Saturday, April 27, 2024

Couvent des Oiseaux một thời để nhớ

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Những tà áo dài đủ màu sắc tha thướt. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Nếu ai hỏi tôi trang phục gì đẹp nhất cho phụ nữ Việt Nam, tôi sẽ không chút do dự mà trả lời ngay: “Đó là chiếc áo dài.”

Áo dài là quốc hồn, quốc túy, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Áo dài tôn vinh nét đẹp thuần khiết, dịu dàng, đoan trang tinh tế của phụ nữ Việt Nam.

Ngày Thứ Bảy, 8 Tháng Mười, các cựu nữ sinh trường Couvent des Oiseaux từ khắp nơi bay về tham dự ngày lễ họp mặt truyền thống sau ba năm bị gián đoạn do dịch COVID-19.

Trong đại sảnh sang trọng của khách sạn Double Tree ở thành phố Santa Ana, tôi ngồi ngắm nhìn ngất ngây những tà áo dài đủ màu sắc tha thướt tung bay như lạc vào cõi mơ.

Các cô ban tiếp tân trong tà áo dài trắng tinh khôi như đánh thức kẻ si tình Nguyên Sa “tương tư” tà áo trắng mà viết rằng:

“Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?”

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với bài nhạc nổi tiếng phổ thơ Nguyên Sa:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”

Vâng, những tà áo lụa mềm mại quấn quýt từng gót chân hài bước theo điệu nhạc vui trong phần trình diễn áo dài của cựu nữ sinh niên khóa 81, 82, 83 đã mở đầu cho chương trình văn nghệ chào đón quan khách. Sân khấu như bừng sáng khi 12 cựu nữ sinh duyên dáng trong nhạc phẩm “Bốn Màu Áo” gồm Kim Chi, Bích Huyền, Tuyết Nga, Bích Liễu, Ngọc Vân, Nguyệt Trinh, Vỹ Lương, Bích Loan, Thanh Hương, Phương Lan, Tuyết Anh, Thu Vân.

Tiếp theo sau là hoạt cảnh diễn lại một thời đầy mộng mơ của tuổi học trò dưới mái trường thân yêu. Từng hàng cây, sân trường, bàn học, bảng đen, soeur, thầy cô, bạn bè với biết bao kỷ niệm ghi dấu khó phai được tái tạo sống động qua hoạt cảnh “Sacré Charlemagne” của niên khóa 78, 71, 74, 76, 81, 83.

Nhạc cảnh chỉ một từ “Hiền” của niên khóa 76, 81, 82 trình bày. Thơ “Rơi” (Lâm Kim Nguyễn), phổ nhạc Hiền Minh, hòa âm và video Trang Thanh Trúc. Hai giọng hát hòa quyện vào nhau nghe thật thấm thía về sự vô thường của cuộc đời do chị Hiền Minh và Trang Thanh Trúc trình bày. Trang Thanh Trúc từ Pháp sang, một người vô cùng đa tài dạy xếp Kirigami/ Origami, là nhạc sĩ hòa âm, đàn piano, vẽ và chụp hình đẹp tuyệt.

Hoạt cảnh tươi vui đầy thích thú cho khán giả là “Hoa Đồng Cỏ Nội” của niên khóa 71, 79, 80, 82 diễn tả miền thôn quê thanh bình, lúa ươm vàng nặng trĩu hạt trên cánh đồng phì nhiêu.

Rồi “Khung Trời Xưa” do chính tác giả Quế Phương trình bày rất dễ thương.

Tôi vô cùng xúc động nhớ đến quê hương khi xem điệu vũ xuất sắc với áo dài tứ thân tuyệt đẹp do các chị niên khóa 75, 76, 79, 80, 82, 83, 84 đảm trách. Trên nền nhạc “Ngàn Dặm Ra Đi” giọng cô Thái Thanh cao vút, luyến láy làm thổn thức trái tim người xem. Áo dài tứ thân màu sắc đẹp hài hòa, đầu quấn khăn đen các chị vũ đạo uyển chuyển nhịp nhàng, tha thướt theo từng câu hát. Khán giả tấm tắc khen ngợi chị Bạch Thái Hảo, biên đạo múa, tài tình đã dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Tất nhiên không thể nào không nhắc đến những bài nhạc Pháp tuyệt tác được các cựu nữ sinh niên khóa 72 trình diễn cùng nhau hát vang bài nhạc Pháp nổi tiếng “Le Temps de l’amour.”

Một Dolly Bích Ngọc sâu lắng qua nhạc phẩm “Bonjour Vietnam.”

Rồi cả khán phòng cùng chúc mừng cho các Couventines niên khóa 80 vừa tròn 60 tuổi với nhạc phẩm “60 Năm Cuộc Đời” của Y Vân.

Cựu nữ sinh trường Couventines học Pháp văn từ lớp tiểu học cho đến lúc thi lấy bằng tú tài Pháp toàn phần nên họ rất am tường ngôn ngữ và văn hóa của đất nước này. Nhưng không phải vì thế mà họ đánh mất bản sắc, tâm hồn Việt.

Dưới sự giảng dạy kỹ lưỡng, sâu sắc của các soeur và thầy cô, họ được đào tạo thành những người hữu ích. Trí thức uyên bác, giỏi đều nữ công, gia chánh, thêu thùa may vá. Họ rất thành công trên xứ người. Nhưng quê hương Việt nam vẫn nằm sâu trong tim. Họ còn có đam mê viết sách hoặc dịch thuật. Xin được giới thiệu vài cuốn sách gây tiếng vang cho độc giả khắp nơi như “Thiên Mệnh Không Còn” (do chị Hiền Minh cùng vài người bạn nghiên cứu và dịch thuật), “Behind the Red Curtain” (Hồng-Mỹ Basrai), “Một Giấc Mơ Trôi” (Bích Dung), “Những Nhánh Sông Mất Biển” (Thu Thuyền)…

Với tình yêu nước nồng nàn các cựu nữ sinh Couventines đã quyên góp không ngừng nghỉ để giúp đỡ cho biết bao học sinh ở những miền quê nghèo, xa xôi ở Việt Nam có điều kiện đến trường hoặc giúp dân nghèo thoát khỏi cơ cực, khốn khó. Một trong những vị mạnh thường quân đó mà tôi biết được là Tuyết Nga, Bích Huyền, Thanh Liên, Daniel…

Buổi họp mặt truyền thống của các cựu nữ sinh trường Couvent des Oiseaux trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 8 và 9 Tháng Mười, với chủ đề “Một Thời Để Nhớ” từ khâu tổ chức quy củ, trật tự, đến phối hợp nhịp nhàng của những thành phần nòng cốt trong ban tổ chức như chị Kim Loan, Kim Chi, Ly Lan, Phi Nga, Thùy Phương và Bích Huyền. Ngoài sở trường chuyên môn họ còn có tấm lòng yêu thương trường lớp, thầy cô và bạn bè vô điều kiện mới đem hết cả tài năng, kiến thức dựng lên chương trình thật quá tuyệt vời như thế.

Xúc động nhớ đến quê hương khi xem điệu vũ xuất sắc với áo dài tứ thân tuyệt đẹp do các chị niên khóa 75, 76, 79, 80, 82, 83, 84 đảm trách. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Tôi chắc rằng quan khách tham dự hai ngày cuối tuần vừa qua, có cả một đời còn lại để nhớ đến chương trình thật đặc sắc, vui nhộn và ấm áp tình yêu thương nồng nàn trong năm 2022 này, đúng như nhạc phẩm “Tôi Muốn” của Lê Hựu Hà hát kết thúc mà mọi người cùng hát vang:

“Tôi muốn mọi người biết thương nhau
Không oán ghét không gây hận sầu
Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau
Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu…” (Bích Ngọc) [qd]

MỚI CẬP NHẬT