Wednesday, May 8, 2024

Liên hệ giữa tuổi tác và chuyện ăn uống

 

BS. Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

“Ăn được, ngủ được là tiên. Không ăn, mất ngủ là tiền mất đi”.

Ai ai cũng phải ăn để mà sống. Chúng ta cần thực phẩm và dinh dưỡng mỗi ngày, nhưng mối liên hệ giữa thực phẩm và tuổi tác đi dọc theo chiều dài của năm tháng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của chúng ta.

Sự tương tác giữa con người và thức ăn có khi rất đơn giản, ăn gì qua bữa cũng xong, nhưng có khi rất cầu kỳ xa hoa, tùy theo nguồn thức ăn có nhiều hay ít, tốn phí bao nhiêu, và tùy vào động lực thúc đẩy từ bên ngoài, tiệc tùng, đãi đằng cho thiên hạ này nọ. Tuy nhiên, đơn giản hay cầu kỳ, nghèo hay giàu, tốn ít hay nhiều, mọi người muốn ăn ngon miệng đều phải có chung một điều kiện tiên quyết là sự thèm muốn, muốn ăn, gọi là “appetite”.

Appetite, sự thèm ăn này không đơn thuần là thèm ăn khi đói. Bình thường, chúng ta vẫn ăn cho dù không đói lắm, và cũng có khi, bỏ ăn cho dù bụng đói meo như khi bị stress chẳng hạn. Ăn nhiều hay ăn ít trong xã hội ngày nay, lệ thuộc không những vào mùi vị của thức ăn, mà cả môi trường, hoàn cảnh, cũng như bị xúi giục bởi các thông tin quảng cáo.

Sự thèm ăn cũng thay đổi tùy theo tuổi tác. Ngay chính Shakespeare trong một kịch bản, cũng miêu tả có bảy lứa tuổi thèm ăn. Ta hãy lần lượt đi qua các giai đoạn.

1. Thập niên thứ nhất

Trong mười năm đầu tiên của cuộc đời, những thói quen về ẩm thực hình thành sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai sức khỏe về sau khi trở thành người lớn.

Em bé khi mới bắt đầu ăn thức ăn thường không quen hay không thích một vài món ăn nào đó là chuyện bình thường, cần đến sự khuyến khích của cha mẹ. Ví dụ, hầu như không có trẻ em nào thích ăn rau cải vì không có hương vị gì ngon miệng cả, nhưng là chuyện nên tập cho con trẻ từ bé. Ngược lại, khuynh hướng ép con ăn cho sạch bát chén vì sợ tội của trời, cũng không đúng vì trẻ sẽ có thói quen ăn nhiều cho dù bụng đã no. Con trẻ ăn nhiều khi còn bé có khuynh hướng béo phì về sau khi lớn. Ngoài ra nên bảo vệ trẻ em không nên ăn đồ ăn junk food do kỹ nghệ thực phẩm quảng cáo xúi giục, để tránh hậu họa về sau.

2. Thập niên thứ nhì

Trong tuổi nhổ giò, sự thèm ăn của thanh thiếu niên bị thúc đẩy bởi những thay đổi về hormone. Thực phẩm lựa chọn trong thời gian này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, thể lực, chiều cao, sức nặng, vừa sẽ tạo thành nề nếp và lối sống về sau, có khi không những cho cả cuộc đời còn lại, mà cho cả thế hệ sau này khi họ trở thành bậc cha mẹ. Ăn uống đúng sai có thể ảnh hưởng đến tương lai sức khỏe của cả một gia tộc!

3. Thập niên thứ ba

Ở lứa tuổi trưởng thành, nề nếp sống thay đổi như khi vào đại học, mới nhập cuộc vào xã hội, lấy chồng lấy vợ có thể làm cho thay đổi về cân lượng, đa phần là tăng cân, béo phì.

Sự thèm muốn về ăn uống ở tuổi này, chịu ảnh hưởng của hai động lực cắn rứt lẫn nhau, ăn khi đói và chỉ ăn vừa đủ. Cộng thêm vào đó là những yếu tố về tâm lý và sinh lý, dễ thúc đẩy người ở lứa tuổi này ăn nhiều hơn nên dễ tăng cân.

Mỗi một loại thức ăn dẫn truyền tín hiệu đến não bộ khác nhau. Ví dụ, khi ăn chất béo và chất ngọt, não bộ chậm biết no cho đến khi bao tử căng phình lên. Vì thế có người có thể ăn một thố kem, hay nửa nồi chè dễ dàng mà không biết chán. Ngược lại, thức ăn có nhiều protein và chất xơ sẽ làm cho ta có cảm nhận no lâu hơn. Vì thế biết cân bằng thành phần của thức ăn sẽ có lợi cho sức khỏe.

4. Thập niên thứ tư

Stress vì công ăn việc làm ảnh hưởng đến chuyện ăn uống của thế hệ này nhiều nhất, gần đến 80%. Lứa tuổi này cũng là lứa tuổi thích ăn uống cầu kỳ, cao lương mỹ vị ,hoặc thích tìm hiểu các thức ăn lạ, tùy theo tình trạng xã hội, cá tính, và cũng là cách để chống lại stress.

Nói chung, cách ăn uống của lứa tuổi 30 đến 40, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi kết hợp với stress.

5. Thập niên thứ năm

Theo nguồn gốc chữ Hy Lạp, từ “diet” đến từ chữ “diaaita” có nghĩa là “lề lối sống, cách sống”.

Ở tuổi này, “đầu óc đã có sạn”, con người ta sống theo thói quen, ít khi thay đổi cho dù biết rằng lề lối sống, chế độ ăn uống không được lành mạnh. Ví dụ như hút thuốc lá, uống rượu mạnh, thiếu vận động. Cũng vì thế bệnh tật như trụy tim, ung thư bắt đầu đổ ra ở lứa tuổi này.

Tuy nhiên, ở tuổi này vẫn chưa trễ để thay đổi thói quen ăn uống được lành mạnh hơn để giảm nguy cơ bị các bệnh “mỡ, đường máu”.

6. Thập niên thứ sáu

Sau tuổi 50, ta bắt đầu mất khối lượng bắp thịt vào khoảng từ 0.5 đến 1% mỗi năm. Cộng thêm vào đó là sự thiếu vận động, ăn uống thiếu protein và giảm hormone trong phụ nữ cũng như đàn ông làm tăng thêm tốc độ của hiện tượng mất khối lượng bắp thịt.

Vì thế ở tuổi này, nên tăng cường vận động và chú trọng ăn uống đầy đủ nhiều protein hơn. Tối thiểu lượng protein cần để bảo trì cho một người lớn, vào khoảng 60 gram mỗi ngày, độ chừng hai nắm tay thịt, cá, đậu hủ, hay các loại đậu. Trên thực tế, lượng protein cần có thể lên đến 100 gram hơn mỗi ngày.

7. Thập niên thứ bảy trở lên

Trên 60 tuổi được kể là cao niên. Ở tuổi này chủ yếu là sống vui, sống khỏe và sống thọ. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng rất quan trọng ,vì ở tuổi này có người sẽ biếng ăn, ăn không còn ngon miệng nữa. Thêm vào đó, mất mát bạn đời, cô đơn buồn chán, răng miệng yếu, khả năng nếm và ngửi mùi, khứu giác và vị giác không còn được như xưa sẽ làm cho người già không muốn ăn. Nếu ăn uống không đầy đủ sẽ dễ sanh bệnh, ví dụ như bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Tóm lại, “ăn để sống”, nhưng cũng nên cân bằng với “sống để ăn”. Thức ăn không đơn thuần là nguồn năng lượng mà còn là những cơ hội để vui với bạn bè, người thân. Hồi nhỏ, tôi đọc chuyện viễn tưởng về một xã hội văn minh tiến bộ mai sau con người ta không cần ăn mà chỉ cần uống một viên thuốc là đủ. Bây giờ nghĩ lại, sống mà không ăn, không hưởng thụ là một cơn ác mộng kéo dài cả cuộc đời, sống như thế thì không đáng sống vì chán đến chết!

Sống và ăn là hai chuyện hổ tương, sống là phải ăn. Chỉ có điều ăn uống cho điều độ, nhưng vẫn thú vị trong cái ăn, tất cả đều tốt cho sức khỏe.

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT