Wednesday, April 24, 2024

Văn Đức hội ngộ kỳ IX ‘Hoài Niệm Tuổi Học Trò’

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Văn Đức Hải Ngoại (VĐHN) vừa có buổi hội ngộ hàng năm kỳ thứ 9, với chủ đề “Hoài Niệm Tuổi Học Trò” vào lúc 10 giờ trưa Chủ Nhật, 22 Tháng Bảy, tại phòng hội nhà thờ Westminster thu hút thật đông các cựu giáo chức và cựu học sinh về tham dự.

Mỗi năm gặp nhau một lần vào Tháng Bảy để nhớ về trường xưa, Hội Văn Đức Hải Ngoại cùng nhau cảm tạ và tri ân các vị tiền nhân sáng lập, xây dựng và phát triển trường, cũng là dịp thầy cô và các bạn đồng môn gặp gỡ hàn huyên tâm sự kết chặt tình thân và đoàn kết, cùng chia sẻ biết bao kỷ niệm dưới mái trường thân yêu.

Dưới sự chủ tế của Linh Mục Trần Đức Mạnh, cũng là cựu học sinh Văn Đức, thánh lễ tưởng nhớ và tri ân các vị khai sáng trường Văn Đức, được cử hành trọng thể với các thầy cô hiện diện, cùng ban điều hành mới của Hội VĐHN và toàn thể các cựu học sinh.

Trước di ảnh các vị Linh Mục Giuse Đỗ Đức Hân, giám đốc; Linh Mục Bênađô Nguyễn Xuân Thu, hiệu trưởng; và Linh Mục Phêrô Lã Quang Hiệu, tổng giám thị, trong tinh thần tôn trọng đạo nghĩa, uống nước nhớ nguồn, mọi người cùng nghiêng mình thành tâm bái tạ, trong khi Giáo Sư Nguyễn Cao Thăng, chủ lễ, đọc lời văn tế các đấng tiền nhân đã có công khai sáng và phát triển trường Văn Đức, giáo dục và đào tạo bao lớp học trò có nơi chốn học hành, rèn luyện trí-thể-đức thành nhân giúp ích cho đời và xã hội.

Thánh lễ tưởng nhớ và tri ân các Linh Mục khai sáng trường Văn Đức trong ngày hội ngộ Kỳ IX ‘Hoài Niệm Tuổi Học Trò’. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thầy Nguyễn Văn Mỹ hội trưởng nói lời khai mạc chào mừng trong buổi hội ngộ: “Trường Văn Đức của chúng ta ở tại Giáo Xứ Lộc Hưng, Chí Hòa gần Ngã Ba Ông Tạ, một trường nhỏ nhưng là trường đầu tiên tại khu vực Chí Hòa cho nên anh chị em học sinh khắp nơi gần giáo xứ Lộc Hưng, khu Vuờn Rau cũng được học tại truởng Văn Đức. Hôm nay với tư cách là hội trưởng Hội Cựu Học Sinh Văn Đức nhiệm kỳ 2018-2020, xin trân trọng khai mạc chương trình hội ngộ kỳ 9.”

Tiếp đến là ban điều hành Hội Cựu Học Sinh Văn Đức nhiệm kỳ 2018-2020 được giới thiệu trình diện gồm các thầy, cô: Nguyễn Văn Mỹ, Lê Minh Phú, Nguyễn Cao Thăng, Đỗ Thị Hoa, Nguyễn Đình Linh, Nguyễn Đức Ninh, Đỗ Thị Mười, Trần Thị Phương.

Nhân dịp hội ngộ hôm nay, tập kỷ yếu của gia đình Văn Đức cũng được phát hành với nhiều kỷ niệm, hồi ức, thơ văn của các cựu giáo chức và học sinh.

Ban chấp hành Văn Đức Hải Ngoại nhiệm kỳ 2018-2020. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong lời tâm tình của một cựu học sinh nhớ về mái trường xưa, ông Nguyễn Văn Mỹ hồi tưởng: “Là cựu học sinh niên khóa 1960-1964, thật là vui khi được học ở trường cùng các bạn trong xóm, rất gần nhà đi bộ vài phút là tới trường, cùng trong khu vực có sân banh cạnh nhà thờ. Đến 1963 khi xây lại nhà thờ mới, bị mất sân banh nhưng lại có các trò chơi khác. Đặc biệt mỗi buổi tối cuối nhà thờ có chiếu phim do thầy Nguyễn Cao Thăng phụ trách và nhờ những buổi chiếu phim ấy chúng tôi có được những phút giây vui bên nhau, những kỷ niệm đẹp thật khó quên!”

Thầy Đỗ Văn Liêm cho biết vào năm 1968 được dạy môn Việt Văn tại trường, với kỷ niệm khó quên là bài văn “Vịnh Bức Dư Đồ Rách” của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu do thầy giảng dạy, sau khi trình lên được chọn làm bài thi môn Văn cho toàn trường. Nhưng kỷ niệm khó quên nhất là bị xì bánh xe rất nhiều lần mà không biết do học trò nào làm.

Nói với Người Việt, bà Bùi Thanh Tâm, cựu học sinh Văn Đức niên khóa 1970-1975, xúc động khi cho biết: “Năm nay là năm thứ 9 ở xứ người mà được sum họp, gặp lại thầy cô và đồng môn thật đông như thế này thật không gì vui bằng. Nói về kỷ niệm thì nhiều lắm kể hoài không hết. Thời học trò với nhiều thú vui như nhảy dây, đánh bi đánh đáo rồi đánh chuyền đá banh trước sân trường. Khi lớn lên được mặc áo dài trắng đến trường thật là một thời tuổi trẻ tươi đẹp biết bao, với lời dạy của các cha là phải biết tiên học lễ hậu học văn, học về đạo đức và kiến thức, và các cha cũng mời những giáo sư giỏi về dạy. Có được ngày hôm nay là nhờ công ơn dạy dỗ của các cha tạo dựng ngôi trường và sự hết lòng dạy dỗ học trò của các thầy. Hôm nay hội ngộ ngoài việc gặp nhau đồng môn chúng tôi tạ ơn các ngài là thật đúng lẽ đạo!”

Các linh mục, cựu giáo chức và cựu học sinh Văn Đức trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà Lê Minh Phú, cựu giáo chức tại trường Văn Đức bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa: “Từ một cô giáo trẻ mới ra trường có may mắn chuyển về Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, thực hiện chương trình Phát Thanh Học Đường trên đài phát thanh Sài Gòn mỗi tuần 2 lần, thỉnh thoảng lại làm giám khảo cho chương trình Đố Vui Để Học, thuyết minh chương trình Tìm Học của giáo sư Cao Thanh Tùng.”

“Tôi đã dạy các em các điệu múa ‘Chuyện một đàn chim yến’ do chính tôi sáng tác, ‘Nước Non’ của nhạc sĩ Hùng Lân, ‘Hội Nghị Diên Hồng’ v.v…Sau đó đưa các màn vũ của trường lên chương trình truyền hình của Bộ Giáo Dục. Ba năm dạy ở Văn Đức từ năm 1971 với các môn Vạn Vật, Vẽ, có khi dạy nhạc, cũng đủ để ký ức đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Chỉ một giờ dạy cho mỗi lớp nhưng thấy mình đã cùng các em xây dần những viên gạch cho tương lai hứa hẹn của tuổi trẻ!” bà Minh Phú hào hứng kể tiếp.

Ngày hội cựu học sinh Văn Đức còn có sự tham dự của Luật Sư Nguyễn Đình Khương, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Nam Hoa Kỳ, cùng các cựu giáo chức và học sinh của trường, trong đó có đôi vợ chồng cựu học sinh Bùi Văn Bằng từ North Carolina thuộc đài SBTN, và cựu học sinh Khuê Các từ San Fransisco về tham dự.

Theo lời kể của ông Nguyễn Cao Thăng, cựu giáo chức Văn Đức niên khóa 1960-1963, có thể tóm lược lịch sử của truờng Văn Đức như sau: “Trường Trung Tiểu Học Tư Thục Công Giáo Văn Đức, gọi tắt là Truờng Trung Tiểu Học Văn Đức, thuộc giáo xứ lộc Hưng gần Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn. Trường thành lập từ 1956 đến nay là 62 năm với khoảng 3,000 học sinh tốt nghiệp. Thành quả giáo dục của Trung Tiểu Học Văn Đức 1956-1975 và sau 1975 cho các con em toàn Hạt Chí Hòa gồm: Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Sao Mai, Hòa Bình, Khu Thánh Mẫu, Ngã 3 Ông Tạ, Nam Thái, An Lạc, Tân Chí Linh, Hòa Hưng, Khu Ngã Tư Bảy Hiền, Cư Xá Tự Do.”

Dù hôm nay đã không còn tên trường Văn Đức, nhưng vẫn còn một kỷ niệm duy nhất, thân thương và đẹp nhất là vẫn còn chung một niềm yêu nỗi nhớ, tự hào, hãnh diện và lưu luyến về một Gia Đình Văn Đức Lộc Hưng, mà mỗi người cựu học sinh vẫn luôn nhớ về nguồn cội. (Văn Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT