Thursday, April 18, 2024

Nửa năm trên Facebook

 

Tuyết Vân

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Khi nghe tôi đang viết về cảm tưởng của mình sau nửa năm dùng Facebook liên lạc với bạn bè cũ, Thuỳ, bạn tôi, cười chọc: “Thiên hạ dùng Facebook nát nước mà giờ này chị viết nửa năm trên Facebook!”

Đâu có sao. Cũ người ta, mới của mình.

Mà sao lại nửa năm? Thường thì người ta viết một năm chứ?

Nửa năm là đủ rồi. Thời đại kỹ thuật nhanh lắm. Cứ nửa năm lại có một cái mới ra đó sao. Chờ tới một năm thì còn ‘nát nước’ nửa.

Thùy qua đây sớm ở cái tuổi nhỏ hơn tôi nhiều. Cô không còn một bạn bè nào trong nước. Với tôi, nửa năm qua hay nói đúng hơn ba tháng đầu với Facebook là một cuộc hành trình ngạc nhiên và thú vị.

Tháng Mười Hai năm ngoái, một người bạn khuyên tôi nên có Facebook để liên lạc với bạn bè thuận tiện hơn. Bắt đầu từ đó tôi nhận được nhiều tin tức hình ảnh qua lại từ những bạn bè cũ trực tiếp và gián tiếp của mình. Tôi xa bạn học cùng trường đã trên 40 năm. Người nhớ người quen nhưng qua Facebook tôi lần lượt nhận diện lại được từng người bạn của mình.

Thật ra lúc đầu cũng bỡ ngỡ lắm. Người nhớ thì đã đành nhưng người quên hoặc không biết thì cũng khó hỏi. Lòng tôi háo hức muốn biết từng người một. Cứ mỗi lần như vậy tôi lại phải hỏi qua anh bạn đồng lớp nhưng không cùng lớp ngày xưa. Biết tên anh từ những năm học lớp 8, lớp 9 và bây giờ qua Facebook với tấm hình profile của anh, tôi mới nhận ra bao nhiêu năm nay mình đã biết nhầm người. Buồn cười vậy đó. Từ đó anh trở thành một người bạn thân và còn hơn thế nữa một người bạn thân đồng hương.

Tôi gặp lại chị bạn đã có thời chơi chung với nhau khá là thân. Chị nhắc lại những ngày hai chị em ngồi ở lan can lầu nhà chị làm thơ. Đó là cái thời tôi còn học ở bậc tiểu học và chị thì đang học ở lớp Sáu hay lớp Bảy. Tôi hoàn toàn quên về chuyện này hay nói đúng hơn câu chuyện nằm sâu trong lớp màn ký ức. Nửa đêm tôi thức dậy trăn trở nhớ đến chuyện ngày xưa, nhớ cái nóng những ngày hè ở quê nhà và những ngày mơ mộng non trẻ. Nghĩ đến hai chữ “làm thơ” chị nói, tôi bật cười. Phải nói là hai chị em rặn thơ mới đứng. Có những hôm chúng tôi bỏ cả tiếng đồng hồ để tìm chữ nọ vần với chữ kia. Có những hôm bài thơ không viết hết được cũng vì không kiếm ra được vần. Tội nghiệp vậy đó. Tội nghiệp cho những bài thơ bỏ dở của hai chị em. Nhưng chúng thật sự không mất đi đâu hết, chứng chỉ nằm trong lớp bụi kỷ niệm của thời gian thôi.

Có lần, một anh bạn gửi tới cái tin nhắn với một sự ngạc nhiên khi nhận ra tôi và một cô bạn gái nữa là ai. Anh viết ra đầy đủ tên lẫn họ của hai đứa. Khi đọc những dòng chữ của anh, không biết sao tôi cứ tưởng tượng như anh nằm trên chiếc võng và bất ngồi dậy thảng thốt nhận ra bạn của mình. Năm học đó, chúng tôi bốn đứa chơi rất thân với nhau. Giờ học về đi chung và nói chuyện huyên thuyên đủ điều. Hai đứa con trai và hai con gái đi chung với nhau thì dĩ nhiên có nhiều chuyện vui để nói và trao đổi qua lại. Cảm ơn anh đã cho tôi nhớ lại cái khoảng thời gian đó.

Tháng Mười Hai là một tháng rộn ràng trong năm. Vừa xong lễ Giáng Sinh, Tết Tây, người ta bắt đầu chuẩn bị ăn Tết Ta. Bạn bè ăn Tết rất lớn. Lần đầu tiên tôi mới thấy một cây mai chứ ngày trước chỉ biết có cành mai mà thôi. Text qua cậu em của cô bạn mình hỏi có phải đó là cây mai không thì cậu cho biết nhà vườn bây giờ chơi mai lớn như thế. Nhà tôi ở khá xa khu phố Việt mình đây nên Tết thì cũng âm thầm thôi. Bạn bè mỗi ngày post lên những tấm hình mới. Có người lên hình bàn thờ trang trí ở nhà. Có người lên hình đi lễ chùa, đi thăm mộ, hay thăm bà con. Mỗi tấm hình đưa lên tôi bấm “Like.” Không “Like” làm sao được khi những tấm hình đó đã cho tôi biết lại được cái hương vị Tết ngày xưa trong văn thơ mà tôi đã học. Tôi có cảm giác như mình được ăn Tết chung với gia đình bạn. Thật sự, tôi đã bấm “Like” với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn.

Có một cái post làm tôi rất cảm động từ anh bạn đưa lên tấm hình của mẹ mình vừa mới ở bệnh viện về. Anh viết, “Sau trận đau phải nhập viện, nay mẹ tui được như vầy, mừng ghê”. Má tôi cũng vừa hồi phục qua cơn bệnh nặng lúc đó. Tôi hiểu được cái mừng của anh. Anh phải là một người con có hiếu. Và tôi đã bấm “Like” với hình của trái tim. Đó là trái tim đầu tiên tôi viết lên Facebook. Mong cho bà được khỏe mạnh, sống lâu với con cháu.

Có nhiều tấm hình tôi bấm “Like” không phải từ bạn bè cũ đưa lên. Đó là những tấm hình cho tôi thấy cái đẹp trong cuộc sống và sự thăng hoa của con người. Hình của những bạn nữ tuổi chắc khoảng vừa ngoài năm mươi xinh xắn ngồi trò chuyện trong một tiệm cà phê. Nó cho tôi thấy được sự tự do của người phụ nữ mà thời gian tôi lớn lên ở quê nhà chưa thấy được. Một tấm hình khác cũng của những người nữ trẻ (không biết sao đàn bà nhiều hơn đàn ông) đi tắm biển trong chiếc quần ngắn và áo thun. Đơn giản vậy thôi. Năm người cười toe đưa tay cao giấu hiệu chữ V. Tôi nhìn thấy trong họ một sự tự nhiên, mạnh dạn mà chắc ngày xưa tôi không bao giờ dám làm. Tôi “Like” những tấm hình đó hết.

Bạn bè còn share những trang mạng khác đã đọc qua với nhiều đề tài khác nhau từ nấu ăn, phong cảnh, văn thơ, hay thời sự. Một trong những cái share mà tôi rất thích đó là bài thơ dài ‘Em Ơi Hà Nội Phố’ của nhà thơ Phan Vũ. Bài thơ này có phổ nhạc. Thường thì bản nhạc làm bài thơ thăng hoa, dễ đi vào lòng người, trong trường hợp này phải đọc bài thơ mới biết hết cái đẹp của nó. Tôi “share” riêng vào “Timeline” của mình để khi nào thích thì lên đó đọc.

Từ ngày gặp lại bạn bè cũ trên Facebook, cái cảm tưởng ly hương não nùng của mấy mươi năm qua tan biến hết. Tôi nhìn thấy quê mình gần lắm, như chỉ đứng từ bên này bờ ngó qua bên kia. Quê hương nằm ngay trong tầm mắt. Cái thị trấn của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Những căn nhà lầu cao tầng mọc lên. Quán cà phê, nhà hàng và cả con người nữa đã thay lên một lớp áo của đời sống mới, đẹp hơn. Tôi không nhận ra được ngoại trừ một vài tấm hình chụp còn lại từ mấy mươi năm trước. Vậy mà tôi vẫn không thấy lạ. Người ta nói, quê hương là chùm khế ngọt. Quê hương của tôi, cái thị trấn nhỏ nằm hai bên quốc lộ 1, không hề có chùm khế ngọt, rặng dừa xanh hay con sông nhỏ. Con sông Đập Đá thời tôi lớn lên khô cằn quanh năm. Quê hương của tôi chính là con người mà chỉ cần nghe cùng học chung ở mái trường xưa là đã thấy thân thiết rồi.

Mấy mươi năm nay, tôi đưa gia đình đi thăm viếng nhiều nơi qua những thành phố và cảnh trí thiên nhiên khác nhau. Những ngày tháng sắp tới trong tuổi về hưu, chắc chúng tôi sẽ có thêm những chuyến đi khác nhưng có một nơi tôi sẽ không đi mà chỉ có trở về. Nơi đó chính là quê hương, cái thị trấn nhỏ (chắc không còn nhỏ nữa), mái trường xưa và bạn bè thân thương cũ.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Bánh kẹp lá dứa nước dừa”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT