Thursday, April 25, 2024

Người Việt, lần đầu tôi đọc năm 2010 và những kỷ niệm…

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Liêu Thái

Với báo Người Việt, lần đầu tiên đọc, tôi phải vượt tường lửa ở Việt Nam bằng Anonymouse.org sau đó là Ultrasurf để đọc, qua lời giới thiệu của một người anh vốn là nhà thơ, đang sống tại Hoa Kỳ, rồi sau đó tập tọ viết cho Người Việt, làm cộng tác viên được ngót nghét 6 năm (2010-2016). Và với tôi, đứng trên góc độ một độc giả, có lẽ báo Người Việt là tờ báo để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả, trước và sau khi tôi cộng tác với Người Việt, cập nhật tin tức mỗi ngày bằng cách vượt tường lửa vào Người Việt vẫn là thú vui và thói quen mỗi sớm chưa bao giờ thay đổi.

Tôi đôi khi cũng tự hỏi mình sẽ còn đọc Người Việt tới bao giờ? Bởi thời đại mạng xã hội bao trùm, đa phần thông tin trên Người Việt có thì mạng xã hội cũng có và vào mạng xã hội thì khỏi phải vượt tường lửa, truy cập nhanh hơn. Nhưng, có lẽ câu trả lời bao giờ tôi ngừng đọc Người Việt cũng giống như câu trả lời đâu là ấn bản cuối của Người Việt. Những câu hỏi và trả lời nghe vừa buồn cười vừa vô nghĩa…!

Tôi là một người có đầu óc thực dụng, tôi không mong Người Việt hay bất kỳ tờ báo nào tồn tại đến trăm năm sau hoặc vài mươi năm nữa. Nhưng tôi dự đoán, trong thời đại này, hay nói khác đi, trong kỷ nguyên “thoi thóp báo chí” này, Người Việt vẫn phải tồn tại rất lâu, bởi sự tồn tại của báo Người Việt không đơn giản là sự hiện hữu của một cơ quan truyền thông, mà là sự tồn tại mang sứ mệnh khai hóa một phần nhỏ thế giới đang còn thoi thóp dưới ách độc tài cũng như một phần nhỏ thế giới đang còn đói khát, đau khổ. Chỉ riêng sứ mệnh khai hóa, Người Việt còn phải tồn tại thêm ít nhất cũng vài mươi năm nữa. Và sứ mệnh thứ hai: Chia sẻ cùng với một phần nhỏ thế giới đang đói khát, đau khổ, có lẽ dù không muốn chăng nữa thì những trang báo mang sứ mệnh này vẫn phải tồn tại rất lâu!

Ông bà Trần Dật cùng gia đình và quí ni sư phát quà cứu trợ vùng lũ Đại Lộc, Quảng Nam. (Hình: Liêu Thái)

Tôi có thói quen nhìn vào trang báo và dự đoán nó phát triển đến đâu thông qua sứ mệnh ngoại biên của nó. Nghĩa là ngoài chức năng chính truyền thông, tờ báo đó gắn mình với những sứ mệnh nào, điều đó cho thấy tờ báo ấy sẽ phát triển ra sao và lớn mạnh như thế nào. Đương nhiên, mọi thứ đều võ đoán. Nhưng tôi cũng tin rằng mọi thứ ngẫu nhiên trên cuộc đời này đều không hoàn toàn ngẫu nhiên! Cũng giống như tôi lần đầu đọc Người Việt vào Tháng Chín, năm 2010, nghĩa là tôi rất ấu trĩ và lạc hậu trong chuyện cập nhật tin tức. Một tờ báo đã tồn tại cho đến gần một phần ba thế kỷ thì tôi mới biết đến và đọc như là sự khám phá mới mẽ, cấp tiến! (Mà hình như không riêng gì tôi đâu, bạn bè thế hệ tôi có khá nhiều người mới được biết đến Người Việt chỉ mươi năm trở lại đây. Cũng như việc vượt tường lửa để truy cập BBC, VOA, RFA, Người Việt hay một số báo tiếng Việt ở hải ngoại chỉ mới trở nên phổ biến chừng 10 năm trở lại đây chứ không nhiều hơn đâu!).

Mà sự khám phá của tôi với Người Việt không phải là vấn đề theo hướng discovery thuần túy. Đơn giản, tôi từng đi nhiều nơi, cảm nhận nỗi buồn, cuộc sống hẩm hiu, cô đơn của nhiều gia đình thương phế binh chế độ trước (tức Việt Nam Cộng Hòa) và những gia đình không may mắn khác đang sống chìm khuất trong đất nước đầy rẫy tai ương và thông tin tuyên truyền, tung hê, ngợi ca và nâng bi… Họ, “những người muôn năm cũ” phải sống như đang tồn tại và trôi, nhiều gia đình suốt gần nửa thế kỉ vẫn chưa tìm ra mộ của người thân, vẫn chưa có cơ hội sống đúng nghĩa con người vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thời cuộc vẫn là nhức nhối. Và giữa thời thông tin bùng nổ, mọi thứ của ngày hôm qua có thể bị xô dạt vào quên lãng để cái mới sinh trưởng, phát triển… Thì đâu đó, giữa bộn bề tin tức, giữa dòng chảy của cái mới, Người Việt vẫn giữ một góc không nhỏ dành cho việc thông tin tìm kiếm và tri ân tử sĩ và thương binh Việt Nam Cộng Hòa. Điều này dễ dàng đi thẳng vào tâm hồn độc giả có chút “hoài cổ” như tôi, tôi trở nên gần gũi với Người Việt từ đó.

Những hố chôn tập thể ở An Dương, Huế hay những ngôi mộ nằm hiu quạnh bên đồi Phú Ninh, Quảng Nam của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống trong những ngày Tháng Ba, Tháng Tư… Tháng năm đau buồn và ám ảnh! Sự chia sẻ của cộng đồng người Việt hải ngoại thông qua việc vận động, kết nối của Người Việt, để từ đó, những gia đình “chế độ cũ” có thêm lát thịt, con cá trong bữa ăn, có thêm hơi ấm cộng đồng để sống, để hy vọng… Và không dừng ở đó, những tộc người thiểu số, những em bé miền núi cũng được cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm, chia sẻ thông qua truyền thông và kết nối, dù trực tiếp hay gián tiếp, Người Việt cũng mang cho các bé có thêm bữa cơm ấm áp, có thêm chút đạm để lớn.

Ngoài các chuyên mục mang tính tương trợ, tri ân, các chuyên mục có tính văn chương, nghệ thuật cũng tạo nét riêng. Những buổi tưởng niệm các nhà văn đã khuất hay các buổi trò chuyện, tọa đàm về tác phẩm, tác giả cũng là một phần rất riêng của Người Việt. Điều này thêm phần giúp cho một độc giả như tôi hiểu hơn về giai đoạn văn chương mà tôi chưa bao giờ được tiếp cận trong quá trình học phổ thông hay đại học.

Gia đình ông bà Trần Dật ở vùng núi Đại Lộc, Quảng Nam. (Hình: Liêu Thái)

Thiết nghĩ, điều làm hấp dẫn độc giả của một tờ báo, đôi khi không chỉ là thông tin nóng hay những thông tin thuộc hàng “thâm cung bí sử,” mà chính cái hơi ấm tình người đang lan tỏa trên từng con chữ, bài viết hay lời kêu gọi của tờ báo đó. Nhưng nếu chỉ dừng ở việc kêu gọi, kết nối hay chia sẻ, thì e rằng tờ báo đó cũng không hấp dẫn lâu dài. Chiều sâu của tờ báo chính là con ốc, chiếc bù lon giữ độc giả gắn với tờ báo đó. Tôi yêu và đọc Người Việt như một người bạn thiết mỗi sáng bởi tôi yêu hương vị ly cà phê đen đậm và nóng của bà xã pha cho để vừa nhâm nhi vừa chiêm nghiệm bài viết của những tác giả quen thuộc.

Trong đó, nói đến phóng sự đậm chất đời, hóm hỉnh nhưng sâu lắng, có lẽ phải nói tới bài của tác giả Ngọc Lan; Bài hơi “gân” một chút thì nghĩ tới ngay cái tên Đỗ Dzũng; Bài chừng mực, ít khi được đọc là Khôi Nguyên, Đinh Quang Anh Thái; Bài uyên áo, mở tầm nhìn thì có nhiều vị như Hà Tường Cát, Ngô Nhân Dụng… Nhưng có lẽ gắn với tôi nhiều hơn là bài của tác giả Ngô Nhân Dụng. Những luận điểm phê bình hay nhận định chính trị vừa chừng mực vừa thông tuệ, sâu sắc của ông khiến tôi không thể bỏ qua cho dù dưới hình thức bài viết trên báo hay bình luận trên Người Việt Tivi. Với tôi, đọc báo không đơn thuần là đọc tin tức mà là thâm nhập vào sinh quyển của một tờ báo, ở đó có mọi màu sắc của cuộc đời, hỉ nộ ái ố… Và những màu sắc cuộc đời này được sao chép qua các ngòi bút, qua tâm cảm của tác giả và qua chủ trương của chủ bút, của tờ báo đó. Chính cái sinh quyển của tờ báo này hấp dẫn và giữ chân độc giả. Tôi đọc Người Việt không bao giờ chỉ đọc thuần tin tức. Bởi nếu muốn xem tin tức thì Người Việt không phải là nơi tôi cần tìm nhất. Nhưng có vẻ như, nét gần gũi nhất giữa tờ báo với độc giả lại nằm ở màu sắc tôn giáo! Mặc dù không phải là tờ báo tôn giáo, nhưng nếu như đa số các tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại mang màu sắc Ky Tô Giáo thì Người Việt lại đậm phong vị Phật Giáo. Tôi là một Phật tử, đương nhiên tôi sẽ gần Người Việt hơn. Trung thực mà nói, đây là điểm mạnh mà cũng là điểm yếu của Người Việt nếu đặt tờ báo vào cái nhìn tổng quan, đa sắc!

Cũng trên mối lương duyên này, tôi có thêm kỉ niệm, những ngày đầu năm 2016, tôi cầm trên tay một tập báo giấy số Tết của Người Việt. Tôi viết báo Tết cho Người Việt từ năm 2011 đến 2016, mãi đến 2016 tôi mới được cầm trên tay tờ báo Tết của Người Việt. Một tờ báo giản dị về hình thức, không màu mè hay bóng bẩy như các tờ báo Tết tôi vẫn thường gặp. Khi lật từng trang báo, tôi lại bắt gặp những mảng ánh sáng, bóng tối của lửa bập bùng nồi bánh tét, bánh chưng Tết, tôi nghe cả tiếng í ới gọi chia thịt của thời bao cấp và nghe cả hơi thở đất trời thuở nhỏ của tôi… Hay nói khác đi, một tờ báo Tết giản dị nhưng chứa đựng cả một thế giới tuổi thơ tôi và thế hệ bạn bè tôi trong đó. Một tờ báo ở hải ngoại nhưng hiếm khi sai lỗi chính tả tiếng Việt như những tờ báo trong nước. Một tờ báo hình thành trên đất khách nhưng lại đậm sắc mai vàng, ngò cải đơm bông, âm âm giọng quê và réo rắt tình tự mùa màng… Đây là cuốn báo Tết “bên ngoài” đầu tiên mà tôi dành tặng mẹ, bà đọc, nghiền ngẫm và nói “mẹ cứ nghĩ con cù lần lắm…!”. Tết năm đó, cuốn báo Xuân (Người Việt) luôn nằm giữa bàn khách, có một trang bị giở nhiều lần đến độ khi chỉ cần cầm cuốn báo lên, mở ngẫu nhiên là trúng ngay nó! Tôi hơi ngượng vụ này, nhưng dẫu sao cũng thấy vui vì có nhiều hàng xóm của tôi ngồi đọc say sưa, họ hiểu hơn và cảm động hơn trước cái gọi là “cõi người Việt trên đất khách.”

Chuyện còn dông dài, trong công việc, vui có, buồn cũng có, việc đọc cũng vậy. Nhưng điều tôi lấy làm niềm vui của tôi, có lẽ là uống cà phê mỗi sáng, nhâm nhi lướt báo Người Việt, một tờ báo vẫn hấp dẫn tôi để đọc mỗi ngày, để cảm nghiệm về một sinh quyển nấp sau câu chữ. Và cho tôi tự thấy mình không đến nỗi quá già cỗi để đánh mất tình yêu cuộc sống, để yêu một cái gì đó trong cuộc đời này ngoài vợ con, gia đình, dòng tộc, xóm làng… Vì sao? Tôi xin không nói thêm nữa cho dù còn rất nhiều điều muốn nói! (Liêu Thái)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT