc, một phần vì họ lo ngại Israel sẽ bị đánh giá trong các khóa học – đặc biệt nếu những lời chỉ trích chế độ thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc đối với các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội, trong đó có hoàn cảnh của người Palestine.

Vợ chồng ông Mogan nhấn mạnh rằng món quà của họ – món quà lớn nhất mà trường nhận được – không phải do chính trị thúc đẩy.

Ông Morgan muốn hỗ trợ và duy trì một lĩnh vực nghiên cứu mà ông ví như “cầu vồng với những màu sắc tương phản và những quan điểm khác nhau” có thể giúp hiểu sâu hơn và bắc cầu cho sự thông cảm giữa mọi người.

“Đây chỉ là một cách để dạy cho mọi người về sự phong phú của lịch sử và nền tảng của mọi nền văn hóa,” ông Morgan, một luật sư kiện tụng nổi tiếng với ba bằng cấp là bằng tiến sĩ tại UCLA, bằng cao học tại Yale, và bằng luật ở Harvard, nói.

Vợ ông, bà Helen, có một thời gian dài làm giáo viên trường công sau khi tốt nghiệp UCLA.

Ông Morgan và bà Helen Chu. (Hình: UCLA Asian American Studies Center)

Ông Gene Block, viện trưởng UCLA, cho biết món quà này sẽ giúp trường nâng cao học bổng và hoạt động giảng dạy trong lĩnh vực này.

“UCLA từ lâu đã đi đầu trong việc xem xét lịch sử, văn hóa về đóng góp và kinh nghiệm của các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác nhau ở Hoa Kỳ. Đầu tư của vợ chồng ông Morgan sẽ cho phép chúng tôi tăng cường tác động của công việc thiết yếu này,” ông Block tuyên bố.

Tiến Sĩ Shannon Speed, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Bản Địa của UCLA, gọi món quà của vợ chồng ông Morgan là “sự thay đổi cục diện” nhằm bảo đảm sự tồn tại của nghiên cứu sắc tộc tại thời điểm có những khó khăn tài chính trong giáo dục đại học và các cuộc tấn công chính trị chống lại lĩnh vực này.

Món quà này đặc biệt có tác dụng vì nó hỗ trợ cả bốn trung tâm nghiên cứu dân tộc tại UCLA, Tiến Sĩ Celia Lacayo, phụ tá giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chicano của trường, nói.

Ngân quỹ sẽ trao tặng chức vụ giám đốc cho các trung tâm nghiên cứu người Mỹ gốc Châu Phi, Chicano, và Mỹ bản địa.

Vợ chồng ông Morgan cũng có kế hoạch tài trợ một chương trình học thuật cho một giảng viên tại Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á. Những món quà trước đây của họ đã tài trợ cho một giám đốc trung tâm này và một giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, cùng với một quỹ học bổng.

Bốn nhóm này là nòng cốt cho nghiên cứu sắc tộc kể từ khi lĩnh vực học thuật này ra đời vào cuối những năm 1960, khi Hội Sinh Viên Gốc Châu Phi và liên minh các nhóm sinh viên San Francisco State University, được gọi là Mặt Trận Giải Phóng Thế Giới Thứ Ba, bắt đầu cuộc đình công kéo dài năm tháng, đòi hỏi chương trình giảng dạy toàn diện, khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng và có nhiều giảng viên da màu hơn.

Bà Lacayo lưu ý rằng các cuộc đấu tranh cho dân quyền và nghiên cứu dân tộc trong thập niên 1960 thu hút nhiều người thuộc mọi tầng lớp, những người tin vào công bằng xã hội và bình đẳng chủng tộc, và việc quyên góp cho cả bốn trung tâm đều phản ảnh di sản đó.

Bà nói: “Tất cả bốn nhóm này đều đấu tranh (vì) công bằng chủng tộc, và chúng tôi cũng đấu tranh bên nhau. Việc đoàn kết rất quan trọng.”

Ông Morgan nhớ lại sức mạnh của sự đoàn kết trong hoạt động sinh viên của chính mình.

Ông nói: “Chúng tôi đã sát cánh bên nhau năm 1969 để tiến tới và đó là một điều tuyệt vời. Và khi giờ đây chúng tôi có thể hỗ trợ tất cả các trung tâm, chúng tôi muốn làm điều này vì những vấn đề chung mà chúng tôi đã chia sẻ 50 năm trước và có thể sẽ chia sẻ trong tương lai.”

UCLA và các trung tâm được thành lập chỉ vài tháng sau khi đại học San Francisco State University thành lập phân khoa Nghiên Cứu Dân Tộc đầu tiên của quốc gia sau cuộc đình công 1968-69.

