Saturday, May 4, 2024

7 thực phẩm nên tránh nếu bị viêm khớp

SAN FRANCISCO, California (NV) – Viêm khớp là căn bệnh phổ biến ngày nay, gây ra mối lo ngại về sức khỏe mà bạn cần phải đề phòng và chữa trị kịp thời nếu không may mắc bệnh.

Có hơn 100 loại viêm khớp nhưng viêm xương khớp (OA) là loại phổ biến nhất. Các loại khác bao gồm viêm khớp dạng thấp (RA), viêm khớp vẩy nến (PsA) và bệnh gout.

Thức ăn nhiều đường từ các món ăn ngọt không tốt cho bệnh nhân viêm khớp. (Hình: Vince Caligiuri/Getty Images)

Bên cạnh việc uống thuốc, sống điều độ thì việc ăn uống cũng rất quan trọng. Một số thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng nguy cơ bị viêm khớp hoặc làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, điển hình là bảy loại phổ biến dưới đây mà bạn nên chú ý, theo trang mạng Healthline.

1. Thực phẩm nhiều đường

Mọi người đều có thể hưởng lợi từ việc hạn chế ăn thực phẩm quá nhiều đường, đặc biệt là bị viêm khớp.

Các loại đường chế biến hay bổ sung được tìm thấy trong kẹo, soda, kem và nhiều loại thực phẩm khác như nước xốt thịt nướng, nước xốt salad và xốt cà chua.

Trong một cuộc nghiên cứu mang tên Arthritis Care Res hồi năm 2018 với sự tham gia của 217 người bị viêm khớp dạng thấp RA, trong số 20 loại thực phẩm, các nước soda có đường và các món tráng miệng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm khớp.

Những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn thường có mức độ interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và homocysteine cao. (Hình: Koichi Kamoshida/Getty Images)

2. Thịt đỏ

Các nghiên cứu khoa học từng chỉ ra rằng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể sẽ làm tăng tình trạng viêm và triệu chứng viêm khớp.

Ví dụ, những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn thường có mức độ interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và homocysteine cao. Và đây chính là dấu hiệu của tình trạng viêm. Trong khi đó, những thực phẩm không bao gồm thịt đỏ lại có thể cải thiện các triệu chứng viêm khớp.

Thực phẩm gluten-free làm giảm hoạt động của bệnh và cải thiện tình trạng bị viêm. (Hình: Elliott Verdier/Getty Images)

3. Thực phẩm có chứa gluten

Gluten là một nhóm protein có trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các loại ngũ cốc khác. Tưởng như nhóm thực phẩm này lành mạnh nhưng nó lại có thể không phù hợp với người bị viêm khớp nặng vì gluten có tiềm ẩn nguy cơ làm tình trạng đau khớp nặng hơn.

Chính vì vậy, nếu bị viêm khớp, bạn nên chọn thực phẩm gluten-free để làm giảm hoạt động của bệnh và cải thiện tình trạng bị viêm.

Các thực phẩm chế biến như thức ăn nhanh không có lợi cho sức khỏe. (Hình: Paul J. Richards/AFP via Getty Images)

4. Thực phẩm được chế biến cao

Các thực phẩm chế biến như thức ăn nhanh, ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung, chất bảo quản, đường fructose đều là các thành phần không có lợi cho sức khỏe.

Những thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp RA bằng cách góp phần gây viêm và béo phì. Hơn nữa, những người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hơn, bao gồm nồng độ glycated hemoglobin (HbA1c) cao hơn, một dấu hiệu lâu dài của việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Omega-6 có trong bơ thực vật, mỡ thực vật và các loại dầu ăn chiết xuất từ bắp hay canola. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

5. Dầu thực vật

Thực đơn ăn nhiều chất béo omega-6 nhưng lại ít chất béo omega-3 có thể làm các triệu chứng đau đầu gối nặng hơn, thường gặp ở những người bị viêm khớp và viêm khớp dạng thấp. Những chất béo này cần thiết cho sức khỏe nhưng sự mất cân bằng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Omega-3 có mặt trong cá, các loại hạt và rau xanh trong khi omega-6 có trong bơ thực vật, mỡ thực vật và các loại dầu ăn chiết xuất từ bắp hay canola.

Khoai tây chiên nên tránh nếu bị viêm khớp. (Hình: Philippe Huguen/AFP via Getty Images)

6. Thực phẩm chứa nhiều AGEs

Các thực phẩm chứa glycation (AGEs) là các phân tử được tạo ra thông qua phản ứng giữa đường và protein hoặc chất béo. Chúng tồn tại tự nhiên trong thực phẩm động vật chưa nấu chín và được hình thành thông qua các phương pháp nấu chín nhất định.

Thực phẩm có hàm lượng AGEs cao bao gồm thực phẩm động vật giàu protein, nhiều chất béo như chiên, quay, nướng hoặc áp chảo như thịt xông khói, gà nướng hoặc chiên, xúc xích nướng, khoai tây chiên, mayonnaise hay bơ thực vật.

Khi AGEs tích lũy với số lượng lớn trong cơ thể bạn, căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm có thể xảy ra. Căng thẳng oxy hóa và hình thành AGEs có liên quan đến sự tiến triển bệnh của người bị viêm khớp.

Những bệnh nhân viêm khớp thường có lượng AGEs trong cơ thể cao hơn những người không mắc bệnh. Sự tích tụ AGEs trong xương và khớp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của viêm khớp.

Chính vì vậy, việc thay thế thực phẩm có AGEs cao bằng các thực phẩm nguyên chất và giàu dinh dưỡng như rau, trái cây, đậu và cá sẽ giúp giảm tổng lượng AGEs trong cơ thể.

Đồ uống có đường như soda nước ngọt hay nước tăng lực sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. (Hình: David McNew/Getty Images)

7. Đồ uống có đường

Đồ uống có đường như soda nước ngọt hay nước tăng lực sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

Trong một cuộc nghiên cứu với sự tham gia của 1,209 người lớn ở độ tuổi từ 20 đến 30, những ai tiêu thụ đồ uống có đường fructose từ năm lần mỗi tuần trở lên có nguy cơ bị viêm khớp cao gấp ba lần so với những người uống ít hoặc không uống đồ uống có đường fructose.

Ngoài ra, đồ uống có chứa fructose cũng có thể dẫn đến sự gia tăng nồng độ uric acid, có thể làm bệnh gout trầm trọng hơn. Không chỉ vậy, nước ngọt và các đồ uống ngọt khác có chứa đường, aspartame và phosphoric acid, cũng gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ calcium của cơ thể. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT