Monday, March 18, 2024

Cô giáo 40 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ nghèo ở Cần Thơ

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Hơn 40 năm qua, nhiều thế hệ trẻ em nghèo đã được một cô giáo, nay đã là bà giáo ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, dạy học miễn phí. Đặc biệt, những em chậm đọc, viết, trí nhớ kém hễ được bà kèm cặp trong vài tháng là đánh vần, biết mặt chữ ngon lành.

“Nghỉ dạy tụi nhỏ buồn lắm!,” bà Võ Thị Son (71 tuổi) ngụ khu vực 3, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, than với Báo Người Lao Động, khi các con khuyên bà nên nghỉ ngơi khi tuổi đã xế chiều.

“Tôi dạy một tuần 6 ngày, ngày chủ nhật nghỉ để đi chùa, một ngày chỉ dạy một buổi từ 7-10 giờ. Mà nhiều lúc ngày hôm đó đi chùa rồi về nhà thấy thiếu thứ gì, mới chợt nhớ ra là không được nghe tiếng đánh vần hay hỏi bài của đám trẻ,” bà Son nói.

Không nhớ sao được khi mới 7 giờ sáng hàng ngày, lớp học đã vang lên tiếng đánh vần của nhiều trẻ. Có lúc dừng lại, cả cô và trò cùng hát nhiều bài thiếu nhi, sau đó là tiếng vỗ tay và những nụ cười hiện lên trên gương mặt những đứa trẻ lấm lem.

Theo lời cô giáo Son kể với báo Người Lao Động, sau khi lấy chồng, bà cùng chồng về Ô Môn sinh sống, vào khoảng những năm 1970 bà đã là giáo viên dạy tiểu học. Sau 1975, bà về dạy tại một trường ở quê rồi kế đến là lớp “bình dân học vụ” cho nhiều người già không biết chữ. Thời điểm ấy, tuy dạy học trong trường nhưng bà Son vẫn tranh thủ dạy buổi tối cho các trẻ em nghèo hoàn toàn miễn phí.

“Tính ra dạy học cho mấy đứa trẻ nghèo đã ngót 40 năm. Nếu nghỉ dạy thì buồn lắm!,” bà Son nhẩm tính.

Lớp học của bà Son có khoảng 40 em, chỉ khoảng từ 5-6 tuổi chậm biết đọc, biết viết, chậm tính toán, hay trẻ trí nhớ kém và đều là con em của những gia đình lao động nghèo ở địa phương.

Sách vở tại lớp học do mạnh thường quân tài trợ cho trẻ nghèo. (Hình: Báo Người Lao Động)

Bà Võ Thị Hoa (64 tuổi), ở khu vực 4, phường Châu Văn Liêm, nói: “Tôi có 2 đứa cháu nội lên 5 tuổi, cũng học tại lớp cô Son. Do nghèo, cha mẹ tụi nó đi làm suốt, cũng không đủ tiền cho con đi mẫu giáo. Vì vậy, khi nghe được lớp cô Son dạy học miễn phí, tôi đưa cháu đến đây liền. Sau 3 tháng, 2 đứa đánh vần được rồi.”

Bé Trần Thị Thanh Nhân (4 tuổi), ở khu vực 2 nói: “Con thấy cô Son dạy dễ hiểu, tuy mới học nhưng con rất thích. Nhà con nghèo nên cô Son dạy không lấy tiền.”

Có nhiều trẻ thấy cô giáo lớn tuổi nên kêu là “bà ngoại.” Khi nghe trẻ kêu bằng “bà ngoại,” ánh mắt bà giáo già rạng rỡ hẳn lên.

Lớp học đặc biệt này đông nhất là vào dịp Hè, không chỉ dạy lớp 1 mà bà Son còn chỉ bảo thêm các em học lớp 2, 3, 4 và dạy luôn buổi chiều. Ngoài việc dạy chữ, bà Son còn dạy đạo đức cho các em là phải biết ngoan ngoãn, lễ phép, không nói dối, trộm cắp…

Hiện nay, sách giao khoa ở Việt Nam liên tục “cải cách,” nhiều thay đổi nên bà Son phải mua sách đọc hàng đêm để sáng hôm sau dạy lại cho các em.

Từ lớp học đầy tình thương này, nhiều người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định. Và rồi họ trở về góp tiền cho bà Son mua thêm bàn ghế, đèn, quạt để các em có nơi học đàng hoàng.

“Có nhiều nhà hảo tâm là học trò cũ tại lớp học miễn phí này cũng như mạnh thường quân đã gửi tiền để tôi mua tập vở, sách cho tụi nhỏ. Mấy em nghèo thấy sách vở mới thích lắm,” bà Son cảm động nói.

Ông Võ Ngọc Tuấn, Trưởng khu vực 3, nhận xét: “Cô Son tuy đã về hưu nhưng năm nào cũng mở lớp dạy cho trẻ em nghèo tại địa phương. Địa phương cũng quan tâm những trường hợp mà cô Son dạy bằng cách tặng tập vở để trẻ học đến nơi đến chốn.” (Tr.N)

Mời độc giả xem phóng sự “Tâm tình của ban lễ tân báo Người Việt trong dịp đầu xuân”

MỚI CẬP NHẬT