Thursday, March 28, 2024

Nhiều đại học Mỹ giúp sinh viên đưa phát minh mới ra thị trường

ITHACA, New York (NV) – Có tới gần một nửa số trường đại học ở Mỹ hiện nay có chương trình đầu tư tài chánh hoặc chương trình học đặc biệt nhằm giúp các sinh viên có các phát minh mới thu ngắn thời gian học, để họ có thể rảnh tay chú trọng vào việc đưa sản phẩm của họ ra thị trường.

Theo CS Monitor, các công ty chuyên đầu tư vào các lãnh vực kỹ thuật mới cũng cộng tác với nhà trường và chương trình này đang ngày càng cho thấy tạo thêm nhiều tài năng mới và cũng giúp tạo nhiều công ăn việc làm.

Một thập niên trước đây, anh Devin Jameson có thể phải quyết định bỏ học nửa chừng, để có thời giờ phát triển cho hoàn hảo hơn máy nghe có tên Eversound, nhắm vào thị trường là giới cao niên. Nhưng anh đã có thể cùng lúc trông nom công ty mới lập của mình và tiếp tục việc học qua chương trình eLab của đại học Cornell University, chương trình học nhanh để sớm ra trường, và hoàn tất vào năm 2015.

Chương trình eLab thường kéo dài một năm. Các sinh viên vừa lo xây dựng công ty của mình vừa đi học các lớp cần có và còn được giúp $5,000 là tiền đầu tư của nhà trường vào công ty của họ.

Vào cuối khóa học, các sinh viên này có cơ hội để trình bày về sản phẩm của họ trước hàng trăm người, gồm cả các nhà đầu tư đi tìm những phát minh mới.

“Có được các tín chỉ đại học khi tham dự chương trình nuôi dưỡng các phát minh mới này là điều rất quan trọng đối với tôi. Tôi không phải có sự chọn lựa giữa việc học và hoàn thiện sản phẩm của mình,” anh Jameson nói.

Trước việc ngày càng có nhiều sinh viên theo đuổi việc hình thành công ty để tung ra thị trường các phát minh mới của họ, cũng có nhiều trường đại học lập ra các chương trình học cấp tốc cũng như các chương trình hỗ trợ tài năng.

Có tới 42% các trường đại học Mỹ hiện đang có chương trình loại này, một con số kỷ lục, theo chỉ số IMPACT Index năm 2016 của International Business Innovation Association. Vào năm 2012, chỉ số này chỉ là 30% và năm 2005 là 20%.

Các công ty chuyên tìm kiếm đầu tư vào các phát minh mới cũng đã đầu tư số tiền $84 tỷ cho giới này hồi năm ngoái, con số cao nhất kể từ khi có sự bùng nổ của các công ty dot-com đầu thời gian 2000, theo PitchBook-NVCA Venture Monitor.

Ông Neil Sharkey, phó khoa trưởng đặc trách nghiên cứu tại đại học Pennsylvania State, cho hay thế giới này đang rất cần các phát minh mới cùng những tài năng ở nhiều phương diện và trường đã có nỗ lực lớn lao từ năm 2015 qua chương trình gọi là “Invent Penn State.”

“Có được tinh thần doanh nhân khởi nghiệp (entrepreneurship) là điều quan trọng trong thời buổi này, khi mà người ta không còn trông đợi là sẽ chỉ làm cho một công ty duy nhất trong cả đời mình,” ông Sharkey nói.

Viện trưởng Penn State, ông Eric Barron, cho hay tinh thần entrepreneurship không chỉ giúp cho sinh viên mà còn cả cho xã hội vì tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. (L.Tâm)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT