Friday, April 26, 2024

Chỉnh sửa gene di truyền

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Vào Tháng Mười Một, 2018, khoa học gia He Jiankui đã làm chấn động dư luận khi tuyên bố là, ông đã giúp tạo nên một cặp song sinh đã được chỉnh sửa gene với khả năng chống lại siêu vi HIV, bệnh đậu mùa và cả bệnh dịch tả.

Sau đó, ông He đã bặt tăm, có thể bị quản thúc tại gia, hay bị câu lưu. Nhà cầm quyền Trung Quốc mới đây, cho biết ông He hành động vì háo danh, đã chống lại sự ngăn cấm của trường đại học nơi ông làm, và tiến hành cuộc thử nghiệm trái phép. Hiện nay hai trẻ song sinh đang được quan sát cẩn thận và còn một bé thứ ba đang được mang thai, sắp chào đời.

Để đạt được mục đích, ông He đã sử dụng một công cụ y học phân tử mới phát minh gọi là CRISPR (đọc là cris-per, kris-pơ-r), đại loại như một cái kéo dùng những để cắt những đoạn DNA như người ta dùng cắt vải hay cắt giấy.

Trước đây, ví dụ như, để tạo ra một giống lúa có khả năng  chống lại hạn hán hay sâu rầy, chỉ có cách là cho lai giống, hay cho chiếu tia phóng xạ lên hạt giống, hoặc, ghép gene từ một loại thực vật khác, thậm chí kể cả gene của động vật.

Các phương pháp kể trên đều tốn nhiều công sức, thời gian và không được chính xác cho lắm. Cái kéo CRISPR thật ra rất đơn giản, và không mắc tiền, có thể cắt và giúp chỉnh sửa gene rất chính xác. Hiện nay, CRISPR đã được phép dùng để cấu tạo ra những loại nấm có tuổi thọ cao, hoặc cà chua có vị cay của ớt (để làm sốt cà tương ớt!), hay những trái dâu Tây (strawberries) có mùi đào Tây (peach)…

Tuy nhiên dùng cái kéo CRISPR nầy để chỉnh sửa gene của con người, cho dù trên danh nghĩa để phòng chống bệnh tật di truyền lại là một vấn đề hay một vấn nạn khác.

“Cái kéo CRISPR” được sáng chế như thế nào?

CRISPR được phát minh khi quan sát cách vi trùng chống lại siêu vi virus. Mỗi khi con vi trùng bị nhiễm virus, vi trùng sẽ giữ lại một đoạn DNA của virus để ghi nhớ, lỡ lần sau có bị tấn công lần nữa. Giữa những đoạn DNA nầy sẽ được chèn bằng một đoạn DNA khác để phân chia ra, phân biệt những loại virus khác nhau. Đoạn DNA chèn nầy gọi là  “Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeat” tức là CRISPR! Đơn giản chỉ là một đoạn DNA được lặp lại, để làm dấu. Một khi vi trùng bị siêu vi tấn công lại lần sau, CRISPR nầy sẽ phát sanh ra một “xe chuyên chở RNA” mang theo đoạn DNA của virus đã để lại lần trước. Khi gặp virus có đoạn DNA tương thích, nó sẽ cắt bỏ DNA của virus đúng y chang khuôn mẫu đã để lại, và tiêu diệt virus.

Nguyên tắc nầy được sử dụng để tạo ra CRISPR mang theo đoạn DNA của con người cần phải cắt bỏ.

Trở lại “thí nghiệm” của ông He Jiankui. Ông đã dùng phôi cấy trong ống nghiệm của một cặp vợ chồng mà người cha bị nhiễm HIV. Với CRISPR, ông He đã cắt bỏ đoạn gene có tên là CCR5, kiểm soát cửa ngõ mà HIV dùng để xâm nhập vào tế bào. Sau khi sửa chữa gene, phôi được chuyển vào tử cung của người mẹ, giống như quy trình của việc cấy thai trong ống nghiệm.

Sự chào đời của hai bé gái đầu tiên được sửa chữa gene tạo ra những bàn cãi, hoài nghi, và lo sợ cho tương lai của y học cũng như tương lai của cả nhân loại. Một số thấy lợi ích của việc loại trừ bệnh tật khi còn trong “trứng nước.” Số khác, lo sợ viễn tưởng của việc thiết kế một chủng loại loài người với những khả năng siêu phàm.

Cho dù việc cấu tạo nên những siêu nhân hãy còn xa vời, nhưng những lo ngại gần nhất gồm có, những chỉnh sửa như thế sẽ được di truyền đến đời sau, nhất là nếu có những lỗi lầm xảy ra trong việc cắt xén gene.

Hiện nay, việc chỉnh sửa gene trong phôi đã bị ngăn cấm ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Mỹ. Tuy nhiên theo một thăm dò dư luận của trường Đại Học Tôn Dật Tiên, Sun Yat-Sen University, thì trên 60%  ủng hộ cho việc hợp thức hoá phương pháp chỉnh sửa gene trong phôi thai với mục đích để chữa trị bệnh.

Thật ra, thay đổi một đoạn gene nhỏ để chống bệnh HIV trong trường hợp nầy không đến nỗi sẽ làm thay đổi cấu tạo gene của con người. Hai bé gái chào đời hiện được theo dõi và chưa phát hiện điều gì bất bình thường cả. Mặt khác chữa bệnh khi còn trong trứng nước dễ hơn là chữa bệnh cho người lớn, ví dụ như bệnh Alzheimer, bệnh ung thư, hay bệnh tim mạch chẳng hạn.

Một nhận xét khác lý luận rằng, nhân loại tốn cả tỉ năm để tiến hoá từ một đơn bào, nhưng kể từ đây sự tiến hóa đang xảy ra với một tốc độ nhanh chóng quanh ta. Ví dụ, không riêng gì việc cấy ghép gene, mà chính những phát minh trong kỹ nghệ tin học, điện thoại cầm tay, AI (artificial intelligence) cũng đã thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại nhanh hơn cả trăm năm trước.

Dù sao đi nữa, một phát minh khoa học mới, bao giờ cũng có những điều lợi và hại. Nó sẽ tốn thời gian để hội nhập và có khi phải thay đổi để trở thành những tiện ích cho nhân loại.  Chỉnh sửa gene bằng CRISPR có thể sẽ không đến nỗi đáng sợ, và sẽ là giải đáp cho nhiều vấn đề thay vì chính nó là một vấn nạn. (BS Hồ Ngọc Minh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT