Thursday, April 25, 2024

Vụ tai tiếng hối lộ làm dân Mỹ không còn tin hệ thống xét đơn vào đại học

WASHINGTON, DC (NV) – Các đại học Mỹ thường được coi là niềm ước mơ của cả thế giới, là các cơ chế lâu đời vốn chỉ nhận vào những người trẻ giỏi nhất, thông minh nhất sau một cuộc tuyển chọn nghiêm ngặt và công bằng.

Nhưng vụ tai tiếng hối lộ do Bộ Tư Pháp Mỹ công bố tuần này, cùng với những vụ kiện tụng gây chú ý trước đó, đã khiến dư luận thấy rằng hệ thống tuyển chọn này thật sự khác với những gì người ta thường nghĩ: dễ bị lợi dụng, tùy tiện và thối nát.

Kết quả của cuộc điều tra cho thấy điểm thi lượng định khả năng học hành của học sinh có thể được đặt mua. Học bạ có thể được chính nhà trường làm giả. Các quyết định vô cùng quan trọng liên quan đến việc thu nhận vào học, lại tùy thuộc vào những báo cáo hoạt động ngoài trường không hề có, những bài luận văn về cá nhân do người khác viết hộ, và cũng nhờ vào trị giá tấm chi phiếu mà cha mẹ của ứng viên đưa ra.

Tâm điểm của vụ tai tiếng này là các đại học “danh giá” Mỹ.

“Các đại học danh giá đó trở thành một biểu tượng đẳng cấp, được coi là nhân tài, vì được nhận vào trường chứng nhận rằng người ta tài giỏi, xuất sắc,” theo lời Giáo Sư Jerome Karabel, một nhà xã hội học tại đại học University of California, Berkeley, và cũng là một sử gia chuyên về việc thu nhận vào đại học.

Vụ tai tiếng mới nhất, trong đó hàng chục bậc phụ huynh bị cáo buộc mua chỗ cho con trong các trường đại học danh giá, xảy ra sau khi đã có những nghi ngờ về cách các đại học này thu nhận sinh viên.

Gần một năm trước đây, một loạt các hồ sơ bí mật của trường Harvard bị công bố trong vụ kiện về cách trường thu nhận sinh viên, cho thấy có nhiều trường hợp được đặc biệt nhận vào cũng như các “cửa hậu” dành cho một số ứng viên.

Rồi lại xảy ra việc một trường trung học chuyên chuẩn bị cho học sinh vào đại học ở tiểu bang Lousisiana đã giả mạo hồ sơ, dựa trên các tiêu chuẩn giúp đỡ về chủng tộc và hoàn cảnh gia đình, để đưa học sinh của mình vào một số trường nổi tiếng.

Hồ sơ tòa trong vụ truy tố tuần này cho thấy những kẻ tham gia vào đường dây hối lộ đã lợi dụng nhiều khe hở ở các chặng đường mà người học sinh phải đi qua trong tiến trình nộp đơn xin vào đại học.

Như việc cho phép có các kỳ thi khảo sát được tổ chức đặc biệt cho các học sinh được coi là là có vấn đề về sức khỏe. Như lọt vào trường qua các chỗ được dành sẵn để các huấn luyện viên thể thao đủ bộ môn tuyển mộ “nhân tài. Như trả hàng chục ngàn đô la cho người đi thi hộ. Và luôn cả việc “tặng” hàng trăm ngàn đô la cho nhà trường để lời yêu cầu nhận vào học được nặng ký hơn.

Các đại học hay nói rằng họ dùng một hệ thống đánh giá toàn diện ứng viên, lưu tâm tới những yếu tố như về khó khăn đời sống và phục vụ cộng đồng để cho các ứng viên này thêm lợi thế khi xét đơn.

Và những điều này cũng bị lợi dụng.

Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, dư luận rộ lên việc trường T.M. Landry College Preparatory School ở Breaux Bridge, tiểu bang Louisiana, đã giả mạo học bạ, bịa ra các thành quả không hề có của học sinh. Trường cũng đưa ra các câu chuyện giả tạo về đời sống gia đình của các học sinh da đen để gợi lòng thương hại của giới có trách nhiệm tuyển mộ ở các đại học.

Cuộc điều tra hiện nay cũng một lần nữa xác nhận là sự giàu có của gia đình góp phần rất lớn vào việc thu nhận một học sinh vào đại học danh giá Mỹ.

Theo hồ sơ tại tòa trong vụ kiện Harvard thì tỷ lệ được thu nhận cho những học sinh con cháu những người từng theo học nơi này là 33.6%. Trong khi đó, đối với cả khóa sẽ ra trường năm 2022, mức chấp nhận cho vào học chỉ khoảng 5%.

Bà Mimi Doe, người sáng lập công ty Top Tier Admissions tư vấn vào đại học, giải thích rằng: “Điều này cũng giống như bạn đi xem chiếu bóng. Bạn cần phải có tấm vé. Điểm tốt ở mọi mặt sẽ giúp bạn vào trong. Nhưng khi vào trong bạn sẽ thấy một nửa số ghế trong rạp đã được rào lại để dành riêng cho những người khác.” (Lê Tâm)

MỚI CẬP NHẬT