Friday, March 29, 2024

Cộng Hòa 2012: Cùng kéo nhau về Ohio

 


Nguyễn Văn Khanh


 


Sau Michigan và Arizona, tất cả mọi chú ý sẽ được dồn cho ngày Thứ Ba tuần tới khi hàng chục tiểu bang cùng nhau tổ chức bầu sơ bộ, tiếp tục cuộc thi chọn người đại diện cho đảng Cộng Hòa tranh chức tổng thống. Mỗi tiểu bang giữ một vị trí, một vài trò khác nhau cho cuộc vận động sôi nổi này, nhưng hầu hết mọi chú ý đều được dành cho Ohio.


Nhìn chung, Ohio và Michigan chẳng khác gì nhau nhiều. Tình trạng kinh tế của cả hai đều không mấy sáng sủa, cử tri không ngần ngại trình bày quan điểm của mình đối với đảng và với chính quyền. Một yếu tố không nhỏ cũng đang được nói tới: Tất cả các tổng thống Cộng Hòa đều thắng ở Ohio, điều đó có nghĩa là “phi Ohio bất thành… lãnh đạo”.


Khác với những cuộc bầu cử sơ bộ trước đây, các ứng viên còn lại của đảng Cộng Hòa tiến về Ohio trong tình huống đầy khó khăn. Sau những cuộc cãi vã ở Florida và Michigan, hai ứng viên dẫn đầu là các ông Mitt Romney và Rick Santorum “đều đang ở trong tình trạng bị thương tích” -theo lối nói của nhà bình luận Dân Chủ Tom Brailey trong một buổi gặp gỡ với các nhà báo ở Washington D.C.


Tình trạng còn tệ hơn nữa vì hai ông tranh cãi với nhau về những vấn đề xã hội, trong khi các cuộc thăm dò đều nói chỉ có 21% cử tri Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề này, số còn lại dồn chú ý cho việc giải quyết tình trạng kinh tế, cắt giảm ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân.


Những cuộc tranh luận đó không chỉ gây “thương tích” cho các ứng viên Cộng Hòa, mà còn “tổn thương” đến tình đoàn kết cần phải có để đánh bại ứng viên Dân Chủ là Tổng Thống Barack Obama. Tuần rồi Thượng Nghị Sĩ John McCain than thở nhìn thấy chuyện “anh em trong nhà cấu xé lẫn nhau” mà đau lòng -nguyên văn: “Greek tragedy”; ông cố vấn chính trị Ed Goeas của bà Michell Bachmann thì nói là những gì đang xảy ra có thể “đẩy đảng Cộng Hòa xa rời với cử tri” hay khiến những người chú tâm theo dõi thời cuộc chính trị “cũng phải thắc mắc, không hiểu lập trường của đảng và của các ứng viên là gì”. Ông Goeas nói thêm: “Ðã đến lúc chúng ta cần có một ứng cử viên, cần nói chung một tiếng nói, và thay vì phơi bầy những điểm bất đồng với nhau, chúng ta phải cho cử tri biết những điểm khác biệt giữa ứng viên Cộng Hòa và ứng viên Dân Chủ Barack Obama”.


Rất tiếc, những lời than thở hay kêu gọi vừa nêu sẽ không thay đổi được cục diện ở Ohio. Qua truyền hình và trên mặt báo, tất cả các nhà quan sát bầu cử đều dự đoán các ông Cộng Hòa “sẽ tiếp tục cấu xé nhau” như họ đã từng làm ở những cuộc bầu sơ bộ từ đầu năm tới giờ. Bà Sheila Gibson, một trong những quan sát viên được hỏi ý kiến còn đưa ra cái nhìn thảm não hơn, cho rằng “tình trạng sẽ tệ hơn nữa” vì lần này có thêm sự hiện diện của ông cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich, người đang bị một số khá đông cử tri Cộng Hòa xem là kẻ “phá đám” hay đang đóng vai trò “phá đám”.


Ðiều bà Gibson nói… không sai! Từ đầu tuần, các nhóm vận động độc lập ủng hộ cho ông Romney, Santorum và Gingrich đã bắt đầu cho chạy quảng cáo nói tốt cho ứng cử viên của mình, tiếp tục nói xấu đối thủ, trong lúc các ứng viên ráo riết vận động để kiếm phiếu. Gần như tất cả mọi chú ý tại Ohio đang được dồn cho ông Romney, người vừa thành công ở Michigan nhưng không có lợi thế sân nhà khi bước vào chiến trường Ohio.


Ông cựu thống đốc Massachusetts được chú ý đến vì nhiều lý do. Ohio là tiểu bang một số đông cư dân làm việc cho những công ty sản xuất xe hơi hay chế tạo phụ tùng xe hơi, họ không quên ông là người lớn tiếng phản đối quyết định của Tổng Thống Obama khi bỏ tiền cứu nguy kỹ nghệ xe hơi (auto bailout), sau đó ông còn ủng hộ đạo luật giới hạn quyền lợi của các công đoàn do ông Thống Ðốc Cộng Hòa John Kasich khởi xướng -đạo luật này mới bị cử tri hủy bỏ trong cuộc bầu cử hồi Mùa Thu năm ngoái. Ngoài ra để lấy lòng cử tri bảo thủ, ông Romney còn lên tiếng nói ông chống phá thai, và các cuộc thăm dò đều nói ông mất phiếu của nữ giới chỉ vì thay đổi lập trường 180 độ.


“Trong 3 điều này, quan trọng nhất vẫn là chuyện ông Romney không ủng hộ kế hoạch auto bailout của ông Obama, đã thế ông ta lại còn nhắc đi nhắc lại chuyện này, coi đó là thành tích chính trị của mình”, ông Chủ Tịch Khối Thiểu Số Eric Kearny của Thượng Viện Ohio phát biểu với tờ Akron Beacon Journal. Chính trị gia nổi tiếng của tiểu bang bảo thêm chưa quyết định ủng hộ ai, “nhưng tôi không thể nào hiểu được chiến lược tranh cử của ông Romney”.


Chưa giải quyết được khó khăn này, ông Romney lại còn tạo thêm khó khăn khác. Trước những lời xầm xì của cử tri cho rằng ông là dân nhà giàu không hiểu được tâm tư của giới trung lưu và giới nghèo, ông chống đỡ bằng cách nói ông đi xe pick-up, lái xe hơi “Made in USA”, nhưng khoe bà vợ ông “có 2 chiếc Cadillac”, một chiếc ở Massachusetts và một chiếc đậu ở California. Với cử tri Hoa Kỳ, dân lái Cadillac là dân giầu nên lời ông nói được đem ra diễu cợt, cho rằng “dấu đầu lòi đuôi”.


Nếu ông Romney đang ở thế khó khăn, ông Santorum cũng không dễ dàng kiếm phiếu. Trong những ngày dẫn về Ohio, ông liên tục nhắc đến những vấn đề mang tính xã hội, như phá thai, đồng tính… Gần đây nhất khi lên tiếng ở Columbus, ông chỉ trích việc Tổng Thống Obama tìm cách giới hạn tự do tín ngưỡng, khi đòi hỏi các cơ sở tôn giáo khi cung cấp bảo hiểm y tế cho nhân viên phải có cả bảo hiểm mua thuốc ngừa thai. Có lẽ ông muốn đưa ra cho cử tri thấy những điểm ông khác ông Obama, tin rằng đó là cách hay nhất để kiếm phiếu.

MỚI CẬP NHẬT