Wednesday, May 15, 2024

Tổng Thống Biden công du Âu Châu, gặp gỡ Vua Charles và đàm phán chiến tranh

WASHINGTON, D.C. (NV) – Tổng Thống Joe Biden rời Hoa Kỳ, lên đường tới Âu Châu vào hôm Chủ Nhật, 9 Tháng Bảy, trong chuyến công du này ông sẽ thăm viếng và gặp gỡ nguyên thủ ba quốc gia hướng về các đồng minh đang phải chịu thử thách từ cuộc xâm lăng Ukraine của Nga.

Sau khi hạ cánh xuống Luân Đôn vào buổi tối, Biden sẽ lần đầu tiên gặp Vua Charles Đệ Tam kể từ khi nhà vua này đăng quang. Tiếp theo là tâm điểm của chuyến công du, đó là Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO tại Vilnius, Lithuania. Tại đây, các nhà lãnh đạo đồng minh sẽ cùng nhau thảo luận về tình hình của cuộc chiến đồng thời sửa đổi các kế hoạch đối phó với cuộc xâm lược của Nga.

Tổng Thống Joe Biden trong một cuộc họp báo chung với Thủ Tướng Anh Rishi Sunak (không có trong hình) tại Tòa Bạch Ốc ngày 8 Tháng Sáu, 2023, ở Washington, D.C. (Hình: Niall Carson – Pool/Getty Images)

Trong chặng dừng chân cuối cùng tại thủ đô Helsinki vào Thứ Năm, 13 Tháng Bảy, Biden sẽ dự buổi lễ mở rộng khối NATO, với Phần Lan là thành viên mới nhất.

Tổng Thống Biden đến Luân Đôn vào tối Chủ Nhật, và Thứ Hai dự trù sẽ có lịch trình đầy ắp các buổi gặp gỡ.

Ông sẽ hội đàm với Thủ Tướng Rishi Sunak tại nhà số 10 phố Downing. Sunak đang chuẩn bị đối diện với một cuộc tranh cử vào cuối năm tới. Đảng Bảo Thủ của ông đang bị tụt lại sau phe đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận.

Bất chấp vị thế chính trị đang lung lay của mình, Sunak đã thắt chặt mối bang giao thân thiết với Biden và đây sẽ là cuộc gặp gỡ lần thứ sáu của họ từ khi ông Sunak nhận nhiệm sở hồi Tháng Mười vừa rồi.

Ông Biden sẽ đến thăm nhà vua tại Lâu đài Windsor, nơi trú ngụ của Hoàng Gia Anh bên ngoài thủ đô Luân Đôn. Trước đó ông Biden đã không dự lễ đăng quang của Vua Charles – thay vào đó là sự có mặt của Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden – vì thế đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ kể từ thời điểm đó.

Theo dự trù, họ sẽ thảo luận về tình hình biến đổi khí hậu, một vấn đề được cả hai nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm, và cách tài trợ những sáng kiến để giải quyết các vấn đề này.

Tiếp theo ông Biden sẽ có hai ngày làm việc tại thủ đô của Lithuania, nơi đang đăng cai Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO hàng năm. Ông sẽ tham gia các cuộc họp với nhiều nhà lãnh đạo và sẽ phát biểu tại trường đại học Vilnius University.

Khối đồng minh được tiếp thêm sinh khí bởi cuộc chiến ở Ukraine, và các thành viên đang tuôn đổ khí tài quân sự để giúp đỡ quốc gia này xua đuổi quân xâm lược Nga.

Đối với ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư Ký NATO, Hội Nghị Thượng Đỉnh này “sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng: NATO luôn luôn đoàn kết, và sự gây hấn của Nga sẽ không khiến ai phải trả giá.”

Nhưng NATO cũng đã gặp phải những khó khăn khi hàn gắn những bất đồng trong một số vấn đề quan trọng. Đó là việc Phần Lan thì được hoan nghênh tham gia khối liên minh trong năm nay, nhưng Thụy Điển đã vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Ngoài ra, khối này cũng đã có vài bất đồng quanh việc khi nào nên mời gọi Ukraine tham gia NATO.

Sau hai đêm ở Vilnius, Tổng Thống Biden tiếp tục đến Helsinki. Chặng dừng chân này có thể được xem là một phần của chiến thắng, nhưng cũng gợi nhắc về những phần việc còn đang dang dở.

Hồi Tháng Tư, quốc gia Bắc Âu này đã trở thành đồng minh thứ 31 gia nhập khối NATO, chấm dứt quá khứ nước này không thể hiện sự liên kết của mình và cũng chứng minh cho Nga thấy rằng cuộc xâm lăng của mình ở Âu Châu đang bị phản pháo như thế nào.

Phần Lan được cho là sẽ gia nhập khối liên minh cùng người láng giềng Thụy Điển, quốc gia bị trì hoãn tiến trình gia nhập bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. NATO yêu cầu tất cả các thành viên phải tán thành để có thể mở rộng.

Thủ tướng Thụy Điển, ông Ulf Kristersson, đã đến thăm Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Tư, 5 Tháng Bảy, và đã gặp Biden để gia tăng áp lực lên tiến trình gia nhập khối liên minh. Nhưng tiếc thay việc này không có nhiều hy vọng nằm trong các vấn đề cần được hoàn tất ở Vilnius.

Tòa Bạch Ốc xem chuyến thăm Helsinki của ông Biden là “Hội Nghị Thượng Đỉnh các Nhà Lãnh Đạo Hoa Kỳ – Bắc Âu.”

Đây là một tình thế rất khác biệt so với lần cuối cùng có một Tổng Thống Hoa Kỳ công du đến Helsinki cách đây năm năm.

Trong suốt chuyến công du đó, ông Donald Trump đã tổ chức một buổi họp báo với Putin, nhằm gạt bỏ những mối lo ngại về việc Nga nhúng tay vào chiến thắng tranh cử của ông Trump.

Và giờ đây việc ông Biden hướng về thành phố này là minh chứng cho việc chính quyền của ông đã giữ vững lập trường chống lại Moscow và tăng cường hệ thống phòng thủ lên Tây phương như thế nào. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT