Friday, March 29, 2024

Tình và lý

Tạp ghi Huy Phương

 

 

Cuối tháng 12, 1998, Trần Trường, chủ tiệm Hi-Tek, sang băng phim truyện trên đường Bolsa, California, treo cờ Việt Cộng và ảnh Hồ Chí Minh trong tiệm của y, tại phố Bolsa, quận Cam, California.

Biểu tình chống Trần Trường. (Hình: Lý Kiến Trúc)

Cậy mình đang ở trên một xứ sở tự do, theo tu chính án số I của Hiến Pháp Hoa Kỳ, Trần Trường cũng như mọi công dân Hoa Kỳ được bảo vệ quyền tự do phát biểu, không ai có quyền bắt Trần Trường phải tháo gỡ ảnh và cờ của y xuống. Người ta nói y khùng, vì chính lá cờ và bản mặt này, mà y đã bỏ nhà cửa, mồ mả ông cha vượt biên đến Mỹ, bây giờ đến một lúc mà y nghĩ có quyền tự do của một công dân Mỹ, y nghĩ có quyền làm những việc y thích. Trần Trường được sự bênh vực của các luật sư Mỹ trong hội ACLU, được cảnh sát bảo vệ tối đa.

Y tin tưởng vào lý, nhưng về tình, Trần Trường đã xát muối lên vết thương của đồng bào, gây sự phẫn nộ cho hàng nghìn người Việt tỵ nạn cộng sản, tập trung đến khu phố này, để biểu dương thái độ chống hành động thách thức của một thành viên trong cộng đồng. Y có quyền tự do phát biểu thì đồng bào ở đây cũng có quyền bày tỏ thái độ của mình. Từ ngày 19 tháng 1, 1999, mỗi ngày có hằng trăm người tập trung trước cửa tiệm để biểu tình chống đối và đòi Trần Trường phải hạ cờ và ảnh Hồ. Không ai dùng quyền và lý để phô trương hình ảnh Hitler trong cộng đồng Do Thái mà ruột thịt của họ đã chết trong lò thiêu của Ðức Quốc Xã, cũng như Pol Pot đối với tập thể người Kampuchea sống sót sau thảm kịch Kmer Ðỏ. Chuyện treo ảnh và cờ đỏ có thể là chuyện nhỏ trong một thế giới lớn, nhưng là cái gai nhọn đâm vào con mắt người tị nạn phải nhổ đi.

Cao điểm nhất là vào tối ngày 20 tháng 2, 1999, theo lời kêu gọi của báo chí truyền thông Việt Nam hàng nghìn người Việt Nam đã tập họp tại khu phố Hi-Tek này, mang theo cờ và biểu ngữ đả đảo cộng sản, hát nhạc tranh đấu, lên án thái độ của Trần Trường và đả đảo chế độ cộng sản. Cảnh sát Westminster đã huy động hằng trăm cảnh sát với chó nghiệp vụ, vũ khí, xe chữa lửa, sẵn sàng đương đầu với người biểu tình.

Cuối cùng, cuộc tranh đấu ôn hòa nhưng quyết liệt, ròng rã trong 53 ngày đêm của đồng bào Nam California, được sự đồng tình chi viện của nhiều nơi, đã đưa đến thắng lợi. Ðể tránh sự giao động bất an, mất trật tự thành phố, trong bóng tối, đã có người gỡ ảnh và cờ trong tiệm Hi-Tek xuống đem đi và Trần Trường đối diện với luật pháp vì tội danh sang băng lậu.

Hiện nay vì nhu cầu đổi không khí, trong nước thèm nhạc vàng, và vì thù lao cao gấp nhiều lần, ca sĩ hải ngoại đua nhau về trình diễn trong nước càng ngày càng đông, và đôi khi vì muốn lấy lòng các cơ quan chính quyền trong nước, đám ca sĩ này thường tuyên bố với báo chí và truyền thông những lời tâng bốc, ca tụng rất sống sượng. Ca sĩ có quyền về hát ở trong nước, họ cũng có quyền tuyên bố vung vít như vậy, kể cả phủ nhận những tình cảm và sự vinh danh của hải ngoại đã dành cho họ, nuôi họ từ ngày chân ướt chân ráo bước chân lên mảnh đất tự do. Bây giờ đã đến lúc “trắng da dài tóc,” lại sắp qua thời son trẻ, nên vội vàng tranh thủ đi Việt Nam kiếm tiền. Nhưng nói về tình, trong một đất nước bất công đang xẩy ra hằng ngày, những nhà tranh đấu đang bị giam cầm, tù đày, các ca sĩ lại là những người tỵ nạn đã bỏ đất nước ra đi, nay lại quay về nhởn nhơ như bầy “thương nữ hát khúc Hậu Ðình Hoa,” nên lấy tấm gương Việt Khang mà tìm lại chút lòng liêm sỉ. Và cũng đừng nên “qua sông phụ sóng,” xem thường khán giả hải ngoại đã nuôi họ những ngày đầu khó khăn, như lời tuyên bố “ca sĩ về Việt Nam là vì họ cần khán giả.” Như vậy phải chăng người ta đánh giá hải ngoại toàn “tai trâu!”

Ngay những ca sĩ khi về trình diễn Việt Nam mặc trang phục hở hang, quê mùa, thiếu thẩm mỹ, tưởng như vậy là độc đáo, ăn khách, đã bị chính báo chí trong nước lên án, chê bai, đến nỗi phải cúi đầu chịu nhục xin lỗi. Về tình, cũng là cái nhục chung cho hải ngoại, khi người trong nước có cái nhìn “cá mè một lứa,” vì những người này lại trở về ca hát, nhún nhẩy trên sân khấu hải ngoại!

Chúng tôi cũng biết rằng ngày 3/2, 2/9, 30/4… không phải là ngày riêng của ai, cho nên ai muốn nghĩ gì thì cứ nghĩ, ai muốn làm gì thì làm. Nhưng không lẽ khi nhà hàng xóm có ông bố vừa mới mất mà chúng ta rước ban nhạc về nhà ca hát suốt đêm. Về lý không ai cấm đoán, nhưng về tình, sao nỡ nào muối mặt đi làm những chuyện như vậy.

Ðối với miền Nam, biến cố 30 tháng 4, 1975 là ngày “mất nước,” “đứt phim,” “tan hàng,” “ngày quốc hận,” tháng 4 là “Tháng Tư Ðen,” một thời điểm ô nhục, mang nỗi đau của người lưu vong phải sống xa quê hương, nhưng cũng có người không quan tâm, nếu ngày đó không mang dấu ấn gì, phải chăng họ và gia đình ở trong số “một triệu người vui,” có sá gì đến chuyện bên cạnh đó, có “một triệu người buồn!”

Tại Nam Cali, các vị dân cử đại diện cho những địa hạt có nhiều cử tri Việt Nam đã là đồng tác giả nghị quyết “Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen.” Nghị quyết được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của 66 đồng viện và được thông qua với tỷ số 100% tại Hạ Viện California ngày 16 tháng 4, 2012 với mục đích: “Mong muốn được chia sẻ nỗi đau buồn với dân tộc Việt Nam và vinh danh các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam trong Tuần Tháng Tư Ðen.” Người Mỹ kêu gọi dành thời gian 30 tháng 4 để tưởng nhớ những người đã hy sinh, thông cảm nỗi đau buồn của chúng ta, trong khi chúng ta, những người đã là nạn nhân của ngày 30 tháng 4, có thể nào cho rằng tôi không cần biết ngày này, tôi muốn đi đâu, làm gì thì làm.

Trong tình nghĩa, người Việt chúng ta đâu có thể coi ngày 30 tháng 4 cũng như mọi ngày, một ngày cuối tuần, một ngày lễ, một ngày để vui chơi, hội hè, một ngày thuận lợi để kiếm khách, đàn ca hát xướng theo sở thích riêng của mình? Ðem mục đích chính trị đặt cho một buổi trình diễn văn nghệ như thế theo tôi là hơi cao, vì sao chúng ta không nghĩ chẳng qua lý do là bởi đồng tiền, mà mỗi khi đã vì tiền, người ta có thể quên tất cả.

Trong luật giao thông của DMV, vấn đề an toàn quan trọng hơn là quyền ưu tiên khi lái xe, mặc dầu quyền ưu tiên thuộc về pháp lý.

Và không phải lúc nào chúng ta cũng hãnh tiến, lấy lý sự ra mà đương đầu, đối đáp, nhiều lúc phải xử sự, lấy tình nghĩa ra mà ăn ở với nhau. Những chuyện chúng ta lấy làm vui, cho là phải, chúng ta có quyền làm, nhưng nếu làm cho người khác bị tổn thương, đau xót thì sao? Ðến một lúc nào đó, người ta sống không phải vì tiền, cũng không phải vì danh vọng, nhưng sống sao cho thuận với lòng người, không thẹn với lương tâm, không phản bội những người đã chết, sống sao cho được là người tử tế, không phải để thỏa mãn lòng tự ái nhất thời, cho dư luận chỉ là lời gió thoảng. Lắng nghe dư luận không phải là có đầu óc nô lệ, mà là có tri thức. Ông Âu Dương Tu, đời Tống cho rằng, trong đạo làm người, bỏ ngoài tai lời thiên hạ, khinh thường mà không suy xét, thì trăm việc đều hư, mà đưa đến sự tan vỡ!

Tình và lý như chuyện những đứa con bất hiếu, bỏ bê cha mẹ, không xã hội nào lấy luật pháp, lý lẽ ra mà trừng phạt, cũng không thể dùng xe bắt chó mà xử lý, nhưng về tình nghĩa, đạo lý, dư luận có quyền lên án hay không?

MỚI CẬP NHẬT