Tuesday, April 23, 2024

Những nguyên nhân làm cho kinh nguyệt bất thường

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh & Bác Sĩ Hồ Vũ Mỹ Liên

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Kinh nguyệt của phụ nữ kéo dài từ ba đến bảy ngày. Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt khác nhau tùy theo mỗi người, vì thế, chu kỳ được kể là bình thường nếu số ngày hành kinh đều đặn, không thay đổi.

Ví dụ khi kinh nguyệt thường kéo dài khoảng năm hay sáu ngày nhưng nay chỉ còn lại hai ngày, như vậy là bất thường. Để cho kinh nguyệt được điều hòa, các hormone liên hệ đến sự rụng trứng và hành kinh phải cân bằng và thay đổi theo chu kỳ mỗi tháng. Có một số lý do làm vòng kinh thay đổi, như sử dụng thuốc ngừa thai mới, hoặc bị stress, và có những nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến sự cân bằng của hormone sẽ làm thay đổi kinh nguyệt.

1. Liên hệ đến tuổi tác

Đường kinh có thể thay đổi tùy theo mỗi giai đoạn và lứa tuổi. Ở hai đầu tuổi khi kinh mới bắt đầu và lúc tiền mãn kinh là lúc sự cân bằng của hormone bị mất ổn định. Trong giai đoạn tuổi dậy thì, lượng hormone bắt đầu thay đổi hằng tháng theo chu kỳ kinh nguyệt. Trong vài năm đầu tiên, trước khi hormone thay đổi điều hòa, chu kỳ kinh có thể thất thường, khi nhiều khi ít, lúc dài lúc ngắn.

Một số triệu chứng đi kèm với kinh nguyệt trong tuổi dậy thì gồm có: kinh nguyệt không đều, kinh ít hay nhiều, ngưng kinh nhiều tháng, hoặc có hai lần kinh trong mỗi tháng. Ở phụ nữ lớn tuổi, giai đoạn tiền mãn kinh xảy ra trước khi nghỉ kinh hoàn toàn. Trong giai đoạn nầy hormone sản xuất ra cũng giảm xuống và thất thường khiến cho kinh nguyệt không đều. Chu kỳ kinh cũng có thể ngắn hơn hay dài hơn, ra máu khi nhiều khi ít, có kinh đôi ba tháng một lần, hay chỉ có kinh vài lần trong một năm.

2. Liên hệ đến thay đổi nề nếp sống

Những thay đổi về thói quen hằng ngày cũng ảnh hưởng đến lượng hormone và dẫn đến kinh nguyệt bất thường.

Bị stress làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, kể cả khả năng sản xuất hormone, gây ra rối loạn kinh nguyệt. Những triệu chứng của stress gồm có: hồi hộp lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, tăng cân hay giảm cân.

Tập thể dục thể thao quá độ cũng làm cho kinh nguyệt thất thường. Khi ta vận động quá mức, cơ thể đốt nhiều calories, vì thế năng lượng được ưu tiên cho các cơ phận quan trọng khác với sự hy sinh của chức năng sinh lý và sinh sản. Cũng vì thế hormone bị thay đổi, làm cho kinh nguyệt thất thường.

Tương tự, tăng cân hay giảm cân quá mức, ăn uống kiêng cử thất thường cũng làm cho hormone thay đổi.

3. Liên hệ đến thuốc men

Nhiều loại thuốc thông dụng có thể ảnh hưởng đến tình trạng hormone và tác động lên chu kỳ kinh nguyệt.

Thuốc ngừa thai có chứa các loại hormone tổng hợp trực tiếp khống chế khả năng rụng trứng. Lúc mới bắt đầu dùng thuốc hay thay đổi thuốc, kinh nguyệt có thể bị xáo trộn trong vài tháng đầu tiên cho đến khi cơ thể quen dần.

Ngoài thuốc uống ngừa thai, còn có thuốc chích để ngừa thai hoặc vòng xoắn có chứa hormone cũng làm thay đổi kinh nguyệt.

Một số thuốc khác cũng ảnh hưởng đến kinh nguyệt gồm có: thuốc trị bệnh tuyến giáp, thuốc an thần, thuốc chống kinh phong, và các loại thuốc chống viêm sưng steroid.

4. Liên hệ đến việc cấn thai và mang thai

Một đôi khi phôi thai mới bám vào thành tử cung cũng làm cho ra máu chút đỉnh. Và nếu có thai ngoài tử cung sẽ làm cho ra máu, lầm tưởng là một chu kỳ kinh nguyệt bất thường. Trong trường hợp bị sẩy thai, ra máu bất thường là một triệu chứng báo hiệu phôi thai không được ổn. Cho dù thai kỳ hoàn toàn bình thường, có khoảng 25% sản phụ vẫn bị ra máu trong ba tháng đầu tiên.

Có khi sản phụ trong khi sanh bị mất máu quá nhiều cũng làm thay đổi sự cân bằng của hormone.

Ngoài ra sau khi sanh, trong thời gian cho con bú, kinh nguyệt cũng không được điều hòa.

5. Liên hệ đến các bệnh phụ khoa

Có bướu trong buồng trứng cũng làm cho ra máu bất thường và tưởng lầm là một kinh kỳ ngắn. Bướu nước trong buồng trứng hầu hết là bướu hiền, đa phần là một nang trứng không phát triển bình thường. Sự hiện hữu của bướu nước có thể vì hormone không cân bằng và làm cho trứng rụng không đều. Ngược lại chính bướu nước cũng có thể sản xuất ra hormone làm xáo trộn thêm. Thường thường, tốn khoảng sáu đến tám tuần để cho bướu tự biến mất. Trong thời gian này đường kinh bị ảnh hưởng. Để điều hòa kinh và để cho bướu mau xẹp, có khi bác sĩ cho uống thuốc ngừa thai đôi ba tháng.

Hội chứng đa nang buồng trứng (Polycystic ovarian syndrome, PCOS) cũng làm cho kinh nguyệt không điều hòa, khi có khi không.

Một tình trạng hiếm có khi người đàn bà nghỉ kinh sớm ở độ tuổi 30 (Premature ovarian failure) vì hết trứng sớm cũng làm cho kinh nguyệt bất thường.

Còn tình trạng tử cung bị sẹo bên trong ruột, còn gọi là Asherman syndrome do nhiễm trùng, hay bị mổ xẻ, nạo vét tử cung cũng làm cho ra máu bất thường. Tương tự tình trạng bị sẹo sau khi mổ cũng làm cho cổ tử cung bị nghẽn cũng làm són kinh bất thường.

Nói chung, nếu bị ra máu khi có thai hay nghi ngờ có thai thì nên liên lạc với bác sĩ ngay. Trong trường hợp còn lại, nếu thấy kinh bất thường, chỉ nên đợi khoảng vài ba tháng chờ cơ thể tự điều chỉnh trở lại bình thường. Trong thời gian chờ đợi, nên theo dõi và ghi rõ ngày tháng và số ngày có kinh cũng như kinh nhiều hay ít, để khi gặp bác sĩ sẽ dễ dàng cho việc định bệnh và chữa trị. (Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh & Bác Sĩ Hồ Vũ Mỹ Liên)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT