Tuesday, March 19, 2024

Ground zero – tọa độ số không, nơi nước mắt vẫn rơi

Bang Le

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Tôi đến New York sau chuyến bay đêm dài tám tiếng. Đồng hồ chỉ 9 giờ sáng nơi này. Tháng Tư ẩm ướt, mưa nhiều đã qua, vậy mà cơn mưa trái mùa làm trời trở lạnh, 16 độ C. Thành phố như khoác chiếc áo mù sương. Các tòa nhà sững cao co nép mình tìm hơi ấm.

Đất chật, nhà cao, người hối hả là cảm giác đầu tiên của tôi về New York. Hình như mình đã quen với cái thoáng đãng, cái rộng rãi, bao la ở những nơi từng qua trên xứ này. Ngộp!

Mặc vội áo khoác, tôi lang thang qua các địa danh nổi tiếng: Phố Walls, Times Square, Broadway, Empire state… đâu cũng thấy bê tông hình khối, đâu cũng thấy người xe tấp nập, đâu cũng thấy bước chân hối hả, vội vàng. Đời người quá ngắn, sao cứ phải vội?!

New York – trung tâm tài chính của cả thế giới, niềm tự hào của nước Mỹ là đây. Nỗi đau của người Mỹ cũng là đây.

Loanh quanh dọc theo con phố Walls ngắn ngủn, đụng nhà thờ Trinity, bọc sau lưng vài trăm mét là đến Ground zero – tọa độ số không. Đây từng một thời là niềm hãnh diện của Hoa Kỳ, từng một thời sừng sững vươn cao hai tòa nhà kiêu hãnh – Tháp đôi World Trade Center- biểu tượng sức mạnh tài chính Hoa Kỳ, đầu não chi phối toàn bộ kinh tế của cả thế giới. Giờ, là con số không, là hai hồ nước, chỉ hai cái hồ nước trong veo, bé tẹo.

Hình như càng ngẩng cao đầu hãnh tiến, người ta lại càng dễ ê chề tủi hận.

Sau cuộc khủng bố đau thương 9.11, phải mất tám tháng người ta mới dọn dẹp xong đống đổ nát nơi đây. Đau, đau lắm!

Bên kia, tiếng chuông nhà thờ thoảng ngân, nguyện xoa nỗi đau của non ba ngàn con người vô tội. Tiếng kêu cứu hoảng loạn, âm thanh gào thét đớn đau như vẫn còn vọng vang đâu đó. Chúa trên cao chắc cũng buồn đau tự hỏi: bọn bây đều là người?

Giờ, bên cạnh khu di tích thảm đau lại mọc lên một tòa nhà kiêu hãnh khác – Freedom Tower. Nó cao hơn trước, hãnh tiến hơn xưa nhưng đầy e dè, cẩn trọng. Nỗi đau làm sao dập tắt được khát vọng vươn cao. Ý chí Mỹ là đây.

Chớp mắt, mười bảy năm, bấy nhiêu thời gian hẳn đủ dài để vết cắt liền da, để đau thương chặt giấu; Vậy mà tôi vẫn thấy nước mắt rơi. Nó chảy không ngừng như dòng nước sông Hudson tuôn vào hai hồ nước. Nó chảy hoài, chảy hoài như muốn tẩy sạch hết buồn đau, xóa hết lòng thù hận. Nó lặng mình soi bóng tòa tháp sinh sau, nó mở to mắt nhìn vần xoay thời cuộc. Nước vẫn chảy, nước mắt vẫn cứ rơi, tí tách, tí tách âm thầm!

Vâng, nỗi đau giờ đã được dịu xoa. Chứng tích vẫn hãy còn, mà dẫu có xóa thì sao mà làm lành được vết cắt trong tim. Chẳng thà…

Hai chiếc hồ nằm chơi vơi, trơ trọi, lọt thỏm giữa bao tòa tháp. Nó nằm lặng yên câm nín. Bản thân nó đã nói đủ lời: Xin hãy thương yêu, xin đừng thù hận.

Nước mắt vẫn rơi.

Tọa độ số “Không”.

Sắc sắc, không không!

Không không, sắc sắc!

New York không chỉ có ký ức buồn, New York còn có khu Broadway thâu đêm đèn sáng. New York có khu Times Square, có count down với sâm panh nổ rộn, có đảo Mahathan dọc dài như cái lưỡi thè dài mơn trớn hòn đảo con Ellis island với tượng Nữ Thần Tự Do.

Lưỡi này có thật, không hoang tưởng, không xực dơ, táp bẩn như cái lưỡi bò không xương trơ trẽn ở biển Đông.

Hè New York.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT