Monday, May 20, 2024

Nhật ký COVID-19: Bình an để sau dịch còn cơ hội gặp lại nhau

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Hà Thanh Phúc

Tặng quà cho bệnh viện Điều Trị COVID-19 Trưng Vương. (Hình: Hà Thanh Phúc)

Lệnh giãn cách thêm một tháng, mọi người chán nản nhắn tin nhau. Hai người em của mình, người thì bảo qua dịch sẽ dẹp thẩm mỹ viện, và người sẽ trả mặt bằng cửa hàng quần áo vì không cầm cự nổi nữa. Dù biết đó là điều khó tránh khỏi nhưng vẫn buồn.

Rồi mọi người hỏi, thế còn anh, vì phòng trà sẽ là thứ được phép 100% công suất, cùng chung số phận với quán bar; có lẽ cuối năm hoặc nhanh nhất Tháng Mười Một mới có thể sáng đèn. Trải qua mấy tháng đại dịch, lúc này mình cũng chẳng còn xúc cảm gì nhiều về chuyện mất còn sáu cơ sở kinh doanh, mà quan trọng là còn hơi thở, an toàn trong nhà.

1.

Sài Gòn không còn là “cảm sốt một chút” sẽ khỏi mà đã trở nặng, ung thư với những khối u di căn khắp nơi và đang được xạ trị. Con số người mất quá nhiều…

Còn nếu trắng tay thì làm lại từ đầu, lại lùi lại như 13 năm trước, khởi nghiệp từ con số 0.

Một người chị ở quê hỏi mình về việc chích vaccine, mình vẫn khuyên những người thân của mình một lần nữa là hãy chích ngay khi có thể, trước khi quá muộn. Với những bạn khác mình xin phép không đưa ra lời khuyên gì, tự các bạn chịu trách nhiệm với cơ thể bạn thôi.

Vaccine chỉ giúp bảo vệ mình trong sáu tháng. Đó là lý do mà người nhiễm rồi hết bệnh thì có kháng thể y như người đã chích hai mũi là vậy. Và sáu tháng sau họ mới nên chích lại. Đó là kháng thể tự nhiên! Những người đã nhiễm COVID-19 khỏi bệnh và những người chích vaccine sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng. Ba mẹ mình dưới quê dù lớn tuổi, những người khác trên 65 tuổi được chích Moderna, tới lượt ba mẹ chỉ còn AstraZeneca. Chích luôn!

Có một mũi, thậm chí hai mũi, vẫn mắc bệnh, nhưng khả năng chết rất thấp. Còn chưa mũi nào thì bệnh sẽ dễ tiến triển nặng. Mà khả năng mắc bệnh của bạn bây giờ nó cao y như xác suất bạn thua cuộc trong trò chơi rút thăm trúng thưởng vậy.

Ngoài ra, nên nhớ hãy thật cẩn thận khi đi chích, sau chích vì đông người, dễ lây nhiễm chéo vì không biết có bao nhiêu F0 (người nhiễm bệnh) trong những người đi chích. Và nếu có điều kiện, hãy test để bảo đảm mình âm tính trước tiên.

Bình an nha mọi người, cố gắng để sau dịch mình còn cơ hội gặp lại nhau.

2.

Hôm nay đi trao máy thở, vừa vui vừa thương vừa sợ vừa buồn.

Vui vì có một máy thở thôi mà các y bác sĩ đích thân ra nhận, trân quý. Thương vì trong khi mình mặc đồ bảo hộ level 3 – trùm kín mít – mà các bác rất phong phanh vì “tiết kiệm đồ.”

Thương vì đích thân phó giám đốc bệnh viện Dã Chiến Số 6 – Bác Sĩ Dương – ra tận phía ngoài đón mình dù đang đầu tắt mặt tối với bệnh nhân, họp hành. Khi mình về rồi vẫn gởi lời cảm ơn chân thành.

Thương vì Bác Sĩ Kim ở bệnh viện Quận 11 mặc đồ level 4 nóng đổ lửa rất kiên nhẫn đứng ngoài nắng cùng mình chờ lắp ráp máy. Thương vì ánh mắt lấp lánh của chị Hương ở bệnh viện Dã Chiến Số 2 khi có thêm cơ hội sống dành cho nhiều người từ một máy thở nhỏ nhoi này.

Có chút buồn khi nghe các bác nói vừa xuất viện được một ít lại ập vào, vẫn quá sức chứa. Mỗi bệnh viện Dã Chiến khoảng 2,500 đến 3,500 bệnh nhân, mà số y bác sĩ chỉ khoảng gần 100…

Chỉ khi nào hết quá sức chứa thì mới có nghĩa là hết dịch… Buồn vì biết được mức lương của các bác quá thấp so với sự nguy hiểm phải gánh chịu và nỗi thương nhớ gia đình. Buồn vì thiếu thốn trăm bề nhưng đăng Facebook xin là sẽ bị kiểm điểm, nên phải giữ thể diện cho ngành. Thương… và buồn!

Còn sợ, chỉ sợ COVID-19 thôi, không có gì khác.

Có những tổn thương làm mình rất buồn trong quá trình làm thiện nguyện thời gian qua nhưng mình sẽ không tiện nói ra lúc này, thời điểm nhiều nhạy cảm. Và điều đó cũng không làm mình chùn bước… Từ thiện khó lắm. Thật.

Tặng quà cho bệnh viện Dã Chiến Thu Dung Điều Trị COVID-19 Số 2. (Hình: Hà Thanh Phúc)

3.

Hôm qua, lại hay tin mẹ của một ông anh khá thân qua đời vì COVID-19 và gia đình có đến tám người bị nhiễm bệnh, trong đó có hai trẻ nhỏ mà lòng mình buồn hơn bao giờ. Gia đình đã trải qua bốn lần tầm soát âm tính nên cũng không nghĩ bị nhiễm COVID-19 và không kịp trở tay. Tất cả cũng không gặp ai, chỉ đi test cộng đồng.

COVID-19 không còn là câu chuyện của “ai đó xa xôi,” chắc nó chừa mình ra. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân khi số người nhiễm bệnh cứ liên tục xuất hiện. Bệnh viện dã chiến thu dung, bệnh viện điều trị COVID-19 mọc lên liên tục nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá sức chứa, không đủ nhân lực. Và tình cờ mình biết được mức lương của các y bác sĩ, nhân viên y tế mà thương vô vàn.

Victoria (Úc) cũng vừa bước vào lần lockdown thứ sáu. Nước Mỹ – nơi người dân được chích ngừa vaccine nhiều nhất nhì thế giới với loại vaccine xịn sò Pfizer, Moderna – cũng đang lo ngại khi số ca nhiễm lại bắt đầu tăng cao trở lại với biến chủng Delta. Chúng ta nói về “ngày hòa bình: không xa nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị tinh thần cho những gì tệ nhất.

Một số người bạn của mình vẫn bỏ qua cơ hội chích AstraZeneca mà chờ Moderna, Pfizer. Dĩ nhiên, đó là lựa chọn của các bạn khi muốn chích thứ tốt nhất vào người nhưng mình chỉ thực sự khuyên hãy chích ngay khi có cơ hội, vì nhiều khi chờ được tới lượt chích mà mình xui xui mắc bệnh trước lúc chờ đợi thì hối hận cũng đã muộn màng.

Vaccine có thể chích trộn, có thể chích nhắc nhiều mũi về sau nên nếu chưa được Pfizer hay Moderna thì về sau có dịch vụ mình chích thêm. AstraZeneca không quá tệ, được Pfizer hay Moderna thì quá sướng, còn không được không sao! Miễn bạn còn cơ hội Sống, ý nghĩa của liều vaccine là vậy.

Nhiều người chết lắm rồi, trong đó có cả những người chết vì kén vaccine nên nhiễm bệnh rồi qua đời… Còn ai chưa được chích, hãy cố gắng bảo vệ mình thật kỹ, rửa tay thường xuyên, test COVID-19 tầm soát để phát hiện sớm, theo dõi chỉ số SpO2 (viết tắt của cụm từ Saturation of Peripheral Oxygen, là độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên, SpO2 bình thường là ≥ 97%, tức tình trạng oxy hóa trong máu được xem là bảo đảm. Nếu chỉ số dao động 97%-92%, vẫn còn trong giới hạn chấp nhận được, người bệnh theo dõi tại nhà), tình trạng cơ thể (mệt, mất vị giác, ho, đau họng…)…

Mình đang rất “downmood” nên cũng chẳng muốn lan tỏa điều gì ngoài việc nguyện cầu cho thế giới bình an. (Hà Thanh Phúc) [qd]

MỚI CẬP NHẬT