Friday, April 19, 2024

‘Mối sầu như tóc bạc!’

 


 


Tạp ghi Huy Phương


 


 


 


“Mối sầu như tóc bạc


Càng cắt càng dài ra…”


Phan Khôi (1952)


(Nhớ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện)


 


Hồi tôi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, biết tôi cũng nòi thơ văn vớ vẩn, một ông anh lớn tuổi đã chặn đầu, “giáo dục” tôi bằng những lời lẽ khá nặng nề: “Nước Mỹ rất thực tế, sang đây rồi thì ráng mà chăm chỉ kéo cày, đừng có mơ mơ mộng mộng, mà có ngày vào nhà thương điên!”









Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lúc sinh thời. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Tôi chưa có dịp tìm hiểu người Mỹ trên đất nước này có biết buồn hay không, hay cuộc đời họ chỉ có chán nản, thất vọng, thất tình, thất nghiệp và sạt nghiệp… mà những thứ này, tôi tin có thể giải quyết bằng rượu, rong chơi, vùi đầu vào cờ bạc hay nhảy từ cầu Golden Gate xuống vịnh San Francisco. Tình yêu nam nữ có thơ mộng không, họ hẹn hò ở đâu? Tiệm ăn, sòng bài, party hay trên giường ngủ, vì vậy mà thời nay khó có một “Le Lac” của Lamartine hay một “Chiều Vàng” của Nguyễn Văn Khánh. Bây giờ mà hẹn hò nhau bên bờ hồ hay trên một ngọn “đồi xanh” thì quả là phải coi lại vấn đề tâm thần.


Giờ đây, người ta có bao giờ nghĩ đến một tà áo, một mái tóc hay một quãng đường đi, bây giờ âm nhạc cho tình yêu chỉ còn lại trần trụi, “yêu em thật sâu, yêu em thật lâu!” Cũng đã hết một thời với những tờ thư ép vào tập sách hay khó khăn để nói được một lời, hay là không nói gì hết. Mọi thứ đều đã thay đổi.


Chúng tôi đến đây khi đã quá nửa đời người, khi bước vào tuổi già đã không theo kịp và cùng chung sự suy nghĩ như tuổi trẻ, trở nên lạc lõng như người còn rơi rớt lại từ những quãng đời đã xa. Bây giờ đã nhiều năm trôi qua, chất chồng vì năm tháng, tôi thấy tôi vẫn còn mơ mơ mộng mộng, và càng lúc càng buồn, nhưng chưa phải vào nhà thương điên lần nào! Nói như ông anh, thì có lẽ ở xứ sở này, con người không biết yêu và cũng chẳng biết buồn, nhưng thật ra, là hơn hai mươi năm ở Mỹ, nỗi buồn tôi cộng lại nhiều hơn cả năm mươi năm ở quê nhà. Phải chăng vì vậy mà ở đây có nhiều người rụng tóc vì buồn (rầu rụng tóc,) hay tóc bạc sớm vì lòng không thấy vui (tâm sầu, bạch phát!)


Không biết buồn làm mất ngủ hay những đêm mất ngủ làm cho người ta buồn.


Có người nhắc lại “những tiếng động ban đêm” của Quốc Văn Giáo Khoa Thư ở nhà quê, với tiếng mọt nghiến gỗ, tiếng con thằn lằn bắt muỗi trong nhà hay cả ngoài kia tiếng dế kêu ri rỉ, ếch nhái kêu vang, xa xa còn tiếng chó sủa trăng. Còn đêm ở Sài Gòn, dù đã nửa khuya vẫn còn nghe tiếng xích lô máy nổ phành phạch, tiếng còi xe ai qua đường vội vã, tiếng mì gõ nghe xa dần trong con hẻm vắng, tiếng chó sủa hay tiếng động cơ máy bay lên xuống vẳng lại từ phi trường. Những ngày chiến tranh, còn nghe tiếng đại bác ầm ì vẳng lại, tiếng pháo hỏa châu mới nổ lụp bụp đâu đó. Khi trời chưa sáng tỏ, Sài Gòn đã thức dậy cùng với tiếng xe cộ trên đường gần xa, và ồn ào, hùng hổ, rõ nhất vẫn là tiếng xe xích lô máy, át hẳn tiếng xe ngựa thồ, gõ nhịp trên đường nhựa, đưa những món hàng từ ngoại ô vào thành phố.


Có dạo tôi lưu lạc về Xóm Cỏ ở đầu đường Phan Thanh Giản, gần xa lộ, nhà ở trong con hẻm nhỏ, mỗi đêm vẫn nghe tiếng chuyện trò ồn ào của những người khách ngồi khuya ở quán cà phê đầu ngõ, tiếng trẻ con khóc, tiếng cãi vã, chửi nhau của đôi vợ chồng nào đó. Nửa khuya, nếu chưa ngủ được, như thường lệ, còn nghe tiếng gót dày của cô vũ nữ ở cuối xóm trở về nhà.


Bây giờ ở Mỹ, những đêm mất ngủ mới thấy nước Mỹ yên tĩnh lạ thường. Trong những thành phố lớn, phức tạp đôi khi còn nghe tiếng còi hụ của xe cảnh sát vẳng lại trong đêm, nhưng ở những vùng ngoại ô, đêm gần như hoàn toàn yên tĩnh. Có chăng là nghe tiếng nước tưới tự động trong vườn làm cho chúng ta nhớ đến những cơn mưa. Sự yên tĩnh làm cho con người già mất ngủ cảm thấy buồn thêm.


Người ta buồn vì tất cả đều đã thay đổi. Người ta buồn vì đã bước đến tuổi già, bỏ thanh xuân, thơ ấu lại đàng sau. Người ta buồn vì gốc cây già đã bứt xa gốc rễ, cội nguồn. Người Việt lưu vong, xa xứ quả buồn thật. Tôi đã nhìn thấy buổi sáng trong công viên, những người Việt đi bộ, mặt cúi gầm xuống đất, chẳng hề nở một nụ cười hay mở lời chào hỏi ai. Tôi đã nhìn thấy những vị cao niên ngồi đợi ở trạm xe bus, mặt mũi đăm chiêu, rười rượi nỗi buồn.


Có phải họ đã ra đi, gửi tấm thân lưu lạc ở quê người.


Có phải mỗi đêm thức giấc nhớ lại bản tin từ quê nhà, lòng không khỏi đau xót, vì chúng ta không còn ở với quê hương nhưng quê hương vẫn còn trong lòng chúng ta. Sỏi đá, cỏ cây có nỗi buồn riêng nào đó hay không?


Có phải đến lúc sức tàn lực kiệt, lực bất tòng tâm, giáo gươm hoen rỉ mà tâm sự để đời không biết gửi về đâu! Giấc mơ chưa thành mà “mối sầu như tóc bạc, càng cắt càng dài ra!” Mỗi ngày, mỗi ngày lại nghe bạn bè ra đi. Lâu lâu lại nghe tin một người lính năm xưa nằm xuống. Có ai còn thắp lên ngọn lửa cho ai? Liệu ngày về có còn xa hay không?


Bây giờ vừa mới đổi giờ, trời bắt đầu lạnh và sụp tối sớm hơn. Buổi chiều, ai cũng có vẻ vội vã trở về nhà. Trong gian nhà ấy, không phải ai cũng được gặp những khuôn mặt thân yêu, quây quần trong bữa cơm ấm cúng, có khi là vợ, là con cái, cháu chắt và những câu chuyện pha lẫn tiếng cười. Trên cao ốc vô hồn vắng lặng, trong dãy nhà lạnh lẽo kia, có những người đang sống một mình, nén nỗi buồn xuống tận đáy lòng, cố dìu mình vào giấc ngủ, có khi sợ cả một buổi sáng mai phải thức giấc, không phải để có được thêm một ngày yêu thương, mà thêm một ngày để thất vọng.


Bây giờ những ngày lễ lớn không còn đem lại niềm vui háo hức như những ngày thơ ấu cũ, nó là những cột mốc đánh dấu cho chặng đường cuối cùng. Ðêm lại đến, đem về sự yên tĩnh, nỗi buồn như cơn sóng xô mãi vào bờ:


“Trời không chớp bể với mưa nguồn


Ðêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.”


Trần Tế Xương

MỚI CẬP NHẬT