Thursday, April 25, 2024

‘The Vietnam War:’ Phỏng vấn hai nhà làm phim Ken Burns và Lynn Novick

LTS. ‘The Vietnam War’ phim tài liệu dài 18 tiếng của Ken Burns và Lynn Novick sẽ ra mắt vào ngày 17 Tháng Chín trên đài truyền hình PBS. Đây là câu chuyện sử thi của một trong những sự kiện gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hai nhà làm phim Ken Burns và Lynn Novick đã bỏ ra 10 năm làm phim này. Câu chuyện bao gồm lời tường thuật của gần 80 nhân chứng từ mọi phía – những người Mỹ chiến đấu trong chiến tranh và những người chống lại chiến tranh, cũng như các chiến binh và thường dân từ miền Bắc và miềnNam, Việt Nam. Nhà báo Andrew Lâm, biên tập viên của New America Media (NAM), người Việt Nam đến Mỹ lúc 11 tuổi, phỏng vấn hai nhà làm phim này. Cha của Andrew Lâm, cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi, cũng được phỏng vấn trong bộ phim.

NAM: Tại sao ông quyết định làm phim về đề tài chiến tranh Việt Nam?

Ken Burns: Lynn Novick và tôi đã hoàn thành bộ phim tài liệu năm 2007 mang tên “Chiến Tranh” nói về Thế Chiến 2. Tôi nhìn cô ấy và nói rằng “chúng ta phải làm phim về Việt Nam.” Việt Nam là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau Thế Chiến 2. Ngày nay, chúng ta là hạt nhân của tình trạng chia rẽ và phân biệt đối xử và phân biệt đối xử có tính cách đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày nay, đa số những vấn đề về sự chia rẽ xã hội, sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị, và sự xa lánh xã hội đều bắt nguồn từ chiến tranh Việt Nam. Nhưng hầu hết người Mỹ không biết nhiều về điều đó. Vì nó không có kết quả tích cực nên họ cố gắng lờ đi, và do đó, họ không đón nhận những dữ kiện nghiên cứu lịch sử được thực hiện trong 42 năm qua từ nhiều phía khác nhau về chiến tranh Việt Nam kể từ khi Sài Gòn thất thủ.

NAM: Cô rút ra được điều gì sâu sắc sau những cuộc phỏng vấn, đặc biệt với những người Việt Nam ở cả hai phía của cuộc chiến?

Lynn Novick: Khi chúng tôi bắt đầu dự án, tôi không biết gì. Tôi là người Mỹ tiêu biểu, người không biết nhiều về cuộc chiến tranh ngoài nền văn hóa nhạc Pop, và chắc chắn không biết những gì đã xảy ra ở cả hai phía Bắc và Nam Việt Nam. Điều thực sự đáng ngạc nhiên là chiến tranh vẫn dường như đang diễn ra trong thâm tâm những người mà chúng tôi phỏng vấn rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc. Đó vẫn là vấn đề gây tranh cãi, chưa được giải quyết và đất nước vẫn chưa hòa hợp. Họ vẫn phải vật lộn với câu hỏi về cái giá của chiến tranh, và cái giá mà người Việt Nam đã trả và vẫn đang tiếp tục trả.

Câu chuyện đó vẫn đang xảy ra giữa các cựu chiến binh và thường dân ở tất cả các bên. Chúng tôi đã không lường trước đầy đủ về sự xung đột diễn ra trong thâm tâm của những người mà chúng tôi phỏng vấn. Tôi dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với những người Mỹ gốc Việt trốn khỏi Việt Nam sau chiến tranh. Quá trình làm phim thực sự cho tôi một sự hiểu biết sâu sắc về chiến tranh là như thế nào đối với người Việt Nam, cả từ phía thắng cuộc lẫn bên thua cuộc.

Ken Burns: Bộ phim này là một sự cố gắng để tôn vinh tất cả các quan điểm của người Mỹ, từ những người đã phản đối chiến tranh cho đến những anh hùng phi thường trên trận chiến.

NAM: Quan điểm của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào trước khi bắt đầu thực hiện bộ phim? Và điều gì khác biệt khi bộ phim được hoàn thành?

Ken Burns: Thật sự khác biệt. Tôi không thể nhận ra tôi đã như thế nào trước khi bắt đầu dự án. Tôi lớn lên trong khuôn viên đại học trong những năm 1960 với tinh thần phổ biến thời đó là chống chiến tranh. Tôi rất sợ bị bắt đi lính. Vì vậy, đó là một khoảng thời gian rất rối bời với tôi. Do kinh nghiệm đó, tôi nghĩ “Tôi nên làm một dự án mà tôi biết nhiều,” nhưng tôi nhanh chóng phải chấp nhận rằng tôi không biết gì về chiến tranh Việt Nam.

Do đó, cuối cùng tôi suy nghĩ rằng, “Tôi sẽ làm một dự án mà tôi biết một chút gì đó.” Và tôi phải buông bỏ tất cả những quan niệm và kiến thức bề ngoài đó và chấp nhận sự phức tạp của cuộc chiến này, học tất cả những điều mới. Giống như chuyện những người lãnh đạo miền Bắc Việt Nam thực sự là những ai, và thực sự những gì đã xảy ra với sự kiện vịnh Bắc Bộ, và những cuốn băng cassette của tổng thống tiết lộ ai là Lyndon Johnson, ai là Richard Nixon.

NAM: Có rất nhiều yếu tố trong thời hiện tại của chúng ta có vẻ như là một tiếng vang của thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Ken Burns: Tất cả lịch sử vang vọng vào hiện tại vì bản chất con người không bao giờ thay đổi. Không bao giờ. Và vì vậy chúng ta không nhận ra lịch sử lặp lại chính nó. Chúng ta không bị lên án lặp lại những gì chúng ta không nhớ. Chúng ta chỉ nhìn thấy mình trong những sự kiện trong quá khứ. Đáng lẽ tôi có thể bắt đầu cuộc trò chuyện này bằng cách nói “Andrew, tôi đã trải qua 10 năm của cuộc đời mình để làm câu chuyện về một cuộc biểu tình tập thể diễn ra trên khắp đất nước chống lại chính quyền hiện tại. Đó là Tòa Bạch Ốc trong tình trạng hỗn loạn, bị sự rò rỉ thông tin ám ảnh.”

Đó là một vị tổng thống cáo buộc giới truyền thông “nói láo,” nơi bịa đặt thông tin không chính xác và buộc tội một chiến dịch tranh cử tổng thống về việc sử dụng sức mạnh bên ngoài quốc gia để can thiệp làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Và bạn nói: “Trời ơi, đó là những gì đang xảy ra tại thời điểm này!” Và câu trả lời của tôi: “Không, đây chỉ là một số ít trong số rất nhiều điều có thể đã xảy ra trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam mà vẫn còn vang vọng đến ngày hôm nay.”

Hai nhà làm phim Ken Burns (trái) và Lynn Novick. (Hình: news.dartmouth.edu)

NAM: Cô so sánh bộ phim của này như thế nào với phim của Stanley Karnow, “Việt Nam: Lịch Sử Truyền Hình,” bộ phim được xem nhiều nhất trên PBS vào thời điểm chiếu?

Lynn Novick: Tôi không xem nó trong một thời gian dài. Nó là một sự khơi mào trong lĩnh vực báo chí theo nhiều cách. Nhưng nó miêu tả câu chuyện như là một cuộc chiến tranh hai mặt giữa Mỹ và miền Bắc Việt Nam. Nó đã được thực hiện trong những năm đầu sau chiến tranh. Và miền Nam Việt Nam đã bị loại ra khỏi cuộc chiến, không xứng đáng để được đề cập nhiều.

Trong phim, chúng tôi cố gắng bao gồm những người bình thường, những người bị bắt trong chiến tranh, những người ở nhiều phía của cuộc chiến. Chúng tôi cố gắng bao gồm câu chuyện từ nhiều phía của cuộc chiến, để cho tất cả các bên sự tôn trọng như một phần của câu chuyện lớn về những gì đất nước chúng ta đã trải qua cũng như ý nghĩa của nó đối với người Việt Nam.

Tôi đã cho một số người Việt Nam từng trải qua cuộc chiến xem phim và họ rất ngạc nhiên. Một trong số họ nói với tôi: “Tôi đã sống ở Sài Gòn và chưa bao giờ biết về khía cạnh này của cuộc chiến.” Tôi nghĩ rằng, ngay cả khi họ sống với nó, có một số câu chuyện đã xảy ra có thể làm họ ngạc nhiên.

NAM: Lâu nay, có người Việt tị nạn than phiền là các phương tiện truyền thông Mỹ thiên vị. Truyền thông đã đưa một cái nhìn tươi sáng về Hồ Chí Minh và miền Bắc, trong khi đó miền Nam là một chế độ tham nhũng, quân đội yếu kém và không có hiệu quả.

Lynn Novick: Vâng, trong khi chính quyền miền Bắc kiểm soát mọi thông tin, báo chí Mỹ lại đưa thông tin phiến diện về miền Nam. Miền Nam được phác họa là không có khả năng và tham nhũng. Hoa Kỳ không bao giờ thực sự hiểu về chiến tranh Việt Nam, và nó đã không được giải thích đúng nghĩa. Nó đã được truyền thông tường thuật một cách phiến diện và quân đội VNCH đã bị cánh tả Mỹ, các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ và chính phủ Bắc Việt nói xấu.

Tất nhiên có những yếu tố như tham nhũng và quản lý kém. Nhưng bộ phim của chúng tôi đi một chặng đường dài để kể câu chuyện của họ, câu chuyện của những anh hùng và sự hy sinh cá nhân của của người thua trận.

NAM: Cô đã gặp cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và cho họ xem các phân đoạn của bộ phim. Cô đánh giá về phản ứng của họ như thế nào?

Lynn Novick: Tôi đã gặp người Mỹ gốc Việt thế hệ 1.5 và thế hệ thứ hai, những người đó đến với tôi và nói rằng họ không thể chờ đợi để xem toàn bộ bộ phim với cha mẹ họ, những người đã trải qua cuộc chiến. Họ nói rằng cha mẹ họ hiếm khi nói về chiến tranh và họ hy vọng rằng điều này sẽ khơi mào cuộc trò chuyện về chủ đề này. Chúng tôi làm phim với phụ đề tiếng Việt để những người không rành tiếng Anh có thể hiểu nó. Chúng tôi hy vọng bộ phim sẽ mở ra những cuộc đối thoại chưa từng xảy ra.

NAM: Ngay tại thời điểm này, ông suy nghĩ và hy vọng gì về những cuộc đối thoại xảy ra trên đất nước này sau khi xem bộ phim?

Ken Burns: Vâng, tôi nghĩ rằng nó rất hợp thời để nói: “Ồ chúng ta sẽ có một cuộc đối thoại mang tính quốc gia.” Thực tế mà nói, chúng ta không hề có một cuộc đối thoại quốc gia nào cả. Điều đó không xảy ra – đối thoại là một điều quá thân mật. Tôi hy vọng rằng bộ phim sẽ khơi mào cho các cuộc trò chuyện thân tình, giữa một người lính chiến đấu trong chiến tranh với một đứa cháu không biết gì về cuộc chiến Việt Nam, giữa người ủng hộ cuộc chiến và người phản đối nó. Và thực sự chỉ để bắt đầu cuộc hội thoại trong chính chúng ta.

Một trong những điểm đáng quan tâm nhất trong phim là sự đấu tranh nội tâm, mặc dù đó là người lính Sài Gòn hay là lính hải quân Mỹ hay là những người mẹ có con tử trận. Con người đang đi vào cơn bão nội tâm, và bộ phim của chúng tôi có thể là tấm gương phản chiếu sự chiến đấu đó trong chúng ta, cuộc chiến nội tâm trong chúng ta có thể giải quyết bằng cách này hay cách khác. Và chúng ta có đủ sự đa dạng về những nhân vật và câu chuyện trong phim, điều mà khiến tôi suy nhĩ, có thể bạn sẽ nảy ra vài chính kiến về Việt Nam nhưng không hẳn chính xác 100%. Nếu bạn có cơ hội xem bộ phim, bạn có thể phá vỡ tầm nhìn hạn chế của mình, và có thể bắt đầu cuộc đối thoại với người khác, thậm chí với người phản đối bạn.

NAM: Ông phải đối diện với vấn đề gì khi cố gắng bao gồm tất cả mọi mặt trong phim? Một số nhà phê bình nói rằng có một số vấn đề không được đề cập trong bộ phim.

Ken Burns: Tôi rất hân hoan về điều đó. Tôi không bị nói rằng tôi đang làm một cuốn sổ danh bạ điện thoại bao gồm tất cả mọi thứ. Tất nhiên, chúng tôi đã phải đưa ra những quyết định quan trọng và đau đớn. Chúng tôi phải làm việc với dữ liệu có thời lượng bằng 40 lần thời lượng 18 tiếng của bộ phim. Chúng ta không thể kể hết mọi câu chuyện, ngay cả đó là một bộ phim dài 180 tiếng. Người ta sẽ nói “Bạn đã xót điều này, điều kia,” nhưng không ai muốn xem phim đó cả.

Do đó, điều bạn muốn làm là kể một câu chuyện về một người mẹ liệt sĩ có thể đại diện cho nhiều người dân Sài Gòn, về một lính Hải Quân VNCH có thể đại diện cho nhiều lính Hải Quân VNCH. Nhưng tôi cảm thấy rằng chúng tôi bao gồm tất cả mọi thứ.

Lynn Novick: Chúng tôi phải đặt ra giới hạn. Thật là quá nhiều khi cố gắng tìm ra cốt chuyện mà chúng tôi phải tường thuật. Việc cố gắng tìm ra câu chuyện để kể cũng như cách kể câu chuyện tốt nhất đòi hỏi rất nhiều công sức. Chúng tôi phải để một số câu chuyện ra ngoài. Chúng tôi đang hy vọng một số người khác sẽ kể câu chuyện về Cambodia và Lào. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để tìm ra câu chuyện mà chúng tôi đang kể và kể nó một cách hay nhất, và tiếc thay một số câu chuyện đã bị bỏ qua.

Ken Burns: Tôi thực sự vui mừng khi mọi người nói: “Tôi đã xem phim và đây là những gì họ thiếu xót!” Tôi xin trả lời: “Ít ra bộ phim đã không làm họ chán!” Bộ phim này không chán chút nào cả. Nó lôi kéo sự chú ý của bạn. Và với những người bị 10 tập phim 18 tiếng làm cho chán nản, tôi nghĩ rằng họ sẽ thấy sự chú ý của họ được đáp ứng. Cũng như những bộ phim trước của tôi, tôi được nghe điều này trong phim “Cuộc Nội Chiến,” với “Jazz,” với “The Roosevelts.” Đó là một bản nhạc của tôi.

Steve Bannon tìm cách triệt hạ con rể TT Trump

MỚI CẬP NHẬT