Thursday, March 28, 2024

Giã từ Toy R Us, một thời thế giới trẻ thơ

Tuyết Vân

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Khi nghe Toy R Us sẽ đóng cửa vì bị phá sản lòng tôi có ít nhiều xúc động.

Toy R Us là tiệm đồ chơi lâu năm và lớn ở Mỹ. Gia đình nào có con nhỏ cũng đều gửi lại một ít kỷ niệm với tiệm đồ chơi này.

Chúng tôi biết Toy R Us trước khi đứa con trai ra đời. Hai vợ chồng cũng tính bỏ ra số tiền nhỏ sắm sửa phòng ốc chuẩn bị cho cháu, nhưng khi tới nơi thì chúng tôi đã bỏ ra gấp đôi số tiền mình dự định dùng.

Đồ ở đây đẹp quá. Cái gì cũng có. Với một bà mẹ mới và muộn con như tôi, món nào cũng trở nên đầy “cám dỗ.”

Tôi lớn lên không có đồ chơi ngoại trừ con búp bê của chị tôi chuyền xuống. Vào đây, lại thấy muốn thành trẻ con để được sở hữu những món đồ chơi này. Tiệm nằm ở thành phố Huntington Beach, gần trường Golden West college. Tiệm được coi là hạng sang trọng. Cái cuộc viếng thăm lần đó là bắt đầu cho những chuyến viếng thăm sau này theo với sự lớn lên của hai đứa con trai.

Cứ mỗi sáng Chủ Nhật chúng tôi lại coi tờ quảng cáo của Toy R US trên tờ báo Register của Orange County mình. Tờ quảng cáo đẹp lắm, nền giấy bóng, vì là đồ chơi, nên màu sắc rất bắt mắt.

Mùa Giáng Sinh tiệm lại in catalog giới thiệu những đồ chơi mới cho ra vào dịp lễ lớn. Chúng tôi và hai đứa con cháu đầu coi để tính trước món nào nên mua, món nào không.

Mùa Lễ Tạ Ơn, trong khi bạn bè dậy sớm ra mall để mua quần áo và vật dụng trong nhà, tôi ra Toy R Us để mua đồ chơi cho con. Cứ nghĩ là tiệm đồ chơi thì đâu có ai phải xếp hàng chờ đợi, vậy mà cũng khối người tới rất sớm để mua được những món hàng với giá đặc biệt. Đó là cái năm tôi mua chiếc xe đạp lớn cho Andrew, và năm sau, mua cái piano nhỏ cho Leonard. Cũng nhờ cái piano con nít đó mà tôi đánh được bản “Kìa Con Bướm Vàng” đó chứ.

Mỗi lần dẫn các con tới tiệm Toy R Us thì cũng như dẫn các con đi chơi vậy. Phải nói đây là rừng đồ chơi. Hai đứa nhỏ đi dọc theo từng quầy hàng và xem xét các món đồ chơi khác nhau. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng kèn đồ chơi vang lên bởi những món đồ này có cái kèn với mấy chữ “Thử Tôi Đi” (Try Me).

Gần như đứa con nít nào cũng phải vài lần bấm qua. Một lần khi Andrew lên ba tuổi, chúng tôi dẫn cháu đi mua món đồ chơi mà cháu đã muốn mua trước đó. Tới nơi, cháu lại thấy một món đồ chơi mới khác và cứ khăng khăng ôm chặt lấy món này. Khi thấy tôi không cho mua, Andrew khóc rất to, dỗ mãi vẫn không nín. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi mắc cỡ với người xung quanh thì quầy hàng bên cạnh một cháu trai khác cũng bắt đầu khóc to không kém cùng với lý đó tương tự. Hai bà mẹ nhìn nhau lắc đầu cười. Những bà mẹ khác cũng cười nhưng chêm vào, “Con nít dễ thương làm sao!” (They are so cute).

Đồ chơi của Toy R Us đẹp và bền. Mấy năm trước tôi vẫn giữ lại những món đồ chơi đặc biệt để làm kỷ niệm cho hai đứa con. Nói vậy chứ thật ra để kỷ niệm cho chính mình thì đúng hơn. Tụi trẻ lớn lên, chơi game, có Internet, và những social network như Facebook, Snapchat, những món đồ chơi đặc biệt này nằm im lìm trong thùng cạc-tông lớn, như câu chuyện phim Toy Story của thập niên 90. Ông anh họ khuyên tôi nên đem gửi cho các hội từ thiện.

Anh nói, kỷ niệm là trong óc trong tim mình chứ không cần phải qua vật chất. Những gì mình không dùng được thì nên để người khác dùng. Và tôi thật sự thấy vui khi những món đồ chơi của Toy R Us lại một lần nữa làm vui các trẻ con khác.

Khi hai đứa con trai lớn dần thì những chuyến đi tới Toy R Us cũng ít dần. Một lần, người bạn trẻ cùng sở cho tôi biết những món đồ chơi đang có giá hạ đặc biệt ở đây, tôi đã trả lời với một sự kiêu hãnh, “đã năm năm rồi tôi không còn mua đồ chơi nữa,” tôi muốn nói là các con của tôi đã lớn hết rồi đó.

Vậy mà hôm nay nghe Toy R Us sắp đóng cửa lòng tôi lại thấy bùi ngùi.

Cuộc sống thì lúc nào cũng có sự thay đổi. Mặt trời lên rồi mặt trời xuống. Nhưng sự ra đi của Toy R Us tôi cho là một tổn thất lớn với trẻ em. Ngay cả người lớn như chúng ta cũng thấy rộn ràng khi bước vào đây. Cái cảm giác rộn ràng chỉ ở Toy R Us mới có.

Tiệm đã chuẩn bị đóng rồi. Tiếng kèn đồ chơi nơi đây giờ chỉ còn là âm thanh trong tâm tưởng.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm bắp nếp xào tôm”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT