Sunday, May 5, 2024

4 biểu hiện của con trẻ mà cha mẹ nên quan tâm

LOS ANGELES, California (NV) – Khi nuôi dạy con, nếu con có những biểu hiện hay thói quen lặp lại quá thường xuyên, các bậc cha mẹ nên chú ý đến và thậm chí phải tìm đến chuyên gia về tâm lý để được giúp đỡ.

Nuôi dạy và chăm sóc con cái không bao giờ là điều dễ dàng, đôi khi sẽ khiến các bậc cha mẹ cảm thấy căng thẳng, nhưng điều đó là điều bình thường. Tuy nhiên, trong một số tình huống, cha mẹ nên tìm sự giúp đỡ của chuyên gia, theo trang mạng Brightside.

Bạn dạy con hiểu cảm xúc và động cơ của chính mình và nên tìm hiểu cảm xúc của con. (Hình: Dan Kitwood/Getty Images)

LÚC NÀO LÀ LÚC CHA MẸ NÊN CAN THIỆP? 

Dưới đây là những biểu hiện mà nhất định bạn phải để ý đến tâm lý của con:

-Hành vi của con khiến bạn lo lắng trong hơn một tháng hoặc hơn và bạn không thể kiểm soát tình hình.

-Hành vi của con thay đổi một cách đột ngột mà không có lý do rõ ràng. Ví dụ, nếu một đứa trẻ đột nhiên trở nên dè dặt và thô lỗ với bạn bè, đã đến lúc bạn phải nói chuyện với con mình.

-Con bạn bắt đầu gặp rắc rối ở trường như bị điểm kém, hay xảy ra xung đột với các bạn khác hay trốn học.

-Thời gian biểu về giấc ngủ và ăn uống thất thường.

4 BIỂU HIỆN Ở TRẺ MÀ BẠN NÊN QUAN TÂM 

1. Không biết tha thứ

Trẻ em cần biết cách thoát khỏi các tình huống xung đột. Cha mẹ thường hay dạy con đánh trả lại nhưng trong hầu hết các trường hợp, tốt hơn hết là bạn nên để mọi cảm xúc tiêu cực qua đi. Nếu một đứa trẻ luôn cố gắng trả thù thì đây là một dấu hiệu xấu.

Bạn hãy chắc chắn rằng con hiểu rõ tha thứ là như thế nào. Và bạn hãy là một hình mẫu cho con. Bạn nên dành thời gian dạy trẻ phân tích cảm xúc của chính mình cùng với cảm xúc của người khác để tìm ra nguyên nhân xung đột và tìm cách giúp con thoát ra khỏi các tình huống khó chịu.

2. Bướng bỉnh quá mức

Nếu như con bạn thường hay có các biểu hiện như cố chấp làm một việc gì đó với sự giận dữ và ít khi nghe lời người lớn, bạn phải lập tức để ý và tìm hiểu lý do vì sao con lại như thế.

Bạn nên tìm hiểu cảm xúc của con mình và tìm ra nguyên nhân khiến con trở nên bướng bỉnh. Sau đó, bạn dạy con hiểu cảm xúc và động cơ của chính mình cũng như của người khác. Hãy cho con biết những gì mà con có thể làm và không nên làm.

Bạn nhớ là nên bình tĩnh, thẳng thắn và đừng quên thỏa hiệp bằng cách nói những câu mang tính động viên như “Con sẽ được ăn kẹo nếu như con hoàn thành bài tập,” hay như “Con mà liên tục phá như thế thì sẽ làm mẹ buồn lắm đó.”

Bạn nên hướng dẫn con để không bị phụ thuộc và máy tính và điện thoại. (Hình: Brendon Thorne/Getty Images)

3. Sợ thay đổi

Khi trẻ bắt đầu đi học, chúng sẽ bắt đầu học cách làm quen với môi trường mới ở trường và gặp gỡ các bạn bè xung quanh. Bạn sẽ phải đồng hành với con trong việc giúp con thích nghi với sự thay đổi và chấp nhận sự thay đổi đó.

Tuy nhiên, nếu con đi nhà trẻ mà có biểu hiện khóc sau khi xếp bút chì sai thứ tự vào hộp thì bạn phải lập tức chú ý đến hành vi này.

Bạn phải luôn nói cho con biết về những thay đổi và giải thích cho con nghe về những điều gì sẽ xảy ra. Ngoài ra, bạn hãy luôn theo sát và động viên con mỗi khi con ngần ngại làm một việc gì đó vì sợ.

4. Trẻ phụ thuộc vào điện thoại và máy tính

Nhà tâm lý học người Nga Katerina Murashova đã tiến hành một cuộc thí nghiệm với sự tham gia của 68 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Cô yêu cầu các thành viên tham gia dành tám giờ một mình trong ngày mà không có bạn bè hay thiết bị điện tử nào bên cạnh. Và kết quả là chỉ ba thanh thiếu niên có thể hoàn thành thử thách này trong khi những người khác thì đều cảm thấy thực sự tồi tệ.

Trẻ sơ sinh thì sẽ không thể tự giải trí và điều đó không sao cả. Nhưng khi trẻ lớn hơn một chút, con nên học cách tự lập. Nếu một đứa trẻ không phát triển được kỹ năng này, chúng sẽ không thể tập trung và cảm xúc của chính mình vì mọi thứ đều có thể khiến chúng bối rối. Khi những đứa trẻ như vậy trưởng thành, chúng sẽ bắt đầu hoảng sợ khi có điều gì đó đơn giản xảy ra như điện thoại sắp hết pin.

Bạn và con nên dành thời gian cho nhau và cho phép con mình chỉ sử dụng các thiết bị điện tử trong một thời gian nhất định. Bạn hãy dạy chúng tìm hiểu về những gì chúng thích và những gì chúng không thích, đồng thời hãy giúp con tìm ra những sở thích không liên quan đến điện thoại hay máy tính. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT