Thursday, April 25, 2024

Thầy cô vắng mặt bất ngờ: Vấn đề lớn của giáo dục Mỹ

HOA KỲ (AP) – Cứ khoảng sáu thầy, cô tại một số học khu lớn nhất nước Mỹ thì có một người vắng mặt ít nhất 18 ngày trong niên khóa, tức hơn 10% thời gian dạy học, vì đủ mọi lý do, như đau ốm, vấn đề cá nhân hay các buổi tu nghiệp nhằm phát triển khả năng cá nhân, theo kết quả một cuộc nghiên cứu được công bố hồi đầu tuần này. Một trong những kết luận chính là các học khu phải coi việc làm thế nào các thày cô hiện diện thường xuyên ở lớp học là một ưu tiên hàng đầu.

Trong một lớp ở trung học Peter Rouget, Brooklyn, New York. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

Ngay cả trong trường hợp các thày cô chỉ vắng mặt khoảng 11 ngày, con số trung bình cho các nhà giáo Mỹ, điều này cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sự tiến triển của các học sinh, theo tổ chức mang tên “Hội Ðồng Quốc Gia về Phẩm Chất Nhà Giáo” (NCTQ).

“Với thời giờ và năng lực dồn vào chương trình của trường, học trình mới và các chiến lược để gia tăng phẩm chất của nhà giáo,” theo các tác giả cuộc nghiên cứu, “chúng ta có thể đã bỏ qua một trong những yếu tố căn bản nhất, dễ dàng giải quyết và hiệu quả nhất về việc tại sao các trường học không thể tiến triển.”

Tổ chức nghiên cứu giáo dục có trụ sở đặt tại Washington này đã xem xét dữ kiện do khoảng 40 học khu lớn ở Mỹ trong niên khóa 2012-2013 và thấy rằng, trung bình các thày cô đến lớp khoảng 94% trong niên khóa gồm 186 ngày học. Chừng 71% trong số lần vắng mặt này là do đau ốm hay lý do cá nhân, với số còn lại là lý do liên quan đến công việc dạy học.

Chủ tịch nghiệp đoàn nhà giáo AFT, Randi Weingarten, nói rằng “con số 94% hiện diện cho thấy sự cần mẫn của các nhà giáo trên cả nước.”

Bản báo cáo nêu lên kết qủa của các cuộc nghiên cứu cho thấy học sinh bị ảnh hưởng tới việc học hành khi các thày cô vắng mặt ở lớp khoảng 10 ngày trong năm học.

“Vậy mà trong một lớp học bình thường của cuộc nghiên cứu này, số lần vắng mặt của các thày cô còn vượt hơn mức đó, dù rằng thường là có lý do chính đáng và có khi còn vì muốn trở thành một nhà giáo dạy giỏi hơn,” bản báo cáo cho hay.

Khoảng 16% các nhà giáo vắng mặt 18 ngày hoặc hơn, và được coi là những người thường xuyên vắng mặt, chiếm khoảng 16%. Số thày cô vắng mặt chỉ 3 ngày hoặc ít hơn, cũng vào khoảng 16%.

Nghiệp đoàn nhà giáo có tên Hiệp Hội Giáo Dục Quốc Gia (NEA) cho hay bản báo cáo này tự nó không thay đổi cách thức các học khu đối phó với vấn đề hiện diện tại lớp, nhưng những gì thấy được qua cuộc nghiên cứu về một niên khóa này cũng giống như những gì đang được bàn thảo trên toàn quốc về lý do tại sao các nhà giáo vắng mặt tại lớp và làm thế nào cho họ thời gian để cải thiện.

Một số học khu nay đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn cho các nhà giáo phụ khi đưa họ vào dạy thế các thày cô phải tham dự các buổi huấn luyện tu nghiệp, theo lời Segun Eubanks, giám đốc đặc trách phẩm chất nhà giáo của NEA, tuy nhiên nhiều nơi khác cũng vẫn chỉ đòi hỏi bằng trung học.

Ông Eubanks nói rằng nếu chỉ mở các lớp tu nghiệp vào những ngày học sinh nghỉ học sẽ là điều vô cùng tốn kém và sẽ khiến các học khu lớn phải chi khoảng hơn $2 triệu mỗi ngày.

Bản báo cáo của NCTQ cũng cho thấy các học khu chi trung bình $1,800 mỗi nhà giáo để giải quyết vấn đề vắng mặt tại lớp trong niên học.

Bản báo cáo cũng không thấy có sự liên hệ gì giữa việc vắng mặt của các thày cô và mức độ giàu nghèo của gia đình các học sinh trong trường, và cũng không có khác biệt gì giữa các học khu có chính sách khuyến khích nhà giáo thường xuyên hiện diện tại lớp như trả tiền cho những ngày nghỉ bệnh không dùng hết, và những học khu không có chính sách khuyến khích này. (L.T.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT