Monday, May 20, 2024

Trở lại trường

 


Tạp ghi Huy Phương


 


Sau những ngày Hè, mỗi lần trời chớm sang Thu, ngoài các cửa hiệu buôn, trong gia đình các bậc cha mẹ và các em học sinh, chuẩn bị mua sắm cho ngày trở lại niên học mới, nói như Thanh Tịnh, thì “lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”










Trẻ em đến trường. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Ý nghĩ của con người, theo thời gian, mỗi năm mỗi khác, nhưng niềm luyến tiếc của một đời người ngắn ngủi là sau một mùa Hè nào đó, chúng ta không bao giờ có thể trở lại trường nữa. Sau này khi đã ra đời, đôi khi chúng ta cũng còn có dịp cắp sách trở lại, nhưng còn đâu là sự hồn nhiên và tuổi thơ có thể mang vào trong lớp học như những ngày xưa. Ai cũng công nhận tuổi học trò là tuổi vui tươi, đẹp đẽ, trong sáng nhất của một đời người. Có người hưởng trọn vẹn được một thời cắp sách đầy đủ hạnh phúc, nhưng cũng có người không có được một tuổi học trò, nghĩa là chưa bao giờ được đến trường học hay bị gián đoạn vì nhiều nguyên nhân. Trong nhiều đất nước nghèo đói lạc hậu, trẻ em sinh ra lớn lên có chút trí khôn đã phải lăn ra đời kiếm sống, bắt ốc, hái rau. Chiến tranh gây đổ nát, tang tóc, làm nhiều gia đình ly tán. Hoàn cảnh khốn cùng của nhiều gia đình không cho các em có cơ hội đến trường.


Tuổi trung học, vào một ngày tựu trường nào đó, trong những khuôn mặt mới, bỗng dưng chúng ta thấy mất đi nhiều người bạn cũ. Nhiều bạn nữ sinh đã “theo chồng, bỏ cuộc chơi” như là một quy luật của cuộc đời, nhiều bạn trai đã “xếp bút nghiên, lên đường tranh đấu,” nhiều anh em đã ra đời sớm vì nợ cơm áo nhọc nhằn. Nhà trường đôi khi còn trở thành bãi chiến trường, bom đạn, di tản hay tan hoang, kẻ còn người mất. Chúng ta còn lại, nhưng rồi mai kia chúng ta cũng ra đi, nhà trường chỉ là nơi gặp gỡ của những buổi đầu, và phải chăng, người thầy là nhân vật đã chứng kiến những sum họp và chia lìa như thế?


Tôi cũng có một thời đi học vui tươi nhưng không được song suốt, vì mấy năm chiến tranh và phải từ giã nhà trường ra đời mưu sinh sớm. Tôi còn nhớ một buổi tựu trường cha tôi đèo tôi trên chiếc xe đạp “giàng” của ông cho tôi đỡ một đoạn đường đi bộ. Ngồi trên xe với ông, tôi khóc sụt sùi, vì phải đội một cái nón cối cũ vừa được sơn lại: “Cha ơi, tụi nó cười con!” Nhà nghèo đông con, ăn không đủ no, áo quần còn thiếu thốn, mùa Ðông xứ Huế lạnh buốt, những ngày mới hồi cư, anh em chúng tôi chỉ đắp bằng những manh chiếu mà không có chăn, hở đầu lòi chân. Tôi có được một chiếc quần tây cũ đã sờn do người anh họ tôi ở Saigon mang cho, người thợ may đã lộn trái và may lại cho tôi thành một chiếc quần mới. Bộ đồ tươm tất nhất của tôi có lẽ là bộ đồ “short” bằng vải kaki vàng, ưu tiên cho tôi, mà cha tôi đã mua được nhờ tem phiếu dành cho công chức.


Dù vậy những ngày đến trường cũng là những ngày hồn nhiên mà muộn phiền, khổ sở mau quên. Dù vậy, ngày phải bỏ học có lẽ là ngày buồn nhất của đời tôi, vì tôi biết tôi không bao giờ có thể trở lại trường. Tôi biết thứ lớp, giai cấp trong xã hội cũng thường căn cứ trên học vấn, khoa bảng chia nhau quyền lực của giai cấp thống trị, trừ thời ly loạn, nhưng quả không được học hành là một điều thiệt thòi lớn nhất của nhân loại.


Tôi không danh giá được như ông Nicolas Carnot của nước Pháp trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, trở về thăm trường cũ để hãnh diện, ân cần nói với các em học sinh nhỏ tuổi rằng: “Ta có được ngày hôm nay là nhờ công lao dạy dỗ của thầy giáo!” Tôi cũng không đủ tiếng tăm để tặng cho ngôi trường trung học cũ Ðồng Khánh một học bổng như nhà văn Nhã Ca đã làm. Tôi cũng không là danh tướng như Nguyễn Khoa Nam để trường Khải Ðịnh hãnh diện đã sinh sản ra một bậc anh hùng. Tôi thường có mặt một cách bất đắc dĩ trong các buổi họp “bạn cũ, thầy xưa,” có thể thu mình trong một góc nào đó với những thằng bạn không hề là niềm hãnh diện của thầy cùng của bạn chút nào, trong khi trên sân khấu những tay khoa bảng hãnh diện vái chào, tâng bốc nhau!


Trong quân đội tôi đã được nhìn ánh mắt của một người bạn cũ tốt nghiệp sĩ quan với một người bạn cũ “hỏng tú tài anh đi trung sĩ.” Ở ngoài đời, người ta phân biệt ông bác sĩ với một công nhân, tính trên số năm được cắp sách đến trường, phải chăng đó là nỗi đau đớn của hoàn cảnh và số phận nghiệt ngã của con người. Loài người đã phân biệt đen trắng, giàu nghèo, gái trai và lớn lao nhất trên đời này, có lẽ là học vấn.


Vào mùa Hè, chúng ta đã đi qua nhiều ngôi trường đóng cửa, chỉ có những chiếc lá khô rụng trong sân trường và tiếng con chim nhỏ hót ở đâu đây. Ngôi trường chờ đợi một ngày để hội ngộ lại những khuôn mặt quen thân. Trong thời loạn, sau mỗi mùa Hè, nhà trường tận hiến cho tổ quốc bao nhiêu người trai tuấn tú cho chiến tranh để sân chơi phía sau, trẻ em có những khoảnh khắc bình yên và thong dong trên những con đường cho những tà áo trắng.


Thật không hiểu vì sao, dù ở đâu, quê hương hay đất khách nghìn dặm, lòng tôi lại buồn thấm thía thời gian của những ngày tựu trường, mà đáng lẽ là niềm vui của tất cả mọi gia đình. Ở đây, chưa lúc nào sự ly tán hiện rõ bằng những ngày sum họp. Bạn có nhớ chăng, những ngày giỗ gia đình là những ngày ta nhận thấy có người vắng mặt, ngày Tết đoàn tụ cũng là ngày nhớ lại những người ra đi không bao giờ về. Ngày tựu trường mỗi năm chính là ngày chúng ta kiểm điểm lại bạn bè mất mát, thầy cô giáo qua đời và nhìn thấy rõ những thay đổi lớn lao của cuộc đời mọi người.


Bao nhiêu mùa tựu trường trở lại, nhưng chúng ta không bao giờ còn có thể trở lại trường cũng như trở về tắm trong dòng nước mát của tuổi ấu thơ. Thời gian như cơn nước lũ, cuốn phăng đi bao nhiêu tháng ngày, còn chăng chỉ là những mảnh vụn trong ký ức, trong sáng hôm nay hiện về. Ôi ngày tựu trường, nghe như có tiếng trống trường văng vẳng đâu đây, tiếng trống vọng về ở một nơi chốn xa xuôi, không hề có trong hiện thực: “Gió thổi sân trường chiều Chủ Nhật – Ôi! Thời thơ bé tuổi mười lăm…”

MỚI CẬP NHẬT