Thời đó, ông Morgan và bà Helen cùng nhiều sinh viên khác đưa ra những yêu cầu tương tự tại UCLA. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ tình cờ của ông Morgan với một giới chức chủ chốt của UCLA trong một canh bạc lại giúp ông đạt mục đích.

Giới chức này là ông David Saxon, lúc đó là phó chủ tịch điều hành, phụ trách các vấn đề học thuật của UCLA, người trở thành chủ tịch hệ thống University of California năm 1975.

Ông Morgan kể ban đầu ông Saxon phản đối nhu cầu về các chương trình riêng biệt nghiên cứu dân tộc, đặt câu hỏi tại sao không dùng dữ liệu này cho lịch sử, xã hội học, và các khóa học khác hiện có.

Nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý và thuyết phục các nhà lãnh đạo khác trong trường.

Ngày nay, ban giảng huấn của trung tâm tăng từ vài người vào năm 1969 lên khoảng 250 người toàn trường, tham gia vào các lĩnh vực luật, giáo dục, y tế công cộng, nghệ thuật, và các ngành khác.

Viện nghiên cứu dân tộc và các trung tâm đã trao khoảng $7 triệu tài trợ nghiên cứu và học bổng, xuất bản hơn 3,000 ấn phẩm và tự hào về một số thư viện và kho lưu trữ nghiên cứu dân tộc lớn nhất của quốc gia. Viện này có cả phim và âm nhạc Chicano và bộ sưu tập Dự Án Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Nhật với lịch sử truyền miệng hiếm hoi về những người nhập cư đầu tiên, theo ông David Yoo, phó viện trưởng.

Các trung tâm cũng tích cực trong công tác dân sự thông qua quan hệ đối tác cộng đồng trên phạm vi rộng với các cơ quan dịch vụ xã hội, bảo tàng, hiệp hội lịch sử, và các tổ chức khác.

Họ cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề – gồm dự án về việc giam giữ người hàng loạt, và chương trình giảng dạy đề xuất cho các khóa học nghiên cứu về dân tộc mà luật buộc phải bắt đầu vào niên khóa 2025-26.

Các trung tâm cũng đảm nhận công việc tập trung vào cộng đồng của riêng họ. Ví dụ, Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á đã xuất bản hai tạp chí học thuật lớn, đã xuất bản khoảng 50 cuốn sách và báo cáo cũng như dẫn đầu nghiên cứu về các chủ đề như sự khó nắm bắt của tình trạng vô gia cư của người Mỹ gốc Á và tội ác căm thù người Mỹ gốc Á.

Ông Morgan Chu (giữa) trong cuộc tuần hành ủng hộ thành lập trung tâm nghiên cứu dân tộc UCLA vào ngày 8 Tháng Tám, 1969. (Hình: UCLA Photography)

“Lịch sử của chúng ta đã bị xóa bỏ, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị bôi nhọ, dẫn đến quá nhiều hận thù và tuyên truyền lan rộng,” Tiến Sĩ Karen Umemoto, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á, cho biết. “Toàn bộ nguồn gốc của nghiên cứu sắc tộc là một dự án cho phép tiếng nói của chúng ta được lắng nghe… để chúng ta có thể thực hiện nghiên cứu chu đáo và kể những câu chuyện của mình cho cả thế giới.”

Các dự án của trung tâm Chicano bao gồm nỗ lực ghi danh cử tri trong mùa Hè do sinh viên tổ chức và nỗ lực do chính phủ tài trợ nhằm thúc đẩy sự bình đẳng cho người Latino trong lãnh đạo dân sự và y tế.

Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Châu Phi hỗ trợ nghiên cứu về việc giam giữ người hàng loạt, bồi thường cho con cháu những người nô lệ, và cũng tài trợ cho một chương trình nghiên cứu về cuộc sống của người da đen.

Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Bản Địa đang có một số dự án nghiên cứu, gồm các quan điểm của người bản địa về các vấn đề nước, như chuyển hướng tuyết tan và nước. Trung tâm cũng đang giúp hoạch định con đường vào đại học cho học sinh trung học người Mỹ bản địa.

UCLA có kế hoạch tăng gấp đôi số giảng viên người Mỹ bản địa và người dân đảo Thái Bình Dương trong vài năm tới.

Về phần mình, vợ chồng họ Chu cho biết động lực đằng sau sự ủng hộ lâu dài của họ đối với việc nghiên cứu dân tộc “khá đơn giản.”

“Chúng tôi nghĩ rằng việc giảng dạy nhiều hơn về mọi sắc tộc theo cách toàn diện sẽ cải thiện trải nghiệm giáo dục tổng thể cho mọi người,” ông Morgan Chu nói. “Cho dù là hôm nay, 50 năm trước hay 50 năm sau, chúng ta sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn, một xã hội tốt đẹp hơn nếu mọi người hiểu nhau.” [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT