Saturday, April 20, 2024

Việc tra tấn của CIA không giúp tìm ra Osama bin Laden


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)


Ngay sau khi Osama bin Laden bị biệt kích SEAL hạ sát đầu tháng 5 năm 2011, dư luận đã chú ý muốn hiểu bằng cách nào tình báo Mỹ tìm ra nơi trùm khủng bố ẩn náu an toàn từ nhiều năm ở thành phố Abbotabad, Pakistan.


Bộ phim truyện ly kỳ hấp dẫn “Zero Dark Thirty” phát hành cuối năm 2012 mô tả sự phát hiện ra những manh mối là bắt đầu bằng việc thẩm cung các tù binh nghi can khủng bố. Tiếp theo, bộ phim tài liệu được minh định là “tránh kịch tính hóa kiểu Hollywood,” mang tên “Manhunt: The Search for Bin Laden,” phát hành năm 2013, dựa theo cuốn sách cùng tên của Peter Bergen, cũng không phản bác luận điểm trong nội dung của “Zero Dark Thirty.”









Poster của bộ phim “Zero Dark Thirty.” (Hình: Wikipedia/Columbia Pictures)


Nhưng qua cuộc điều tra rất tường tận kéo dài hơn 5 năm của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, thì hầu hết những tình báo đưa tới việc tìm thấy bin Laden không phải là thu thập được qua việc thẩm cung tù binh.


Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện do bà Diane Feinstein, thượng nghị sĩ Dân Chủ-California, làm chủ tịch, vừa công bố hôm Thứ Hai một phúc trình tóm lược dày 525 trang của cuộc điều tra. Ðây mới chỉ là một phần bản báo cáo dày 6,000 trang với nhiều nội dung còn được bảo mật, rút ra từ việc phân tích nghiên cứu 6 triệu hồ sơ tài liệu của CIA.


Trong một bài viết trên CNN.com hôm Thứ Tư, tác giả Peter Bergen, hiện nay là phân tích gia về an ninh của CNN, nhìn nhận rằng phúc trình điều tra của Thượng Viện thuyết phục hơn với những chi tiết và bằng cớ đủ tin cậy.


Cuộc điều tra cho thấy CIA đã dùng những cách tra tấn tàn nhẫn quá mức cần thiết để khai thác tù binh khủng bố, biện pháp gọi là “thẩm vấn tăng cường” (enhanced interrogation), được chính quyền Tổng Thống Bush cho phép sau 9/11. Nhưng việc tra khảo tù nhân này hầu hết không đem lại kết quả về mặt thu thập tình báo. Tù nhân không chịu khai báo đúng sự thật, hoặc cung cấp những tin tức vô giá trị hay sai lạc dối trá.


Theo lời Thượng Nghị Sĩ John McCain, một phi công cựu tù binh bị giam giữ 6 năm ở Bắc Việt, thì “tra tấn ít khi có thể lấy được tin tức đáng tin cậy” và “ngay cả trong việc săn lùng bin Laden, tìm ra đầu mối khai thông quan trọng nhất là do từ các phương pháp thẩm cung quy ước.”


Cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney đang bị nhiều cơ quan truyền thông phê phán vì là người từng bênh vực sự hữu hiệu của chương trình “enhanced interrogation” được cho phép áp dụng trong nhiệm kỳ của ông. Ngay sau khi bin Laden bị tiêu diệt năm 2011, ông lên tiếng xác nhận rằng việc nhiều lần “thẩm cung tăng cường” Khalid Sheikh Mohammed – nghi can khủng bố đạo diễn vụ 9/11 – bằng phương pháp trấn nước (waterboarding), đã đem lại “thành quả to lớn này.” Nhiều tờ báo như Politico và Slate tố cáo lập luận ấy hoàn toàn dối trá, căn cứ theo những dữ kiện do phúc trình Thượng Viện đưa ra.


Bản phúc trình của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện không phủ nhận vai trò và công trạng của CIA trong nỗ lực 10 năm truy tìm Osama bin Laden. Phúc trình Thượng Viện và CIA chỉ khác nhau ở chỗ theo CIA việc tra khảo tù binh đã đưa đến những kết quả tốt, trong khi theo nhận định trong phúc trình thì biện pháp tra khảo tù nhân để khai thác tin tình báo hầu hết là vô hiệu quả.


Osama bin Laden đã trốn thoát khỏi căn cứ trong vùng núi Bora Bora miền Ðông Afghanistan mùa Ðông năm 2001 khi bị quân đội Mỹ bao vây. Sau đó người ta chỉ dự đoán là bin Laden ẩn náu trong vùng núi rừng hiểm trở trên lãnh thổ tự trị vô luật pháp của các bộ tộc thiểu số Pakistan. Trong 10 năm không ai biết tung tích của trùm khủng bố, tuy các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và đồng minh đôi khi có nhận được những tin tức rời rạc không đủ yếu tố để truy lùng.


Ðầu mối quan trọng nhất để tìm ra tung tích trùm khủng bố là người giao liên của bin Laden, mang bí danh Abu Ahmad al-Kuwaiti. Bản phúc trình điều tra của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện mô tả đầy đủ quá trình truy tìm này, với những diễn tiến ly kỳ như trong một tiểu thuyết trinh thám, chứ không phải đơn giản do kết quả tra tấn lấy cung tù nhân như CIA trình bày.


Một số tù nhân bị CIA thẩm vấn bằng biện pháp “enhanced interrogation” đã cung cấp những tin tức dối trá, hoặc chối bỏ không biết al-Kuwaiti là ai, hoặc cố ý đánh lạc hướng bằng cách làm giảm nhẹ vai trò và liên hệ của al-Kuwaiti với bin Laden. Theo Ủy Ban Thượng Viện, sự phát hiện ra manh mối về al-Kuwaiti là do những nguồn tình báo khác, trong đó có cả tình báo từ nước ngoài.


Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, trong toàn bộ bản phúc trình được công bố, không nêu đích danh một quốc gia nào. Tuy nhiên như dư luận đã biết từ những năm đầu cuộc chiến tranh ở Afghanistan, các tù binh bị bắt đưa về trại Guantanamo ở Cuba nhưng sau đó CIA đã chuyển một số đến các trại tù bí mật ở nhiều nước Ðông Âu để giam giữ và thẩm vấn.


Khi phúc trình của Thượng Viện được công bố, nhiều quốc gia mà người ta nghi ngờ trước kia đã giam giữ tù binh khủng bố cho CIA có phản ứng mạnh mẽ nhằm bào chữa về sự hợp tác.


Cựu Tổng Thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski lần đầu tiên xác nhận là nước ông đã có một trại tù bí mật của CIA. Theo BBC, lên tiếng hôm Thứ Tư với truyền thông Ba Lan, ông cho biết đã áp lực Hoa Kỳ chấm dứt hành động tra tấn tàn bạo trong nhà tù từ 2003 và “Tổng Thống Bush nói: sự hợp tác này phải ngưng và quả thật đã được ngưng.”


Thủ Tướng Lithuania Algiirdas Butkevicius gọi điện thoại sang Mỹ để yêu cầu xác định CIA có tra tấn tù binh trên đất nước ông hay không. Một cuộc điều tra trước đây cho biết CIA lập một trại tù bí mật gần thủ đô Lithuania nhưng không có bằng chứng là có tù binh nào được đưa tới đây.


Ủy Ban Thượng Viện không đề cập đến cách mà cơ qua tình báo nước ngoài lấy được tin tức. Nhưng nhờ sự xác định của các nguồn tin này CIA mới biết chắc chắn Kuwaiti là người giao liên duy nhất tiếp cận với bin Laden và dự đoán đang sống chung với bin Laden tại đâu đó ở Pakistan.


Theo phúc trình của Thượng Viện, CIA đã biết al-Kuwaiti từ 2002 khi liên lạc điện thoại với Khalid Sheikh Mohammed, chỉ huy trưởng vụ khủng bố 9/11, bị SIGINT ghi âm. SIGINT = Signals Intelligence là cơ quan tỉnh báo chuyên thu thập những liên lạc vô tuyến và Internet. Nhưng CIA chưa hiểu rõ vai trò của người giao liên này. Tháng 3 năm 2003, Mohammed bị bắt ở Rawalpindi, Pakistan. Tổng cộng Moahmmed đã bị 183 lần trấn nước qua các cuộc “thẩm vấn tăng cường,” nhưng khi được hỏi về người giao liên của bin Laden tên Abu Ahmad, thì luôn luôn làm ngơ như không biết và khai ra một tên khác. Mohammed cũng nhiều lần cố ý tìm cách làm giảm tầm quan trọng của vai trò người giao liên trong mạng lưới al-Qaeda.


Tuy nhiên Mohammed có lúc khai với nhân viên thẩm cung rằng người giao liên làm việc với một nghi can khủng bố tên Hassan Ghul ở trong khu tự trị của dân Kurd tại Iraq. Ðầu năm 2004 Ghul bị bắt và cho CIA biết về nhiệm vụ của Abu Ahmed al-Kuwaiti. Theo phúc trình của Thượng Viện, Ghul khai những điều này khi chưa bị tra tấn. Sau đó Ghul bị đưa tới một nhà tù của CIA ở Romania để “thẩm vấn tăng cường” nhằm tìm biết thêm tin tức, kết quả là không cung cấp được điều gì mới.


Năm 2005, CIA quay trở lại khai thác Mohammed nhưng Mohammed một mực khẳng định rằng al-Kuwaiti không phải là người giao liên.


Việc truy tầm al-Kuwaiti đến đó ngưng lại trong mấy năm vì không có khai thông nào mới và CIA cũng chưa hiểu rõ vai trò quan trọng của đương sự này.


CIA nhận được thêm những tình báo mà sau này mới hiểu là thiết yếu cho việc tìm kiếm. Ðó là sự mô tả diện mạo al-Kuwaiti, tuổi tác và liên hệ gia đình. Những điều này do các tù nhân bị giữ ở các nhà tù ngoại quốc cung cấp.


Phúc trình của Thượng Viện nói rằng năm 2007 một cơ quan tình báo ngoại quốc – không tiết lộ là nước nào – báo cho CIA biết tên thật của al-Kuwaiti là Ibrahim Saeed Ahmed.


Phải mất thêm 3 năm CIA mới tìm thấy Ahmed.


Do sự vô ý, cuối mùa Hè năm 2010, Ahmed có lần liên lạc với người anh và một người bạn qua điện thoại di động và tiếng nói đối chiếu phù hợp với ghi âm của SIGINT từ 2002. Nhờ đó CIA biết al-Kuwaiti ở Pakistan nhưng không rõ địa chỉ vì cuộc nói chuyện điện thoại trên một chiếc xe di chuyển. Al-Kuwaiti cũng đã đề phòng tắt điện thoại cell phone và tháo battery ra khi không sử dụng nên không thể theo dõi hơn được bằng hệ thống định vị.


Tháng 8 năm 2010, một mật báo viên làm việc cho CIA nhận ra một người tình nghi từng đi vào thành phố Peshawar nhiều lần trên một chiếc xe Suzuki SUV. Theo dõi một thời gian nhận ra chiếc xe tới một căn nhà ở Abbotabad cách Peshawar 2 giờ lái xe về phía Ðông. Căn nhà không dùng điện thoại và Internet khiến CIA hiểu rằng chủ nhân của nó muốn giữ kín mọi sự dò xét.


Như vậy, tất cả những mối dây cuối cùng để tìm tới bin Laden, là hoàn toàn không do từ việc tra hỏi tù binh. TNS Diane Feinstein, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo phụ trách cuộc điều tra, nói rằng hành động tra tấn tù nhân của CIA là sự vi phạm nhân quyền, ngược lại những giá trị của nước Mỹ và “là một vết nhơ trong lịch sử quốc gia chúng ta.” Theo lời bà: “Phổ biến 500 trang phúc trình điều tra này không tẩy được vết nhơ ấy, nhưng có thể nói lên với nhân dân và thế giới rằng Hoa Kỳ đủ lớn để nhận điều sai trái và tin tưởng có thể học được bài học từ lỗi lầm ấy.”


Abu Ahmad al-Kuwaiti bị bắn chết ở tầng dưới căn nhà khi các biệt kích Seal xông lên lầu hạ sát Osama bin Laden đêm sáng 2 tháng 5 năm 2011 sau 10 năm lùng diệt.

MỚI CẬP NHẬT