Friday, April 19, 2024

Y tế Hoa Kỳ không đủ nghiên cứu cho người Á Châu, gây thiếu công bằng

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Tuy người Á Châu là sắc dân phát triển nhanh nhất Hoa Kỳ, nhưng hiện nay không có đủ nghiên cứu y học về sắc dân này. Để thảo luận về những điểm quan trọng về y tế cho người Á Châu, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời một số chuyên gia y tế dự hội thảo vào sáng Thứ Sáu, 16 Tháng Chín.

Hiện nay Hoa Kỳ không đủ nghiên cứu y tế cho người Á Châu. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Người Á Châu đang là sắc dân phát triển nhanh nhất Hoa Kỳ, chiếm đến 25% công dân sinh ra ở nước ngoài, và được dự đoán có dân số lên đến 34 triệu người vào năm 2050. Tuy vậy, các nghiên cứu y tế cho người gốc Á Châu chỉ nhận được 0.3% trợ cấp từ Viện Y Tế Quốc Gia (NIH).

Nhiều nghiên cứu gần đây, trong đó có đại học Stanford University, cho thấy người gốc Nhật Bản, Nam Hàn, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines có những nguy cơ nhiễm bệnh và phản ứng với thuốc khác nhau.

Không chỉ vậy, trong đại dịch COVID-19, sự thiếu thông số rõ ràng làm khó nhận dạng được sắc dân gốc Á Châu nào có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và có tỷ lệ chích ngừa thấp nhất.

Buổi hội thảo của EMS sẽ nói về những yếu tố quan trọng như sự khác biệt giữa các cộng đồng Á Châu, và thảo luận lý do y tế theo kiểu phù hợp cho tất cả sẽ gây ra nhiều nguy hiểm.

Diễn giả đầu tiên là Bác Sĩ Bryant Lin, đồng sáng lập viên của Trung Tâm Nghiên Cứu và Giáo Dục Sức Khỏe Á Châu (CARE) của đại học Stanford University, nói về những bệnh mà các sắc dân Á Châu thường mắc.

Bác Sĩ Bryant Lin (trái) và Bác Sĩ Winston Wong. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Ông mở đầu bằng nói về một bệnh nhân mình từng khám. Người đó là một cụ ông gốc Hoa 74 tuổi, thường bị gout và cần được chữa trị. Bác Sĩ Lin kê toa cho người đó thuốc Allopurinol, nhưng cụ ông bị hội chứng DRESS, có nghĩa là nổi phát ban và tổn thương nội tạng vì phản ứng với thuốc, phải nhập viện.

Ông Lin cho hay mình không hề nghĩ bệnh nhân sẽ bị như vậy vì Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) không hề nói rõ nhóm người nào có nguy cơ bị phản ứng thuốc.

Không chỉ có về y tế, các thông số về sự an toàn của người Á Châu trong đại dịch COVID-19 cũng rất quan trọng.

Theo Bác Sĩ Lin, tổ chức nghiên cứu Pew cho biết trong năm 2020, có 26% người Á Châu sợ bị đe dọa và bị tấn công trong đại dịch, cao hơn nguy cơ bị tấn công của người da trắng đến 2.9 lần.

Tuy nhiên, nghiên cứu đại học Stanford University đưa ra các thông số rõ ràng hơn, khảo sát đến khoảng 2,000 người gốc Á.

Nghiên cứu đó cho thấy người gốc Việt báo cáo mình có nguy cơ bị tấn công cao hơn người da trắng đến 5.4 lần, và nhiều nhất trong khảo sát. Người gốc Nam Hàn và gốc Hoa cũng có nguy cơ cao hơn người da trắng đến 4.4 lần. Khảo sát còn có nguy cơ của nhiều cộng đồng Á Châu khác người gốc Nhật, Philippines và người gốc Nam Á như Ấn Độ.

Sau đó ông nói các bệnh dẫn đến tử vong thường thấy trong các cộng đồng Á Châu, với người gốc Việt, người Hoa và người gốc Nam Hàn có nam và nữ đều bị ung thư; người gốc Nhật và Philippines có nam bị bệnh tim và nữ bị ung thư; và người gốc Ấn Độ có nam và nữ đều bị bệnh tim.

