Tuesday, March 19, 2024

Viết về những người bạn tài giỏi vừa nằm xuống

Titi Mary Trần/Người Việt

Sổ tay phóng viên

Dẫu biết rằng sông có khúc người có lúc nhưng sao khoảnh khắc đưa tiễn hai người bạn vừa đầy tài năng vừa bao dung nhân hậu như Trần Tường Huy và Stephane Gauger vào cùng một ngày giáp Tết không khỏi làm người thân và bạn bè bàng hoàng tiếc nuối.

Trong khi Huy là một người vui tính đầy năng lực và lúc nào cũng làm cho người khác yên tâm và vui vẻ khi ở bên anh, thì Stephane là một anh chàng khổng lồ với một trái tim nhân ái. Cả hai đều cống hiến không mệt mỏi cho đời và cho người khi còn sống. Nhưng, ung thư gan đã đưa Huy đi sớm sau ba năm chống trả. Stephane thì lại ra đi một cách rất đột ngột do suy tim ngay lúc đang trên bàn soạn phim. Cả hai đều chỉ 48 tuổi.

Ngoài công việc chính là giáo viên dạy Toán tại trường trung học Orange View Jr. High, ở Anaheim, từ bao năm qua Huy còn là một gương mặt quen thuộc trên chương trình “TaChat” của đài SaigonTV, là người dẫn chương trình cho các dịp lễ, đại nhạc hội. Hơn hết, Trần Tường Huy còn là một người lãnh đạo, một thiện nguyện viên đầy nhiệt huyết cho Hội Sinh Viên Việt Nam tại trường đại học UCI và cho đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế. Nhưng trên hết, anh là một người cha, người chồng, và người con đầy tình thương và mẫu mực.

Với Stephane Gauger, người mang trong mình dòng máu Việt-Mỹ-Pháp (mẹ Việt, cha Mỹ gốc Pháp), thì lại quen thuộc với mọi người trong vai trò là một nhà quay phim kiêm đạo diễn chuyên nghiệp. Những tác phẩm của anh bao gồm, Cú và Chim se sẻ, Saigon Yo!, Yêu Đi Đừng Sợ, Six-string Samurai và một số phim tài liệu khác. Stephane cũng là một nhà thiện nguyện thường xuyên quyên góp tiền giúp đỡ trẻ em mồ côi tại Việt Nam.

Tôi quen biết Huy và Stephane qua một tổ chức thiện nguyện trong cộng đồng Việt Nam nơi đây – Vietnamese International Film Festival (Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế), gọi tắt là Vietfilmfest.

Lúc ban đầu, với lòng nhiệt thành của chị Ysa Le, Huy, tôi và một số người bạn theo lời mời gọi tham gia tổ chức một buổi chiếu phim chỉ dành cho phim do người Việt thực hiện, sản xuất, đóng vai chính.

Lúc đó làng phim ảnh và giải trí chưa phát triển như bây giờ. Huy thường đùa, “Nhớ lúc ban đầu tụi mình có phim cải lương không?” Các đạo diễn người Mỹ gốc Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quanh đi quẩn lại chỉ có đạo diễn Trần Anh Hùng (ở Pháp), anh em Tony Bùi, Timothy Bùi. Còn Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Hàm Trần,… chỉ mới bắt đầu cho sự nghiệp của họ và đang đi tìm mảnh đất của điện ảnh Việt Nam.

Trong số những bạn bè loay hoay đi tìm mảnh đất để xây ngôi nhà điện ảnh cho riêng mình lúc đó có Stephane Gauger. Phim truyện dài đầu tay của anh – Cú và chim se sẻ – là một phim rất ít kinh phí, quay bằng tay, chạy trên chiếc xe mô tô hai bánh giữa đường phố Sài Gòn.

Đạo diễn Stephan Gauger (trái) cùng một số thành viên của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ VAALA. (Hình: Facebook Ysa Lê)

Bên này bờ đại dương, tại Little Saigon, California, Huy, tôi và một vài người bạn khác đi kêu gọi sinh viên từng trường đại học tham gia vào việc gìn giữ và phát triển văn hóa Việt bằng cách thuyết phục, năn nỉ, đôi lúc “mua chuộc” họ bằng những món ăn hợp tiền như bánh mì và nước lọc. “Sinh viên sẽ tham gia chương trình nếu có đồ ăn,” chúng tôi nghĩ đơn giản như vậy.

Trong số các trường đại học chúng tôi đi có trường đại học Fullerton, là trường mà Tú Uyên, vợ của anh Huy, đang giảng dạy bây giờ.

Tháng Chín, 2015, Tú Uyên gởi email cho bạn bè trong nhóm chia sẻ về cuộc giải phẫu của Huy hồi Tháng Tám đã thành công và qua kết quả thử nghiệm máu bác sĩ chuẩn đoán Huy bị ung thư gan gian đoạn 4. Nhưng vì Huy còn trẻ, khỏe mạnh nên bác sĩ đặt hy vọng khả quan vào việc áp dụng phương pháp trị liệu mới cho Huy, mặc dù cũng có phần thận trọng. Họ tiến hành “immunotheraphy”, một phương pháp chữa trị dùng hệ thống miễn nhiễm ngay trong cơ thể để nhận ra và chống trả tế bào ung thư, thay vì dùng phương pháp chemotherapy hoặc radiation như thông thường, bởi những phương pháp cũ thường rất ít công hiệu đối với bệnh nhân ung thư gan và có nhiều phản ứng phụ hơn so với “immunotheraphy.”

Sau giải phẫu, Huy vẫn đi dạy và tham gia các hoạt động cộng đồng bình thường. Bạn bè cảm thấy yên tâm phần nào đó nhưng vẫn thầm lo khi thấy anh mỗi lúc một ốm và xanh hơn. Dần dần anh giảm bớt các hoạt động để có thời gian đi bệnh viện và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.

Khi gia đình hội điện ảnh từ vài trăm người lúc đầu cho tới khi lớn lên thành vài ngàn người thì tình thân anh em của chúng tôi cũng mỗi lúc gắn bó hơn. Mặc dù tôi không gặp hai anh thường xuyên, nhưng vẫn được cảm giác thân thiện và ấm áp mỗi khi được gặp mặt. Trái tim của hai anh Trần Tường Huy và Stephane Gauger dường như cũng ngày càng lớn hơn để bao dung nhiều người hơn.

Có điều gì đó thật khó để giải thích về niềm đam mê, tình thương, và lòng nhân hậu. Càng cho nhiều thì lại nhận được nhiều hơn. Khả năng lan tỏa của nhịp sống và sức ảnh hưởng của tình thương càng mạnh thêm nhiều.

Cho nên, tim tôi cứ thổn thức, tiếc nuối như là mất đi ánh sáng và sự ấm áp của nó, khi đứng trước giây phút tiễn biệt hai anh.

Orange View Jr. High, một trường trung học ở thành phố Anaheim, đã nghĩ tới việc làm thêm một bậc thang máy để thầy Huy đi lại được tiện hơn. Thế nhưng ý định chưa kịp thực hiện thì thầy đã ra đi. Thầy Huy được các em học sinh thân quen gọi “the cool dude,” và “the coolest.” Trên trang mạng xếp hạng giáo viên ratemyteachers.com, các em xếp hạng thầy Huy 4.9 sao trên 5 sao.

Sẽ không còn được dịp nghe thấy trực tiếp tiếng cười, giọng nói, nhưng hai anh vẫn còn đó, vẫn còn sự ấm áp và tình thương mà hai anh đã từng chia sẻ và cống hiến. Stephane ra đi để lại gia đình và bạn bè thương tiếc anh. Anh Huy ra đi để lại hai con nhỏ, chị Tú Uyên và gia đình cùng bao bạn bè quý mến.

Mong hai anh yên nghỉ bình an. (Titi Mary Trần)

Mời độc giả xem chương trình giáo dục tâm lý “Những phản ứng và biểu hiện bất thường từ con cái”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT