Tranh cãi di trú và ghế thẩm phán Tối Cao Pháp Viện

Nguyễn Văn Khanh

Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định đề cử ông Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Neil Gorsuch vào ghế Tối Cao Pháp Viện giữa lúc cuộc tranh luận pháp lý liên quan đến sắc lệnh di trú do ông ký ban hành đang là đề tài được tranh cãi, tạo sôi nổi không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước khác.

Sắc lệnh do Tổng Thống Trump ký 3 tuần trước đây lấy lý do phải bảo vệ an ninh cho quốc gia và an toàn cho người dân để quy định tạm thời Hoa Kỳ không nhận người tỵ nạn trong vòng 120 ngày, tạm không cho công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cảnh, đồng thời đình chỉ tức khắc, vô thời hạn chương trình nhận người tỵ nạn Syria.

Tức khắc sắc lệnh này bị chỉ trích là mang tính kỳ thị, cố ý nhắm vào tập thể Hồi Giáo, đồng thời tranh cãi cũng diễn ra giữa các luật gia về quyền hạn hiến định của tổng thống, người ủng hộ cho rằng khi nói tới an ninh quốc gia, “quyền hạn Hiến Pháp dành cho tổng thống là quyền tối thượng” nhưng phe chống đối tin rằng ban hành sắc lệnh “đúng là quyền của người điều hành hành pháp,” nhưng xem xét coi những sắc lệnh tổng thống ký ban hành có “hợp hiến hay không là quyền và trách nhiệm của ngành tư pháp,” đặc biệt với sắc lệnh bị chỉ trích là có ý nhắm vào người theo đạo Hồi.

Tranh cãi và kiện tụng vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi tin hành lang Thượng Viện Liên Bang cho thấy các vị nghị sĩ Dân Chủ có cùng thắc mắc: nếu được chuẩn thuận vào Tối Cao Pháp Viện, liệu ông Gorsuch có giữ được tư thế độc lập của một vị thẩm phán tòa tối cao “trong trường hợp phải bỏ phiếu quyết định đúng-sai” liên quan đến những sắc lệnh mà người đề cử ông là Tổng Thống Trump ký ban hành.

Trả lời qua điện thoại, một nhân viên đang làm việc trong Văn Phòng Ðiều Hành Khối Thiểu Số Thượng Viện dự đoán “chắc chắn sẽ có nghị sĩ lên tiếng hỏi ông Gorsuch về sắc lệnh di trú mà Tổng Thống Trump ban hành, xem ông thẩm phán nghĩ gì.”

Nhân vật yêu cầu không nêu tên này nói tiếp, “Tôi nghĩ ông Gorsuch sẽ trả lời theo lối chung chung, theo kiểu không muốn liên quan đến chuyện ông chưa phải suy tính giải quyết như thế nào, không muốn gặp trở ngại trước khi ông thật sự trở thành thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Thành ra, không ai biết ông Gorsuch sẽ hành xử ra sao nếu có một vụ tranh cãi tương tự xảy ra, không thể đoán biết ông ta sẽ bỏ phiếu ủng hộ hay không ủng hộ quyết định của hành pháp, đặc biệt trong trường hợp quyết định đó lại được đưa ra dưới dạng sắc lệnh, tức do Tổng Thống Trump ký ban hành.”

Không biết khi chính thức đảm nhận vai trò của một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, ông Gorsuch sẽ bỏ phiếu quyết định sắc lệnh về di trú của Tổng Thống Trump như thế nào, nhưng trong thời gian còn làm thẩm phán tòa phúc thẩm, các quyết định của ông cho thấy ông không ủng hộ ý kiến cho hành pháp quyết định mọi chuyện, thường đưa ra những án lệnh bênh vực quyền tự do tôn giáo.

Theo Giáo Sư Susan Bloch đang giảng dạy tại Ðại Học Georgetown, “Thẩm Phán Gorsuch là người ủng hộ mạnh mẽ tam quyền phân lập, do đó, chưa thể đoán biết ông sẽ bỏ phiếu như thế nào.”

Giáo Sư Bloch còn nói thủ tục chuẩn thuận một vị thẩm phán Tòa Tối Cao kéo dài nhiều tháng trời, do đó, “chưa rõ vụ kiện sẽ kéo dài tới khi nào mới kết thúc, liệu ông Gorsuch có phải trực tiếp bỏ phiếu quyết định về sắc lệnh di trú của Tổng Thống Trump hay không.”

Tin tức ghi nhận từ Thượng Viện Liên Bang cho thấy ông Gorsuch chắc chắn được sự ủng hộ của 52 vị nghị sĩ Cộng Hòa, những tới bây giờ chưa thấy ai trong số 48 nghị sĩ Dân Chủ lên tiếng ủng hộ ông. Theo giới thạo tin, ông Gorsuch có thể gặp khó khăn “không phải vì tài năng, kinh nghiệm, mà vì phía Dân Chủ cho rằng ghế thẩm phán Tối Cao Pháp Viện là ghế của người được Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama đề cử, chứ không phải là ghế để Tổng Thống Cộng Hòa Trump quyết định.”

Tranh cãi chính trị xảy ra từ đầu năm ngoái, sau khi Thẩm Phán Antonin Scalia từ trần. Tổng Thống Obama quyết định chọn Thẩm Phán Merrick Garland thay thế, nhưng Thượng Viện Cộng Hòa không đưa ra thảo luận, viện dẫn lý do không nên phê chuẩn ghế thẩm phán Tòa Tối Cao trong năm bầu cử, dành quyền đó cho vị tổng thống tân cử, bất kể tân tổng thống là ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hòa. Theo Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Jon Tester (Montana) “điều đảng Cộng Hòa làm chẳng những sai mà còn vi hiến.”

Bắc Kinh ca ngợi thư chúc Tết trễ của Tổng thống Trump

Quyết định của Thượng Viện Cộng Hòa được cánh Dân Chủ và những người ủng hộ xem là “cố tình gây khó khăn cho nhau,” và các vị nghị sĩ Dân Chủ “không ngần ngại tìm cách gây khó lại, để bày tỏ sự bất bình của họ,” theo giải thích của ông Bill Edrich, một bình luận gia thuộc cánh cấp tiến Dân Chủ. Ông Edrich cũng nhắc lại quy luật của Thượng Viện là phải có ít nhất 60 phiếu đồng ý mới có thể đưa việc Tổng Thống Trump đề cử ông Gorsuch ra bàn thảo, nêu thắc mắc “tôi không biết họ lấy đâu ra 8 phiếu ủng hộ của phía Dân Chủ.”

Tuần rồi, cả Tổng Thống Trump lẫn Phó Tổng Thống Mike Pence tiếp tục lên tiếng ca ngợi ông Thẩm Phán Niel Gorsuch, và thúc đẩy Thượng Viện “bằng mọi giá phải hoàn tất thủ tục phê chuẩn” để ông Gorsuch sớm lãnh trách nhiệm mới. Tin mới nhất nghe được từ Thượng Viện Liên Bang: chắc chắn ông Gorsuch sẽ được thông qua, nhưng có thể phải chờ khoảng 6 tháng nữa.