Chu kỳ lịch sử 1927-2017

Việt Nguyên

Cuối năm 2017, không khí chính trị Hoa Kỳ thay đổi theo đúng con đường của đảng Cộng Hòa, thị trường chứng khoán đi lên theo chính sách giảm thuế.

Theo lý thuyết của đảng Cộng Hòa, giảm thuế cho các công ty lớn sẽ tạo công ăn việc làm, kinh tế thịnh vượng sẽ giảm số thất nghiệp, một chu kỳ kinh tế mới sẽ đến. Đầu thế kỷ 21 thế lực tài chánh ảnh hưởng mạnh trên các chính trị gia, đa số bị xem là tham nhũng, chênh lệch giữa người nghèo và người giàu càng ngày càng tăng, di dân đang bị áp lực nặng, Hoa Kỳ đang ở tình trạng giống như cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, lịch sử có chu kỳ, thời đại được văn hào Mark Twain gọi là thời đại kim tiền (Gilded Age), tiếng nói của người nghèo không được chính quyền nghe đến.

Phe cực hữu đang thắng thế ở Hoa Kỳ và đang lên ở các quốc gia Âu Châu, Anh, Pháp, Đức. Phe cực hữu ảnh hưởng lên Tổng Thống Donald Trump giống như Ku Klux Klan (KKK) trong thập niên 1920. KKK là một phong trào nhưng đồng thời cũng là một bộ máy kinh doanh được ủng hộ của Thiên Chúa Giáo Phúc Âm (Evangelicals) giáo phái đa số của Thiên Chúa Giáo ở Hoa Kỳ (chứ không phải Công Giáo) mạnh cả về hai phương diện tài chính và chính trị như quyết định của Tổng Thống Trump vào cuối năm đã xem Jerusalem là thủ đô của Do Thái vì phái Phúc Âm dựa vào câu trong kinh thánh, vua Solomon phán: “Từ ngày ta đưa dân ta về từ Ai Cập ta chọn Jerusalem để xây nhà và ta đã chọn David dẫn dắt dân Do Thái của ta.” Quyết định đi ngược lại quan điểm của Giáo Hoàng Francis. Phong trào KKK ghét khoa học và có một bộ máy tuyên truyền chính trị giống như các cố vấn chính trị hiện nay.

Những cuộc biểu tình của KKK từ khi Tổng Thống Trump lên cầm quyền đã khiến bà Linda Gordon cảnh báo trong cuốn sách của bà: “Một cuộc trở lại lần thứ hai của KKK.” Những ngọn lửa đốt cháy, những KKK bịt mặt, mang áo trắng nón trắng nhọn với tinh thần Klan gây sợ hãi, giận dữ, thù những nhà lãnh đạo, dùng những lời lẽ hằn học, ghét khoa học và giới trí thức nhưng luôn luôn giữ một giấc mơ chung là ai cũng có thể thành công trên đường kinh doanh nếu họ cố gắng.

Những tác giả như Linda Gordon và Felix Harcourt (văn hóa KKK) đã quan tâm vì 90 năm trước vào ngày lễ Memorial 1927, một ngàn KKK đã biểu tình qua khu phố Queens, Nữu Ước, xô xát với cảnh sát. Nhiều người bị phạt vì tội làm rối loạn và một người từ chối không chịu giải tán, dưới nón trắng che mặt của KKK là ông Fred Trump, cha của Tổng Thống Donald Trump (có lẽ một phần vì vậy mà hồi Tháng Tám, uy tín Tổng Thống Trump xuống dần khi ông xem hai bên biểu tình ở Charlottsville đều tốt).

Adam Hochschild nhận xét thời kỳ 1920 giống như 2016-2017, tinh thần KKK và phe cực hữu đằng sau ông Trump nhờ giới truyền thông mà đi lên và thành công. Hồi thập niên 1920, báo chí chống KKK các bài viết vạch trần bộ mặt KKK trên 17 tờ báo đưa đến điều tra của quốc hội lại có kết quả trái ngược: hội viên KKK tăng hơn một triệu, giúp độc giả biết KKK sống lại (chết vào cuối thập niên 1870). Các báo làm quảng cáo không tốn tiền cho KKK. Dân Mỹ thích gia nhập các hội kín với những buổi lễ nhập đảng bí mật sau đó được phong chức rất kêu. Lực lượng KKK mạnh lên vì những thay đổi xã hội quá nhanh của xã hội Hoa Kỳ vào thời đó, dân Mỹ cảm thấy lợi tức và bậc thang xã hội của họ bị đe dọa vì di dân. Năm 1871, di dân Âu Châu sau trận chiến tranh của Napoleon vì cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy làn sóng di dân và tị nạn qua Hoa Kỳ, dân số Hoa Kỳ vì di dân, tăng từ 40 triệu lên 76 triệu, gần gấp đôi.

Năm 2017, những người ủng hộ Tổng Thống Trump cũng thấy đe dọa tương tự, kinh tế trì trệ, lợi tức giảm, kinh tế toàn cầu và kỹ thuật tự động khiến giới trung lưu cảm thấy công việc bị đe dọa. Chống toàn cầu hóa và chống di dân của chính quyền Trump đưa “Hoa Kỳ trên hết” cũng giống tinh thần 1920. Thập niên 1920 với tinh thần kỳ thị chủng tộc lên cao vì những người Mỹ da đen rời bỏ miền Nam.

Năm 1850, KKK nhắm giết di dân nhất là dân Công Giáo từ Âu Châu qua. Thập niên 1920, KKK chống tất cả di dân và người da đen, chống dân Công Giáo gốc Ái Nhĩ Lan vì họ có nhiều quyền lực tài chính ở vùng New England và Trung Tây. Giáo Hoàng bị nghi ngờ vì Công Giáo bị xem là một đế quốc, cha làm lễ trong nhà thờ bằng tiếng La Tinh, trong nhà không nói tiếng Mỹ.

Dân Do Thái bị kỳ thị vì họ không bao giờ đồng hóa vào xã hội Hoa Kỳ, có tiền họ xem người da trắng như nô lệ, những người trí thức Do Thái ở các thủ đô lớn bị xem là không đạo đức. Dân Mỹ thời đó ghét xem đánh Box vì dân đánh Box đa số là Do Thái và Công Giáo, không xem nhạc kịch Broadway vì diễn viên Do Thái, không nghe nhạc Jazz vì ca sĩ nhạc sĩ da đen.

Năm 2017, chính quyền Trump chống di dân Hồi Giáo. Năm 1920 KKK muốn cấm dân Do Thái trốn từ Nga qua Mỹ, cấm dân Ái Nhĩ Lan trốn qua Mỹ vì họ là dân Công Giáo.

Thập niên 1920 cũng giống 2017, vai trò đàn ông trong xã hội giảm, phụ nữ bắt đầu leo bậc thang kinh tế và chính trị, vợ làm nhiều tiền hơn chồng, vai trò người đàn bà nội trợ mất đi (ứng cử viên Trump khi tranh cử không thích đàn bà làm việc vì họ nguy hiểm). Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nông gia và tiểu thương nghiệp bị phá sản nhiều giống như năm 201, khiến tinh thần cực đoan “Nước Mỹ trên hết” gia tăng.

Thập niên 1920 phong trào KKK cao nhất ở Oregon và Indiana, phong trào đi vào chính trị, biết tổ chức gây quỹ ủng hộ các ứng cử viên, họ học bài học tổ chức chính trị từ dân Do Thái và dân Công Giáo mặc khác từ Tổng Thống Wilson đến Tổng Thống Hoover không ai lên tiếng, lên án hay phản đối những hoạt động kỳ thị chủng tộc của KKK.

Năm 1924, phong trào KKK thành công, giới hạn di dân Công Giáo và Do Thái. Năm 1930, nước Mỹ trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng nhưng KKK không mạnh lên được dù có môi trường thuận tiện là nhờ Tổng Thống F. D. Roosevelt với chính sách kinh tế “Neal Deal” chữa bệnh kinh tế quốc gia đồng thời chữa bệnh bất công xã hội cộng thêm là bà đệ nhất phu nhân Elanor Roosevelt chống hành hình treo cổ của KKK đối với người da đen và tôn trọng quyền của người da đen ở Hoa Kỳ.

Linh hồn của phe cực hữu ở Mỹ hiện nay là Steve Bannon cựu chiến lược gia của Donald Trump, rời Tòa Bạch Ốc Bannon trở lại với đám cựu hữu Breitbart, đứng sau các ứng cử viên quá khích quốc gia cực đoan nhằm đẩy các ứng cử viên Cộng Hòa kỳ cựu ra khỏi bộ máy cầm quyền, mục đích của Breitbart là nhắm đẩy Hồi Giáo ra khỏi Hoa Kỳ. Xâm nhập vào nội các của Tổng Thống Trump, một thành phần cực hữu thân cận khác là Stephen Miller chủ trương giảm thiểu tối đa di dân kể cả di dân hợp pháp lẫn bất hợp pháp.

Hoa Kỳ trong các thập niên gần đây đặt Mễ Tây Cơ lên hàng đầu trong vấn đề di dân. Chúa dạy “yêu láng giềng” nhưng Tổng Thống Trump xem dân Mễ và Canada là hai cái gai, không yêu ông láng giềng Mễ, Tổng Thống Trump có giấc mơ xây bức tường biên giới Mễ – Hoa Kỳ giống như bức Vạn Lý Trường Thành của các Hoàng Đế Trung Hoa ngăn chận bọn rợ.

Từ sau biến cố 911, kinh tế suy thoái, và khủng bố thì giấc mơ xây bức tường của ông Trump được Bannon và Miller khuyến khích nhiệt tình. Chính sách của các chính quyền trước, như sau chiến tranh Việt Nam, giúp các nước thế giới thứ ba xây dựng kinh tế, dân có công việc làm thì di dân và tị nạn qua Hoa Kỳ sẽ giảm không được chính quyền Trump với “Hoa Kỳ trên hết” theo đuổi. Chống di dân sẽ giúp đảng Công Hòa trong kỳ tranh cử bốn năm tới vì dân thiểu số có khuynh hướng bầu cho đảng Dân Chủ.

Năm 2017, Hồi Giáo quá khích với chính sách khủng bố giúp phe hữu cực đoan ở Hoa Kỳ và các nước Âu Châu có lý do chống di dân, họ tránh bị gọi là kỳ thị chủng tộc sau tấm màn chống khủng bố. Quan điểm của Breibart cũng như phe cực hữu của Pháp đứng sau lý do thầm lặng: số sinh sản dân da trắng trong thế kỷ này giảm trong khi các dân da màu khác vẫn tăng, giống như “Họa Da vàng” đầu thế kỷ thứ 20.

Âu Châu dùng chữ “Chủ nghĩa căn cước” (Identitarianism) để nhắm cho một Âu Châu thuần chủng, trong sang, quan điểm có từ thời Tổng Thống De Gaulle năm 1959 sau đó đến Thủ Tướng Winston Churchill, những người Hồi Giáo mang khăn, đội mũ không sát nhập vào xã hội Âu Châu mặc dù dân số họ gia tăng. Mối lo này đã có ở Âu Châu từ đầu thế kỷ khi dân thiểu số từ các nước Phi Châu thuộc địa của Pháp qua làm việc ở Âu Châu.

Người Pháp sợ lao công của các nước thuộc địa lên làm chủ cũng giống người Mỹ trắng sợ nô lệ da đen trở thành đa số dành quyền lợi. Linh hồn của phe cực hữu ở Pháp là Benoist, ông này ra cuốn Tuyên Ngôn mới cho Phục Hưng Âu Châu, bản văn căn bản của phe cực hữu cực đoan từ Tây Âu qua Hoa Kỳ đến tận Nga. Giống như Tổng Thống Trump, Benoist chống nền điện ảnh Hollywood, giới truyền thông và các đại công ty toàn cầu hóa. Benoist nói ông ta không tranh đấu cho dân da trắng mà chỉ tranh đấu cho quan điểm chung của thế giới. Di dân là vấn đề, di dân phá hủy bản ngã quốc gia.

Số di dân Ả Rập và Phi Châu tăng lên dần thế giới trở nên dân màu Coca (Coca Colonization of the world), thần tượng của Benoist là Tổng Thống Nga V. Putin (bạn của ông Trump) vì Putin chống đồng tình luyến ái, sẽ tạo ra giống dân Âu Châu da trắng thuần chủng Euro Siberian lập ra một “liên bang đa số đàn ông da trắng.”

Tuyên ngôn sẽ đưa đến cách mạng cực hữu như Steve Bannon có lúc đã tự nhận mình là người theo chủ nghĩa Lenin trong phong trào Al – Right, quốc gia quá khích, bảo vệ cá tính đồng nhất. Các nhóm cực hữu cực đoan lan tràn khắp Âu Châu. Thụy Điển thay đổi nhanh theo Pháp, Anh. Phong trào quốc gia quá khích ở Hoa Kỳ khó bành trướng vì khác với Âu Châu, di dân là rường cột của Hoa Kỳ từ thời lập quốc, cha đẻ Hoa Kỳ là dân da đỏ, khác với dân Âu Châu, những người Mỹ da trắng quá khích không thể hát bài hát “Máu và đất của chúng tôi.”

Remand Camus (không liên hệ đến triết gia Pháp nổi tiếng Albert Canus) qua cuốn sách “Sự thay thế vĩ đại” năm 2012 đã đi trước Benoist, cho thấy đầu thế kỷ 21 dân da trắng Âu Châu đã bị thuộc địa hóa ngược, bởi di dân da đen, da nâu tràn ngập Âu Châu. Ngày xưa cha ông của họ là Tây thuộc địa giờ thì người da trắng sợ các quan thuộc địa da màu.

Quan điểm của Camus khác với chủ trương của Hoa Kỳ, ông cho rằng cá nhân có thể sống trong xã hội khác nhưng văn hóa, văn minh và tôn giáo không hòa lẫn được vào với nền văn minh khác. Tất cả các quốc gia Âu Châu hiện nay đang phải đối đầu với “văn minh và dân tộc” khác đến thay thế. Hiện tượng của Camus giống như nổi quan ngại của Trump là tiếng Mễ và người Mễ tràn ngập với văn hóa Mễ từ miền Nam lên nước Mỹ.

Quan điểm của Camus được các phong trào da trắng cựu hữu quốc gia quá khích của tất cả các quốc gia nói tiếng Anh từ Âu sang Mỹ đón nhận và làm căn bản cho chiến dịch chống di dân. Trong tất cả các giống dân trên quả đất hiện nay chỉ có giống dân da trắng Âu Châu đang phải đối diện với sự tuyệt giống!

Bị ám ảnh với sự thuần chủng phong trào quốc gia quá khích giống với Đức Quốc Xã thời thế chiến thứ hai. Chống di dân mạnh nhất là Merion “Marine” Le Pen chủ tịch đảng Quốc Gia cực hữu muốn “Pháp là của người Pháp” Bà chống Tổng Thống Emanuel Macron vì muốn đồng nghĩa với “lực lượng thay thế” của di dân nhất là khi Tổng Thống Macron đồng quan điểm và hợp tác với Thủ Tướng Đức Angela Merkel.

Phong trào quốc gia quá khích lan rộng qua Ba Lan, qua cuộc biểu tình ngày độc lập 11 Tháng Mười Một ở Warsaw dân da trắng Ba Lan đã có thời kỳ sống dưới chế độ Cộng Sản, nhưng lại khác quan điểm với bà Merkel người sống và lớn lên ở Đông Đức, hô hào “Poland tinh khiết của người Ba Lan da trắng” và cầu nguyện cho sự tàn sát xảy đến cho người Hồi (Islamic Holocaust) như Holocaust đã xảy ra cho dân Do Thái thời Hitler!

Alexander Gauland lãnh tụ phe hữu cực đoan ở Đức (Alternative for Dutschland) chỉ trích kinh tế toàn cầu hóa (giống như Tổng Thống Trump) vì kinh tế toàn cầu hóa có hậu quả tiêu cực cho Đức, toàn cầu hóa đưa dân ngoại quốc đến Đức, nhận di dân và đón khủng bố, đưa đến diệt chủng trong tương lai. Kinh tế đối với Đức không đóng vai trò quan trọng, không gia nhập toàn cầu hóa Đức trên hết, vì kinh tế Đức mạnh, thành phần trung thượng lưu giàu có, vấn đề là văn hóa (kultur) mất văn hóa và mất ngôn ngữ Đức là mất hết. 92% dân Đức sợ ảnh hưởng văn hóa Hồi Giáo.

Thập niên 1920, lý thuyết gia Mark Polanyi đã cảnh cáo: nền dân chủ không thể tồn tại với thị trường kinh tế tự do quá độ, chính trị có nhiệm vụ kiểm soát thị trường kinh tế tự do, quên vai trò chính trị này Phát Xít sẽ xảy đến. Gần một thế kỷ trước tiên đoán của Mark Polanyi đã thành sự thật nay với các phong trào quốc gia quá khích đang tiến lên trong các quốc gia Âu Châu và ở Mỹ chương trình của Tổng Thống Donald Trump là bàn đạp của phe cực hữu.

Liệu lịch sử có thể tái diễn? (Việt Nguyên)