Monday, March 18, 2024

Thích uống trà

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Tôi vẫn có thói quen mở hàng đầu ngày bằng một tách cà phê đen nóng. Mỗi sáng, thức dậy từ 5 giờ, đun nước pha cà phê, rồi ngồi… thiền với ly cà phê trong bóng tối, chờ mặt trời mọc, và tập thể dục hay đi bộ nếu là cuối tuần. Ngày nào cũng thế, suốt hơn 30 năm rồi. Cái thói quen bắt đầu từ thuở còn đi thực tập nội trú trong bệnh viện, uống cà phê để tỉnh ngủ trong suốt 36 giờ làm việc liên tục.

Gần đây, tôi lại có thêm một tật mới: thích uống trà. Tại sao không gọi là thói quen? Chắc có lẽ… già, sinh tật.

Cho tới cách đây 5 năm, bệnh nhân thường hay biếu cho tôi rượu để ăn mừng cho những em bé được chào đời. Tôi xem đó như những huy chương vàng, và yêu cầu bệnh nhân ký tên lên những chai rượu quý hiếm đó. Hậu quả là một tủ rượu, trưng bày, nhưng ít khi uống.

Gần đây, không còn rượu, nhưng lại thêm một tủ trà, đủ loại trà: Đông, Tây, và Ấn Độ… Dần dà ngoài trà Việt thuần túy, tôi làm quen lần với những cái tên trà mà trước đây chưa từng biết, thí dụ như trà Thiết Quan Âm Ô Long, trà Đại Hồng Bào, Hồng Trà, Bạch Trà, trà xanh, và, trà đen Phổ Nhĩ.

Cái tên Phổ Nhĩ  (Pu’er tea) nghe qua hơi giống như tên nấm tai mèo Mộc Nhĩ, mà khi pha uống có mùi mốc giống như… gỗ mục. Thật ra trà Phổ Nhĩ là đặc sản xuất xứ từ Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có mùi vị khá giống với chè đen của Việt Nam nhưng nhờ cách chế biến công phu, nó không giống với bất kỳ loại trà nào khác.

Trà Phổ Nhĩ được làm từ lá và thân của cây Camellia sinensis. Đây cũng là cây trà được sử dụng để chế biến ra các loại trà xanh, Ô long và trà đen. Cây trà lúc đầu mọc hoang dã trên núi cao ở vùng Vân Nam, sau đó được trồng hàng chục năm rồi mới bắt đầu thu hoạch để chế biến. Cây trà càng lâu năm thì sẽ càng cho ra loại trà thượng hạng, có cây đến hàng trăm tuổi vẫn còn được sử dụng tốt.

Có hai loại trà Phổ Nhĩ, tùy theo quy trình sản xuất:

Phổ Nhĩ sống: trà được làm khô bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời. Các enzyme, vi khuẩn trong trà không bị hủy diệt hoàn toàn mà sẽ tham gia vào quá trình lên men khi lưu trữ. Quá trình lưu trữ trà Phổ Nhĩ có thể kéo dài đến 100 năm. Đây là cách làm cổ truyền hàng nghìn năm tại Phổ Nhĩ. Giống như rượu vang ủ lâu năm thì trà Phổ Nhĩ sau khi lên men đạt tiêu chuẩn thì càng để lâu, càng ngon, càng đắt tiền.

Phổ Nhĩ chín: sự lên men nhân tạo trong nhà máy, rút ngắn chỉ trong vòng vài tháng.

Vì được oxide hoá toàn phần, cho nên tính chất antioxidant không được nhiều như các loại trà xanh nhưng vẫn giữ được công hiệu giảm cân, giảm cholesterol, thông mạch máu, và giảm đường trong máu.

Một nghiên cứu cho thấy trà Phổ Nhĩ có thể làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, do đó có thể giảm nguy cơ mạch máu bị đóng vảy. Trong khi đó một nghiên cứu khác cho thấy, trà Phổ Nhĩ làm giảm mức độ hư hại của các tế bào  thần kinh trong các loài chuột bọ. Và gần đây, một nghiên cứu cho rằng trà này có thể làm giảm nồng độ uric acid trong những người bị bệnh gout.

(Hình minh họa: Getty Images)

Một nghiên cứu trong trong tháng vừa qua, cho thấy loại trà đen này làm thay đổi môi trường vi khuẩn tốt trong ruột, theo chiều hướng tốt. Cụ thể, chất polyphenols trong trà làm tăng mật độ vi khuẩn tốt, Akkermansia muciniphila. Sự có mặt của loại vi khuẩn này, làm giảm nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, viêm kinh niên.

Một nghiên cứu khác chứng minh, trà Phổ Nhĩ có thể trực tiếp làm giảm lượng đường trong máu, bằng cách khống chế enzyme alpha-glucosidase và alpha-amylase. Nói cho dễ hiểu, là hiệu ứng tương tự như thuốc trị bệnh tiểu đường Acarbose mà không bị phản ứng phụ.

Lại một nghiên cứu, chứng minh khi cho chuột uống trà trong vòng 4 tuần, lượng máu insulin và đường sẽ tuột giảm. Đồng thời, trà giảm hiện tượng “advanced glycation end-products”, gọi tắt là AGEs, hiểu nôm na là hiện tương thắng đường của các tế bào, làm hư hại và lão hoá.

Dĩ nhiên, uống trà nói chung có thể có phản ứng phụ vì chứa caffeine, ví dụ như nhức đầu, căng thẳng thần kinh, khó ngủ, ói mửa, tiêu chảy, khó chịu, nhịp tim không đều, run, ợ nóng, chóng mặt, ù tai, co giật và lẫn lộn.

Một số thuốc Tây có thể bị tương tác với trà Phổ Nhĩ gồm có:

  1. Amphetamines, Cimetidin, Cocaine, Ephedrine, Adenosine, thuốc trụ sinh, Clozapine, Dipyridamole, Disulfiram, Estrogens, Fluvoxamine, Lithium.
  2. Một số loại thuốc trị bệnh hen suyễn bao gồm albuterol (Proventil®, Ventolin®, Volmax®), metaproterenol (Alupent®), terbutaline (Bricanyl®, Brethine®) và isoproterenol (Isuprel®).
  3. Một số thuốc dùng cho trầm cảm bao gồm phenelzine (Nardil®), tranylcypromine (Parnate®) và những loại khác.
  4. Một số thuốc làm chậm đông máu bao gồm aspirin, clopidogrel (Plavix®), diclofenac (Voltaren®, Cataflam®, những loại khác), ibuprofen (Advil®, Motrin®, những loại khác), naproxen (Anaprox®, Naprosyn®, những loại khác®), dalteparin (Fragmin®), enoxaparin (Lovenox®), heparin, warfarin (Coumadin®) và những loại khác.

Nói chung, cho dù các tương tác với thuốc Tây kể trên có thể xảy ra, nhưng rất hiếm. Cũng như các loại trà xanh khác, trà Phổ Nhĩ rất an toàn. Theo cá nhân tôi, càng uống, càng thích.

Khi viết bài nầy, tôi tình cờ tìm được hình ảnh của các cụ, áo dài khăn đóng, ngồi uống trà thời xưa. Nhìn kỹ, các cụ độ tuổi 40 ngoài là nhiều. Tôi cũng còn nhớ khoảng thập niên 1960’s, ông cụ ba của tôi, tối ngày uống trà nóng từ sáng đến chiều. Bây giờ, tuổi của tôi còn cao niên hơn ba tôi ngày xưa. Ôi thôi, già sinh tật! Thú uống trà chắc không phải là tật xấu.

Từ cà phê đến rượu, hết ruợu đến trà, và hết trà, có lẽ sẽ tìm hiểu thêm về nhân sâm. Còn một mớ nhân sâm đủ loại, được bệnh nhân biếu mà chưa dám dùng!

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT