Friday, May 10, 2024

Làm người lương thiện không dễ!

Huy Phương

Tôn giáo và nhà luân lý nào cũng kêu gọi con người lương thiện. Những người lương thiện yêu chuộng lẽ thật và sự công bằng. Họ lương thiện trong lời nói và hành động của mình. Họ không nói dối, trộm cắp hay gian lận. Quyển sách nhỏ Trung Thành cùng Đức Tin (True to the Faith) có nói: “Lương thiện có nghĩa là luôn luôn thành thật, chân thật và không gian dối.”

Con người cần có một nghề để sống và người lương thiện luôn chọn nghề lương thiện.

Ở Việt Nam có một vài nghề lương thiện mà những viên chức đảng cộng cản đã có nhắc đến, xin nói ngay, đó là nghề “làm (lao động) thối móng tay,” “chạy xe ôm” và “bán chổi đót.”

Ba viên chức cao cấp này là Trần Văn Truyền, cựu tổng thanh tra chính phủ; Nguyễn Sỹ Kỷ, phó Ban Nội Chính Tỉnh Ủy Đắk Lắk; Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Yên Bái.

Những người chọn nghề lương thiện này đều là những người thành công và giàu có, có nhiều tài sản, biệt thự, đất đai trong tay. Chỉ tiếc là hầu hết những người dân bình thường không biết phấn đấu chọn nghề lương thiện như ba vị trên để có cơ hội thành công, giàu có như họ.

Nhìn lại thì ba tên đã dối trá, biện bạch ca tụng cái nghề “lương thiện” ở trên là những tên bất lương, vì bần dân suốt đời vất vả làm những nghề này cũng không đủ miếng cơm.

Có hai nghề mà người đời cho là “thấp hèn” nhất nhưng được coi là lương thiện. Đó là nghề mãi dâm và nghề ăn xin. Người làm nghề mãi dâm lấy thân mình làm sinh kế, người ăn xin tùy lòng hảo tâm của khách qua đường, họ không gian dối, trộm cắp của ai.

Ở Mỹ, nghề nào được đánh giá là nghề lương thiện, nghĩa là được tin cậy nhất? Đó là nghề y: Bác sĩ y khoa, nha sĩ, y tá, dược sĩ, bác sĩ thú y… Nhưng liệu với những vụ án gian lận chi phí y khoa trong thế kỷ này, ngành y còn được coi là một ngành “lương thiện nhất” hay không?

Tỷ lệ lương thiện trung bình dành cho kỹ sư, giảng viên và linh mục (tỷ lệ tin cậy đều là 58%). Sau đó là nghề cảnh sát và nghề chuyên gia tâm lý. Nghề bán xe hơi, chuyên viên các công ty bảo hiểm y tế, và nghề bán bảo hiểm được coi như là kém tin cậy.

Điều cần ghi nhận là các chính trị gia không được người dân Mỹ tin cậy, phải kể đến thống đốc tiểu bang, thượng nghị sĩ, dân biểu. Không nghe nói đến nghề tổng thống hay bộ trưởng.

Trở lại chuyện nhà, khẩu hiệu ăn khách của Xã Hội Chủ Nghĩa là “Mình Vì Mọi Người!” nhưng thực sự sau gần 45 năm (không nói đến 30 năm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) con người đạp lên nhau mà sống, ích kỷ, gian dối. Đi tìm một mẫu người tử tế -theo cách nói nhân gian- là chuyện không tưởng. Ca dao bình dân chẳng đã có câu: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt!” thì làm người lương thiện trong xã hội này như người lội nước ngược, không vỡ đầu, sứt trán thì cũng thua thiệt trăm điều.

Làm nghề vá lốp, ruột xe trên đường qua lại đương nhiên là một nghề lương thiện, lấy công sức ra kiếm đồng tiền. Nhưng chồng vá lốp xe mà vợ rải đinh trên đường, cho xe qua lại thủng lốp để chồng có việc làm là chuyện bất lương. Trần Thị Lan ở xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, đã nhận tội rải đinh trên đường, để kiếm khách vá lốp cho chồng. Chuyện này không phải mới xẩy ra đây, mà từ lâu, ở khắp mọi miền Nam Bắc, báo chí trong nước đã đặt tên cho nghề này là “đinh tặc (!)

Những nghề lương thiện thường là những nghề khó làm giàu. Thử nghĩ những nghề như hớt tóc, may mặc, số lượng người cố định, thời gian định kỳ, không có gì để lươn lẹo, gian tà, trở tráo.

Nghề thiến lợn, bẻ ghi tàu, đóng quan tài, bồi tàu… là những nghề lương thiện, nhưng khi người ta bỏ nghề này đi làm chính trị, lừa dối, cho dân ăn bánh vẽ, đưa đất nước đến chỗ nhân dân kìm kẹp, ly tán thì họ trở thành một bọn vô lương, lường gạt và có tội với lịch sử.

Lương thiện luôn luôn là mối quan tâm và lẽ sống của con người. Từ nhà viết sử phải ghi lại sự thật, từ nhà chính trị phải lấy no ấm của dân làm mục tiêu, từ một viên chức chính quyền phải lo đời sống cho dân; đi ngược lại khi sử gia viết theo đơn đặt hàng của đảng, khi nhà chính trị lừa dối dân, viên chức nhà nước nhũng lạm cho đầy túi tham, thì đây là một đám lưu manh tạo nên một xã hội bất lương.

Những nghề như làm nông, chài lưới là những nghề chơn chất, vất vả, lấy sức người ra chống trả với đất biển, với thời tiết, đổ mồ hôi, để sống còn, từ xưa được coi là những nghề tối lương thiện.

Nhưng ai cho họ được làm người lương thiện?

Nông dân thì đất đai bị cưỡng chế, giá nông phẩm hạ. Ngư dân thì bị tàu cường quốc bắn phá, bắt nạt, biển bị nhiễm độc, không còn đường sống.

Dân bỏ nghề đi làm thuê xứ lạ trong khi công an, quan thuế (hải quan), thanh tra, viên chức chính phủ… thì làm giàu nhờ hối lộ thối nát. Đời nay còn ai muốn làm người lương thiện và hành nghề lương thiện nữa.

Đoàn Văn Vươn của Tiên Lãng, Hải Phòng, muốn được làm người lương thiện, đã từng quai đê, lấn biển để nuôi thủy sản, làm giàu nhờ sức lao động của bản thân và gia đình, nhưng ai cho anh làm người lương thiện. Bị áp bức, cuối cùng anh và gia đình đã phải dùng vũ khí để chống cường quyền.

Cả Trần Trường, trong vụ bị chống tại “Bolsa 55 ngày đêm,” cũng ngây thơ, tin tưởng mình có thể làm ăn lương thiện dưới chế độ cộng sản, cuối cùng cũng phải thân tàn, ma dại, phá sản, bỏ nước chạy lấy người.

Lương dân Phạm Thị Lài, và con gái là Hồ Nguyên Thủy ở Quảng Nam, vốn là người lương thiện, đang canh tác ruộng vườn của cha ông để lại, cuối cùng phải khỏa thân trần truồng, một phương thức hạ sách nhất để chửi vào mặt bọn cường quyền cướp đất.

Những người lương thiện nay đã phải dùng đến súng như ở Đắk Nông, bom xăng như tại Sapa, dùng xăng tạt vào bọn chính quyền chiếm đất ở Cà Mau, hay đã uất ức, dùng thân mình đốt thành ngọn đuốc tự thiêu như ở Quảng Ngãi, Bình Định!

“-Tao muốn làm người lương thiện! Ai cho tao lương thiện?” Đấy là câu nói của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, cách đây cả thế kỷ, khiến cho những ai có lương tri đều cảm thấy xót xa. Thời nay ra sao? “Cách mạng,” “giải phóng” đã làm được gì hay đưa xã hội đến chỗ bất lương, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!”

Làm người lương thiện không dễ! (Huy Phương)

MỚI CẬP NHẬT