Tuesday, May 21, 2024

Sài Gòn giới nghiêm

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Những ngày Sài Gòn giới nghiêm, im lìm như thành phố ngủ say, còn kéo dài đến ngày 15 Tháng Chín, không còn bóng người nhộn nhịp trên phố đông vui như thế này. (Hình minh họa: Quang Nguyen Vinh/Pixabay)

Có lần bệnh nhân gọi lấy hẹn khám mắt, tôi cần bác ấy đọc thông tin bảo hiểm. Bác có tuổi nên chậm chạp đánh vần số thẻ. Tôi đọc lại: “Dạ, S như Việt Nam hình cong như chữ S, 5, 7, 2 M như…”

Có tiếng cười vang bên đầu dây bên kia, giọng Bắc run run: “Tôi đoán là cô nhớ quê hương lắm! Nên mới ví von vần S như hình dáng địa lý nước Việt trên bản đồ.”

“Vâng, thưa bác. Quê hương nằm trong tim ai mà quên được, bác ơi!,” tôi cười nói.

“Huống hồ chi suốt mấy tháng qua theo dõi tin tức quê nhà từng ngày,” tôi nói thầm.

Chuyện quái quỷ gì đã xảy ra trên quê mẹ? Không chiến tranh, không mùi khét lẹt của khói súng, bom rơi, đạn nổ. Vậy sao từng đoàn người tháo chạy khỏi thành phố. Khuôn mặt lo lắng, đầy nét sợ hãi!

Sài Gòn giới nghiêm, im lìm như thành phố ngủ say. Không một tiếng rao hàng gọi mời. Không bóng người nhộn nhịp trên phố đông vui. Đâu rồi những cặp tình nhân trẻ hẹn hò, e ấp bên ly cà phê quán bên đường? Những dây nhợ, hàng rào kẽm gai chặn lối vào khu phố. Cửa đóng, then cài. Tất cả thinh không.

Chỉ còn tiếng còi hụ của xe cứu thương lao vun vút trên phố vắng.

Đọc đến đây mọi người cũng nghĩ ra con virus Corona đã đánh gục tang hoang từng quốc gia trên thế giới suốt hai năm qua và bây giờ là Việt Nam.

Cách đây một năm khi Mỹ và các nước Châu Âu gồng mình chiến đấu với cơn dịch. Mọi chiến lược được đưa ra để ngăn chận dịch bệnh, đồng thời bảo vệ đời sống dân tình bớt nhốn nháo, xáo trộn. Giữ cho xã hội ít nhất về “cung và cầu” của ngành hàng hóa, thực phẩm ổn định. Nghĩa là cứu nông dân thoát khỏi cảnh mùa màng thu hoạch bị đổ sông, đổ biển và người dân không chết vì đói trước khi chết vì nạn dịch.

Một năm trời trôi qua các ông cán bộ cấp cao ở Việt Nam không ngừng huyên hoang tuyên bố: “Chúng ta thắng giặc COVID-19,” “Con virus đến nước ta là không làm gì được ta cả,” “Đó là do chế độ ưu việt của đảng nên dân ta sống hạnh phúc”…

Quả là những lời phát biểu thiếu kiến thức khoa học, ngông cuồng. Bệnh phô trương thành tích, sáo ngữ là căn bệnh thế kỷ của chế độ Cộng Sản.

Người ta có quyền chống đối chế độ Cộng Sản. Không thích chính sách cai trị độc đảng, hèn với giặc Tàu, hà hiếp dân.

Nhưng, không một ai quay lưng với dân tộc vốn đã gánh chịu quá nhiều đau khổ từ thuở lập quốc. Chiến tranh khói lửa triền miên, lũ lụt, nạn đói, vượt biển…

Sài Gòn những ngày phong tỏa vì đại dịch COVID-19 cửa đóng, then cài. Tất cả thinh không. (Hình minh họa: Nghĩa Phạm/Pexels)

Năm 2017, tôi tham gia buổi văn nghệ thiện nguyện thành phố Frankfurt, Đức, quyên góp giúp các em nghèo Việt Nam chữa bệnh.

Các bạn người Đức ủng hộ mua vé, lái một chặng đường xa đến tham dự và đóng góp. Giờ giải lao tôi có trò chuyện với bạn nghe rằng: “Nếu có điều ước tôi mong không thường xuyên có những buổi thiện nguyện như thế này nữa!”

Bạn ngạc nhiên hỏi tại sao?

Tôi trả lời: “Bởi vì khi nào người Việt khắp nơi trên thế giới đều đặn quyên góp để giúp người nghèo quê nhà. Có nghĩa nước tôi còn nghèo, dân tôi còn đói khổ!”

Khi nào những đứa trẻ đồng bằng miền quê hay cao nguyên vẫn còn bụng đói, chân đất đến trường, trường học xiêu vẹo, dột nát, chứng tỏ một hệ thống chính quyền yếu kém, vô dụng, không đủ tài, đủ kiến thức để lo cho dân đầy đủ.

Và bây giờ thêm cơn đại dịch hoành hành khắp ngõ ngách, làng xóm, thôn quê, thành thị. Nông dân khốn khổ nước mắt lưng tròng. Người bán hàng rong, bán vé số chạy vạy kiếm từng bữa cơm qua ngày. Nay trốn vào góc tối. Người lớn, trẻ em ôm đầu ngơ ngác, hoang mang.

Trong bệnh viện các bác sĩ, y tá trùm kín bộ đồ bảo hộ từ đầu đến chân, đang cố gắng chiến đấu ngày đêm với con virus quái ác, giành lại mạng sống mong manh cho từng bệnh nhân.

Những ánh mắt tuyệt vọng, những bộ ngực thoi thóp, lép kẹp, thở dốc, rướn từng cơn, rồi tắt lịm. Nhân sinh khốn khổ, điêu linh!

Thế nhưng, trong cơn hoạn nạn vẫn có những đóa hoa tình thương nở thơm ngát. Vẫn còn những con người sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo. Những chuyến hàng tiếp tế lương thực tìm cách gõ cửa đến từng gia đình hay những hộp cơm nóng sốt trao tặng cho các bác sĩ, y tá, tiếp sức để họ đương đầu với virus quái ác, chữa trị cho bệnh nhân.

Vẫn còn đâu đó những tấm lòng vàng gởi tặng những chiếc xe cứu thương dã chiến để giúp người bệnh COVID-19 đang vật vã.

Và chúng tôi – những người sống xa quê hương – đều đồng lòng hướng về Việt Nam.

Và đó cũng là chủ để mà nhóm Sư Phạm Sài Gòn đề nghị cho chương trình văn nghệ “Hướng Về Sài Gòn.”

Bạn Việt trong ban tổ chức gọi cho tôi, nói sơ về chủ đề vào Tháng Chín. Nhận lời với Việt, vài ngày sau tôi gởi bài nhạc để Việt nghe xem có hợp chương trình.

Vâng, nỗi nhớ Sài Gòn bây giờ còn có nỗi buồn, còn có day dứt, có niềm đau chung khi cả dân tộc đang gánh chịu cơn đại dịch.

Lời nguyện cầu vang lên trong ngôi thánh đường cùng hướng về quê hương. Xin bình an cho dân tộc!

Hãy hướng về Sài Gòn, về Việt Nam. Gởi đến người Sài Gòn, bạn bè thân quen hay chưa quen và dân nghèo tình yêu tràn ngập trong tim. Hãy góp một bàn tay xoa dịu nỗi đau trên quê hương mà dân nghèo đang khốn khổ gánh chịu! (Bích Ngọc) [qd]

MỚI CẬP NHẬT