Vì vậy, ông nhấn mạnh sự quan trọng của thông số rõ ràng cho từng sắc dân Á Châu để có cách chữa trị và cách dùng thuốc phù hợp.

Nghiên cứu về nguy cơ bị tấn công trong đại dịch của người Á Châu của Pew và đại học Stanford University. (Hình: Bác Sĩ Bryant Lin cung cấp)

Diễn giả thứ hai là Bác Sĩ Winston Wong, chủ tịch Hội Đồng Bác Sĩ Á Châu Hoa Kỳ, nói về sự thiếu thông số rõ ràng tạo ra khác biệt về y tế trong các cộng đồng Á Châu.

Ông cho biết khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tiểu bang nào cũng đưa ra thông số được chia thành ba phần qua trọng là ai bị nhiễm, ai phải nhập viện và ai tử vong. Theo Bác Sĩ Wong, có khoảng 25 tiểu bang không làm thông số riêng cho người Á Châu, chỉ nhận dạng họ là “các sắc dân khác,” và không để tâm đến.

Ông còn nói có khoảng 20 tiểu bang đưa ra thông số về COVID-19 trong các cộng đồng Á Châu, chỉ có khoảng năm tiểu bang đưa ra ít thông số về từng sắc dân Á Châu như người gốc Hoa hay gốc Việt.

Tiếp theo là Bác Sĩ Ta Van Park, giáo sư ngành y tá của đại học UC San Francisco, nói về sự quan trọng của tách biệt rõ ràng các cộng đồng Á Châu trong thông số để tránh tình trạng thiếu công bằng trong y tế.

Bà nhắc lại trợ cấp nghiên cứu về y tế cho người Á Châu từ NIH dưới 1% của tổng ngân sách từ năm 1992 đến 2018. Bà còn cho biết có gần 46,000 người tham gia nghiên cứu bệnh Alzheimer, nhưng chỉ có 2.7% là người Á Châu.

Bà nhấn mạnh người Á Châu gặp nhiều trở ngại như văn hóa, ngôn ngữ và không được giáo dục về các quy trình nghiên cứu.

Vì vậy, đại học UC San Francisco cũng có CARE và mở một hồ sơ cho các cộng đồng Á Châu ghi danh để được giúp đỡ có tiếng nói trong các nghiên cứu y tế.

Bác Sĩ Ta Van Park (trái) và Tiến Sĩ Thu Quách. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Diễn giả cuối cùng là Tiến Sĩ Thu Quách, chủ tịch của Dịch Vụ Sức Khỏe Á Châu.

Bà cho biết tổ chức của mình có nhiệm vụ giúp đỡ người Á Châu được chú ý đến khi nói về những vấn đề y tế.

Bà kể mình là người tị nạn gốc Việt, lớn lên ở vùng vịnh San Francisco ở Bắc California. Từ nhỏ, gia đình bà gặp nhiều khó khăn trong đó có ngôn ngữ, và bà phải làm thông dịch viên cho cha mẹ từ lúc còn nhỏ. Điều đó tạo động lực khiến bà muốn giúp đỡ các cộng đồng Á Châu khác.

Theo bà, những chính sách kỳ thị của chính quyền Donald Trump trong đại dịch tạo ra nhiều sợ hãi cho người Mỹ gốc Á, trong đó có bệnh nhân và nhiều nhân viên của Dịch Vụ Sức Khỏe Á Châu.

Đại dịch và sự kỳ thị làm cho các cộng đồng Á Châu như im hơi lặng tiếng, làm khu Chinatown ở Oakland, nơi Dịch Vụ Sức Khỏe Á Châu có nhiều phòng khám, gần như không còn bóng người nào.

Bà nhấn mạnh đến nay các cộng đồng Á Châu vẫn gặp nhiều khó khăn, và kêu gọi chính phủ phải có những biện pháp y tế dành riêng cho các cộng đồng đó. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT