Tuesday, March 19, 2024

‘Cuộc chiến’ kinh tế về các tấm thu năng lượng mặt trời

Hà Tường Cát/Người Việt

Hôm  22 Tháng Giêng, 2018, chính quyền Mỹ  tăng mức thuế nhập cảng đối với các tấm bảng thu năng lượng mặt trời và máy giặt.

Đại diện mậu dịch Mỹ Robert Lighthiser nói rằng sau khi tham khảo Liên Ủy Ban Mậu Dịch và Ủy Hội Lưỡng Đảng Mỹ về Thương Mại Quốc Tế, Tổng Thống Donald Trump đi đến quyết định như thế vì tin là “sự gia tăng nhập cảng hai mặt hàng này làm phương hại nặng nề đến sản xuất quốc nội Mỹ.” Hầu hết những hàng nhập cảng này là từ Trung Quốc và Nam Hàn.

Tấm năng lượng mặt trời và linh kiện sẽ phải chịu thuế 30% và giảm dần trong 4 năm xuống còn 15%. 1.2 triệu máy giặt nhập cảng đầu tiên đóng thuế 20%, hai năm sau đó sẽ phải chịu thuế 50%.

Theo hãng tin Bloomberg, hai nhà sản xuất Mỹ được hưởng lợi với việc đánh thuế nhập cảng tấm năng lượng mặt trời là Suniva ở Georgia và SolarWorld ở Oregon. Hai hãng này đều có vốn đầu tư từ nước ngoài, Trung Quốc nắm đa số cổ phần Suniva, và Solar World là phân bộ của Solar World AG Đức. Do hàng nhập cảng rẻ hơn, SolarWorld đã phải sa thải một số lớn công nhân và Suniva khai phá sản.

Phóng viên Jeff Brady của hệ thống phát thanh NPR cho biết: Trong mấy năm gần đây, việc lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời đã phát triển nhanh nhờ những bảng nhập cảng có giá rẻ. Hiệp Hội Công Nghệ Năng Lượng Mặt Trời cho rằng giá các tấm bảng giảm hơn 70% từ năm 2010 đã làm cho nhiều chủ nhà có thể đủ tiền  trả cho việc lắp đặt. Nhưng nếu bây giờ giá đắt lên thì sẽ không còn nhiều nhà muốn gắn thêm tấm mặt trời trên mái nữa.

Ông Juergen Stein, chủ tịch-tổng giám đốc SolarWorld Americas Inc., bày tỏ sự lạc quan dè dặt. Ông ca ngợi Tổng Thống Trump và chính quyền  đã “nhận định đúng đắn tầm quan trọng của ngành sản xuất bảng năng lượng mặt trời ở Mỹ về mặt kinh tế và an ninh quốc gia.” Tuy nhiên mức thuế nhập cảng do chính quyền quyết định thấp hơn đề nghị của hai công ty Suniva và SolarWorld nên ông chỉ có thể hứa hẹn là hy vọng sẽ tái tạo công tác sản xuất tại Mỹ.

Nhưng ông Abigail Ross Hopper, chủ tịch-tổng giám đốc Solar Energy Industries Association, dự đoán việc tăng thuế nhập cảng sẽ làm mất khoảng 23,000 việc làm ở Mỹ trong năm nay. Theo ông: “Thuế nhập cảng không làm cho sản xuất đạt tới nhu cầu ở Mỹ hay là để cho những hãng nước ngoài như Suniva và SolarWorld sống còn, mà chỉ tạo khủng hoảng cho một hoạt động đang phát đạt trong nền kinh tế và cuối cùng hàng chục ngàn công nhân Mỹ sẽ mất việc.”

Tạp chí tài chính Forbes nói rằng hầu hết mọi người không vui mừng với giải pháp của chính quyền Trump vì đó là một giải pháp nửa vời không đủ giúp cho ngành năng lượng mặt trời ở Mỹ vì giá thành của những tấm mặt trời sản xuất ở quốc nội không thể nào rẻ như hàng nhập cảng. Có thể tới 1/3 trong số 260,000 công nhân ngành này sẽ bị đe dọa mất việc làm trong số đó đa số ở khâu dịch vụ lắp đặt.

Theo tờ USA Today thì quyết định đánh thuế của Tổng Thống Trump làm mất chứ không tạo ra công việc cho dân. Trong số 38,000 công nhân làm việc trong ngành năng lượng mặt trời, chỉ có 2,000 thuộc bộ phận sản xuất tế bào quang điện và bảng thu năng lượng và số người này được bảo vệ bởi thuế nhập cảng của chính quyền Trump. 36,000 còn lại làm công việc chế tạo trang thiết bị dùng cho những nhà máy điện mặt trời lớn và lắp đặt bảng năng lượng mặt trời trên các mái nhà.

USA Today dẫn lời ông Bill Vietas, chủ tịch công ty cung cấp trang bị và dịch vụ năng lượng mặt trời RBI Solar: “Chắc chắn  quyết định mới của chính quyền sẽ làm hại chứ không giúp cho công nghệ Mỹ. Bảng năng lượng mặt trời lên giá vì thuế nhập cảng thì tiêu thụ  giảm đi, chúng tôi sẽ ít nhận được đặt hàng và công nhân sẽ bớt công việc để làm.”

Công nghệ điện mặt trời tăng trưởng nhanh chóng do giá rẻ và chính sách khuyến khích dùng năng lượng sạch của chính quyền liên bang và tiểu bang thời Tổng Thống Obama. Năm 2016, công suất điện mặt trời lắp đặt được là 15 GW, so với 2 GW mười năm trước và 1/10 GW một thập niên trước (1 GW=  gigawatt bằng 1 tỷ watts). Phân tích của hãng nghiên cứu GTM Research dự đoán với chính sách mới công tác lắp đặt điện mặt trời sẽ giảm 11% trong vòng 5 năm hay là 7.5 GW từ 2018 đến 2022.

Trung Quốc và Nam Hàn, hai nước xuất cảng bảng và trang thiết bị điện mặt trời sang Mỹ nhiều nhất, có thể kiện lên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) về biện pháp thuế vi phạm chủ trương mậu dịch tự do, tuy vậy chưa thể nào dự đoán kết quả của việc tranh tụng này.

Bên cạnh vấn đề lợi hại về mặt kinh tế, chính sách năng lượng của chính quyền Trump sẽ làm chậm lại sự phát triển sử dụng năng lượng sạch và thêm một giảm sút trong nỗ lực quốc tế chống khí hậu biến đổi sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về khí hậu ký kết tại Paris năm 2015. Những dấu hiệu của tình trạng khí hậu biến đổi được thể hiện bằng nhiều thiên tai thời tiết vừa qua khiến người ta buộc phải lo ngại đến tương lai. Nhưng Tổng Thống Trump cùng nhiều người Mỹ không tin tưởng kết luận khoa học về tác động đến khí quyển của khí thải công nghiệp và không muốn bớt sử dụng năng lượng hầm mỏ.

Biện pháp đánh thuế nhập cảng tấm mặt trời đưa ra sau khi đề nghị tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện dùng than đá của Bộ Trưởng Năng Lượng Rick Perry không được các giám định viên liên bang chấp thuận. Than đá đã trở thành một loại năng lượng lỗi thời, các nhà máy nhiệt điện dùng than không cạnh tranh được trong thị trường năng lượng với các nhà máy dùng khí đốt và các loại năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời. Bộ Nội Vụ hiện nay cũng đang tìm cách mở cửa cho khai thác dầu khí trên đất liền và trên biển tại những nơi trước đây đã được ấn định là khu vực bảo tồn.

Bằng đường lối đi ngược chính sách hạn chế năng lượng hầm mỏ thời chính quyền Obama như vậy cùng với việc đánh thuế nhập cảng các tấm bảng mặt trời, nhiều công ty Mỹ sẽ bị thiệt hại chứ không được lợi và công việc làm bị giảm. Nhưng sự phát triển sử dụng điện mặt trời sẽ chỉ chậm lại trong ít năm tới chứ không hoàn toàn chấm dứt vì dùng năng lượng sạch là  trào lưu tất yếu của tương lai. (Hà Cát)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Nam Hàn chi $3 triệu giúp phái đoàn Bắc Hàn tại Thế Vận Hội

MỚI CẬP NHẬT