Saturday, April 20, 2024

“Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh”

Ngọc Minh

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

***

Ngọc Minh 

Tháng 2 có ngày lễ Tình nhân nên mình muốn viết về câu chuyện tình yêu của một vị Đạt Lai Lạt Ma. Câu chuyện đã làm mình rung động trong một lần tình cờ đọc được câu thơ, chỉ một câu thôi mà làm cho mình cảm nhận được hết nỗi khổ tâm, dằn vặt trong trái tim con người: “Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh”.

Đạt lai Lạt Ma còn được gọi là Phật sống. Theo truyền thống của người Tây Tạng, Đạt lai Lạt Ma là hiện thân lòng từ bi của chư Phật và Bồ Tát, người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sanh.

Kể từ 1617, Đạt lai Lạt Ma thứ 5 trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng. Mỗi một Đạt lai Lạt Ma được xem là tái sinh của vị trước.

Ở bài này mình viết về vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 và các bài thơ tình của Ông. Vị Đạt lai Lạt Ma thứ 6 – Tsangyang Gyatso – Thương Ương Gia Thố – là người có học thuật rất cao nhưng tuổi đời rất ngắn. Ông mất tích vào năm 23 tuổi và là một trong những thi nhân nổi tiếng nhất Tây Tạng, những bài thơ ông viết nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Tuy là người đứng đầu chính giáo của Tây Tạng, nhưng Ông lại không đủ năng lực để nắm giữ được quyền lực của chính giáo.

Tương truyền khi sống ở quê nhà cùng Cha Mẹ, Ông có cô bạn gái, hai người từ nhỏ đã ở bên cạnh và lớn lên cùng nhau. Cả ngày rong chơi, hái hoa bắt bướm, và như các thiếu niên nông thôn khác giúp gia đình làm nông, trồng trọt, cầy cấy, chăn nuôi gia súc, là đôi bạn “thanh mai trúc mã”, tình cảm vô cùng sâu đậm. Đến năm 14 tuổi Thương Ương Gia Thố tiến nhập cung điện Potala, để làm lễ toạ sàng, trở thành Đại Lại Lạt Ma thứ 6, bị bắt buộc phải chia tay cô người yêu gắn bó thời thơ ấu, Ông đã thốt lên rằng:

“Thế gian nan đắc song toàn pháp,

Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh”

(Đời này cách nào trọn vẹn cả

Không phụ Như Lai, chẳng phụ nàng)

Cuộc đời này có ai được hoàn hảo, có gì là tuyệt đối, làm sao vẹn cả đôi đường? Không phải chỉ riêng một mình Thương Ương Gia Thố cảm thấy đau khổ khi “Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh”. Bản thân chúng ta trong cuộc đời, ai cũng có lúc đứng trước ngã ba đường, và chọn rẻ trái hay rẻ phải thì trái tim cũng nát tan. Người đời nay cũng có nhiều câu thơ về những bất lực không thể vẹn cả đôi đường của mình như:

“Ta đứng đây giữa lưng chừng dốc

Chông chênh ơi ta khao khát chính mình

Nơi này gió, ở nơi kia cũng gió

Nghiêng bên này lại chống chếnh bên kia”

Ông có khoảng 66 bài thơ, các bài thơ của ông phần lớn là miêu tả tình yêu nam nữ và đều được dịch phổ biến thành “Tình ca”. Hầu hết các bài thơ đều thổ lộ nỗi lòng của ông rất hay. Bài nổi tiếng nhất đã dịch qua tiếng Việt là:

“Một đêm, một tháng, một năm, một đời ấy

Đầu tiên tốt nhất đừng gặp nhau, như thế sẽ không phải yêu nhau. Thứ hai tốt nhất đừng hiểu nhau, như thế sẽ không phải nhớ nhau.

Thứ ba tốt nhất đừng giúp nhau, như thế sẽ không phải nợ nhau. Thứ tư tốt nhất đừng luyến tiếc, như thế sẽ không lại nhớ nhau.

Thứ năm tốt nhất đừng yêu nhau, như thế sẽ không phải bỏ nhau. Thứ sáu tốt nhất đừng đối mặt, như thế sẽ không gặp lại nhau.

Thứ bảy tốt nhất đừng lầm lỡ, như thế sẽ không phải phụ nhau. Thứ tám tốt nhất đừng hẹn ước, như thế sẽ không phải dây dưa.

Thứ chín tốt nhất đừng nương tựa, như thế sẽ không phải cận kề. Thứ mười tốt nhất đừng gặp gỡ, như thế sẽ không cần gặp lại.

Nhưng mà, đã từng gặp mặt còn hiểu nhau, gặp lại chẳng thà chưa từng biết. Làm sao có thể cùng người đoạn tuyệt, tránh cho sinh tử hóa tương tư.

Một đêm ấy, ta nghe trọn một đêm Phạn ca, chẳng vì lĩnh hội, chỉ để tìm một chút hơi thở của người.

Một năm ấy, ta dập đầu nằm rạp trên sơn lộ, chẳng vì gặp gỡ, chỉ để kề cận hơi ấm của người,

Một đời ấy, ta chuyển nước chuyển non dời Phật tháp, chẳng vì tu lai sinh, chỉ để giữa đường cùng người gặp lại,

Một đời này, ta thoát khỏi linh hồn bị ràng buộc, chuyển thế luân hồi, chỉ để cùng người gặp lại,

Một năm này, ta tìm khắp trăm núi ngàn sông, đột nhiên quay đầu, đã là biển hóa nương dâu,

Một tháng này, ta quét hết lá bồ đề rụng, chẳng vì nối lại Phật duyên, chỉ để chặt đứt si niệm,

Một ngày này, ta chôn chặt những chuyện đã qua, lại ngưng bước Phật, thế nhưng lòng ta, loạn đã nghìn năm.”

Những câu thơ viết đã mấy trăm năm mà tình yêu con người có khác gì đâu? Cũng gặp, cũng yêu, cũng hiểu và nhớ nhau. Nhưng nhớ nhau, hẹn ước, rồi cũng để làm gì? Để lầm lỡ, để phụ nhau. Vậy có phải tình yêu trên đời này luôn như Ông đau đớn thú nhận?

“Ở trốn hồng trần sâu thẳm nhất

Gió nhạt mây nhòa vội chia phôi”

Mình nghĩ dù có thể Ông đớn đau, giằng xé, dù Ông và người tình của mình không thể mãi mãi bên nhau, nhưng ít ra họ đã gặp nhau và đã từng yêu nhau. Vậy cũng đẹp biết bao.

Chấp nhận tổn thương, chấp nhận đau khổ để yêu và được yêu, để biết có người vì mình mà tương tư, để hiểu cảm giác tương tư một người.

“Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh” – (Sinh vì Phật, sống vì Nàng). Ai lại không mong mình ở trong lòng một người được tha thiết đến vậy? Ai lại không mong mình có một người để ở trong lòng thiết tha dường ấy?

Ông thường cải trang giả làm thường dân, trốn ra khỏi cung điện Potala để tham gia những sinh hoạt dân gian. Năm Ông 23 tuổi bị cho là nhiều lần vi phạm thanh quy, vua Khang Hy cho người bắt Ông đem về Bắc Kinh. Trên đường đi đến gần sông Thanh Hải thì Ông mất tích, không rõ sống chết ra sao? Sau này dựa vào câu thơ Ông để lại, người ta đến Lithang để tìm ra người được xem là sự tái sinh của Ông, đưa về làm vị Đạt lai Lạt Ma thứ 7.

“White crane lend me your wings.

I will not fly far.

From Lithang I shall return.”

(Muốn nhắn tới hạc trắng

Mượn đôi cánh vút bay

Litang đợi đến ngày

Người sẽ quay trở lại)

Có nhiều truyền thuyết về sự mất tích của Ông: Có lời cho rằng Ông bị vua Khang Hy bí mật cho người giết chết. Có lời đồn rằng Ông trốn thoát, vứt bỏ danh vị, mai danh ẩn tích, cùng người con gái “thanh mai trúc mã” thuở nhỏ chu du khắp chốn. Mình thích tin vào truyền thuyết thứ hai, Ông cùng Nàng của mình sẽ nắm tay nhau đi đến một nơi nào đó và:

“Cho ta một chỗ trong trái tim nàng

Yên bình yêu nhau

Trong niềm vui thầm lặng”

Ngày Tình Nhân ở bên một người nào đó, không cần mãi mãi, không sợ mất mát, thương đau, chỉ sợ yêu nửa vời. Hãy yêu một đêm cũng được, một tháng cũng xong, một năm cũng tốt, một đời quá hay, nhưng dốc lòng, dốc sức ngay lúc đó yêu trọn vẹn trái tim. Vậy là đủ.

“Lục tổ Huệ Năng từng giảng: “Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”.

Khi bạn trao đi thiện lương, có thể bạn sẽ không nhận được sự báo đáp ngay lập tức; nhưng nhất định vào một thời điểm khác, trong một hoàn cảnh khác,

Chỉ cần bạn lương thiện, trời xanh đã tự có an bài”. (Ngọc Minh)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT